Ánh sáng từ “Cánh đồng chết”

Thứ Sáu, 20/02/2015, 10:00
Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi là chuyến đi đến một đất nước đặc biệt, một đất nước có những cánh đồng gọi là Cánh đồng chết. Đó là Campuchia. Tháng 1/1979, quân giải phóng Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng kinh hoàng nhất trong thế kỷ XX. Và sau đó nửa năm, tôi đã lên đường trong một chuyến đi đặc biệt đến đất nước này.

Năm đó tôi vừa bước sang tuổi 23. Tôi vừa ra trường và nhận công tác được mấy tháng. Một hôm, thủ trưởng cơ quan gọi tôi lên và nói: “Có một đoàn công tác đi Campuchia. Đoàn công tác cần một người biết tiếng Anh. Chúng tôi chọn cậu. Có đi được không? Suy nghĩ cho kỹ, mai trả lời tôi”.

Tôi vội vàng nhận lời ngay mà chẳng cần suy nghĩ gì. Tôi sợ nếu không trả lời ngay lúc đó thì tôi sẽ chẳng có cơ hội nữa. Suốt mấy ngày trước khi đi, tôi luôn luôn sợ thủ trưởng thay đổi quyết định. Tôi không biết cụ thể công việc của tôi trong chuyến đi đó.

Đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam - Phnôm Pênh. Ảnh: Trần Mạnh Thường.

Thủ trưởng tôi nói cứ đến đó đoàn công tác yêu cầu làm gì thì tôi thực hiện. Nhưng tôi náo nức lạ thường. Bởi lần đầu tiên trong đời tôi được đến một đất nước khác, hơn nữa lại là một đất nước mà trong sự hiểu biết của tôi lúc đó là một đất nước của những di sản văn hóa mà cả thế giới biết đến và là một đất nước mà những năm tháng trước đó hàng triệu người đã bị đập chết như người ta đập một con gián. Cả hai điều đó thực sự ám ảnh và kích động tôi.

Đoàn công tác lên đường từ TP HCM bằng xe com-măng-ca. Các thành viên trong đoàn đều mang súng. Tôi được phát một bộ quần áo lính và một khẩu AK. Nhớ năm 1975, khi ấy tôi đang học kỳ cuối cùng của lớp 10 và chuẩn bị thi tốt nghiệp, tất cả những học sinh nam lớp tôi đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhưng hầu hết chúng tôi đã bị từ chối vì chưa đủ tuổi hoặc chưa đủ tiêu chuẩn về sức khỏe.  Tôi là một trong những học sinh ấy. Có đứa đã khóc trong thất vọng.

Ngày đó, hầu hết những thanh niên đều mơ trở thành người lính. Ngày đó, hầu như chẳng ai nghĩ đến lợi ích cá nhân mình, chẳng ai nghĩ đến cái chết. Đó là những năm tháng mà chúng ta còn phải nói đến rất nhiều và lý giải hơn nữa. Chính thế mà khi mặc bộ quân phục và khoác khẩu AK lên đường cho dù không phải đi vào mặt trận nhưng lòng tôi náo nức lạ thường.

Đoạn đường từ phà Niếc Lương đến thủ đô Phnôm Pênh là đoạn đường rất nguy hiểm. Chúng tôi được lệnh bỏ mui xe ra và tất cả ngồi quay mặt về phía sau và súng trên tay sẵn sàng ứng chiến. Vì ngày ấy, tàn quân Pol Pot vẫn còn lẩn khuất phục kích các chuyến xe của quân đội và chuyên gia Việt Nam. Đã có những cán bộ Việt Nam hy sinh sau khi Campuchia được giải phóng. Và cán bộ công an Việt Nam đầu tiên hy sinh trên đất Campuchia là một người tôi quen biết. Tên người cán bộ công an ấy là Thụ. Tôi thực sự có lỗi khi không nhớ họ của ông. Tôi thường gọi ông Thụ là chú vì ông công tác cùng Ty Công an Hà Sơn Bình với cha tôi.

Hồi còn là học sinh, thi thoảng cha tôi cho anh chị em tôi ra thị xã Hà Đông chơi vào dịp nghỉ hè. Và tôi đã gặp chú Thụ ở đó. Sau khi Campuchia được giải phóng, theo yêu cầu của chính quyền cách mạng Campuchia, chuyên gia Việt Nam ở nhiều lĩnh vực đã được cử sang giúp đỡ chính quyền và nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống và bảo về nền độc lập của họ.  Chú Thụ là một trong những chuyên gia an ninh được cử sang giúp đỡ chính quyền và nhân dân Campuchia.

Và một ngày, chiếc xe chở chú Thụ đi công tác đã bị tàn quân Pol Pot phục kích. Chú Thụ đã hy sinh. Cha tôi đã thay mặt Ty Công an Hà Sơn Bình vào TP HCM tổ chức lễ truy điệu cho chú tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn cũ. Buổi tối sau khi làm lễ truy điệu chú Thụ, tôi đã viết bài thơ tưởng nhớ chú. Bài thơ này đã được in trên Báo CAND thời còn lưu hành nội bộ. Bài thơ có tên “Ánh sáng”.

Ánh sáng

(Tưởng nhớ liệt sĩ Thụ, cán bộ Ty Công an Hà Sơn Bình)

Chăm Chơ Rây,
Em đang hát chợt dừng
Mắt nhòe ướt vành môi run rẩy gọi
Tên một người đồng đội của tôi

Tôi đứng lặng nơi anh ngã xuống
Đôi bờ sông rừng rực sắc phù sa
Cây đang hát lời âm thầm của đất
Đất đang hát lời réo sôi của máu
Máu của anh và máu bao đồng đội
Như mạch ngầm chảy trong đất Ăng-ko

Anh ngã xuống cánh rừng ngưng tiếng gió
Trái xoài đau không chín dẫu vào mùa
Ngày ấy không có đêm bởi buôn làng không ngủ
Bà mẹ Campuchia bồng con thổn thức
Lời đau buồn rơi trên ngực trẻ con

Chăm Chơ Rây,
Em đang hát chợt dừng
Bộ đội Thụ kia em chỉ ra phía trước
Theo tay em tôi nhìn chỉ thấy
Xe trâu chở cánh đồng vàng về sóc
Vườn xoài thơm thả lũng lẵng mặt trời
Dòng Mê Kông ngờm ngợp cánh buồm trôi
Mái chèo chở Biển hồ về cập bến
Cá quẫy đuôi cong dáng mái chùa
Lũ trẻ hát lời xanh đầy gió
Lá thốt nốt xòe đầy nắng những bàn tay

Chăm Chơ Rây,
Em như Thần vũ nữ
Đưa tôi vào huyền thoại cuộc hồi sinh
Theo tay em tôi nhìn chỉ thấy
Đêm Lăm thôn lửa sáng ngón tay người
Ngàn nến thắp Điệu vén màn lấp loáng
Trong mắt người, mắt tượng lửa ngời lên

Và tôi nghe trong nhịp trống vỗ mơ hồ
Trong điệu múa hồi sinh còn run rẩy
Trong ánh mắt tựa hồ trăng thức dậy
Anh về kia qua vườn xoài lặng lẽ
Khắp đất trời thổn thức hương bay.

Trong những ngày ở Phnôm Pênh, những người lính cách mạng thường đưa chúng tôi thăm thành phố bằng xe đạp. Chúng tôi đạp xe qua những khu phố ở quanh Đài Độc Lập còn vắng người. Lúc đó, những người dân Phnôm Pênh bị chính quyền Pol Pot bắt rời khỏi thành phố vẫn chưa về hết. Quá nhiều người trong số họ không bao giờ có thể trở về. Họ nằm trong những hố chôn người tập thể khổng lồ. Và những hố chôn người tập thể khổng lồ đã dựng lên những cánh đồng chết mà trước đó chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi.

Từ lúc đó, khi tôi còn là một thanh niên rất trẻ cho tới bây giờ là một người đàn ông đã già, tôi vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của chính tôi là vì sao trên một đất nước có những di sản văn hóa kỳ vĩ đến như vậy của nhân loại lại sinh ra những kẻ giết người man rợ nhất thế kỷ XX như thế. Hay là những di sản văn hóa kỳ vĩ của nhân loại thì vẫn còn đó, còn nhân loại làm nên nền văn hóa đó đã và đang bỏ thế gian này ra đi rồi?

Một sáng đi qua một khu vườn hoang tàn bởi những ngày tang thương trên mảnh đất Ăngkor, tôi chợt nhìn thấy một quả xoài chín vàng. Trong khu vườn ở Phnôm Pênh ngày đó có rất nhiều cây xoài, nhưng tôi chỉ nhìn thấy một quả xoài duy nhất. Tôi đã đứng rất lâu bên hàng rào nhìn quả xoài. Tôi chưa bao giờ thấy một quả xoài đẹp và rực rỡ như thế. Buổi chiều trở lại khu vườn đó, tôi không nhìn thấy quả xoài ở đó nữa. Tôi cứ nghĩ, quả xoài chỉ hiện ra một lần cho tôi nhìn thấy và nhận biết một điều gì đó. Nó hiện ra như một ngọn đèn từ đêm tối và máu chảy của đất nước này, hiện ra như một gương mặt người còn sót lại trong cái thế giới man rợ ấy. Nó hiện ra để nói với chúng ta rằng không sự man rợ nào, không một mưu mô bẩn thỉu nào có thể giết chết được niềm hy vọng của con người, giết chết được sự sống, giết chết được cái đẹp.

Đêm ấy tôi đã làm một bài thơ ngắn về quả xoài. Nhưng tôi đã thất bại. Tôi biết, lúc đó sự trưởng thành và ngôn từ của tôi chưa đủ uy quyền để nói về sự hiển lộ và thông điệp của vẻ đẹp trên một đất nước bi thương vô tận ấy.

35 năm đã trôi đi kể từ chuyến đi đầu tiên của tôi ra nước ngoài, chuyến đi đến một trong những xứ sở có những di sản văn hóa kỳ vĩ nhất của nhân loại, đến một đất nước tang thương nhất trong thế kỷ XX với những cánh đồng chết, tôi vẫn tin đó là chuyến đi lớn lao nhất của đời tôi.

Và đâu đó, trong bóng tối và máu chảy ở thế gian này, tôi lại thấy một ngọn đèn, một gương mặt người của đau thương và hy vọng hiện ra giống như quả xoài trong một khu vườn hoang tàn ở Phnôm Pênh 35 năm về trước. Và tôi tin vào sự bất diệt của nhân loại, một nhân loại đã, đang và sẽ làm nên những vẻ đẹp kỳ vĩ cho dù nhân loại ấy bị săn đuổi, bị thủ tiêu và bị dối lừa.

Nguyễn Quang Thiều
.
.