Đi tìm “cây bà đẻ” của người Chơro

Thứ Bảy, 09/01/2016, 08:00
Bước chân vào Lý Lịch là bước chân vào thế giới huyền hoặc nhuốm sắc màu lạ kỳ gắn với tộc người Châuro (hay Chơro) - chủ nhân vùng “Mã Đà sơn cước anh hùng tận” một thuở. Một trong những điều lạ kỳ ấy là những chuyện có liên quan đến các loại cây thuốc giúp mẹ khỏe con khỏe trong quá trình mang thai và hậu sản…


Các cây thuốc này chỉ được người Chơro truyền nhau dưới hình thức mẹ truyền cho con gái, gọi chung là “cây bà đẻ”, và được cho là khi dùng dưới hình thức ngâm rượu, nấu nước uống thai phụ sẽ không bao giờ bị ốm nghén, mệt mỏi và lúc lâm bồn thì đẻ nhanh và mau hồi phục sức lực.

Chúng tôi tìm đường đến vùng rừng Mã Đà ngày nào. Nơi chúng tôi tìm đến là xã Phú Lý (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) với tâm điểm là ấp Lý Lịch - nơi có đến 98% hộ dân là người đồng bào Chơro. Tại vùng rừng thiêng từng lưu dấu vô số chuyện rừng hoang ly kỳ có bóng hình của trăn khổng lồ thân vắt ngang cây như đánh võng, còn đó câu chuyện hãi hùng cọp 3 móng chuyên ăn thịt người và sự khôn thiêng của những ông Bồ (voi rừng), từ sự nhiệt tình của các bà các mẹ Chơro, chúng tôi có được cơ may bóc gỡ từng vị thuốc quý trong các thang thuốc bà đẻ.

Già làng Năm Nổi với một tổ ong vò vẽ.

Ở tuổi gần 80, cụ bà Hồng Thị Lịch, là người phụ nữ được cộng đồng người Chơro ở Lý Lịch rất mực tôn kính. Ông Nguyễn Đình Biên, trưởng ấp Lý Lịch giải thích bà Hồng Thị Lịch được như thế vì nhiều lẽ. Vì bà là vợ của già làng Năm Nổi, người hùng của tộc người Chơro nổi tiếng với bài quyền múa xà-gạc chém hổ; vì bà nắm giữ được nhiều bí quyết của tộc người mình như thổi kèn bằng vỏ rạ, thổi kèn bằng lá cây, ủ rượu ịch với gần 40 loại cây lá rừng có vị thuốc. Nhưng đặc biệt hơn, bà Hồng Thị Lịch còn nắm giữ bí quyết, cách nhận dạng, sử dụng nhiều loại cây lá rừng phục vụ cho…  bà đẻ!

"Hồi trước, khi vợ gần đẻ, ông chồng làm cái chòi cho vợ nằm đẻ. Chòi đẻ như chòi để lúa, làm ở gần nhà, chỉ đủ cho vợ nằm thôi. Làm chòi cho vợ đẻ là quy định của tổ tiên… Ai cũng phải làm như vậy".

Đêm cuối năm, bên bếp lửa hồng, bên men rượu ịch thơm nồng tinh túy của núi rừng, cụ Hồng Thị Lịch liên tục nhắc đi nhắc lại chuyện sản phụ Chơro ngày trước, trong đó có cụ, khi gần đến ngày sinh nở phải rời nhà vào chòi. Hỏi lý do vì sao, cụ giải thích sở dĩ cha ông quy định như vậy nhằm kiêng cữ, sợ đẻ trong nhà gây ô uế, như thế sẽ khiến tổ tiên, thần linh quở phạt làm cho mất mùa, bệnh tật!

"Trong nhà, có nhiều Yang (thần linh) trú ẩn lắm. Có Yang trú trong ché rượu, có Yang ở bếp lửa, có Yang trú trong gùi, trong bàu nước… Tổ tiên không cho sinh đẻ trong nhà vì sợ lúc sinh gây ô uế, các Yang giận sẽ quở phạt" - cụ bà Hồng Thị Lịch, cho biết!

Vợ chồng già làng Năm Nổi - Thị Lịch ở tuổi gần đất xa trời nhưng vẫn hết mực yêu thương nhau. Con cháu, dân làng chẳng bao giờ thấy hai cụ gây gổ hay lớn tiếng với nhau bao giờ. Hỏi ra mới biết chế độ hôn nhân một vợ một chồng của tộc người Chơro rất bền vững… và ly hôn là điều cấm kị. Đôi vợ chồng nào sống không thuận hòa muốn ly hôn sẽ bị làng phạt vạ theo luật tục rất nặng.

"Làng phạt người đòi ly hôn, người đòi chia tay vợ (hoặc chồng-PV) những vật có giá trị tài sản lớn lắm. Làng phạt trâu, phạt ché, phạt đồng la (nhạc cụ bằng đồng như cồng chiêng Tây Nguyên nhưng không có u núm-PV). Nếu đáp ứng được phạt thì làng thuận cho được tự do. Nhưng thường ít có vợ chồng chia tay vì sợ bị phạt".

Như cụ Hồng Thị Lịch, cụ bà Thị Mại, sau lý giải trên cho biết, thời gian để người chồng làm nhà chòi cho vợ đẻ cách nhà chính không quá 10 bước chân, thường vào tháng thứ 7, với những tiêu chuẩn, quy định ngặt nghèo: "Nhà làm bằng tre nứa, lồ ô, cỏ tranh. Nhà bà đẻ phải ở nơi cao ráo, không có nước đọng, không có cây cối, gò mối. Cột nhà phải thẳng, phải suông, không có u sần, không vướng dây leo vì tổ tiên tin như vậy giúp người mẹ dễ đẻ, đứa trẻ mau ra đời không bị bệnh tật, đau đớn”.

Trò chuyện với các bà, các mẹ người Chơro mới biết, khi nhà bà đẻ được người chồng dựng lên, khi sắp sanh, thai phụ sẽ rời nhà chính sang ngụ ở nhà đẻ, việc cơm nước sẽ do người chồng và người thân phía vợ (người Chơro có tục bắt rể, sau đám cưới người chồng sẽ về nhà vợ ở, có điều kiện thì ra riêng-PV) đảm trách. Lúc lâm bồn, sản phụ bao giờ cũng nằm hướng mặt về phía cửa.

Cụ bà Thị Mại cho biết, quá trình "lưu trú" tại nhà bà đẻ của một sản phụ Chơro thường khoảng 10 ngày: "Trước khi người vợ trở lại nhà chính, phải tắm lá thuốc cho sạch sẽ. Nhà bà đẻ sau đó sẽ bị phá bỏ… Người nào đẻ chục đứa con thì người chồng có chục lần dựng nhà cho vợ đẻ".

Bà Hồng Thị Lịch trong một lần vào rừng tìm cây thuốc.

Khi bà Thị Mại nhắc đến việc tắm lá thuốc, tôi hỏi tới thì được bà cho biết nhiều thông tin ly kỳ quanh những cây thuốc dành cho bà đẻ: "Hồi mình sanh đứa con thứ 4, đau bụng cả ngày mà đứa trẻ không chịu ra. Vậy là ông chồng mình vào rừng hái cây thuốc cho mình uống. Uống được vài chén thì đứa con sổ ra dễ thôi".

Bà Thị Mại bảo, trong các vị thuốc ấy, có cây lấy rễ, có cây lấy lá, có cây lấy vỏ. Về chủng loại thì có cây mùa cưa, cây vú bò, cây lấu (lấy rễ-PV), cây bông trang…

Theo giải thích của các bà, các mẹ người Chơro, bài thuốc uống cho người mẹ dễ sanh, đứa trẻ mau ra đời gồm gần chục vị thuốc. Khi được phối với nhau và nấu dưới dạng thuốc, bài thuốc trên có công dụng như mũi thuốc kích thai an toàn, hiệu dụng!

 Sống ở nơi hoang dã, phụ nữ người Chơro ngày trước ai nấy đều khỏe mạnh. Ngày lại ngày di chuyển trên những triền núi đồi nên khung xương chậu của họ nảy nở, nên các bà các chị sanh con dễ dàng, họa hoằn lắm mới dùng bài thuốc kích thai trên. Nhưng dù có như thế nào thì khi người mẹ sinh con, cả mẹ và đứa trẻ sẽ được cho tắm ngày 3 lần thứ nước được nấu từ nhiều loại lá rừng như tâng-cham (mùa cưa), ừng-gâm, mục-pu và có cả vỏ của cây mật nhân.

Trước nhà già làng Năm Nổi có treo một tổ ong vò vẽ khô đét. Ít ai biết tổ ong trên không chỉ được người dân Chơro xem như là thứ pháp khí thần hiệu để xua ma đuổi quỷ, mà còn có công dụng là dược liệu để tắm rửa cho bà mẹ, trẻ em khi ngứa ngáy khó chịu.

Về chuyện tổ ong là pháp khí trừ ma quỷ, già làng Năm Nổi cho biết từ bao đời nay, tổ tiên tin tổ ong vò vẽ có thể mê hoặc được quỷ ma: "Ban đêm, quỷ ma hay vào nhà hại người. Mình treo tổ ong trước cửa chính, quỷ ma vào hướng đó, nó thấy tổ ong lạ, nó đứng xem. Tổ ong có nhiều lỗ, quỷ ma đếm, nó đếm hoài vẫn không hết lỗ trong tổ ong… nó mê đếm lỗ tổ ong nên không biết trời bắt đầu sáng. Trời sáng quỷ ma không hại được người nữa”.

Còn để tắm rửa, già làng Năm Nổi bảo, dân ở đây vẫn bỏ vào nước nấu sôi, để nguội rồi tắm cho đứa trẻ bị ngứa, nổi mụn nhọt rất hay.

Việc dùng tổ ong vò vẽ của người Chơro trong việc chữa ngứa, mụn nhọt thật thú vị. Và đặc biệt hơn cả là kinh nghiệm đó đã được ngành y học cổ truyền ghi nhận bằng các trác tác y văn có giá trị. Trong “Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc” (Võ Văn Chi),  công dụng của tổ ong vò vẽ, được ghi nhận như sau: "Được dùng trị lở ngứa, ung nhọt (lấy tổ ong nướng vàng, tán bột, nấu với dầu và sáp để bôi)… Chữa được chứng động kinh run giật thành tật, đau nhức nhiều nơi, chữa được chứng ung nhọt sưng đau và chứng tràng nhạc hay là chứng mụn mọc ở trong ruột”.

Liên quan đến cây bà đẻ, trong thời gian vợ ở cữ, bao giờ trước cửa nhà chính,  người chồng cũng đặt để vài nhánh cây trước sân gọi là "cành lá cấm" làm dấu hiệu báo cho mọi người trong làng… ngoại bất nhập vì sợ mang mầm  bệnh. Và lúc này, bên cạnh việc tắm bằng cây lá rừng có vị thuốc trước khi rời nhà bà đẻ về lại nhà chính, sản phụ đuợc người thân sắp đặt luôn nằm gần bếp lửa để chống lạnh.

Bà Thị Mại nhóm lửa nấu thuốc lá để tắm cho cháu.

"Hồi xưa rừng dày, lúc nào cũng lạnh. Lúc sinh người mẹ mất nhiều sức, bị suy yếu, khó chống được lạnh nên nằm bên bếp lửa để nghỉ ngơi, sưởi ấm, ăn uống đầy đủ cho mau lại sức" - cụ bà Thị Dế nói.

Cũng theo tâm tình của cụ bà Thị Dế, trong thời gian nằm ổ, hằng ngày sản phụ sẽ được người thân trong gia đình cho uống bài thuốc lá có tác dụng làm tiêu cuống nhau và sổ các chất dịch còn tồn dư của quá trình vượt cạn. Từng có năm  lần bảy lượt vào rừng tìm cây thuốc cho vợ uống sau sinh, già Dương Văn Dương, ngoài 70 tuổi, rất rõ rành các cây thuốc ấy. Hỏi chuyện, ông liệt kê một mạch: "Cây thuốc cho bà đẻ uống có nhiều cây lắm. Có cây vú bò, cây mè, đồng hồ, cút cu, hồng quân, từ bi, sương sáo…”.

 Không chỉ các bà, hỏi bất kỳ người đàn ông nào ở độ tuổi ngoài 60 trong cộng đồng người Chơro, 10 người được hỏi thì ai nấy cả thảy đều rất rõ rành các cây thuốc, vị thuốc được truyền qua bao đời có tác dụng kích sinh, tắm rửa cho mẹ và bé cũng như giúp sản phụ mau lấy lại sức lực trong quá trình vượt cạn. Thật thú vị khi được biết trong danh mục các cây thuốc mà bà đẻ thường dùng, có một số cây quen thuộc như dây trầu bà, dây tơ hồng… và nhất là loại thảo dược có tên gọi sâm cau (hay ngải cau).

Cây thuốc này có trong danh mục của gần 40 cây lá rừng có vị thuốc được người bản xứ dùng để ủ rượu ịch, thứ rượu thiêng linh được các bà, các mẹ đảm đang dày công làm  men ủ rượu để cúng Yàng. Sở dĩ gọi là sâm cau vì cây có lá giống lá cau, thân rễ bổ dưỡng như sâm vậy.

Bây giờ con cháu không phải "đẻ ở chòi" như cha mẹ, ông bà mình ngày trước, mà đã biết vào trạm xá, bệnh viện đặng vượt cạn, đỡ lo lắng với không ít biến chứng hiểm nguy lúc trở dạ, thì các già làng lại bày tỏ sự âu lo cho số phận các cây thuốc bà đẻ của tộc người mình.

"Bây giờ đau đẻ thì có trạm xá, có bệnh viện rồi, vào có bác sĩ lo, đẻ xong khỏe thì về…  nên không ai dùng cây thuốc cho bà đẻ nữa. Nên lớp trẻ bây giờ không biết gì, chẳng mấy đứa biết gì cây thuốc cha ông!" - già Dương trầm ngâm.

Đó là nỗi ưu tư lớn của các già làng Chơro. Thì cũng không phải chỉ vì muốn giữ thuốc cây bà đẻ mà các già lại muốn con cháu quay lại đẻ ở chòi một cách thiếu văn minh như trước. Nhưng họ sợ mai này, khi họ về với Yàng, câu chuyện về những “cây bà đẻ” cũng sẽ khép lại. Như thế sẽ là mất mát lớn của không chỉ cho các thế hệ mai sau, mà còn là mất mát lớn của một tộc người từng sống giữa rừng hoang.

"Sống giữa rừng, cây thuốc nhiều lắm mà lớp con cháu chẳng biết gì thì…" - già làng Năm Nổi, bỏ lửng câu nói với ánh mắt đỏ hoe hướng về phía rừng!

N.T.D.
.
.