Xung kích giúp dân ứng phó thiên tai

Thứ Hai, 16/11/2020, 21:35
Hơn 1 tháng liền, tỉnh Thừa Thiên-Huế hứng chịu nhiều đợt mưa bão, lũ lụt liên tiếp gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Để giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ (CBCS) công an chính quy làm nhiệm vụ ở cơ sở đã bám địa bàn, xung kích giúp dân ứng phó và khắc phục hậu quả bão lũ, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng dân.

Cháu bé sốt giữa cơn lũ

Hai xã Quảng Thành và Quảng An (huyện Quảng Điền) được xem là “rốn lũ” của tỉnh Thừa Thiên-Huế khi đã qua 35 ngày kể từ đợt lũ đầu tiên vào tháng 10, đến nay địa bàn xã vẫn tiếp tục bị nước lũ dâng cao gây cô lập nhiều thôn. Lúc chúng tôi đến, Trung tá Vương Hưng Long, Trưởng Công an xã Quảng Thành đang cùng các CBCS đơn vị bàn giải pháp giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trung tá Long cho biết, do các hồ thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn sông Bồ điều tiết xả lũ sau đợt mưa lớn ảnh hưởng của bão số 12 khiến cơn lũ cũ còn chưa kịp rút hết thì lũ mới lại ập đến. Lực lượng công an xã vừa phải kê dọn đồ đạc tại trụ sở UBND xã lên tầng 2, vừa lo chuẩn bị phương tiện ứng trực sẵn sàng giúp bà con.

Cán bộ chiến sĩ Công an xã Quảng An (huyện Quảng Điền) vận động đưa cụ bà Lê Thị Nghiêm di dời khỏi căn nhà ngập lụt.

Quảng Thành hiện có 3.078 hộ dân với 12.987 khẩu, trong các đợt mưa lũ vừa qua, 100% số nhà dân trong xã đều bị ngập lụt từ 1 đến 1,5m, thậm chí có nơi đến 2m. Nước lũ dâng cao làm tuyến tỉnh lộ 4B dẫn vào xã ngập sâu nhiều, gây chia cắt giao thông. Riêng 138 hộ dân ở thôn Quán Hòa nằm sát phá Tam Giang bị nước lũ cô lập. Mưa lũ quá lớn nên nhà cửa của CBCS Công an xã Quảng Thành đều bị ngập nặng.

Nhiều CBCS có nhà ở TP Huế cũng bị ngập lụt nhưng vì địa bàn xã thấp trũng, ngập sâu, người dân cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng công an xã nên các anh đã ở lại đơn vị để túc trực 24/24h. Nhiều người dân ở xã Quảng Thành không may bị thương, đau ốm giữa thời điểm nước lũ dâng cao, chia cắt đường sá đã được các CBCS công an xã đến tận nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị.

“Khi nước lũ dâng cao, nhiều trường hợp neo đơn, già yếu đã được lực lượng công an xã đến di dời qua những ngôi nhà cao tầng để đảm bảo an toàn. Có hộ dân khi di chuyển tránh lũ lên gác xép nhưng không kịp dự trữ lương thực cũng được anh em đơn vị đến hỗ trợ mì tôm, nước uống kịp thời. Những việc làm này của CBCS công an xã tuy nhỏ nhưng được người dân cảm kích”, Trung tá Vương Hưng Long bày tỏ.

Ngồi trong ngôi nhà cấp 4 ở thôn Phước Thanh, xã Quảng An còn in dấu nước lũ dâng cao trên bức tường nhà, chị Hồ Thị Huệ vẫn chưa hết lo lắng khi nhớ lại con trai của chị tên Lê Phúc Đạt mới 3 tháng không may lên cơn sốt vào tối nước lũ dâng cao. Nhìn ra cánh đồng ngập mênh mông nước đục ngầu, chị Huệ kể, trong lúc nước lũ dâng vào nhà, tuyến đường thôn ngập sâu hơn 2m nên khi con lên cơn sốt cao, vợ chồng chị không biết phải làm sao.

Cháu Lê Phúc Đạt, con của chị Hồ Thị Huệ được cán bộ chiến sĩ Công an vượt lũ đưa đến bệnh viện điều trị.

Qua điện thoại, chúng tôi nhờ bác sĩ chỉ cách hạ sốt cho cháu nhưng dù làm mọi cách thì cháu vẫn không có dấu hiệu hạ sốt mà càng sốt cao hơn. Lúc này, gia đình tôi liền gọi đến số điện thoại của Công an xã Quảng An để cầu cứu. Chưa đầy 30 phút sau, 2 CBCS công an xã là Thượng úy Hoàng Đình Tài và Thượng úy Nguyễn Đình Hiếu dùng đò máy đến nhà đưa tôi và con trai đến trạm y tế xã. Do cháu sốt cao, có dấu hiệu trở bệnh nặng nên tiếp đó, 2 mẹ con được các CBCS Công an xã Quảng An và Công an huyện Quảng Điền dùng ca nô đưa đến Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền.

Tại đây, con trai tôi được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, cắt được cơn sốt cho cháu và ít hôm sau thì cháu được xuất viện về nhà. Việc giúp đỡ hai mẹ con tôi đến bệnh viện giữa lúc nước lũ dâng cao của các đồng chí công an khiến gia đình tôi cảm kích và ghi nhớ suốt đời”, chị Huệ xúc động nói.

Trung tá Nguyễn Văn Nam, Trưởng Công an xã Quảng An kể rằng, ngoài trường hợp trên, trong thời gian mưa lũ, đơn vị còn ứng cứu khẩn cấp nhiều trường hợp bị thương đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngày 18/10, khi biết cụ bà Lê Thị Nghiêm (sinh năm 1940, ở thôn Đông Xuyên) ở trong căn nhà bị nước ngập sâu 1,5m nhưng không chịu di dời, CBCS Công an xã Quảng An vượt mưa lũ đến vận động, khuyên nhủ để đưa cụ Nghiêm sang tá túc ở ngôi nhà cao tầng của hàng xóm.

Hay trường hợp ông Nguyễn Định (sinh năm 1970, ở thôn Phước Thanh) lúc chằng chống mái nhà, bị tôn cắt sâu vào tay, chảy rất nhiều máu nên 3 đồng chí công an xã dùng đò máy vượt lũ đến nhà ông Định đưa nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện băng bó, điều trị vết thương kịp thời.

Thượng tá Nguyễn Văn Cường, Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết thêm, các CBCS công an chính quy khi được điều động bố trí về cơ sở đảm nhiệm chức danh công an xã đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công an và đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính cho người dân. Đặc biệt, trong các đợt mưa bão, lũ lụt vừa qua, CBCS công an chính quy ở cơ sở đã phát huy vai trò nòng cốt, sẵn sàng ứng trực, giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, qua đó đã ứng cứu kịp thời 34 người dân, trong đó có 4 sản phụ, 3 bệnh nhân cấp cứu, 11 người bị lật thuyền.

“Với sự tận tâm, tận tình trong công tác cứu nạn, cứu hộ, giúp dân trong thời điểm mưa lũ, các CBCS Công an xã Quảng An, Quảng Thành và công an các đơn vị ở địa bàn huyện đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương”, Thượng tá Cường chia sẻ.

Thai phụ được cán bộ chiến sĩ Công an phường Phú Hội, TP Huế hỗ trợ đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế sinh con.

Giúp dân làm kè biển chống sạt lở

Nếu như các xã vùng trũng thuộc huyện Quảng Điền gánh chịu hậu quả nặng do lũ lụt gây ra thì những địa phương ven biển thuộc huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đang phải đối mặt với nỗi lo bờ biển sạt lở, biển xâm thực vào đất liền cuốn trôi rừng phòng hộ, uy hiếp nhiều khu dân cư, làng mạc.

Do ảnh hưởng liên tiếp của 2 cơn bão số 5 và số 9 làm tuyến bờ biển đi qua 6 thôn của xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, gồm: An Dương 1, An Dương 2, An Dương 3, Xuân An, Trung An và Tân An bị sạt lở nhiều điểm với chiều dài 4,2km. Đặc biệt, tuyến kè chắn sóng, bảo vệ bờ biển qua các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3 bị sóng đánh gây sạt lở nặng, nguy cơ xâm thực khu dân cư. Và, trong những ngày này, trước khi bão số 13 được dự báo đi vào vào các tỉnh miền Trung, Công an xã Phú Thuận đã huy động lực lượng cùng với chính quyền và người dân địa phương tu bổ lại đoạn kè bị sóng biển đánh hỏng, khẩn trương khắc phục các đoạn bờ biển bị sạt lở.

Có mặt trong đoàn người tu sửa kè biển, Đại úy Hoàng Thành, Phó trưởng Công an xã Phú Thuận cùng các CBCS công an xã khuân những tảng đá lớn gia cố lại bờ kè. Tranh thủ lúc nghỉ tay, anh cho biết, trước tình hình sạt lở bờ biển nghiêm trọng nên khi được UBND xã thông báo, công an xã đã huy động lực lượng cùng với các đoàn thể địa phương, người dân góp sức tu sửa lại tuyến kè này. Do kè bị sạt lở nhiều điểm, nhiều đoạn bờ biển cũng bị sạt lở nặng nên những ngày qua, anh em đơn vị luôn túc trực ở bờ biển để chung tay giúp đỡ người dân.

Công an huyện Phú Vang giúp di dời người, tài sản đến nơi tránh trú bão an toàn.

Là chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, tháng 7-2019, Trung úy Đinh Viết Hải được cấp trên điều động về nhận nhiệm vụ tại Công an xã Phú Thuận. Những ngày mới về xã biển này, dù địa bàn cách xa trung tâm thành phố Huế, cơ sở nhiều đầu công việc, trong đó có những phần việc “không tên” nhưng Trung úy Hải cùng Đại úy Thành và 3 CBCS đã cố gắng khắc phục khó khăn hoàn thành công việc được giao.

Ngoài nỗ lực giúp dân trong bão lũ, lực lượng công an xã còn nỗ lực thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT địa bàn, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và hoàn thiện việc thu thập thông tin dân cư để thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các CBCS công an xã đã phát huy vai trò xung kích, tiên phong trong công tác tuyên truyền, giúp dân ứng phó mưa bão”, Trung tá Lương Nghĩa Hiệp, Trưởng Công an xã Phú Thuận cho biết thêm.

Cảm kích trước những việc làm của các CBCS Công an xã Phú Thuận, ông Hồ Văn Hưng, trưởng thôn An Dương 1 trao đổi: “Toàn thôn có hơn 250 hộ dân, trong đó có 21 hộ dân với hàng chục nhân khẩu sinh sống ở gần khu vực kè biển. Trước bão số 9 vừa qua, nhờ có các CBCS công an chính quy đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động nên tất cả các hộ dân ở khu vực này đều được di dời đến nơi tránh bão. Những hộ có người già yếu, neo đơn cũng được các đồng chí công an giúp đỡ đưa đến nơi tránh trú an toàn”.

Đại tá Bùi Hồng Phong, Trưởng Công an huyện Phú Vang cho hay, tại các địa bàn ven biển như thị trấn Thuận An, xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên... lực lượng công an xã chính quy đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, rà soát số hộ dân ở vùng xung yếu phải di dời, quyết liệt triển khai biện pháp cưỡng chế di dời trước bão. Sau bão, lực lượng công an ở cơ sở đã giúp người dân cưa dọn cây cối gãy đổ, sửa chữa nhà cửa, khắc phục các tuyến kè biển hư hỏng... để người dân ổn định đời sống và sản xuất trở lại.

Trước, trong và sau các đợt bão lũ xảy ra, lực lượng Công an, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã đóng trên địa bàn huyện luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác ứng phó, giúp dân khắc phục hậu quả và đã được đảng bộ, chính quyền các cấp cũng như người dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Đây chính là sự khích lệ, động viên tích cực để các CBCS công an làm nhiệm vụ ở cơ sở nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, Đại tá Bùi Hồng Phong khẳng định.

Lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trước hành động dũng cảm, nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong mưa bão, lũ lụt, nhiều người dân đã viết thư cảm ơn lực lượng Công an với những trải lòng rất chân thật. Nhiều hình ảnh đẹp của CBCS công an ở cơ sở chèo ghe, sử dụng ca nô, phương tiện đến tận nhà dân đưa các thai phụ đi sinh nở; đưa trẻ nhỏ, người bị thương đến bệnh viện cấp cứu, điều trị; giúp dân kê dọn tài sản, nhà cửa... đã góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ CAND trong lòng dân.

Anh Khoa
.
.