Điên cuồng ở "thánh địa hồng” Harajuku

Thứ Hai, 26/01/2015, 20:10
Điên cuồng ăn uống. Điên cuồng shopping. Điên cuồng thể hiện bản ngã. Điên cuồng thể hiện sự "khả ái", "cute" và "đáng yêu". Harajuku, hàng chục năm nay, vẫn là "thánh địa" của các tín đồ Kawaii khắp châu Á và toàn thế giới.

Đêm cuối năm ở Tokyo, cho dù ở các nơi khác đã chìm vào sự tĩnh lặng, khu vực Harajuku vẫn ngập tràn bóng dáng dân teen, và cả du khách khắp nơi trên thế giới đổ về, để được sống trong một không gian văn hóa hiện đại của xứ Phù Tang, nay đã trở thành một nền công nghiệp toàn cầu.

1. Đối lập với không khí buồn tẻ và nghiêm ngắn trên tàu điện ngầm Tokyo, vừa chui ra khỏi nhà ga Harajuku, du khách ngay lập tức choáng ngợp với một không gian mở hoàn toàn đối lập: đầy sức sống, đầy màu sắc, đầy sự trẻ trung và đầy cá tính, mà nhiều người đinh ninh đó là sự lập dị.

Buồn tẻ và nghiêm ngắn, đó thực sự là những cảm giác dễ liên tưởng khi ngồi trên tàu điện ngầm ở Tokyo. Những dáng ngồi hết sức chỉn chu và nghiêm túc. Những gương mặt mỏi mệt và nghiêm nghị, gục đầu tranh thủ một giấc ngủ, hoặc cắm mặt vào máy điện thoại. Không có những câu chuyện ồn ã, không có những cái nhìn săm soi, dù có thể mang tính chiêm ngưỡng, lướt qua những hành khách khác. Trong văn hóa Nhật Bản, vốn tôn vinh sự nhã nhặn, từ "Kawaii" (khả ái, đáng yêu) luôn được đánh giá cao. Không nhìn người khác trên tàu điện ngầm, đó chính là "khả ái".

Nhưng sự "khả ái" khi đặt chân đến Harajuku, đã mang một sự đối lập hoàn toàn, vốn giống như xã hội Nhật Bản luôn tồn tại những cặp phạm trù song hành nhưng luôn đối lập đến mức khó hiểu. Nó sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.

Đó là những cô gái theo trường phái Kawaii rạng rỡ trong trang phục màu hồng từ đầu đến chân: áo hồng, tóc hồng, váy hồng, tất hồng, giày hồng, găng tay hồng, nơ hồng, lông mi cũng màu hồng… hân hoan và tự tin trong sự chiêm ngưỡng của người xung quanh.

Đó là những chàng trai theo trường phái Manga, tóc kiểu thám tử Conan màu xanh nước biển, áo măng-tô đen trang nhã, khẩu trang đen, kính đen… Đó cũng là những cô gái theo trường phái Anime tất lưới mắt cáo đen, váy 3 tầng xanh-hồng-vàng, tóc nhuộm bạch kim, và đeo trên đầu một chiếc nơ to đùng, lúc nào như cũng chỉ chực rơi xuống vì nặng…

2. Tất cả những "ngôi sao khả ái" ấy được tháp tùng bởi một dòng người cuồn cuộn cuốn quanh các con hẻm khu Harajuku. Những con hẻm mới là linh hồn của khu vực này. Các cửa hàng thời trang, cửa hàng phụ kiện, nhà hàng, quán bánh ngọt, quán cà phê, tiệm đồ ăn nhanh, pub, câu lạc bộ dành cho teen, rạp chiếu phim… san sát nhau tạo thành một thế giới riêng biệt chỉ dành cho dân teen.

Chỉ riêng về thời trang, cũng đã ngút ngàn kiểu dáng và màu sắc. Dành cho nam giới thì có đồ lính Mỹ, đồ rằn ri, vest, sơmi, giày… Dành cho nữ giới thì nhiều gấp bội, từ quần áo cho tới phụ kiện đủ loại như giày dép, balô, túi xách, gấu bông, nơ… cho đến đủ thứ tế nhị khác. Đa phần là hàng hóa của các thương hiệu cá nhân, tự thiết kế rồi thuê gia công ở Hồng ông hay Trung Quốc, với mức giá rất teen.

Thi thoảng, có một vài cửa hiệu có bán đồ nhập khẩu với các thương hiệu tầm trung trên thế giới, nhưng bán với hình thức hàng sale, chứ không trưng bày cầu kỳ và xa xỉ. Tokyo thực ra là thiên đường của đồ xa xỉ, chỉ cần bước ra khỏi những con hẻm dành cho thế giới teen, cả một thế giới hàng hiệu sẽ đập vào mắt du khách, nhưng đó không phải là đặc trưng của khu Harajuku.

Không chỉ phục vụ những tín đồ của dòng thời trang Kawaii (dễ thương), với đặc trưng lông mi giả dày và dài, đủ để đặt một que diêm lên mà không rơi; đường kẻ mắt đậm liên tưởng đến những chú gấu con; váy ngắn và đôi giày bốt cao gót…, Harajuku còn là "thiên đường" của các tín đồ thời trang Manga (truyện tranh Nhật Bản) và Anime (phim hoạt hình Nhật Bản).

Bất kỳ dân teen nào đã trót mê mẩn những bộ truyện tranh hay các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, đều có thể tìm được cho mình một bộ trang phục ưng ý ở Harajuku. Thế nên, dòng người cuồn cuộn đổ trong các hẻm thi thoảng lại dừng lại, dạt ra, xôn xao chiêm ngưỡng một nhân vật giống hệt trong Doraemon, 7 Seeds, Gantz, Cross Game, Black Jack, Rave Master, One Piece, Salad Days, Pluto hay Siêu nhân Locke (những bộ truyện tranh kinh điển), hoặc Lâu đài trên không, Nàng công chúa ở thung lũng gió, Vùng đất linh hồn, Dịch vụ giao hàng Kiki, Cô gái vượt thời gian, Lâu đài của gia tộc Cagliostro, Bạn không cô đơn (những bộ phim hoạt hình chuyển thể từ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản)…

3. Cách đây gần 10 năm, PV Chuyên đề ANTG đã có cơ hội tiếp xúc với một phiên bản của "thánh địa" Harajuku, nhưng lại nằm ngoài đất Nhật, chứng tỏ sự thẩm thấu và bành trướng mạnh mẽ của văn hóa Harajuku khắp châu Á. Đó là khu phố Trạng Nguyên Phường, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

"Sốc" cũng là cảm giác đầu tiên của bất kỳ ai khi chứng kiến Trạng Nguyên Phường, một con ngõ nhỏ nằm trong khu dân cư, trên đường Nhân Dân Nam. Từ trên cao nhìn xuống, Trạng Nguyên Phường là một dòng sông người chen vai thích cánh tràn vào các cửa hàng.

Chuyên phục vụ dân teen, phong cách bán hàng ở đây cực kỳ cởi mở và dễ chịu. Người bán hàng sẵn sàng phục vụ một lúc hàng chục khách hàng lục tung cả đống đồ lên xem mà chẳng hề mua cái nào. Có những bà chủ trẻ quá mệt vì cười nhiều, chúi đầu lên sạp hàng ngủ gục, mặc kệ khách muốn xem gì thì xem.

Không có đồ hiệu. Không có những quầy hàng sang trọng bóng bẩy. Không có đến cả không gian để thở khi chen chúc trong những căn nhà chật hẹp kin kít những quầy hàng. Điều hấp dẫn nhất ở Trạng Nguyên Phường là nó tạo được một không gian đặc trưng cho dân teen đổ về đây để ngắm nhau: những kiểu đầu mới nhất, những bộ trang phục Kawaii, Manga, Anime cầu  kỳ nhất đều nhận được những ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ.

Hỗ trợ đắc lực cho không khí mua sắm hừng hực là cơ man hàng rong lẫn cửa hiệu bán đồ ăn vặt dành cho nữ giới: ổi dầm, hoa quả dầm, xí muội, nước mía… Khi trời càng về chiều, hệ thống các quầy hàng chân gà nướng, đậu phụ nướng, khoai nướng… nổi tiếng của Quảng Châu bắt đầu tràn ra vỉa hè, phục vụ những tín đồ mua sắm.

4. Văn hóa "Kawaii" tràn ngập và thẩm thấu sâu vào giới trẻ Trung Quốc như ở Trạng Nguyên Phường nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, thể hiện cụ thể bằng việc từ "Kawaii" đã hiện diện trong cuốn Đại từ điển của Nhà xuất bản Oxford (bên cạnh những từ nổi tiếng khác như karaoke hay sushi), không phải là chuyện "hữu xạ tự nhiên hương", mà là kết quả vận hành của cả một cỗ máy khổng lồ của nền công nghiệp giải trí Nhật Bản, và của cả Chính phủ Nhật Bản.

Theo thạc sĩ Ngô Hương Lan, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, một cuộc khảo sát được Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tiến hành tháng 2/2010 với tên gọi "Bản đồ xu hướng tiêu dùng châu Á", đã cho thấy số người biết đến thời trang Kawaii, tại thời điểm đó, khá lớn, chiếm tới 50% số người được hỏi tại Hồng Công, Singapore và Bangkok. Lượng người yêu thích thời trang Kawaii cũng lên đến 40% ở các thành phố lớn của châu Á này.

Sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đại chúng Nhật Bản và ảnh hưởng sâu rộng của nó tới đời sống văn hóa thế giới hiện nay đã trở thành chủ đề được bàn luận tại chính phủ, và ý tưởng "xuất khẩu văn hóa Nhật Bản" ra nước ngoài được phác thảo một cách có kế hoạch, trở thành một trong những chiến lược phát triển đất nước của Nhật Bản trong thời đại mới.

Tháng 6/2010, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã tuyên bố chiến lược xây dựng "Phòng văn hóa Nhật Bản Cool Japan" (Cool-đáng yêu, dễ thương), nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Nhật Bản, bao gồm các lĩnh vực như truyện tranh Manga, phim hoạt hình Anime, thời trang và văn hóa ẩm thực Kawaii… ra nước ngoài.

Với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, lễ hội văn hóa Nhật sẽ được tổ chức ở nhiều nước, nhằm đem lại nhận thức mới về một đất nước Nhật Bản giàu sáng tạo văn hóa, thu hút các nhân tài trong lĩnh vực này đến với môi trường sáng tác ở Nhật. Bên cạnh đó, đối với các thị trường mới nổi trong khu vực, Chính phủ Nhật Bản cũng dự định tiến hành điều tra thị trường công nghiệp văn hóa, đồng thời mở các phòng văn hóa "Cool Japan" tại những địa phương quan trọng và hỗ trợ cho các công ty văn hóa Nhật Bản muốn thâm nhập vào thị trường này.

…Với một kế hoạch bài bản và được quan tâm tạo điều kiện phát triển thích đáng, văn hóa Kawaii, vốn đã có nguồn gốc sâu xa trong văn hóa Nhật Bản, với sự duy mỹ trong ẩm thực, cách hành xử, đã phát triển sâu rộng trong xã hội hiện đại xứ Phù Tang. Thông qua giới teen, cuộc "cách mạng Kawaii" bành trướng sang thời trang, mỹ phẩm, đồ công nghệ… với những sắc màu và họa tiết quen thuộc đối với cả thế giới: chấm bi, đăng ten, ren, màu cam, hồng, vàng…

Và "cửa hàng trưng bày" lớn nhất của văn hóa Kawaii đã được chính quyền Tokyo ưu ái dành nguyên cho cả một khu vực Harajuku để mặc sức kinh doanh và phát triển. Sự thành công của Harajuku lớn đến độ, cứ đến những ngày cuối tuần, đây là nơi tụ hội của những tín đồ Kawaii đổ đến từ khắp châu Á.

Không những vậy, thuật ngữ Harajuku đã không còn giới hạn là một địa phương của thành phố Tokyo nữa, mà đã trở thành một định nghĩa về dòng thời trang trên bản đồ thời trang thế giới dành cho dân teen. Những tour du lịch dành riêng cho dân Kawaii khắp nơi trên thế giới, với địa chỉ là "thánh địa Harajuku" đã trở thành một trong những tour du lịch bán chạy nhất ở Nhật Bản.

Những thương hiệu thời trang cá nhân trong khu Harajuku nay đã tự tin lan tỏa và đứng vững trên địa bàn, và dần được dân teen nhắc đến nhiều hơn cả những thương hiệu giá rẻ hàng đầu thế giới như Gap, F21, Topshop và H&M, vốn đã thống trị ở đây từ những năm 90 thế kỷ trước.

Việt Đông
.
.