Xung quanh vấn đề tội phạm người nước ngoài ở Việt Nam

Thứ Sáu, 02/01/2009, 17:00
Thời gian gần đây, ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo mà thủ phạm là người nước ngoài, đa số đến từ các quốc gia châu Phi. Những người này nhập cảnh VN dưới dạng du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư và cá biệt, có người vào VN dưới danh nghĩa đầu quân cho một đội bóng nào đó, để chơi bóng đá! Khi bị bắt do phạm pháp quả tang, việc xử lý những đối tượng này cũng rất khó khăn vì họ khai báo bằng thứ ngôn ngữ mà... không ai dịch nổi.

Từ những ông “tây” lang thang, cơ nhỡ…

Đi trên các đường phố ở TP HCM, có lẽ chẳng ai còn lấy làm lạ khi nhìn thấy những ông "Tây", đa số là người da đen, lang thang trên những vỉa hè hoặc ngồi vật vạ trên ghế đá công viên, áo quần nhếch nhác. Có ông đi đôi dép "Lào" mà một quai đã bị đứt, được xâu lại bằng sợi dây kẽm. Có ông chỉ trần xì quần xà lỏn, áo thun.

Ở Công viên 23/9, người đi tập thể dục, chạy bộ, tập dưỡng sinh buổi sáng chẳng ai lạ gì  2 ông "Tây" đen, tuổi chỉ trên dưới 30, cứ hễ thấy xe tưới cây của Công ty Công viên cây xanh chạy đến, là lập tức chìa 2 vỏ chai nước khoáng loại 1,5 lít ra, xin hứng vào để... uống!

Tiếp cận với một người, tôi được biết anh ta tên là Vicke, dân Congo, nhập cảnh Việt Nam dưới dạng du lịch. Bằng thứ tiếng Anh "nói như gió, chữ nào khó thì nói bằng... tay", Vicke cho biết anh ta cùng bạn là Tzanga qua đây để tìm cơ hội gia nhập một đội bóng đá nào đó vì hồi còn học trung học, theo lời Vicke thì anh ta là tiền đạo trong đội bóng của trường, và đã hai lần vô địch giải cấp... tỉnh! 

Hỏi ăn ngủ ở đâu? Vicke đưa tay chỉ lên chiếc ghế đá đồng thời hồn nhiên móc trong túi quần ra một chiếc bịch nylon nhỏ, trong đó đựng một chiếc bánh bao bẹp dúm, loại bánh không nhân giá 3 nghìn đồng.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng địa bàn TP HCM, hiện đang có khoảng 500 người nước ngoài, đến từ các quốc gia châu Phi, lưu trú. Một cán bộ công an phụ trách công tác xuất nhập cảnh cho biết: "90% những người này đều đã hết hạn visa". Hầu hết họ là dân nghèo khổ, học vấn thấp và không có nghề nào cho ra hồn. Đói ăn vụng, túng làm liều, khó mà kể hết ra đây những cảnh sinh hoạt nhếch nhác của họ.

Tại nhà vệ sinh công cộng ở bến xe buýt chợ Bến Thành, ở ga xe lửa Hòa Hưng, lắm ông "Tây" loại này mua cái vé vào đi vệ sinh nhưng thực chất thì ông vào tắm, thậm chí giặt cả quần áo.

Kiểm tra một nhà trọ bình dân trên đường Bùi Viện, Công an phường Phạm Ngũ Lão phát hiện có đến 30 ông "Tây" đen, nằm xếp lớp như cá mòi đóng hộp trong một căn phòng chỉ rộng 20m2. Thấy công an đến, nhiều ông chui vào nhà vệ sinh, xuống gầm giường, leo lên cả mái nhà để trốn.

Chủ nhà trọ cho biết trễ hạn cả nửa tháng, mà họ vẫn không chịu trả tiền thuê phòng, đuổi thì họ không đi, mời cảnh sát khu vực đến để nhờ giải quyết thì họ xí xa xí xô bằng thứ tiếng y như người trên sao Hỏa.

Một khách sạn mini khác cũng nằm trên đường Bùi Viện còn điếng hơn: Người thuê phòng là một ông quốc tịch Nigeria, mỗi ngày 200.000 đồng, thanh toán rất sòng phẳng. Có điều lạ là ông này ngày nào cũng có bạn đến thăm, khi hai người, khi một người và lắm lúc là bốn, năm  người, ở chơi vài ba tiếng. Cuối tháng, nhìn hóa đơn điện, nước, tăng vọt gấp gần 3 lần, chủ khách sạn mới té ngửa khi biết những "ông bạn" quý hóa của vị khách rất chi là đàng hoàng  kia, hàng ngày góp vào kẻ 10.000, kẻ 20.000 đồng, rồi đến  "thăm bạn" để tắm, giặt và ủi quần áo nên điện, nước nào mà chịu cho thấu!

Bị tạm giữ vì vi phạm luật pháp Việt Nam.

Ma lanh hơn, 2 ông "Tây" đen bước vào một quán ăn nhỏ nằm trên đường Nguyễn Thái Học, quận 1, gọi hai ly cà phê đá. Chục phút sau đó, 4 ông khác không biết từ đâu sà đến, líu la líu lo một hồi rồi sai phục vụ mang ra mì Ý thịt bò băm, bánh mì ốp la, bia chai 33. Ăn uống no say, 4 ông đứng dậy, đường ai nấy đi. Tới chừng tính tiền, 2 ông "Tây" đen còn ngồi lại cương quyết chỉ thanh toán 2 ly cà phê đá, vì: "Họ là đồng hương, gặp nhau chào hỏi vậy thôi. Họ ăn gì uống gì là chuyện của họ".

Đến những hành vi phạm pháp

Như đã nói ở trên, bên cạnh những người gốc Phi vào Việt Nam, có nghề nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ các quy định của chính quyền thì một số những ông "cơ nhỡ", lại lợi dụng kẽ hở luật pháp để lừa. Nếu như trước đây, việc lừa đảo của những ông "Tây" đen chủ yếu diễn ra dưới hình thức "đôla nhuộm đen, tẩy trả lại nguyên hình bằng hóa chất" mà Chuyên đề ANTG đã từng có nhiều bài tường thuật, thì hiện nay, đã thấy xuất hiện rất nhiều kiểu lừa, kể cả giật dọc.

Chả thế mà hàng tháng, Văn phòng Interpol Việt Nam đều tiếp nhận trên dưới 100 thông tin liên quan đến những vụ phạm pháp do người nước ngoài gây ra. Riêng tháng 9/2008, có gần 300 thông tin do Lực lượng Công an các tỉnh, thành chuyển đến.

Đầu tháng 9/2008, Etoza, 31 tuổi, quốc tịch Congo từ Thái Lan nhập cảnh Việt Nam dưới cái mác "doanh nhân tìm kiếm hợp đồng kinh tế".  Mặc dù là "doanh nhân", nhưng Etoza lại chỉ thuê nhà trọ, ở chung với nhiều đồng hương khác với giá 50 nghìn đồng một ngày đêm. Ăn thì chủ yếu là bánh mì rắc muối tiêu, uống nước máy. Được mấy bữa, tiền hết, Etoza dạt ra công viên.

Ngày 6/9/2008, Etoza đến chi nhánh của một ngân hàng ở quận 7, dùng hộ chiếu giả dưới cái tên J.G Davidson để rút hơn 80.000 đôla Australia từ một tài khoản mà gã đã ăn cắp được, nhưng xui cho gã, Cơ quan an ninh đã kịp thời ngăn chặn.

Cũng trong tháng 8, Fabien, Mbpke, cùng 28 tuổi, quốc tịch Congo và Fabrice, người Congo nhưng mang quốc tịch Pháp, cũng đã bị phát hiện khi dùng hộ chiếu giả để rút tiền từ ngân hàng. Trước đó, 3 gã này đã thực hiện trót lọt một vụ rút 217.033 đôla Australia bằng hộ chiếu giả mang tên Fridman Bernard Israel, người Tây Ban Nha, tại một ngân hàng thương mại cổ phần. --PageBreak--

Một chuyên viên trong ngành tài chính ngân hàng giải thích: "Khi nhập cảnh Việt Nam, ngoài hộ chiếu chính thức, bọn tội phạm này còn có khá nhiều hộ chiếu khác, được làm giả rất tinh vi. Trước lúc vào Việt Nam, chúng đã dò tìm tại các khách sạn, các cửa hàng lớn ở một số nước trong vùng thông tin về những “con mồi” mà chúng nhắm đến - chủ yếu là người phương Tây vì họ có thói quen thanh toán tiền mua sắm, lưu trú bằng thẻ tín dụng hoặc qua tài khoản. Tiếp theo, hộ chiếu giả - thẻ tín dụng giả của nạn nhân sẽ được bọn chúng bổ sung chi tiết ngay tức thì rồi bằng các kỹ thuật trong ngành công nghệ thông tin, số tài khoản, mã khóa, chúng nắm được hết".

18h30’ ngày 19/3/2008, Olagbegi Olanyl Olwwsegun, 38 tuổi, quốc tịch Nigeria bước vào quầy bán điện thoại di động trong siêu thị Maximark trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình. Sau một hồi quan sát, ngắm nghía, dùng thử, Olwwsegun quyết định mua luôn 2 chiếc Nokia, model N95 với tổng số tiền gần 23 triệu đồng, rồi thanh toán bằng thẻ tín dụng Master Card.

Do đã quen với hình thức trả tiền kiểu này nên nhân viên quầy hàng khi cầm thẻ lên quan sát, đã nghi ngờ đây là thẻ giả nên lập tức điện thoại cho Vietcombank, nhờ kiểm tra. Khi biết đó là thẻ giả, nhân viên quầy hàng đề nghị Olwwsegun đưa hộ chiếu để đối chiếu. Biết là "bể", Olwwsegun đòi thẻ lại nhưng đã bị Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự, kinh tế - Bộ Công an phối hợp với Lực lượng Công an quận Tân Bình, bắt và lập hồ sơ xác minh, làm rõ.

Không chỉ sử dụng hộ chiếu giả, thẻ tín dụng giả, những tên tội phạm người nước ngoài cũng chẳng từ thủ đoạn giật dọc. Một buổi chiều, khi vừa nhập cảnh Việt Nam được mấy ngày, Mehnet Zafer, 37 tuổi và Oruch Hakki, 27 tuổi đến một cửa hàng bán... than củi trên đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, làm bộ hỏi mua.

Khi chủ cửa hàng lấy tiền ra để trả lại tiền thừa, Mehnet Zafer đã giật cục tiền trong tay người bán hàng rồi phi như tên bắn. Thiên bất dung gian, Zafer bị những người dân gần đó đuổi theo bắt giữ và ngày 15/9, cả hai đều bị trục xuất.

Tại một cửa hàng bán đồ kim khí trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, một ông người nước ngoài vào hỏi mua 1 chiếc micro trị giá 300.000 đồng, và đưa ra tờ 100USD với yêu cầu xin được trả lại tiền thừa bằng tiền Việt Nam với những loại mệnh giá khác nhau để ông tiện sử dụng. Lúc nhân viên bán hàng lấy tiền ra cho ông chọn, lợi dụng sự sơ hở, ông "chơi" luôn 3 triệu đồng rồi khi bị phát giác, ông ném 3 triệu ấy xuống đất, miệng la toáng lên như thể chẳng hiểu chuyện gì.

Tại một điểm bán quần áo bên lề đường thuộc quận Bình Tân, 2 ông "Tây" đen bước đến, săm soi ngắm nghía mớ quần jean treo lủng lẳng trên những chiếc móc. Một lát, ông này yêu cầu bà chủ lấy cho ông chiếc quần này, ông kia đề nghị cho ông thử chiếc quần kia. Để tạo niềm tin, cả hai ông móc trong túi ra mấy tờ giấy bạc 100USD rồi xì xồ bàn bạc với nhau như để tính toán giá cả. Tới hồi hai vị khách quý đi khỏi nhưng chẳng hề mua một món gì, bà chủ mới tá hỏa tam tinh khi thấy chiếc giỏ xách đã không cánh mà bay. Cũng may trong ấy chỉ có mấy thứ đồ trang điểm lặt vặt cùng hơn 400.000 đồng.

Gần đây nhất, 4h ngày 17/12/2008, biết nhiều người Việt có thói quen đi tập thể dục buổi sáng, 4 ông "Tây" đen người Nigeria rủ nhau ra Công viên 23/9 để thực hiện hành vi trấn lột tài sản nhưng đã bị Lực lượng Công an, dân phòng phát hiện. Kết quả 2 ông bị bắt giữ là Nwadike, Chukwu, còn 2 ông chạy thoát. Nwadike khai sang Việt Nam để... bán quần áo và đã hết hạn lưu trú 4 tháng nhưng không có tiền mua vé máy bay nên tính chuyện ăn cướp để kiếm tiền về!

Theo quan niệm của một số người - nhất là những người buôn bán nhỏ, lẻ, thì những ông "Tây" - kể cả "Tây" đen khi đến Việt Nam đều là những người... giàu có (không giàu thì sao lại có cả nghìn "đô" mua vé máy bay qua đây) nên ít ai tin rằng một số trong những ông "Tây" này lại là những chuyên gia lừa đảo, trộm cắp, cướp giật. Vì thế, lúc bị chúng ra tay, phần nhiều nạn nhân đều bất ngờ, không kịp phản ứng.

Bà P, bán bánh mì, bánh ngọt ở  khu dân cư Bình Phú, quận 6 kể cho tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt: Chiều đó, có 2 ông đen thui, quần áo cáu bẩn đến cửa tiệm của bà rồi giơ 2 ngón tay lên, chỉ vào 2 cái bánh paté chaud bày trong tủ kính. Sai con lấy bánh cho khách và khi vừa cầm được bánh trên tay, hai gã bỏ vào mồm ngay tắp lự, gần như nuốt chửng rồi lộn trái cả túi quần lẫn túi áo ra dấu hiệu... không có tiền! Bà P. kể: "Hai chiếc bánh giá chỉ 12.000 đồng, có gọi công an cũng chẳng đòi được. Thôi thì nó đói, mình cho nó ăn, coi như làm phước".

Lừa tiền chưa đủ, nhiều ông "Tây cơ nhỡ" còn giở bài lừa tình. Chưa kể có ông còn chọn Việt Nam để hành nghề mại dâm nam, bán thuốc và dụng cụ kích dục. Marchabo, 31 tuổi, người Ghana đến TP HCM hôm trước, thì hôm sau bèn mò vào dịch vụ máy tính ở khu "Tây" balô trên đường Phạm Ngũ Lão. Sau vài tiếng đồng hồ “chít chát”, Marchabo đã "kết bạn" với một phụ nữ tên K, là nhân viên giao nhận tại một công ty sản xuất thực phẩm liên doanh với nước ngoài.

Hỏi xin số điện thoại của chị K, Marchabo đề nghị được gặp gỡ. Cứ tưởng "Tây" là sang lắm, ai dè khi nhìn thấy Marchabo trong một quán cà phê trên đường Nguyễn Văn Cừ, chị K. đã phát hoảng vì chiếc quần jean cáu bẩn, chiếc áo thun 3 lỗ bạc phếch và đôi giày há mõm trên người anh ta.

Uống chưa hết ly cà phê sữa đá, Marchabo liền gọi người phục vụ đem thêm đĩa thịt nguội, bánh mì cùng 2 chai bia Tiger với gói thuốc lá Marlboro. Vừa nhồm nhoàm nhai, Marchabo vừa "nổ”, rằng gã là kỹ sư địa chất, qua Việt Nam là để làm việc cho ngành khai thác dầu khí nhưng vì tiền lương của công ty mẹ ở Ghana chưa chuyển qua kịp, nên gã phải "cắm" hộ chiếu lấy 3 triệu đồng trả tiền khách sạn.

Bên cạnh đó, gã còn hoắng lên rằng gã chưa vợ, và mới chỉ gặp chị K. lần đầu, nhưng gã đã thấy "yêu chị tha thiết", muốn lấy chị làm vợ vì "con gái Việt Nam xinh đẹp dịu dàng". Cuối cùng, khi đã lưng lửng bụng, Marchabo hỏi... mượn chị 5 triệu đồng để chuộc lại hộ chiếu rồi sẽ giao cho chị giữ. Biết đã gặp "Tây" lừa, chị K. khéo léo từ chối nhưng vẫn phải trả hơn 200 nghìn đồng tiền ăn uống vì gã "Tây" kia khi nhìn thấy tờ hóa đơn, chỉ nhe hàm răng trắng nhởn ra cười hề hề...

Cần có giải pháp khẩn cấp

Nếu chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM, đã có gần 900 trường hợp người nước ngoài vi phạm luật pháp Việt Nam bị phát hiện và xử lý. Đa số họ là người gốc Phi như Nigeria, Congo, Ghana, Cameroon, Nam Phi... Thị thực nhập cảnh cho họ là visa loại D, chỉ có giá trị trong 15 ngày và không có cơ quan bảo lãnh. Khi bị bắt, đa số thường khai báo bằng những loại thổ ngữ hoặc nói quanh co.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia mà họ mang quốc tịch lại chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam nên không dẫn độ được. Còn nếu buộc họ phải quay về thì họ kêu hết tiền. Có trường hợp ta mua vé đưa họ về nhưng khi đến nơi, quốc gia họ từ chối tiếp nhận.

Để giải quyết tình trạng ấy, Tổng cục Cảnh sát đã và đang tham mưu cho Bộ Công an về việc quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời phối hợp với Bộ Ngoại giao trong việc cấp visa cho người gốc châu Phi - mà mấu chốt là người nhập cảnh phải chứng minh rằng mình có đủ tài chính để quay về. Bên cạnh đó, thành lập một trại thu gom tạm thời những ông "Tây" sống lang thang cũng là vấn đề đang được tính đến bởi lẽ không thể nhắm mắt làm ngơ cho những ông "Tây" đen lừa đảo, giật dọc, lang thang nhếch nhác trên đất nước này...

V.C.
.
.