Đường đời rộng mở

Thứ Hai, 24/08/2015, 08:00
"Khi bố tôi qua đời, thầy Trần Trung Kiên, cán bộ quản giáo Đội phạm nhân số 1, Phân trại 2 đã trực tiếp về gia đình, thắp nhang cho bố tôi. Lo tôi không yên tâm cải tạo, thầy về nhưng không báo cho tôi biết. Đến khi mọi việc xong xuôi, người nhà lên thăm kể chuyện, tôi mới hay. Tôi không biết cảm ơn cán bộ Kiên thế nào, chỉ biết đó là động cơ để tôi phấn đấu, cải tạo không ngừng, chờ ngày được đặc xá" - Phạm nhân Nguyễn Đức Thuần (Trại giam Nam Hà), một trong những người đủ điều kiện được xét đặc xá đợt Quốc khánh 2-9, không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc khi ngày về đã rất gần…

Tình người thức tỉnh lương tâm người lầm lỗi

14 năm cải tạo trong trại giam, giờ đây khi ngày về chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, phạm nhân Nguyễn Đức Thuần (SN 1962) ở tập thể Tô Hiệu, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội, nguyên Phó giám đốc Công ty XNK Hà Tây, bất chợt khóc trước mặt chúng tôi như một đứa trẻ.

Phạm nhân Thuần cho biết, từ ngày 20/7, khi trại phổ biến Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, biết được mình đủ điều kiện để xét đặc xá, một cảm giác lâng lâng, khó tả khiến ông không ngủ được. Kỷ niệm buồn vui cứ ùa về, để rồi vỡ òa trong những giọt nước mắt.

Tháng 8/2001, khi đang là Phó Giám đốc Công ty XNK Hà Tây, ông Nguyễn Đức Thuần bị bắt về các hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Hối lộ". Vào thời điểm này, lợi dụng kẽ hở trong hoàn thuế GTGT, một loạt lãnh đạo các doanh nghiệp, trong đó có Công ty XNK Hà Tây đã rơi vào vòng lao lý khi cùng hùa nhau chiếm đoạt tiền của Nhà nước bằng các bộ hồ sơ khống để xin hoàn thuế. Trong guồng quay kiếm tiền bất hợp pháp đang nở rộ thành "phong trào", Nguyễn Đức Thuần khi đó là Trưởng phòng Kinh doanh 3, sau đó là Phó giám đốc  Công ty XNK Hà Tây đã cùng Tạ Phúc Cơ (Giám đốc), bàn bạc, thực hiện các thủ đoạn chiếm đoạt tiền.

Thuần được xác định đã chỉ đạo nhân viên Phòng Kinh doanh 3 phối hợp với Công ty Lạng Sơn, Nguyễn Thị Phượng (Giám đốc doanh nghiệp Phương Bình) và các cá nhân ở các đơn vị khác lo hoàn thành bộ hồ sơ giả tạo để xin hoàn thuế GTGT. Thuần đã trực tiếp ký vào các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn… không có trên thực tế và được hưởng cá nhân trên 140 triệu đồng trong tổng số tiền được hoàn thuế trên 9,2 tỉ đồng.

Sau khi vụ án bị phát hiện, Thuần được sự đồng ý của Cơ đã nhiều lần gặp gỡ, bàn bạc và đưa tiền cho một số đối tượng để "chạy án" gồm 34.000 USD và 45 triệu đồng. Nguyễn Đức Thuần bị tuyên phạt 26 năm tù giam. Tạ Phúc Cơ bị tuyên phạt 28 năm tù giam.

Phạm nhân Nguyễn Đức Thuần tâm sự, 14 năm qua, ông luôn sống trong tâm trạng day dứt, ân hận vì đã không làm tròn bổn phận của người con trai trưởng, người cha trong gia đình.  Có 3 mốc thời gian ông không thể nào quên: năm 2006 mẹ mất; năm 2010 con gái lớn đi lấy chồng và năm 2013, người cha già không đợi được con trai đến ngày được về gia đình đã vĩnh viễn ra đi.

Những "sự kiện" quan trọng nhất trong cuộc đời con người đã buộc ông Thuần phải suy nghĩ, tự vấn lương tâm. Trong 4 anh chị em ruột, ông không chỉ giữ vị trí con trai trưởng mà còn là người được học hành nhiều nhất. Cuộc sống khó khăn, các em chỉ được học đến trung cấp nhưng riêng ông tốt nghiệp đại học Ngoại thương, từng học ở Nga 1 năm.

"Thời đó vất vả lắm, chúng tôi vừa học vừa lao động. Khó khăn như vậy thì vượt qua, vậy mà lúc thành đạt thì lại vướng vào pháp luật, chưa báo hiếu được cha mẹ ngày nào đã làm mọi người bị ảnh hưởng" - ông Thuần thở dài.

Nắm được tâm lý buồn chán của ông Thuần, cán bộ quản giáo đã luôn ở bên kèm cặp, động viên ông vượt qua để cải tạo tốt. Xúc động nhất là năm 2013 khi bố mất. Cán bộ quản giáo đội bếp (Đội phạm nhân số 1 Phân trại 2) Trần Trung Kiên đã về tận nhà phúng viếng. Đám tang xong xuôi, được người nhà lên thăm báo tin, ông mới biết việc đồng chí Kiên về nhà. Ông bảo xúc động lắm, cảm giác như thầy Kiên đã thay mặt ông để làm nhiệm vụ của một người con.

Tình cảm chân thành của người thầy khiến lương tâm ông bừng tỉnh, là động lực giúp ông tiếp tục phấn đấu. 5 lần được giảm án tổng thời gian 7 năm 5 tháng tù giam, cùng với việc gia đình giúp đỡ thực hiện hình phạt bổ sung, nộp tiền án phí và bồi thường dân sự, ông Thuần đã đủ điều kiện được xét đặc xá.

Ông Thuần chia sẻ, nếu được đặc xá đợt này, việc đầu tiên sau khi ra trại, ông sẽ về thẳng quê ở Phú Xuyên, Hà Nội để ra mộ thắp nén hương tạ lỗi với bố mẹ. Trở về gia đình, ông sẽ không bao giờ quên ơn các cán bộ quản giáo, những người đã dìu dắt, giúp ông nhận ra lỗi lầm. Nếu có điều kiện, ông sẽ quay lại để tri ân trại giam, nơi ông đã vào để trả giá rồi cũng đứng dậy, làm lại cuộc đời từ đây.

Cán bộ quản giáo Trại giam Nam Hà hướng dẫn phạm nhân lao động tại phân xưởng may.

Đường về rộng mở

"Từ hôm nghe cái tivi nói có đặc xá, tôi sung sướng lắm, không ngủ được vì sắp được về với gia đình rồi" - phạm nhân Quàng Văn Tỵ (SN 1944), là người nhiều tuổi nhất trong diện được xét đặc xá tại Trại giam Nam Hà phấn khởi cho biết. Niềm vui ánh lên trong ánh mắt, nụ cười của ông Tỵ.

Phạm nhân Quàng Văn Tỵ quê ở bản Pậu, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, Lai Châu cho biết, ông bị bắt năm 2002 về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tòa tuyên phạt 20 năm tù giam. Đến nay ông đã chấp hành án được hơn 13 năm.

Ông Tỵ kể, hành vi phạm tội của ông cũng từ cái đói, cái nghèo mà ra. Ông bảo, vì "chưa biết đến cái kế hoạch" mà vợ chồng ông sinh tới 12 người con. Vợ chồng tối ngày trên nương, trên rẫy trồng ngô, trồng sắn mà các con vẫn không một bữa no. Túng làm liều.

"Một hôm có cậu thanh niên tên Tuấn vào nhà chơi. Nó bảo ở bên Lào, muốn nhờ tôi chuyển hàng cho nó qua thị trấn Tuần Giáo. Quãng đường khoảng 7 cây số thôi nhưng nó trả công những 3 triệu đồng. Nhà mình thiếu ăn quanh năm, chưa bao giờ có món tiền to như vậy. Thế là mình nhận lời. Nhưng sau khi nhận hàng, đạp xe được mấy trăm mét đã bị bắt giữ. Cán bộ kiểm tra bọc hàng có 2 bánh heroin…" - ông Tỵ buồn rầu nhớ lại.

"Sau khi bị bắt, tôi ân hận lắm. 3 triệu bạc đổi lấy 20 năm tù giam, đắt quá cán bộ à. Vào trại, tôi biết mình đi sai đường rồi. Lẽ ra tuổi cao, tôi phải làm gương cho con cháu mới phải. Đằng này mình lại phạm tội thì xấu hổ quá. Tôi chỉ biết cải tạo thật tốt để được sớm trở về, chuộc lại lỗi lầm…".

Sự hối lỗi của ông Tỵ đã giúp ông được 6 lần giảm án với tổng cộng thời gian được giảm là 5 năm 1 tháng tù giam. Lần này, nếu được xét đặc xá, ông sẽ trở về gia đình trước thời hạn gần 2 năm.

"Từ hôm biết mình đủ điều kiện để được đặc xá, tôi vui cái bụng lắm. Cảm ơn Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã luôn quan tâm đến những người phạm tội như tôi. Nếu được về nhà, tôi sẽ tuyên truyền cho con cháu và mọi người không ai được dính vào ma túy, không vi phạm pháp luật. Tôi về sẽ cố gắng phát triển kinh tế gia đình để có thu nhập. Như thế sẽ không phạm tội nữa" - ông Tỵ quả quyết.

Niềm vui của một phạm nhân khi biết mình đủ điều kiện được xét đặc xá.

"Khi trả giá, con người ta mới thấm thía và ân hận về tội lỗi do mình đã gây ra” - Đây là tâm sự của phạm nhân Nguyễn Văn Hiếu (SN 1988, ở thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam). Hiếu là công nhân chi nhánh Công ty CP Sao Thái Dương ở khu công nghiệp Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam. Từ tháng 4 đến tháng 10/2012, Hiếu đã 5 lần trộm cắp tài sản của công ty gồm hơn 1.000 vỉ thực phẩm chức năng, vỏ hộp và tem chống hàng giả tổng trị giá trên 237 triệu đồng.  Tháng 11/2012, Hiếu bị bắt về tội trộm cắp tài sản, án phạt  7 năm tù giam.

Phạm nhân Nguyễn Văn Hiếu kể, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên quá trình làm việc, phát hiện khâu quản lý của Công ty CP Sao Thái Dương có sơ hở, Hiếu đã nảy lòng tham, lấy trộm thuốc giấu vào xô rác rồi tìm cách mang ra ngoài, nhờ 3 đối tượng khác tiêu thụ. Đến khi bị bắt, Hiếu ân hận lắm.

Với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng, công ty đã tạo điều kiện việc làm cho Hiếu và rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Vậy mà cậu ta đã không biết nắm bắt cơ hội việc làm mà còn làm tổn hại cho công ty. Ngay tại phiên tòa, Hiếu đã nói lời xin lỗi tới công ty, tới mọi người, mong muốn sẽ có ngày được chuộc lỗi.

Cơ hội đến với Hiếu một lần nữa khi năm 2014, Trại giam Nam Hà triển khai cuộc vận động viết thư "Gửi lời xin lỗi", Hiếu đã viết thư gửi về Công ty CP Sao Thái Dương. "Kính thưa công ty, thời gian cải tạo qua, được sự động viên, giáo dục của Ban giám thị và Hội đồng quản giáo, em càng nhận rõ hành vi sai trái, tội lỗi trước đây em đã gây ra cho công ty. Em luôn trong tâm trạng day dứt và hối hận việc làm của mình đã ảnh hưởng đến công ty. Từ lúc nhận bản án, chấp hành lao động cải tạo, được sự giáo dục của cán bộ quản giáo dạy em cách sống trở thành người có ích, em luôn phấn đấu lao động, học tập để được sớm trở về gia đình và xã hội.

Bản án tuyên cũng là bài học thích đáng đối với bản thân em. Em tự trách mình rất nhiều. Thời gian làm việc tại công ty là môi trường rất tốt nhưng vì lòng tham, vì đồng tiền, vì nhận thức kém, em đã đánh mất niềm tin, sự nghiệp, gia đình, bạn bè và giờ đây em phải cách ly cuộc sống xã hội một thời gian dài. Em rất hối hận và xin phép công ty cho em nói lời xin lỗi, mong công ty tha thứ cho việc làm tội lỗi, sai trái và xóa bỏ hận thù để em có hướng quyết tâm sửa chữa, lao động cải tạo tốt để sớm hòa nhập gia đình và xã hội.

Kính thưa công ty, số tiền em đang nợ công ty vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em xin công ty cho em trả dần. Mong công ty chấp thuận, tạo điều kiện cho em".

Hiếu bảo khi viết thư, Hiếu không nghĩ gì nhiều. Chỉ mong được lãnh đạo công ty mở lòng tha thứ cho cậu ta. Nhưng thật bất ngờ, trong hội nghị tổng kết cuộc vận động viết thư xin lỗi do trại tổ chức, sau khi Hiếu đọc thư, đại diện lãnh đạo Công ty Sao Thái Dương đã tuyên bố xóa khoản tiền mà Hiếu phải bồi thường cho công ty. Nhờ có sự hảo tâm, tha thứ của lãnh đạo công ty đã giúp Hiếu đủ điều kiện được xét đặc xá lần này.

"Với tuổi của em, việc ra trại sớm ngày nào là thêm cơ hội ngày đó. Đặc xá  cho em cơ hội để sớm trở về, chuộc lỗi và trả ơn công ty đã giúp em làm lại cuộc đời" - Hiếu tâm sự.

Trung tá Đặng Thành Chiêm, Phó giám thị Trại giam Nam Hà cho biết, đợt đặc xá 2015, Trại giam Nam Hà có gần 240 phạm nhân đủ điều kiện được xét đề nghị đặc xá. Đây là số lượng người đủ điều kiện xét đặc xá lớn nhất từ trước đến nay.  Tổ thẩm định liên ngành đã thẩm định, kết quả 100% hồ sơ đạt đủ điều kiện, đồng thời không để sót lọt người đủ điều kiện đặc xá. Tổng số tiền án phí và bồi thường dân sự các phạm nhân đã nộp khắc phục là 990 triệu đồng, trong đó người nộp cao nhất là 598 triệu đồng.

Các phạm nhân phấn khởi đọc Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được niêm yết công khai.

Bên cạnh kế hoạch  chuẩn bị công tác đặc xá, ngoài lễ công bố, Trại giam Nam Hà đã lên kế hoạch chi tiết công tác hậu cần, chuẩn bị quần áo, tiền tàu xe, phương án di chuyển người được đặc xá và công tác bảo vệ an toàn trại trong thời gian trước, trong và sau đặc xá. Đối với số phạm nhân trong diện đủ điều kiện đặc xá, trại đã tổ chức những lớp học tập giúp họ tái hòa nhập cộng đồng khi về địa phương.

20 năm gắn bó với Trại giam Nam Hà, Trung tá Đặng Thành Chiêm chia sẻ, không chỉ đặc xá mà ngay đối với những phạm nhân chấp hành hết án, những cán bộ công tác tại trại giam đều mong muốn khi trở về gia đình, họ có công ăn việc làm, được xã hội giúp đỡ, không kỳ thị, tạo cơ hội để họ không tái phạm.  Đối với những người biết ăn năn, hối cải thì khi bước chân ra cổng trại, đường đời luôn rộng mở…

Hương Vũ
.
.