Phỏng vấn Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam:

Xử lý tội phạm là người nước ngoài thế nào?

Thứ Năm, 05/02/2009, 13:45
Interpol Việt Nam đã thực sự đóng vai trò quan trọng của cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm của các lực lượng nghiệp vụ trong nước và là "cánh tay" nối dài của Cơ quan điều tra trong nước khi có những yêu cầu điều tra xác minh ở nước ngoài.

Hoạt động của các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài đang  có xu thế mở rộng địa bàn tại nhiều tỉnh, thành Việt Nam

PV: Bước vào năm 2008, theo dự báo của Văn phòng Interpol Việt Nam thì tình hình hoạt động tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài sẽ có những biến động phức tạp. Diễn biến tình hình tội phạm năm 2008 có đúng như thế không, thưa ông?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Năm 2008, tình hình thế giới và trong khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Vấn đề bạo lực vẫn gia tăng ở Trung Đông và Iraq, hoạt động khủng bố, đe dọa khủng bố diễn ra ở nhiều nước, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường gây bất ổn định về an ninh chính trị. Vấn đề xung đột lãnh thổ, vũ khí hạt nhân là những vấn đề  phức tạp nhạy cảm, liên quan đến nhiên liệu, môi trường, thực phẩm toàn cầu tác động nhanh đến tất cả các nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển và các nước nghèo. Đặc biệt, sự suy thoái về kinh tế và sự không ổn định của thị trường chứng khoán toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai như động đất, bão lụt xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến tình hình tội phạm cũng như công tác phòng chống tội phạm.

Tình hình trên đã tác động không nhỏ tới kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội của nước ta. Sự tác động của lạm phát và giá cả thị trường tăng nhanh, đời sống sinh hoạt của tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn. Cùng với những khó khăn trong nước là diễn biến của các loại tội phạm nói chung và tội phạm xuyên quốc gia trên thế giới và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng vẫn diễn biến phức tạp.

Một tội phạm người nước ngoài bị xét xử ở Việt Nam.

PV: Còn ở Việt Nam thì sao, thưa ông?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Ở Việt Nam tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng. Lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước, có không ít các đối tượng đã xâm nhập Việt Nam để hoạt động phạm tội.

Nổi lên là việc ngày càng nhiều các cá nhân, doanh nghiệp là người nước ngoài đã vào Việt Nam núp bóng: đầu tư, kinh doanh, thăm thân, du lịch, học tập để hoạt động phạm tội, đặc biệt là ở các tỉnh trọng điểm về kinh tế, các thành phố lớn và các tỉnh giáp biên giới.

Các hoạt động tội phạm khá đa dạng bao gồm cả tội xâm phạm an ninh quốc gia, các loại tội về ma túy, kinh tế, hình sự, trong đó nổi lên nhiều loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, mua bán phụ  nữ, trẻ em, lừa đảo kinh tế xuyên quốc gia, buôn lậu ma túy...

Các băng nhóm tội phạm, các cá nhân là người nước ngoài tiếp tục móc nối với các đối tượng ở trong nước để được đầu tư vào các ngành nghề nhạy cảm tại các tỉnh, thành phố lớn tập trung nhiều cơ sở kinh tế như khách sạn, vũ trường, nhà hàng sòng bạc trá hình... để từ đó mở rộng phạm vi hoạt động.

Điều đáng lưu ý là  năm 2008 đã xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam.

PV: Cụ thể, các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới đó là gì, thưa ông?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Thứ nhất, nếu như trước đây, tội phạm có yếu tố nước ngoài vào Việt Nam thường từ các nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam, các nước gần gũi về mặt địa lý với Việt Nam nhưng trong năm 2008 đã bắt đầu xuất hiện những đối tượng từ các nước xa xôi vào Việt Nam hoạt động phạm tội mà điển hình là các đối tượng người gốc Phi phạm tội tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam đặc biệt là tại TP HCM.

Thứ hai, đã có dấu hiệu một số băng nhóm tội phạm người nước ngoài có ý định chuyển địa bàn sang Việt Nam để hoạt động hoặc móc nối với các đối tượng hình sự trong nước để hoạt động phạm tội. Nhóm đối tượng này chủ yếu phạm tội  mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, gá bạc, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ  nữ, trẻ em.

Thứ ba, hoạt động của các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài nếu như trước đây chỉ tập trung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM thì  nay đang có xu thế mở rộng tại địa bàn nhiều tỉnh, thành.

Thứ tư, đối với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, trong năm qua nổi lên nhiều vụ việc các đối tượng đã bắt cóc, bán cả người thân qua biên giới để phục vụ việc khai thác mại dâm hoặc nhằm mục đích tống tiền chiếm đoạt tài sản. Hoạt động buôn bán trẻ em nam giới nhằm mục đích khai thác lao động, mua bán bào thai cũng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Bọn tội phạm thường về các vùng quê, vùng nông thôn để tìm "hàng" là những trẻ em lang thang, những phụ nữ đang mang thai nhưng hoàn cảnh khó khăn hoặc mang thai ngoài ý muốn... để dụ dỗ đưa ra nước ngoài bán.

Thứ năm, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có xu hướng phát triển mạnh. Trong năm 2008 nổi lên tình trạng các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người châu Phi) đã sử dụng công nghệ cao lấy cắp các thông tin cá nhân của các chủ tài khoản tại nước ngoài để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó nhập cảnh Việt Nam để rút tiền  sau đó xuất cảnh khỏi Việt Nam một cách nhanh chóng để tránh sự phát hiện của các cơ quan thi hành pháp luật. Ngoài ra, tội phạm còn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo trên mạng, thực hiện lệnh giả chuyển tiền, xâm phạm trái phép vào các website để trộm cắp thông tin.

Văn phòng Interpol Việt Nam thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của Cơ quan điều tra trong nước

Văn phòng Interpol Việt Nam giao ban nghiệp vụ.

PV: Thưa ông, diễn biến tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam ngày càng phức tạp, vậy Văn phòng Interpol Việt Nam đã có những hoạt động gì trong hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm để góp phần ngăn chặn tội phạm?

Đại tá Đặng Xuân Khang: Với vai trò là đơn vị đầu mối của Bộ Công an và lực lượng cảnh sát trong hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, trong năm 2008, Văn phòng Interpol Việt Nam đã tiếp nhận  và phối hợp xử lý hơn 2.000 lượt thông tin tội phạm. Trong đó có 45% số lượt thông tin về tội phạm hình sự, 20% về tội phạm kinh tế, 10% về tội phạm ma túy, 5% về tội phạm môi trường, 15% số lượt thông tin về các yêu cầu truy nã và tương trợ tư pháp hình sự.

Văn phòng Interpol thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ trong nước như Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ, Cục Cảnh sát phòng chống ma túy, Cục Cảnh sát môi trường... và Công an các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Thái Bình, Ninh Bình... cũng như cảnh sát nước ngoài để điều tra, xác minh, làm rõ lai lịch, tiền án, tiền sự, hoạt động, di biến động của hơn 600 đối tượng liên quan đến các vụ án hoặc vụ việc có yếu tố nước ngoài ở trên lãnh thổ Việt Nam hoặc trên lãnh thổ nước ngoài và pháp nhân của 97 công ty có dấu hiệu liên quan đến  các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, tội phạm môi trường.

PV: Như vậy, với các hoạt động hợp tác quốc tế của Interpol Việt Nam trong phòng chống tội phạm, có thể hiểu rằng, tội phạm là người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động cũng như tội phạm là người gốc Việt Nam hoặc là người nước ngoài gây án ở Việt Nam trốn ra nước ngoài cũng sẽ khó bề thoát khỏi "cánh tay" vươn dài của Interpol Việt Nam.

Đại tá Đặng Xuân Khang: Interpol Việt Nam đã thực sự đóng vai trò quan trọng của cơ quan đầu mối hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm của các lực lượng nghiệp vụ trong nước và là "cánh tay" nối dài của Cơ quan điều tra trong nước khi có những yêu cầu điều tra xác minh ở nước ngoài.

Trong năm 2008, đã tiếp nhận và xử lý hàng nghìn lượt thông tin liên quan đến việc hỗ trợ triệu tập người làm chứng, xác minh, cung cấp chứng cứ phục vụ xét xử tại các phiên tòa ở nước ngoài, lấy lời khai các đối tượng trong vụ án để phục vụ điều tra... Đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ trong nước thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của các cơ quan thi hành pháp luật của nước ngoài. Đã xác minh làm rõ được nhiều đối tượng, lấy nhiều lượt lời khai của nhân chứng, người có liên quan... để hỗ trợ cho hoạt động điều tra của phía nước ngoài cũng như hoạt động điều tra của cơ quan cảnh sát ở trong nước.

Nhưng không chỉ có thế, trong năm 2008, Văn phòng Interpol Việt Nam còn phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài giải cứu được 15 nạn nhân bị buôn bán từ Việt Nam ra nước ngoài, bắt giữ và trao trả 7 đối tượng truy nã của nước ngoài bỏ trốn vào Việt Nam, tiếp nhận 9 đối tượng phạm tội tại Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài. Trong năm qua tiếp tục nổi lên tình hình các đối tượng người Việt Nam phạm tội ở trong nước sau đó bỏ trốn ra nước ngoài đặc biệt là trốn sang các nước láng giềng. Các đối tượng thường thay đổi họ tên trước lẩn trốn hoặc lẩn trốn tại những khu vực có nhiều người Việt làm ăn sinh sống

Bên cạnh đó, cũng phối hợp rà soát và phát hiện nơi lẩn trốn của hàng chục đối tượng khác đang bị Cảnh sát Việt Nam truy nã tại các nước.

Các kết quả xác minh tại nước ngoài, truy bắt tội phạm bỏ trốn của Văn phòng Interpol Việt Nam đã hỗ trợ cho công tác điều tra, truy tố của các đơn vị nghiệp vụ  trong nước và công an các địa phương. Bằng những hiệu quả đạt được trong hoạt động của mình, vị thế, vai trò của Văn phòng Interpol Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, đối với các đối tác nước ngoài đang ngày được nâng cao. Văn phòng Interpol đã thực sự trở thành đơn vị nghiệp vụ chuyên sâu về hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm của Lực lượng Công an nhân dân nói chung và Lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng.

Trong năm 2009, trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài tại Việt  Nam, Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung đổi mới hoạt động nắm và dự báo tình hình về các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm.

Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ tham mưu cho Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát về chiến lược, kế hoạch và các biện pháp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài có liên quan đến Việt Nam. Hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tội phạm xuyên quốc gia tại Văn phòng Interpol Việt Nam theo hướng điện toán hóa quá trình cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động điều tra khám phá tội phạm xuyên quốc gia từ trung ương đến Công an các địa phương sẽ tiếp tục được hoàn thiện.

PV: Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này!

.
.