Đường về nhà - còn xa nhưng vẫn đầy hy vọng...

Thứ Ba, 02/02/2016, 12:00
Bốn năm sau khi vụ án từng gây xôn xao dư luận ở Hà Nội, tôi gặp lại Quang trong xưởng lao động ở Trại giam Phú Sơn. Trong bộ quần áo trại, nom Quang vẫn khôi ngô. Quang bảo, 25 năm tù, quá dài so với một đời người nhưng không phải là không hết hy vọng khi mà ở trong này, mỗi dịp đặc xá Quang đã và sẽ còn chứng kiến có những phạm nhân án dài được trở về…


1. Tôi chú ý đặc biệt đến Quang, không phải bởi vụ án cậu ta gây ra quá nghiêm trọng mà bởi nhân thân đặc biệt của cậu ấy. Khi gây án, Quang đang là sinh viên của Trường đại học Xây dựng, còn trước đó, Quang đã từng là thành viên trong đội tuyển thi học sinh giỏi của một tỉnh miền Bắc. Tôi nhìn cậu ta, gương mặt khôi ngô, nói năng nhỏ nhẹ, đôi bàn tay trắng trẻo thư sinh đang bị còng phía trước mà thực sự nuối tiếc, xót xa.

Hôm Quang ra tòa, còn xót xa hơn khi nhìn thấy cha mẹ Quang. Cha Quang, tóc bạc trắng trên đầu, gầy gò, khắc khổ, già hơn nhiều so với tuổi 55. Ông kể rằng, kể từ khi Quang bị bắt đến lúc ấy, đã gần một năm, không đêm nào ông ngủ được. Lúc nào ông cũng bị dằn vặt bởi một câu hỏi mà mãi chưa tìm ra lời đáp. Rằng, tại sao Quang sa ngã, tại sao đứa con trai đã từng đem đến cho ông nhiều hy vọng về sự thành đạt giờ lại trở thành bi kịch của đời ông? Tại sao, một chàng trai học giỏi đến vậy, mặt mũi khôi ngô đến vậy mà lại trở thành thủ phạm của vụ án cướp của giết người gây xôn xao dư luận?

Đường về nhà còn xa nhưng Quang vẫn tràn trề hy vọng.

Lúc tòa nghỉ nghị án, Quang cúi gằm mặt trước vành móng ngựa, không dám quay xuống nhìn cha, còn ông, ông nhìn chăm chăm vào tấm lưng thân thuộc của con trai và cứ nấn ná mãi, nửa như muốn lên ngồi cạnh con, nửa lại vẫn như ngại ngùng. Tôi bảo, bác lên hàng ghế trên đi mà nói chuyện với Quang, nó tạm giam gần một năm rồi còn gì.

Cha con gặp nhau, tôi thấy, hình như Quang khóc.

Sau phiên tòa, tôi đã viết bài về Quang, nhưng không nói nhiều về vụ án mà nói về cuộc tình với cô người yêu lớn tuổi, về cái ví tiền lép kẹp của cậu trai tỉnh lẻ và bữa tiệc sinh nhật người yêu được trả bằng tiền bán chiếc điện thoại mà cậu ta đã siết cổ nạn nhân để cướp cho bằng được…

Báo phát hành được ít ngày thì tôi nhận được thư của cha Quang gửi từ quê về Tòa soạn. Ông chắc chắn không nhớ tôi giữa rất đông nhà báo đến đưa tin về phiên tòa hôm ấy, nhưng ông gửi thư là để cảm ơn bài báo của tôi. Bởi, nhờ đó mà ông tìm được câu trả lời cho câu hỏi bấy lâu làm ông day dứt, rằng, tại sao ông nuôi dạy con tử tế đến vậy mà Quang sa ngã?  

Đắn đo mãi rồi tôi đã không trả lời thư ông vì tôi hiểu rằng, với nỗi đau ấy, mọi an ủi có lẽ đều trở nên thừa thãi…

2. Ba năm sau phiên tòa, lần theo thông tin từ Cục Quản lý phạm nhân, trại viên, tôi đã đến Trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) để gặp lại Quang. Tôi nhận ra Quang ngay giữa rất đông các phạm nhân trong xưởng sản xuất làm đồ thủ công giữa bốn bề cây cối xanh um, hoa nở tưng bừng. Quang ngồi lặng lẽ, cần mẫn lao động.

Trong bộ quần áo trại, nom Quang vẫn khôi ngô. Ở khu trại này, nơi ăn ở, sinh hoạt và lao động cải tạo của những phạm nhân mà phần đông trong số đó là án dài, khung cảnh có vẻ yên bình và những sắc màu của đời sống thường nhật dường như vẫn hiện diện ở đây. Không chỉ có hoa và cây xanh mướt mát mà có cả ghế đá đặt rải rác trong khoảnh sân rộng. Cả sân bóng. Cả loa phát thanh. Cả thư viện.

Quang bảo, vậy là em đã về đây được gần 3 năm, bắt đầu một cuộc sống khác, thanh thản hơn nhiều so với hồi ở tạm giam. Vì, Quang bảo, đã xác định được rồi, tội nặng phải ở tù lâu, cũng là một sự trả giá thôi, phải chấp nhận. 25 năm tù, quá dài so với một đời người nhưng không phải là không hết hy vọng khi mà ở trong này, mỗi dịp đặc xá Quang đã và sẽ còn chứng kiến có những phạm nhân án dài được trở về.

Dù vậy, khi nhớ lại những chuyện cũ, thì cảm giác ân hận, nuối tiếc vẫn ùa về, vẹn nguyên như cũ. Như cái ngày định mệnh cách đây hơn 4 năm. Quang kể: "Đêm ấy, sau khi gây án, em đi chơi với bạn gái xong rồi về nhà trọ, sáng hôm sau vẫn đến giảng đường bình thường để thi môn giải tích. Nhưng đến tối, khi biết công an tìm là em hiểu mọi chuyện đã bị lộ".

Giờ, Quang nói mà gần như khóc: "Em cũng không hiểu nổi mình của những ngày tháng ấy. Y. quen em qua mạng, khi em  làm chủ diễn đàn "Hội những người yêu mà không dám thổ lộ" trên Internet. Diễn đàn này có thời điểm thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia, trong đó có Y". Y. lúc đó đang là sinh viên một trường đại học. Quang đẹp trai kiểu hotboy lại học giỏi, gia đình tử tế nên Y. nhận lời đi chơi cùng Quang mà không mảy may nghi ngờ rằng, phía cuối con đường hẹn hò là một bãi rác vắng người để rồi tại đây Quang đã hành hung cô để cướp xe máy và điện thoại.

Còn Quang, là nhận lời hò hẹn với Y. thôi chứ Quang không mảy may yêu Y. dù Y. khá xinh xắn. "Tại vì lúc ấy em có người yêu rồi", gần 4 năm sau khi mọi chuyện xảy ra, nói về người yêu, Quang vẫn bẽn lẽn, đôi bàn tay cứ đan riết vào nhau ngượng nghịu. "Giờ cô ấy còn thăm nuôi em không?", tôi hỏi. Quang lắc đầu, có vẻ buồn.

Thật ra thì cô ấy chưa bao giờ thăm nuôi Quang. Ngay hôm tòa xử Quang, cô ấy cũng không tới. Dù hai người yêu nhau say đắm. Dù sau khi cướp được điện thoại và xe máy của Y.. Quang phi ngay đến nhà người yêu và hai đứa cùng nhau đi nhà nghỉ. Dù, khi Quang bị bắt cô ấy cũng đang đi cùng Quang. Hai người lúc đó vừa mới rời khỏi sàn nhảy và Quang đã trả cho cuộc vui ấy bằng số tiền 2,4 triệu đồng bán chiếc điện thoại cướp được của Y..

Một góc Trại giam Phú Sơn.

Quang, đã yêu cô ấy bằng tất cả sự say mê, hối hả của một chàng trai non tơ với một người phụ nữ già dặn hơn Quang tới 3 tuổi. Kể từ khi yêu cô, Quang viết nhật ký hàng ngày về những náo nức, rạo rực trong trái tim mình: "Tôi bước vào tình yêu và cũng là lúc tôi hiểu ra tình yêu. Em đến bên tôi quá nhanh, nhanh đến mức mà tôi chưa chắc đã kịp để yêu em. Khi trong tôi, tình yêu cũ chỉ vừa rời xa mình gần một tháng. Em mạnh dạn, không nũng nịu, không ướt át và đặc biệt em chững chạc hơn tôi, điều đó làm tôi thấy khác lạ so với những người mà tôi từng yêu trước đây. Tôi bắt đầu yêu em rồi sao. Tôi bắt đầu mối tình mới của mình, tôi không biết được em ở trong trái tim tôi được bao lâu, tôi chỉ biết rằng, hiện giờ trái tim tôi chỉ có em".

Từ quê ra Hà Nội trọ học, dù được cha mẹ chu cấp cho tiền ăn học đủ đầy mỗi tháng, dù được chị gái chăm sóc chu đáo nhưng đồng tiền ấy chỉ đủ cho những nhu cầu thiết yếu của một sinh viên bình thường và chưa bao giờ là đủ cho những cuộc đi bar, lên sàn và yêu nhau nơi khách sạn, nhà nghỉ.

Những trải nghiệm đầu đời ở những nơi tập tọe ăn chơi ấy, có thể làm Quang đẹp hơn trong mắt người yêu nhưng cũng rất có thể là những hối thúc chết người khiến Quang sa ngã. Quang cần nhiều tiền hơn, tất nhiên rồi, cho sự thể hiện ấy và những mê muội tình ái khiến ngay cả những chàng trai thông minh như Quang cũng không bao giờ lường được kết cục, đắng cay như hôm nay. Quang bảo, 4 năm đại học vừa mới kết thúc hồi hè. Các bạn cùng lớp đã ra trường, cầm tấm bằng cử nhân hết rồi. Chỉ có Quang, chưa học hết năm thứ nhất thì bị bắt. Hồi tháng 6, mấy bạn bè cùng khóa cũng lặn lội lên trại thăm Quang. Quang bảo, nhìn các bạn, "em đã phải kiềm chế lắm để không bật khóc".

Nhưng, thật ra thì Quang khóc nhiều lần rồi. Ngay cả lúc ngồi trò chuyện cùng tôi trong khu giam này, Quang cũng đã rơi nước mắt. "Tiếc quay quắt những ngày tháng cũ. Những ngày đi học. Những ngày vâng lời cha mẹ, thầy cô. Và day dứt vì những sai lầm chết người đã phạm phải", Quang nghẹn ngào, "và chưa bao giờ kể từ khi bị bắt em tha thứ được cho mình".

3. Nhưng cha mẹ Quang thì đã tha thứ cho em. Trong căn nhà cấp 4 nhưng gọn gàng, ngăn nắp nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở rìa thành phố Thái Nguyên, cha Quang ngồi trò chuyện cùng tôi và cũng nghẹn ngào rơi nước mắt. Ông xọm đi nhiều so với lần gặp ở phiên tòa sơ thẩm.

Bốn năm đã đi qua, với ông thật là chậm chạp, thật là nặng nề. Ngôi nhà này, dù nhỏ, nhưng ông vẫn dành một góc cho Quang, đứa con đã từng là niềm tự hào của ông. Sách vở, giấy khen, giấy báo trúng tuyển đại học, quần áo, thẻ sinh viên… tất tật những thứ gắn bó với quãng đời đèn sách của Quang ông còn lưu giữ cả, trong một ngăn tủ, đã khóa chặt. Ông muốn cất ký ức vào một góc.

Ông nhớ hồi Quang ôn thi. Ông ngược xuôi lên Hà Nội tìm chỗ học ôn cho Quang, nhưng rồi chỉ học được vài buổi thì Quang xin ông cho về quê tự ôn vì Quang tin vào khả năng tự học của mình. Quả vậy, Quang đỗ Đại học Xây dựng với điểm cao ngất ngưởng. Ngày đưa Quang lên trường nhập học, ông tổ chức một bữa liên hoan nho nhỏ ở một quán bia cỏ dưới Cầu Giấy thết đãi những người bạn học cùng ông ngày xưa với tất cả niềm tự hào, hãnh diện.

Giờ, kể từ khi Quang bị bắt, ông chưa từng bao giờ gặp lại họ. Là vì, ông từ chối tất cả những cuộc gặp gỡ, với tất cả những người quen. Căn nhà nhỏ này giờ chỉ còn vợ chồng ông ở lại. Chị gái Quang sau khi tốt nghiệp đại học đã xin được việc làm tại một ngân hàng ở Hà Nội. Quang, ở trại, cách nhà chỉ mấy con đường nhưng là một cuộc sống khác, cách xa ông vời vợi. Niềm vui của ông bây giờ là những chú chim được chăm sóc cẩn thận trong những chiếc lồng xanh đỏ trước hiên nhà.

Ông bảo, ông muốn giữ nếp nhà này bình an, gia giáo như vốn thế, để lấy chỗ cho Quang trở về làm lại cuộc đời. Giờ, ông vẫn mong ngóng hàng tháng đến kỳ thăm nuôi Quang, được gặp gỡ Quang, được khuyên bảo Quang những điều hay lẽ phải trong quãng đời mà ông nghĩ, Quang cần vợ chồng ông nhất. Khi tôi kể với ông rằng, Quang đã khóc khi nói về cha mẹ và chị gái, Quang đã day dứt, ân hận vô cùng bởi những sai lầm của em đã trút lên cuộc sống lẽ ra phải bình an của gia đình biết bao nhiêu hệ lụy, u buồn thì ông nói, ông đã tha thứ cho con và chưa bao giờ hết hy vọng ngày Quang được trở về hoàn lương…

Đặng Huyền
.
.