Xiếc nhí và những bước mưu sinh lầm lũi

Thứ Sáu, 07/03/2008, 13:30
Nguyễn Thanh Sơn, 12 tuổi, nhà quận 7, kể rằng em học xiếc từ một người thầy dạy đàng hoàng khi mới 8 tuổi. Và cũng đã 4 năm nay, hầu như đêm nào Sơn cũng đi diễn tới hơn 3h sáng mới về nhà. Sơn kể, nhà em nghèo lắm, bố chạy xe ôm, mẹ bệnh dặt dẹo quanh năm, nhà có hai anh em thì Sơn là lớn, đứa em mới 7 tuổi cũng đã có hơn 2 năm trong nghề...

0h đêm, quán nhậu vỉa hè khu vực Thị Nghè, TP HCM vẫn còn một vài bàn. Trời lạnh se sắt, một vài khách ngà ngà say bỗng giật mình vì một tiếng hét, rồi tất cả hướng về phía cậu bé chừng 12 tuổi, mặc bộ võ phục kiểu Thiếu Lâm tự, tròn mắt nhìn cậu bé dùng đũa gắp một cục than hồng đang cháy bỏ vào miệng và nhai rau ráu. Tiếp đó là những tiết mục nuốt rắn, ăn bóng điện, quay bóng, quay dĩa và kết thúc là cảnh một cậu bé loắt choắt cầm thùng đến từng bàn nhậu để "quyên" tiền...

Đêm đêm, bước chân của những diễn viên xiếc nhí, có đứa chưa đến 4 tuổi đã trải dài, lầm lụi trên những phố nhậu khắp Sài Gòn...

Những "nghệ sĩ" đường phố

Đêm gần tết, tình cờ phát hiện một phụ nữ to béo chở theo hai đứa nhỏ mặc bộ võ phục Thiếu Lâm tự chạy dọc theo bờ kênh Thị Nghè, tò mò vì cách ăn mặc không giống ai của hai cậu bé, chúng tôi lặng lẽ bám theo. Đến một quán nhậu gần cầu Bông, người phụ nữ dừng xe lại, ngắm nghía rồi lại dong xe đi tiếp. Qua khu Miếu Nổi, nơi có một quán ốc khá sầm uất, người phụ nữ dừng xe lại hất hàm xì xầm với hai cậu bé. Rồi hai cậu lặng lẽ tiến về phía mấy bàn nhậu.

Chúng tiến đến bàn đông khách nhất, lặng lẽ lôi ra từng món đồ nghề trong chiếc túi du lịch đen nhỏ. Cậu lớn bỗng hét to lên một tiếng, khi tất cả thực khách trong quán nhậu đều hướng về phía cậu, cậu bèn gắp cục than hồng từ trong một cái lò nhỏ đem theo, thổi phù phù cho hồng rực, từ từ bỏ vào miệng, nhẹ nhàng như bỏ một miếng thịt. Làn khói nho nhỏ bốc ra từ miệng cậu như người ta hút thuốc. Tắt khói, cậu liền há miệng ra và hướng nó về phía những khán giả bất đắc dĩ.

Khi thực khách vừa hoàn hồn, cậu liền cầm lên một con rắn nhỏ màu xanh, và lại hét lên một tiếng. Mọi người lại tập trung về phía cậu. Cậu bé chậm rãi bỏ con rắn vào miệng và sau khoảng 2 phút đã nuốt trọn con rắn, đuôi con rắn vẫn ngọ nguậy trên miệng cậu bé. Cậu đến từng bàn nhậu cho thực khách “tận mục sở thị” rồi dùng tay lôi con rắn ra trước sự kinh ngạc của mọi người.

Vũ đang biểu diễn nuốt rắn.

Kết thúc sô diễn, công việc đầu tiên của hai cậu bé là đem tiền lại chỗ người phụ nữ to béo đang đứng cách quán nhậu chừng 50m. Khi cậu bé đến quán thứ 3 để biểu diễn, chúng tôi lại gần tính hỏi chuyện, người phụ nữ to béo đã tiến lại và kéo tay hai cậu bé lên xe, phóng đi...

Cách đây 3 năm, khi có dịp công tác tại Cần Thơ, người viết bài này bắt đầu biết đến hai từ “xiếc nhí”. Khi ấy, tại một quán nhậu gần sông, tất cả thực khách đều há miệng kinh ngạc chứng kiến một cậu bé chừng 15 tuổi biểu diễn màn nuốt kiếm. Cậu bé từ từ đưa thanh kiếm bóng loáng vào miệng rồi ngửa thẳng cổ ấn sâu vào cổ họng cho đến khi chỉ còn chuôi. Biểu diễn xong cậu còn đem kiếm đến từng bàn cho người xem biết đấy là kiếm thật.

Cậu nói tên là Kha, quê Quảng Trị, tập võ từ hồi 6 tuổi và đã luyện khí công đến tầng thứ... 6 mới có khả năng nuốt kiếm. Sau khi được thực khách thưởng một ít tiền và một ly rượu, Kha liền say sưa kể thêm rằng, cậu là một trong những trưởng nhóm xiếc dạo, có thể biểu diễn thành thạo nhiều chiêu độc như nuốt rắn sống, dùng kim đâm qua thịt, nuốt lưỡi lam và bóp nát bóng đèn.

Kha kể, nhóm của cậu gồm 5, 6 người đi khắp nơi, không nơi nào ở quá một tháng trừ Sài Gòn. Nơi nhóm Kha đến thường là những đô thị có nhiều quán nhậu. Mỗi chuyến đi, nhóm của Kha thường phải có 4 người trở lên và phải có mấy cậu bé đi theo, biểu diễn vài chiêu vặt để dễ xin tiền. Khi tôi hỏi về võ, cậu bé cười thật thà: "Tụi em cũng được học võ, nhưng chỉ là võ vặt, quần áo này chỉ là lòe người thôi...".

Lầm lụi mưu sinh

Không ai thống kê được có bao nhiêu “gánh” xiếc nhí trên địa bàn TP HCM, nhưng một chủ quán nhậu trên đường Nguyễn Thái Học đã thống kê được không dưới 10 nhóm từng xuất hiện trong quán của ông. Chúng thuộc lòng những “con đường bia bọt” còn hơn dân nhậu chính hiệu, từ Thị Nghè, khu lẩu dê Lê Văn Sỹ đến khu nhậu vỉa hè có phần sang trọng trên đường An Dương Vương, Lê Hồng Phong.

Nguyễn Thanh Sơn, 12 tuổi, nhà quận 7, kể rằng em học xiếc từ một người thầy dạy đàng hoàng khi mới 8 tuổi. Và cũng đã 4 năm nay, hầu như đêm nào Sơn cũng đi diễn tới hơn 3h sáng mới về nhà. Sơn kể, nhà em nghèo lắm, bố chạy xe ôm, mẹ bệnh dặt dẹo quanh năm, nhà có hai anh em thì Sơn là lớn, đứa em mới 7 tuổi cũng đã có hơn 2 năm trong nghề. Thời gian đầu, đêm đi làm, ngày vẫn đi học. Được một thời gian thì Sơn bỏ học luôn, bởi 2h sáng mới về mà ban ngày còn phải luyện các ngón nghề nên không có thời gian đi học nữa.--PageBreak--

Sơn kể, khoảng 7h tối, hai anh em Sơn được chở đến khu phố nhậu Cầu Muối hoặc khu An Dương Vương để "đi sô". Thường thì Sơn biểu diễn, cậu em đi thu tiền bằng một chiếc chậu sứ nhỏ, cũng có khi em Sơn biểu diễn còn Sơn thu tiền...

Đêm ấy, khách nhậu được một phen kinh hoàng khi thấy cậu bé biểu diễn màn nuốt lửa, hai thanh sắt cuốn vải được tẩm dầu, bốc cháy được cậu bé há to miệng và nuốt gọn ngọn lửa. Cũng có khi cậu ngậm dầu rồi phun ra từ miệng thành từng cuộn lửa như những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp...

Sơn kể rằng, cha cậu đã phải bỏ ra 500 ngàn cho cậu đi học xiếc từ một người trong xóm. Thời gian đầu, cậu được học đơn giản là tung banh, xoay banh rồi mới học đến những ngón nghề khó hơn. Nhưng ngay trong thời gian đầu ấy, cậu phải đi biểu diễn không công, được bao nhiêu tiền phải đem về cho thầy, đứa nào giấu tiền mà thầy biết được sẽ bị no đòn. Nhiều đêm, chỉ được dặm bụng ổ bánh mì, Sơn phải theo các đàn anh đi khắp quán nọ, hẻm kia để biểu diễn, có lần đói quá, nhìn người ta ăn, uống mà thèm đến tím ruột.

Lần đầu tiên biểu diễn nuốt rắn, Sơn nôn ra mật xanh mật vàng tại quán nhậu, và lần ấy cậu bị chủ quán nhậu tát tai muốn nổ đom đóm mắt. Và rồi cậu phải mất cả đêm để lau chùi quét dọn cho quán nhậu kia. Sơn còn nhớ đó là một quán nhậu vỉa hè khu Cầu Muối.

Bây giờ, Sơn sợ nhất là biểu diễn tiết mục “ăn” than hồng. Nhưng đây là tiết mục ăn khách nên hầu như đêm nào Sơn cũng phải biểu diễn hàng chục lần. Đi bao nhiêu quán nhậu là bấy nhiêu lần phải “ăn” than. Thời gian đầu nuốt than, môi và lưỡi cậu bé luôn sưng rộp vì bỏng, nhưng bây giờ thì Sơn không còn cảm giác bỏng nữa nhưng nếu đêm nào biểu diễn tiết mục này vài lần ăn gì cũng không thấy cảm giác. Cũng có lần nuốt rắn bị rắn cắn, cổ họng sưng vù...

Nhưng đấy là tai nạn nghề nghiệp. Còn những tai nạn không thuộc về nghề nghiệp cũng lắm. Không ít lần Sơn bị các tay nhậu say xỉn ép uống rượu đến “quắc cần câu”, có khi uống được thưởng tiền, có khi lại được “thưởng” bạt tai và đá đít, đấy thường là những khi Sơn uống không nổi.

Cũng có ông khách sộp “bo” hẳn 100 ngàn sau khi xem anh em Sơn biểu diễn, cũng có ông đuổi như đuổi tà. Lúc đầu, cứ thấy người ta đuổi là Sơn đi, nhưng sau Sơn nghiệm ra rằng, cái nghề xiếc dạo này phải lì mới có nhiều tiền. Thế là không ít lần, hai anh em cậu bé và đồng nghiệp chơi chiêu “không cho tiền, không biến”. Sơn bảo, dùng “chiêu” này cũng có cái lợi, cũng có cái hại, có khi người ta cho tiền để mình "biến" cho khuất mắt, có khi lại ăn đòn vì sự lì lợm đó, mà mấy ông say xỉn thì khi động tay động chân đâu có nương nhẹ...

Tôi hỏi một đêm kiếm được bao nhiêu? Sơn ậm ừ nói: “Khoảng chừng hơn 100 ngàn thôi chú, nếu đêm nào có em con đi thì hai anh em cũng kiếm được gần 200 ngàn”. Khi tôi hỏi có phải nộp tiền cho ai không thì cậu bé im lặng...

Mỗi gánh xiếc nhí thường có ít nhất 3 người, hai cậu bé biểu diễn, một người (thường là người lớn) đứng từ rất xa để điều khiển mọi hoạt động của chúng.

Tiếp xúc với chúng tôi, nghệ sĩ xiếc Trần Bình, Hội viên Câu lạc bộ Xiếc Ảo thuật TP HCM nói: “Sẽ rất nguy hiểm khi các em bé học và biểu diễn xiếc mà không được đào tạo bài bản. Ngoài việc ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, biểu diễn nuốt lửa, nuốt rắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng miệng, hệ hô hấp, cơ thể của các em.

Tôi chưa nghe thấy một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra nhưng không thể nói sẽ không có tai nạn nguy hiểm, khi mà các em dám biểu diễn nuốt kiếm, nuốt rắn, nuốt lửa, đây là những tiết mục biểu diễn phải qua đào tạo, luyện tập công phu mà ở lứa tuổi chưa thành  niên thì không nên".

Tôi hỏi bây giờ Sơn mong muốn gì nhất? Cậu bé ngước nhìn lên bầu trời, nói nhỏ: "Trời mưa, sẽ được nghỉ ở nhà và ngủ một giấc no...".

Nói rồi, cậu bé cuốn đồ nghề bỏ vào chiếc túi du lịch nhỏ, Sơn bảo rằng hai anh em phải đi quán khác, đêm nay mới qua 6 quán nhậu, chưa được 100 ngàn đồng. Tôi nhìn đồng hồ, đã chỉ hơn 1 giờ sáng. Và, hai anh em Sơn dắt tay nhau lầm lụi khuất dần trong màn đêm

Thuận Thiên
.
.