Đức Vua, gói trà Hồng Đào và người nấu phở ở Na Uy
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hai thú đam mê ngoài thế giới văn chương
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Viết bằng đôi mắt của ký ức và trí tưởng tượng
Một thời gian sau, một nhà xuất bản Na Uy muốn in một tuyển tập truyện ngắn của một số nhà văn nước ngoài mà nước đó có người định cư ở Na Uy. Thế là chị quyết định tìm cách liên lạc với tôi để xin phép tôi dịch một số truyện ngắn của tôi. Qua thư từ trao đổi, tôi mới biết chị là con gái của một người Việt đến sinh sống ở Na Uy từ trước năm 1954.
Khi biết chị, tôi không ngờ rằng: trên gác hai của quán phở gà ở phố Đỗ Hành là nơi Minh Khai đã trọ một thời gian dài khi chị sang Việt Nam học châm cứu ở bệnh viện của bác sĩ Nguyễn Tài Thu. Cạnh quán phở gà là Cà phê Tuấn Trâu Vàng, cổ động viên số 1 của Đội tuyển bóng đá Việt Nam, nơi tôi vẫn uống cà phê mỗi sáng.
Năm 2004, tập tuyển truyện ngắn đó đã được xuất bản và tôi đã được mời sang Na Uy dự buổi ra mắt tập tuyển. Vì bận việc, Minh Khai đã để chồng chị, anh Trần Quang Đông, ra sân bay đón tôi. Cũng cho đến lúc này, tôi mới biết được mối tình của vợ chồng Minh Khai. Anh Đông đã nhìn thấy chị trong một lần đi ăn phở gà. Và vẻ đẹp của một cô gái lai giữa Á và Âu đã thôi miên anh. Thế là họ yêu nhau và thành vợ chồng. Anh Đông theo vợ đến Na Uy sinh sống. Trong chuyến sang Na Uy lần đó, tôi đã ở nhà vợ chồng Minh Khai.
Hồi bé, Minh Khai đã được cha mẹ dạy vẽ. Ông Mai Thế Nguyên và người vợ Na Uy đều là kiến trúc sư. Rất nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng ở thủ đô Oslo có sự tham gia của ông. Một trong những công trình đó là khu bếp, phòng trà và phòng ăn của Đức Vua và Hoàng hậu Na Uy trong Hoàng cung. Tôi đã được xem một vài bức ký họa của Mai Thị Minh Khai khi chị lên tám tuổi. Thật xuất sắc và rung động.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chụp ảnh với Vua và Hoàng hậu Na Uy. |
Nhưng sau một thời gian học hội họa, chị đã giã từ nó. Chị nói rằng chị biết khả năng của chị đến đâu và hơn nữa trước mặt chị có biết bao họa sĩ Na Uy danh tiếng. Chị biết rằng chị sẽ không bao giờ có thể đứng bên cạnh họ được. Chính thế mà chị không tiếp tục theo học hội họa. Chị trở về Việt Nam học tiếng Việt và học châm cứu. Bây giờ chị là chuyên gia châm cứu ở một trung tâm y tế ở Oslo.
Một ngày nghỉ, vợ chồng chị đưa tôi đến thăm cha mẹ chị. Ông Mai Thế Nguyên đã nấu phở bò để đãi khách. Vợ chồng ông sống trong căn hộ xinh xắn trong một chung cư ở thủ đô Oslo. Căn hộ có rất nhiều tranh Phái. Đã có những người sưu tập và buôn tranh hỏi mua nhiều lần. Nhưng ông bà không bao giờ bán những bức tranh đó.
Những bức tranh đó luôn luôn gợi lên trong ông Mai Thế Nguyên những ký ức về Hà Nội xưa và những lần ông gặp họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trong căn hộ của họ có hai chiếc ban thờ. Một chiếc thờ cha mẹ và một chiếc thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyên nói: "Trừ tôi ra còn tất cả những người trong gia đình tôi đều đã gặp Cụ Hồ".
Tôi đã hỏi ông Mai Thế Nguyên việc ông đặt tên con gái ông có liên quan chút gì với nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai không? Ông trả lời đó là lý do chính. Ông muốn con gái mình lớn lên phải có một khát vọng sống mạnh mẽ và biết hy sinh cho lý tưởng mà mình chọn lựa. Ông cũng muốn các con ông dù sống xa Tổ quốc nhưng phải gắn bó một điều gì đó với mảnh đất mà cha chúng đã sinh ra và lớn lên. Khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang thăm Na Uy, Mai Thị Minh Khai đã được bế ra sân bay đón cố Thủ tướng. Năm đó, Minh Khai mới hơn một tuổi.
Ông Mai Thế Nguyên mồ côi cha từ năm một tuổi. Ông kể với tôi rằng trong ký ức ông hình ảnh rõ nhất và cũng buồn đau nhất về người cha là một cái hộp sọ có một chiếc răng vàng. Đó là ngày gia đình ông thay áo cho cha ông. Mẹ ông, cụ bà Vương Thị Lai, góa chồng từ năm 28 tuổi. Từ ngày đó, một mình cụ phải nuôi năm đứa con ăn học. Cụ có một cửa hàng bán tơ lụa tên là Lợi Quyền ở 27 phố Hàng Ngang.
Ông Mai Thế Nguyên và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở Na Uy. |
Năm 1945, Chính phủ lâm thời kêu gọi toàn dân quyên góp tài chính ủng hộ Quỹ Độc lập. Cụ Vương Thị Lai là một trong những người đầu tiên đã mang tài sản mà cụ đã lao động với mồ hôi, nước mắt để ủng hộ Cách mạng. Bởi ngày ấy, ai cũng khát khao Tổ quốc được độc lập tự do. Và họ đã làm tất cả cho khát vọng lớn lao nhất ấy. Và cũng từ sau ngày đó, anh em ông Mai Thế Nguyên không còn nhận được tiền của mẹ gửi sang Pháp để ăn học nữa. Họ vừa học vừa phải đi làm thuê để sống.
Trong những năm chiến tranh ở Việt Nam, ông Mai Thế Nguyên thường tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh trên các đường phố ở Oslo. Ông đã từng kiệu một cậu bé Na Uy 10 tuổi trên vai đi suốt cả một chiều giữa hàng ngàn người Na Uy giơ cao biểu ngữ kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Sau này, cậu bé ấy đã trở thành Thủ tướng Na Uy. Thi thoảng ông Nguyên lại gặp ngài Thủ tướng đạp xe đi làm. Hai người lại rủ nhau vào một tiệm cà phê hàn huyên.
Năm 2004, thông qua Sứ quán Na Uy tại Việt Nam, tôi đã có chuyến đi trở lại Na Uy và được vào yết kiến Vua và Hoàng hậu Na Uy. Hai người lính của Hoàng cung cầm gươm đưa khách vào gặp Vua và Hoàng hậu. Tôi đã tặng Vua và Hoàng hậu tuyển tập truyện ngắn trong đó có tác phẩm của tôi và nói: "Thưa Đức Vua và Hoàng hậu, những câu chuyện nhỏ bé mà tôi viết có thể cho Đức vua và Hoàng hậu hiểu được một phần tâm hồn dân tộc tôi. Một dân tộc yêu thơ ca và yêu hòa bình".
Trong buổi gặp gỡ đó, tôi đã nói với Vua và Hoàng hậu Na Uy rằng tôi biết câu chuyện tình xúc động của họ. Hoàng gia đã không đồng ý cho Đức Vua cưới Hoàng hậu vì gia đình Hoàng hậu không môn đăng hộ đối với gia đình Đức Vua. Nếu Đức Vua cứ lấy thì sẽ không được trao ngai vàng. Nhưng Đức Vua Na Uy đã vượt qua mọi rào cản để chung sống với người yêu mình cho dù ngai vàng có thể mất. Tôi hỏi Đức Vua và Hoàng hậu rằng họ có thừa nhận rằng quyền lực của tình yêu mạnh hơn quyền lực của ngai vàng không? Cả Đức Vua và Hoàng hậu đều cười và gật đầu đồng ý. Tôi nhìn thấy Hoàng hậu vô cùng hạnh phúc vì câu hỏi đó.
Tôi là người nghiện thuốc. Bởi thế khi đang trò chuyện với Đức Vua và Hoàng hậu, tôi nhìn thấy rất nhiều gạt tàn thuốc lá ở quanh đó. Tôi rất muốn hút thuốc nhưng lại không hỏi Đức Vua và Hoàng hậu xem tôi có được hút thuốc không mà hỏi sang chuyện những chiếc gạt tàn thuốc. Tôi đã hỏi Hoàng hậu Na Uy một câu hỏi rất "ma lanh": "Thưa Hoàng hậu, ở đây nhiều gạt tàn thuốc lá quá".
Như hiểu thấu ý đồ của tôi, Hoàng hậu Na Uy mỉm cười và nói: "Nhà văn có thấy những chiếc gạt tàn đó đẹp biết bao, đúng là những tác phẩm nghệ thuật". Thế là ý muốn hút thuốc của tôi bị dập tắt.
Rồi tôi hỏi những ngày nghỉ Vua và Hoàng hậu có nấu ăn không. Hoàng hậu đáp: "Có, nhưng chỉ nhà vua nấu ngon thôi". Tôi bèn nói: "Tôi mong có một ngày được thưởng thức những món ăn do Đức Vua nấu". Đức Vua cười vui vẻ và đáp: "Chúng ta sẽ có cơ hội".
Mỗi lần tôi đến Na Uy là ông Mai Thế Nguyên lại dẫn tôi đến một cửa hàng thịt bò để mua xương bò và thịt bò nấu phở đãi tôi. Người bán thịt bò là một người quen lâu năm của ông. Vì thế mà ông có thể dặn người bạn đó mua xương bò cho ông để nấu phở.
Chị Mai Thị Minh Khai và con gái đầu. |
Lần thứ hai đến Na Uy, sau khi ăn một bữa phở bò tuyệt ngon, ông Mai Thế Nguyên trịnh trọng lấy trong tủ ra một bọc nilon. Trong bọc nilon kỹ lưỡng ấy là một gói trà Hồng Đào. Đây chính là gói trà Hồng Đào mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng ông khi cố Thủ tướng sang thăm Na Uy và ông Mai Thế Nguyên được đi dịch cho cố Thủ tướng.
Gói trà đó ông Mai Thế Nguyên đã giữ gần 30 năm. Khí hậu Bắc Âu thật tuyệt vời đã không làm hỏng gói trà đó. Hơn nữa, ông không muốn uống gói trà đó. Khi mở gói trà ra, ông nói: "Tối nay thì có lý do để uống gói trà này". Buổi tối đó, giữa một đất nước xa xôi, chúng tôi ngồi uống trà Hồng Đào, loại trà đến lúc đó đã không còn tồn tại ở Việt Nam nữa và nói chuyện về Tổ quốc mình.
Mười năm trước, ông Nguyên về Hà Nội và mua một căn hộ nhỏ ở phố Núi Trúc. Ông mua căn hộ ấy chỉ để khi đợt gió heo may đầu tiên thổi về thành phố là ông trở về Hà Nội để sáng sớm đi ăn phở bò và uống cà phê đen pha phin. Ông đã rời xa Hà Nội khi còn rất nhỏ, nhưng toàn bộ những gì làm lên thành phố cố hương của ông không bao giờ rời xa ông. Tất cả mọi điều kỳ diệu, giản dị nhưng ấm áp của nơi chốn ấy luôn gọi ông trở về.
Và khi đang viết những dòng này, tôi nghĩ có lẽ ông đã trở về Hà Nội trong cơn gió lạnh đầu tiên tràn về thành phố để sớm sau đi bộ thong thả đến một quán phở rồi ngồi im lặng trong quán cà phê và chìm vào hạnh phúc.
Hà Đông, 15-12-2015