Xung quanh buổi biểu diễn chữa bệnh của “thần y” Võ Hoàng Yên

Thứ Hai, 08/08/2011, 15:40

Tôi sẽ không đặt cụm từ thần y trong dấu ngoặc kép, bởi đơn giản, người ta có thể tin hoặc không tin về khả năng của người được giới truyền thông tấn phong là Thần y Võ Hoàng Yên. Tôi chỉ ghi chép theo những gì mình đã thấy, đã nghe và đã cảm nhận, trong buổi biểu diễn cuối tuần rồi của ông Võ Hoàng Yên ngay tại trụ sở của Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (HLH các Hội KH&KT) tỉnh Bình Phước.

Buổi biểu diễn mà nói theo như diễn văn của ông Chủ tịch Hội thì, hoặc là ông Võ Hoàng Yên xác tín được tài năng và được cấp giấy phép hành nghề. Ngược lại, nếu tài năng ông chỉ là trò bịp bợm, ông sẽ không có pháp nhân hành nghề chữa bệnh. Và đây, có thể coi là canh bạc lớn nhất của ông Võ Hoàng Yên, tính từ khi ông xuất hiện một cách dồn dập với những luồng ý kiến trái chiều trên truyền thông.

Thần Y xuất chiêu...

Ông Võ Hoàng Yên bảo rằng, tuổi thơ ông cơ cực, được cha mẹ gửi vào chùa nương nhờ cửa Phật. Tại đây, ông học được những phương pháp chữa bệnh bằng phương pháp day ấn huyệt cổ truyền. Sau khi học xong, ông đã phát tâm sẽ chữa bệnh cho những người khốn khó.

Ông đã tổ chức khám chữa bệnh ở nhiều nơi và cũng từng bị phạt nhiều lần vì hành nghề y trái phép. ông được nhiều nhà báo ưu ái gọi là “thần y” và ca tụng bằng những câu chữ không thể hoa mỹ hơn. Thông qua những bài báo ấy, bạn đọc có thể hình dung ông là kỳ nhân chỉ với việc xoa tay hay day ấn huyệt đã có thể khiến người liệt đi đứng được, người câm nói năng được, người điếc nghe ngóng được…

Và cũng có những bài báo, được viết với đại ý ông chỉ là kẻ bịp bợm. Thế nên, khi có tin ông Võ Hoàng Yên sẽ tổ chức buổi biểu diễn khả năng chữa bệnh tại Bình Phước vào sáng ngày 29/7/vừa qua, thì 22h đêm hôm 28/7, tôi có mặt ở Bến xe Miền Đông. Gần 1 giờ sáng hôm sau thì đến thị xã Đồng Xoài, Bình Phước để không bỏ lỡ dịp tận mắt nhìn thần y "xuất chiêu".

Sáng đấy, Bình Phước có mưa lất phất, đường sá nhầy nhụa. Nhưng nhẩm tính có cả trăm người dân kéo nhau đến sân của HLH  các Hội KH&KT tỉnh Bình Phước để trực tiếp khảo chứng tài năng của ông Yên. Ngoài họ, là đối tượng trực tiếp mà ông Yên nhắm đến, còn có cả Giáo sư Hoàng Bảo Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền Việt Nam; bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Y học Cổ truyền Bộ Y tế; bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình… và nhiều lãnh đạo trong ngành y tế của tỉnh Bình Phước.

Ngay khi buổi biểu diễn chưa bắt đầu, không khí đã nóng lên khi ông Nguyễn Văn Thỏa, Chủ tịch HLH các Hội KH&KT Bình Phước công bố thông tin, đêm qua, ông Yên đã chữa thành công căn bệnh do di chứng bại liệt của người nhà một vị lãnh đạo tỉnh.

Sau khi đọc phát biểu, ông Võ Hoàng Yên bắt tay vào chữa trị cho bệnh nhân đầu tiên. Đó là bà Lê Thị Toản, mẹ ruột của một tỉnh ủy viên, hiện đang giữ chức Phó ban Tổ chức tỉnh Bình Phước. Bà Toản bị tai biến từ năm 2007, đã tập vật lý trị liệu nhưng do di chứng của chứng tai biến, nên bà đi lại rất khó khăn.

Để có thể đưa bà Toản  đến khu vực trị bệnh của ông Yên, người thân phải dìu bà. Sau vài phút xoa bóp day ấn của ông Yên, rất bất ngờ, bà có thể đứng dậy và đi lại một cách yếu ớt vài bước chân, dưới sự cổ vũ của ông Yên và đám đông.

Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, tôi được xem đoạn phim phóng sự dài 10 phút của Đài Truyền hình Bình Phước. Nội dung cũng ca ngợi khả năng chữa bệnh kỳ tài của ông Yên. Tôi đặc biệt lưu tâm đến bà Lê Thị Khiết, ngụ ở Đồng Xoài, người từng được ông Yên chữa bệnh, là nhân vật xuất hiện trong phóng sự trên đồng thời cũng có mặt tại buổi biểu diễn này.

Bà Khiết nói bà đang bán trái cây thì bất thần bị tai biến. Di chứng của lần tai biến này khiến bà liệt nửa người, không thể đi lại được hoặc không tự vệ sinh cá nhân.

Nhờ ông Yên day ấn huyệt 2 lần, bà đã có thể đi lại được, dẫu chưa thể ra chợ buôn bán lại. Hôm nay, bà đến đây để hy vọng được ông Yên chữa cho lần thứ ba. Tuy nhiên, theo lời bà Khiết thì trước khi gặp ông Yên, bà đã có đi điều trị vật lý trị liệu. Và sau khi được ông Yên chữa bệnh, bà vẫn duy trì luyện tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của một bác sĩ tại Bình Phước.

Bệnh nhân khác là Lê Quý Anh, SN 1963, người được đoạn phóng sự giới thiệu là nhờ sự bấm huyệt của ông Yên, từ bại liệt đã đi lại được một đoạn đường ngắn. Trong buổi biểu diễn hôm ấy, ông Yên day ấn huyệt lại cho bệnh nhân này. Sau đó, ông yêu cầu bệnh nhân cố gắng đưa cánh bàn tay chạm mũi để minh chứng cho khả năng day ấn huyệt của ông. Nhưng, lần này, ông Yên đã thất bại mặc dù ông nói rất khẩn thiết: "Nếu như ông không đưa tay chạm mũi được, thì tôi không thành công".

Di chứng tai biến không cho phép ông Anh làm theo yêu cầu của ông Yên. Người nhà ông Anh nói rằng, sau khi được ông Yên điều trị, người nhà vẫn duy trì việc tập vật lý trị liệu cho ông Anh mỗi ngày.

Có hai trường hợp ông Yên thất bại hoàn toàn: Vũ Thiện, SN 1994, bị điếc bẩm sinh và phát âm khó khăn. Khi ông Yên day ấn yết hầu, kéo lưỡi, ấn mạnh vào hai bên tai cho Thiện, có thể thấy Thiện rất đau đớn. Thậm chí, người viết còn ghi lại được cảnh Thiện nhăn mặt vì đau, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt.

Sau vài pha day ấn, ông Yên nhìn thẳng vào mặt Thiện, và nói để Thiện lặp lại những từ đơn giản. Sau đó đưa ra kết luận, Thiện đã… nghe được.

Ngay lập tức, một vị bác sĩ tham gia buổi biểu diễn đứng lên phản đối. Ông cho rằng, Thiện nói được do nhìn vào khẩu hình của ông Yên rồi nói theo, chứ bản thân Thiện không thể nghe. Sau khi đưa ra lập luận của mình, vị bác sĩ che miệng, quay sang chỗ khác gọi Thiện thì y như rằng, Thiện không nghe được.

Trên bàn chủ tọa, có nhiều tiếng xì xào tỏ ý không bằng lòng với sự phản biện của vị bác sĩ trên. Có lẽ cảm nhận được điều đó, nên khi tôi xin trao đổi riêng, vị bác sĩ này đã khoát tay nói: "Anh đang bận lắm, hẹn em sau".

Lần thất bại thứ hai của ông Yên là đối với bệnh nhân Nguyễn Thị Kiều Trinh, 13 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh.

Trinh vẫn y như lúc chưa được chữa bệnh sau khi ông Yên đã day bóp, ấn đủ chiều. Các thành viên của Ban tổ chức lý giải cho sự thất bại này của ông Yên là do Kiều Trinh còn nhỏ, nên không chịu hợp tác với ông Yên khiến việc điều trị không có tác dụng tích cực.

Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, thì Kiều Trinh hoàn toàn không có thái độ gì khiến mọi người cho rằng, Trinh không hợp tác trong việc điều trị với ông Yên.

Thêm vài trường hợp khác, kết quả cũng không rõ ràng.

… hay chỉ là võ sư chữa bệnh(?!)

Kéo dài suốt từ sáng đến trưa, bất chấp những cơn mưa dai dẳng, ngắt quãng, ông Võ Hoàng Yên vẫn cố gắng dùng hết khả năng của mình để minh chứng cho khả năng về chữa bệnh của ông là "đúng thật vàng mười". Nhưng, cảm giác là mọi thứ chỉ dừng lại ở mức độ ngờ ngợ về tài năng.

Một vài cuộc tranh luận nhỏ nổ ra dưới hàng ghế của những người đi xem ông Yên biểu diễn. Thậm chí, một nữ bác sĩ là Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Phước, nói: "Những gì ông Yên làm, đối với người am hiểu y khoa là chuyện rất bình thường". Tôi để ý khuôn mặt ông Yên sau lời của nữ bác sĩ kia, thấy ông có vẻ dửng dưng. Mà mãi từ khi ông đọc diễn văn phát biểu cho đến khi ông kết thúc buổi biểu diễn để đến phần "nghị luận" vẫn thấy ông giữ nguyên khuôn mặt dửng dưng, không biểu lộ cảm xúc.

Cận cảnh cách chữa bệnh của ông Võ Hoàng Yên cho bệnh nhân Vũ Thiện.

Cần phải lưu ý thêm rằng, trong Biên bản của Hội Đông y tỉnh Bình Phước, nhan đề "Báo cáo Kết quả Thẩm tra về hiệu quả bấm huyệt chữa chứng liệt và câm điếc của lương y Võ Hoàng Yên". Một văn bản để xác tín lại tính nghiêm túc của buổi biểu diễn, cho thấy, trong đợt khảo sát 10 người bị tai biến từng được ông Yên bấm huyệt từ 1-3 lần, đa phần đều thuyên giảm bệnh. Nhưng, đánh giá về tình trạng bệnh nhân của bản thẩm tra này rất chung chung, theo kiểu "mức độ liệt có giảm, nhưng chưa được nhiều", hoặc: "Hiện tại, bệnh nhân thể lực bình thường, tay chân còn mềm và  yếu"(?!). Thú thật, tôi không hình dung được cụm từ này, đã thể lực bình thường mà tay chân còn mềm và yếu thì… nghĩa là làm sao(?!)…

Trong lúc, việc đơn giản nhất là hầu như ai cũng biết, người bị di chứng tai biến mạch máu não dẫn đến việc liệt nửa người hay chi trên, chi dưới… thì phương pháp để hồi phục tốt nhất vẫn là duy trì việc tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ. Và hầu như trong tất cả những bệnh nhân tôi tiếp xúc hôm ấy, người nhà của họ đều khẳng định việc tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân một cách đều đặn trước và cả sau khi được ông Yên chữa trị.

Nhưng, trong bản thẩm tra của Hội Đông y tỉnh Bình Phước, chỉ nhắc đến việc "chữa trị nhiều nơi không khỏi và được lương y Võ Hoàng Yên bấm huyệt… đã đứng dậy, đi lại được khoảng 2-3m". Có sự nhầm lẫn gì ở đây chăng(?!).

Trở lại ý kiến của các nhà chuyên môn tham dự buổi biểu diễn của ông Võ Hoàng Yên.

Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, tỏ ra rất thận trọng khi đưa ra nhận xét của mình. Bác sĩ Đức cho rằng, việc ông Yên điều trị có tác dụng tạm thời không cho phép đưa ra những nhận định nhanh chóng về phương pháp chữa bệnh của ông Yên. Cần phải có thêm thời gian để đánh giá phương pháp chữa bệnh này, trên cơ sở được kiểm định bởi Hội đồng Y khoa, Hội đồng Đạo đức Y khoa… theo đúng trình tự được Bộ Y tế lẫn luật pháp quy định.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, người lặn lội vào Bình Phước với hy vọng kiểm chứng được tài năng của ông Yên, để mời ông Yên ra Quảng Bình chữa trị cho nhiều nạn nhân chất độc da cam, nói: "Kết quả tất thời không có giá trị. Tất cả đều phải chờ kết luận của một Hội đồng Y khoa có uy tín. Không phải bệnh nào cũng có thể chữa cấp kỳ được".

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Vụ phó Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế không đánh giá trực tiếp khả năng của ông Yên, mà chỉ cho rằng "Hội Liên hiệp các Hội KH&KT Bình Phước nên xây dựng đề tài khoa học về phương pháp chữa bệnh của ông Yên, với sự tham gia của các chuyên gia y khoa có uy tín để đánh giá về tính hiệu quả và độ an toàn trong phương pháp chữa bệnh này. Đề tài phải tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, đề tài phải bám sát được việc theo dõi phác đồ của bệnh nhân trước, trong và sau khi điều trị để Hội đồng Khoa học đánh giá. Lấy cơ sở đó, trình cho Bộ Y tế xem xét, để Bộ có thể đưa ra kết luận cuối cùng".

Đáng chú ý trong tất cả những lời nhận xét là ý kiến của Giáo sư Hoàng Bảo Châu. Giáo sư Châu đưa ra nhận định của mình và ông Yên cũng đồng tình với nhận định này, chính là phương pháp chữa bệnh của ông Châu có yếu tố võ đạo được áp dụng vào y học. Trong chuyên khoa day ấn huyệt đạo, thì đây không phải là một phương pháp quá lạ lẫm.

Thông thường, người trị bệnh sẽ tác động bằng nội lực vào phần cơ hoặc huyệt đạo, vốn dĩ đã cứng do lâu ngày không vận động của bệnh nhân. Sau khi tác động giúp mềm cơ, người điều trị sẽ dùng sức, bóp co duỗi xoay một cách dứt khoát, nhanh chóng để phần nào phục hồi cơ chế làm việc của nhóm cơ.

Điều này lý giải vì sao, đối với một số bệnh nhân bị tai biến đi lại có người dìu, sau khi  được ông Yên day ấn xoa bóp, đã có thể đi lại lẫm chẫm vài bước chân. Nhưng, như đã nói, đây chỉ là kết quả tạm thời. Về lâu dài, bệnh nhân phải được tập vật lý trị liệu một cách kiên trì.

Đối với bệnh nhân câm điếc, ông Yên cũng dùng cách này. Với một vài trường hợp câm điếc nhẹ do di chứng bệnh, có khả năng sẽ có tác dụng tạm thời. Với trường hợp bị lâu năm hoặc bẩm sinh, thì gần như ông Yên chỉ còn cách "tung cờ trắng".

Sau khi nghe nhận xét của các chuyên gia y khoa, thấy ông Yên có cảm giác như buồn.

Nhưng biết làm sao được, khi có những thứ phải chấp nhận trả về nguyên giá trị của nó. Cơn bão truyền thông có thể thần thánh hóa người bình thường bằng chữ nghĩa, tuy nhiên, sự thật không thể bị lấp liếm mãi bằng những bài báo khiến người khác ngộ nhận về chính mình(?!).

Chuyện thần y hay chỉ là võ sư chữa bệnh, có lẽ, đã không cần phải chờ vào kết luận cuối cùng của một đề tài khoa học. Mà nó, đã hiện ra rõ ràng sau buổi khảo chứng hôm ấy.

Có điều, niềm tin là chuyện riêng của mỗi người. Ai tin thì cứ tin, có vậy thôi. Tôi không hề có ý định bài xích niềm tin của bất kỳ ai gọi ông Võ Hoàng Yên là thần y (!)

Ngô Nguyệt Hữu
.
.