1,8 tỉ euro giải quyết khủng hoảng di cư tại châu Âu: Như muối bỏ bể?

Thứ Hai, 16/11/2015, 11:30
Hội nghị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi thảo luận về vấn đề di cư đã kết thúc với thỏa thuận thành lập Quỹ Ủy thác cho châu Phi trị giá 1,8 tỉ euro (1,9 tỉ USD) và Kế hoạch hành động chung giải quyết cuộc khủng hoảng này từ nay đến cuối năm 2016.

Với thành công này, cả cựu lục địa và lục địa đen đều hy vọng sẽ hạn chế được phần nào dòng người di cư đổ về miền đất hứa. Nhưng, liệu cam kết tài chính cùng nhiều biện pháp hỗ trợ có đủ mạnh để giúp châu Phi dập tắt cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng qua tại châu Âu hay không, vẫn là điều không ai có thể khẳng định.

Hội nghị thượng đỉnh EU - châu Phi về vấn đề người di cư được lên kế hoạch từ 6 tháng trước, sau xảy ra vụ chìm tàu ngoài khơi Libya khiến 800 người thiệt mạng, sự việc buộc các chính phủ châu Âu phải từ bỏ suy nghĩ rằng đại dương rộng lớn có thể cản bước những con người tuyệt vọng đang tìm đường đến miền đất hứa, đồng thời buộc giới chức EU phải tăng cường các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Phải thừa nhận rằng việc các nhà lãnh đạo EU thông qua thỏa thuận thành lập Quỹ Ủy thác dành cho châu Phi trị giá 1,8 tỉ euro và Kế hoạch hành động chung giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư từ nay đến cuối năm 2016 là những kết quả thành công nhất trong nỗ lực chung giữa "lục địa đen" và "lục địa già" nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng người di cư được xem là lớn nhất kể từ Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Theo các nhà phân tích, việc tập trung vào những vấn đề dài hạn hơn, như hỗ trợ các nước châu Phi tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế hoặc có các đối sách ứng phó với tình trạng ấm lên trên toàn cầu, nguyên nhân đang khiến diện tích sa mạc tại Lục địa Đen ngày càng mở rộng, và bằng cách nào đó, tìm kiếm thỏa thuận để đưa hàng trăm nghìn người châu Phi hiện đang tá túc ở châu Âu trở về nước, là những giải pháp không thể thiếu trong việc hợp tác giữa hai châu lục ngăn chặn dòng người di cư chủ yếu đến từ châu Phi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu tại hội nghị rằng cho dù chưa giải quyết được mọi vấn đề của cuộc khủng hoảng người di cư nhưng đây là bước đi quan trọng trên con đường hợp tác giữa EU và châu Phi trong vấn đề này.

Giải quyết vấn đề người nhập cư phải đi từ gốc giải quyết đói nghèo và xung đột từ nơi họ ra đi.

Tuy nhiên, để làm được điều này, việc đóng góp cho Quỹ Ủy thác đòi hỏi các nước cam kết phải có tinh thần trách nhiệm cao. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker kêu gọi nhiều nước EU đóng góp tích cực cho Quỹ trên, cho rằng con số 25 trong tổng số 28 nước thành viên EU và 2 quốc gia ngoài EU là Na Uy và Thụy Sĩ mới cam kết đóng góp khoảng 78,2 triệu euro cho quỹ này, là quá "khiêm tốn" so với mức 1,8 tỉ euro mà EU đề xuất.

Tổng thống Senegal Macky Sall, đồng thời là Chủ tịch Cộng đồng Kinh  tế các quốc gia Tây Phi và một số nhà lãnh đạo châu Phi cũng thừa nhận rằng với mức đóng góp hiện nay, Quỹ Ủy thác dành cho châu Phi là quá ít để thực hiện mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh dân số châu Phi sẽ gấp đôi con số hiện tại vào năm 2050 và áp lực từ dòng người di cư không ngừng gia tăng, cam kết tài chính này có lẽ là quá khiêm tốn để có thể triển khai các biện pháp hạn chế.

Mặc dù đều khẳng định cần có các hành động cụ thể ngay lập tức, song đại diện châu Âu và châu Phi vẫn bất đồng trong việc triển khai chính sách. Để  tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề người di cư, chống các nhóm buôn người, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định rằng, ngoài việc nhất trí thực hiện 15 sáng kiến gồm thiết lập các trung tâm thông tin tại các nước có người di cư đi qua nhằm tuyên truyền về những hiểm nguy họ sẽ gặp phải nếu đi theo các đường dây buôn người, điều kiện tiên quyết để EU triển khai hiệu quả chính sách đối với người di cư sang châu Âu vẫn là khôi phục các hoạt động kiểm soát biên giới.

Trong khi đó, các chính phủ châu Phi lại bày tỏ lo ngại rằng, việc châu Âu đưa ra những biện pháp hạn chế số lượng người di cư từ châu lục này, đồng nghĩa với việc cắt giảm đáng kể nguồn tiền mà những lao động nhập cư gửi về quê hương.

Việc xác định và đưa những người không đủ điều kiện xin tị nạn được trở về nước cũng trở thành vấn đề khi trên thực tế, nhiều người đã hủy chứng minh thư để tránh bị trục xuất, các nước sở tại sẽ không xác minh được họ từ đâu tới và khi đó các nước châu Phi sẽ không đồng ý tiếp nhận lại. Giới phân tích cảnh báo rằng các quỹ phát triển đang đối mặt với nhiều thách thức nếu châu Phi không nỗ lực nhiều hơn để có các biện pháp ngăn người dân rời khỏi đất nước mình.

Vẫn biết kế hoạch phát triển kinh tế cùng với những chính sách hỗ trợ lâu dài cho các nước châu Phi là cần thiết để có thể ổn định được tình hình, song một khi vấn đề đói nghèo, chiến tranh, xung đột… không được giải quyết tận gốc, làn sóng tị nạn từ châu Phi đổ về châu Âu vẫn chưa thể sớm chấm dứt và số tiền 1,8 tỉ euro cũng chỉ là "muối bỏ bể".

Hơn thế nữa, trong bối cảnh châu Âu đang chia rẽ trong nhiêu vấn đề, việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư cũng chỉ nhận được những thái độ dè dặt ­ từ các nước thành viên, thậm chí một số nước cho rằng vấn đề người tị nạn không phải là trách nhiệm của toàn châu Âu.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.