Xuất ngoại xăm bùa chú… hộ mạng
Trong thế giới bùa chú, có người thần tượng móng gấu, nanh cọp, có người thích các cổ vật kỳ quái có nguồn gốc sừng voi, sừng tê… hay các lá bùa được viết bằng mực tàu trên giấy đỏ. Không dừng lại ở đó, những năm gần đây, ngày càng nhiều dân bùa chú chịu chơi lặn lội sang Thái Lan hay Campuchia để được xăm những mật đồ, ký tự cổ xưa.
1. Người nói cho tôi biết cái thú xuất ngoại xăm bùa chú hộ mạng là ông Vượng, 56 tuổi, ngụ đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM. Trên cơ thể mình, ông Vượng xăm chi chít bùa chú và từ chia sẻ của tay chơi bùa hộ mạng này, tôi ghi nhận nhiều chuyện ly kỳ trong thế giới của những tay chơi bùa chú!
Nữ diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie lúc được xăm tại Thái Lan. |
Ông Vượng cho biết, ông đã dành rất nhiều năm nghiên cứu các tài liệu nói về bùa ngải và qua quá trình điền dã tại các vùng sơn linh từng tập trung đông giới đạo sĩ, cao nhân ở miền Thất Sơn huyền bí (An Giang) và núi Tà Lơn (Campuchia), nên ông rất rõ rành chuyện bùa chú cũng như các thuật thư ếm Cao Miên. Nhiều năm trước, qua tiếp cận với các đạo sĩ, ví như ông Ba Lưới ở núi Cấm (huyện Tri Tôn, An Giang), ông Nek Phum ở núi Tà Lơn, tôi được lĩnh hội từ các vị đạo sĩ này, kể cả các bậc cao niên sống quanh vùng nhiều chuyện bùa chú ly kỳ.
Theo đó, nhiều cao thủ bùa chú tài năng đến độ có thể làm phép thư ếm cho ai đó đau bệnh và chết, hay bỏ bùa làm cho người ta mất hết thần trí dẫn đến khùng điên? “Mười năm trước có vị cao niên như Mười Đền ở dưới chân núi Phụng (một trong 7 ngọn núi hợp thành dãy Thất Sơn huyền bí) nay đã là người thiên cổ từng tiết lộ những kiểu luyện bùa ngải cùng phép trù ếm người kỳ quái” - ông Vượng ra chiều bí mật.
Theo lời kể ấy, muốn có năng lực trù ếm người khác đau bệnh hay chết trong đau đớn, người luyện chỉ ăn toàn đồ dơ như rác rưởi, đờm dãi…(?!) Trong quá trình tu luyện, họ cứ lầm lũi đi vào các bãi tha ma, miệng lẩm bẩm đọc niệm các câu thần chú có từ ngàn xưa được truyền miệng qua bao đời thuật sĩ. Họ cũng được cho là thường xuyên xuất thần tiếp xúc với các thế lực âm binh mà ta quen gọi ma quỷ để có thể sai phái hoặc nhờ chúng nhập vào người mình những khi muốn trừ diệt hay quấy phá ai đó?
Kỳ thực những chuyện luyện bùa chú thư ếm như thế tôi từng được lão đạo sĩ thọ bách niên giai lão Ba Lưới kể cho nghe từ nhiều năm trước. Ông tên thật là Nguyễn Văn Y (hiện ngụ ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang). Ở tuổi 102, ông Ba Lưới là huyền thoại sống cuối cùng ở Thất Sơn. Nhắc đến ông là nhắc đến các bài thuốc bí truyền, đến thế võ Bình Sa Lạc Nhạn, cùng những lần đả hổ hay giao đấu với rắn hổ mây khổng lồ…
Còn nhớ 7 năm trước, khi đến Thất Sơn tìm hiểu về dây huyết rồng - một loại cây thuốc quý nhưng nay đã tuyệt chủng ở dãy Thiên Cấm Sơn, ông Ba Lưới đã bật mí cho phóng viên đôi điều về chuyện bùa ngải Cao Miên. Ông bảo suy cho cùng, chuyện bỏ bùa bỏ ngải chính là đánh thuốc mê - hạ độc. Nhưng nhiều kẻ mông muội, ấu trĩ cứ nghĩ đó là quyền năng nên làm điều tà đạo, ví như luyện tà thuật Thiên Linh Cái bằng cách giết các cô gái đồng trinh… để có được quyền năng sai khiến âm binh. Những kẻ như thế, đắc đạo đâu chưa thấy, chỉ biết khi vụ việc bị phát hiện đã mang tiếng là kẻ sát nhân, bị pháp luật trừng trị thích đáng!
Nhắc lại chuyện xưa, tôi không hề có ý làm ông Vượng “quê độ”, mà chỉ là chia sẻ quan điểm của mình về chuyện bùa chú, thư ếm mà tôi tin không có thật. Được cái ông Vượng không phải là người bảo thủ hay cố chấp. Ông bảo tin hay không là chuyện của mỗi người. Riêng ông, ông rất tâm đắc lời giải thích của cụ Ba Lưới qua lời tôi thuật lại: “Nói thật tôi lao vào tìm hiểu sự huyền bí của bùa chú, các yêu thuật, tà thuật xem nó vi diệu, bí ẩn đến cỡ nào. Và những gì tôi lượm lặt, ghi nhận được thì đó là những trầm tích văn hóa cổ xưa, nó gắn với đời sống tâm linh của người xưa, trong từng giai đoạn lịch sử…”.
2. Trên cơ thể ông Vượng xăm chi chít những họa tiết, câu chú, ký tự bí hiểm mà theo ông được người Thái và người Khơmer lưu truyền từ hàng ngàn năm qua: “Mỗi loại bùa, mỗi câu chú, mỗi ký tự có ý nghĩa khác nhau, nếu phân tích, kể ra thì dài dòng lắm. Thôi thì mỗi người có đức tin khác nhau, tôi xăm vì tôi thấy thích, vậy thôi. Nhưng cũng có những tay xăm để mong được hộ mạng, để trừ tà này nọ...”.
Một số bùa chú sak yant trên cơ thể người Thái. |
Dân chơi bùa chú muốn xăm bùa thì phải đến xứ bùa để được người nơi đó xăm, như vậy mới ý nghĩa và hiển linh. Ví như cái hình xăm mật đồ này, ông được một vị sư ở ngôi chùa được người Việt mình gọi là chùa Ngải ở quận ngoại thành Miêng-Chay tự tay xăm cho. Còn những ký tự Khơmer cổ này ông nhờ một thợ xăm mình người Việt là Hải. Anh chàng này là dân mê bùa chú thứ dữ, hành nghề xăm mình ở phố Tây tại Phnôm Pênh, đoạn khu vực ngã 3 đại lộ Peah Ang Hassakan (St 144) và Oknha In (St 9136), Campuchia.
Tôi lần theo địa chỉ mà ông Vượng cung cấp tìm đến anh chàng tên Hải chuyên xăm bùa chú ở phố Tây thủ đô Phnôm Pênh. Chúng tôi gặp nhau tại khách sạn Europe Guest House, số 51 Eo, St 136 đường Sangkat Phsa Kandal1. Trò chuyện, Hải cho biết mình năm nay 36 tuổi, có thâm niên nghiên cứu bùa chú Thái Lan và Campuchia hơn 5 năm qua: “Ngày trước tôi là thợ xăm mình ở phố Tây Sài Gòn trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Bận nọ có mấy ông khách phương Tây đến hỏi tôi rằng Việt Nam có các loại bùa chú gì thì giới thiệu cho họ biết để họ xăm… nhưng tôi mù tịt. Hỏi ra tôi mới biết các vị khách đó rất mê huyền thuật phương Đông, đặc biệt là bùa chú ở Thái Lan và Campuchia. Thấy lạ nên tôi dấn sâu tìm hiểu và rồi đam mê lúc nào không biết”.
Vì đam mê nên Hải sang Bangkok, ghé khu Khao Sản, khu phố Tây sầm uất nhất thủ đô của “Vương quốc Chùa Vàng”, tìm hiểu thế giới bùa chú cũng như các kỹ năng xăm bùa trên cơ thể người: “Xứ Thái đúng là thiên đường của các loại bùa chú. Người Thái có tập quán xăm phép thiêng liêng gọi là “sak yant”, nghĩa là xăm những họa tiết, ký tự thiêng linh, xem như đó là loại bùa hộ mệnh!”.
Hải kể rất nhiều về sak yant như theo lệ xưa, thực hiện việc xăm mình là các vị sư, người được xăm là các chiến binh và việc xăm sak yant như thế được thực hiện ở các ngôi chùa. Về sau, do nhu cầu của du khách gần xa, việc xăm sak yant được mở rộng, không chỉ người Thái mà bất kỳ du khách nào có nhu cầu cũng được các thợ xăm mình ở Thái xăm họa tiết, ký tự bí ẩn cổ xưa lên phần trên cơ thể (tính từ thắt lưng trở lên-PV): “Sau hơn 3 năm nghiên cứu, học hỏi, khổ luyện, tôi xăm sak yant rất điêu luyện. Gọi là khổ luyện bởi các ký tự sak yant rất phức tạp, thợ xăm mình ở Việt Nam có giỏi mấy khi nhìn vào họa tiết hay ký tự của sak yant sẽ không bao giờ xăm đúng xăm đẹp, thậm chí xăm sai số sai chữ nếu không rành tiếng Thái và cả tiếng Campuchia”.
Là người ngoại đạo nên dù được Hải nhiệt tình khai mở tôi vẫn có cảm giác rơi giữa mê hồn trận của thuật xăm bùa chú, nhất là khi được Hải giải thích rằng trong thế giới sak yant, các ký tự, hình xăm cổ xưa được chia thành nhiều trường phái, người xăm để may mắn an lành (choke-laap), xăm cho đao thương bất nhập, xăm để đánh thắng đối phương (mah-jong-ngan), trừ diệt ma quỷ… hay xăm để vô hình trước kẻ thù (kong krapan)(?).
“Bùa chú sak yant hấp dẫn và có tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới và đó là lý do mà nữ diễn viên điện ảnh Angelina Jolie đã lặn lội đến Thái Lan để được bậc thầy xăm sak yant là Noo Kanpai xăm 5 dòng chữ ma thuật gọi là hah taew là dòng chữ thiêng cầu may mắn cũng như sức khỏe cho bản thân và gia đình. Kỳ thực như các phái xăm khác, hah taew suy cho cùng là thứ bùa hộ mệnh vì khi hiện hình trên cơ thể ai đó, nó tiềm ẩn những thế lực siêu nhiên. Tất nhiên, nếu anh tin điều đó!”- Hải bộc bạch.
3. Những năm gần đây, khi phong trào xăm mình với tên gọi mỹ miều là Tattoo hay “xăm nghệ thuật” trỗi dậy thì trào lưu dân chơi Việt xuất ngoại xăm bùa chú xứ Xiêm La và nhất là Cao Miên ngày càng nhiều. “Đào sâu nghiên cứu về sak yant, tôi phát hiện ra rằng thuật xăm bùa sak yant bắt nguồn từ thời Angkor do đó các dòng chữ, ký tự được viết theo dạng chữ Phạn (chữ Khơmer cổ - PV) nên tôi rời Bangkok qua Campuchia tầm sư học đạo”- Hải tiếp tục mạch chuyện.
Sau gần 4 năm miệt mài “tu luyện”, Hải được dân mê bùa chú biết chuyện ví như là tự điển sống về bùa chú Xiêm La và đặc biệt là bùa chú xứ Cao Miên: “Rất nhiều người nhầm lẫn giữa bùa chú với bùa ngải. Người bảo bùa có tính hộ mệnh, còn ngải dùng thư ếm hại người? Kẻ bảo đều là một, tùy người dùng, dùng vào việc thiện thì hữu ích cho người nhưng sử dụng vào điều ác thì gây nhiều tác hại khôn lường? Kỳ thật bùa ngải hay bùa chú là một dạng tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Khơmer.
Hải giải thích rằng “Mong ước điều tốt lành thì là ma thuật trắng. Ý đồ hại người thì tìm đến ma thuật đen. Nhưng chuyện đó cũng mỗi người có một cách hiểu, có cách nhìn nhận, đánh giá và đúc kết khác nhau. Riêng tôi chỉ chú trọng tìm hiểu về những bùa chú xăm trên cơ thể người mà thôi. Quá trình tìm hiểu cho tôi biết các câu chú, ký tự Khơmer cổ được thực hiện bởi những người đàn ông lớn tuổi, đã qua tu học tại nhiều ngôi cổ tự, có kiến thức sâu rộng cũng như am tường phong tục, truyền thống cổ xưa của dân tộc mình. Những người này tiếng thổ ngữ gọi là krou-tạy, rất được cộng đồng nể trọng!”.
Dân đam mê bùa chú Cao Miên như Hải tin rằng các krou-tạy có thể tạo các lá bùa hay xăm bùa chú trừ bệnh, bùa yêu, bùa trừ tà… Ngoài ra các krou-tạy cũng có thể hiểu được ý nghĩa của những câu chú bằng tiếng Phạn hay các ký tự, hình ảnh có từ hàng ngàn năm trước mà nhiều câu chú, ký tự, hình ảnh đó hiện vẫn còn hiện hữu tại đế chế đá Angkor ở Xiêm Riệp…
Để tôi có thể hình dung được rõ hơn thuật xăm bùa Cao Miên, Hải nhiệt tình đưa tôi đến một ngôi chùa mà anh này dứt khoát không cho tôi biết tên, cũng không nói rõ địa chỉ vì sợ rằng khi câu chuyện được tiết lộ, dân bùa chú sẽ tìm đến tầm sư làm ảnh hưởng, đảo lộn đến việc tu tập của vị sư mang trên mình nhiều câu chú ngàn năm tuổi!
Từ phố Tây, sau hơn 1 giờ đồng hồ len lỏi hướng về quận ngoại thành Miêng Chay, sau vô số lần cua quẹo như để tôi quên đường, Hải dừng lại tại một ngôi chùa Khơmer đồ sộ với mái cong vút, bên trong có nhiều tượng Phật khổng lồ được dát vàng. Tại đây, sau khi Hải đến lạy lễ và nói bằng tiếng Khơmer, một vị sư đã vui vẻ cởi tăng y cho tôi xem những hình xăm kỳ bí ở ngực, lưng, bả vai của mình. Đó là những hình đền tháp, những dòng chữ với hình thù ma quái… Tất cả được xăm bằng mực tàu, rõ nét. Vị sư cho biết mình xăm những bùa chú ấy tại một ngôi chùa ở Angkor!
Muốn xăm những hình này phải căn cứ vào cấp bậc. Chỉ cần xem những ký tự bùa chú kia thì người trong giới biết được đẳng cấp, đường tu luyện của người xăm chú!
Vị sư không biết nói tiếng Việt, lại không muốn nói quá nhiều về những câu chú, ký tự trên da thịt mình nên tôi dù muốn tìm hiểu thêm cũng đành chịu. Chỉ biết rằng theo tâm tình của Hải, mỗi người, mỗi giới tuy có cách nhìn nhận khác nhau về chuyện xăm bùa nhưng theo tập tục xưa và trong tín ngưỡng của người bản xứ, việc xăm bùa như thế suy cho cùng đều hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp, giúp người xưa có thêm sức mạnh, vững tin hơn vào sự hỗ trợ, bảo vệ của các thế lực siêu nhiên trong cuộc sống hằng ngày, trong việc đối chọi với nhiều hiện tượng tự nhiên như sấm sét, đại hồng thủy, nạn lở đất… mà ngày xưa họ chẳng thể giải thích được. Đây đích thực là dấu ấn văn hóa Khơmer đặc sắc.