Bấp bênh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
- Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên: Công phá... thế bế tắc
- Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đứng trước phép thử lớn
Song, trên thực tế, cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố nào về thời gian hay lộ trình phi hạt nhân hóa.
Điều đó có nghĩa Tổng thống Moon Jae-in vẫn chưa đạt bất kỳ kết quả cụ thể nào trong vấn đề hạt nhân và giải pháp cho những tồn tại cũng như trở ngại trong quan hệ Mỹ-Triều vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều ý kiến nhận định rằng về cơ bản ông Moon Jae-in chủ yếu chỉ chú trọng tới các nỗ lực xây dựng hòa bình liên Triều, và “để lại” vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cho Mỹ.
Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là đã có những trao đổi rất hiệu quả với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, với một trong những kết quả rõ rệt nhất là việc ký kết Tuyên bố chung Bình Nhưỡng. Hai bên đã nhất trí trong ngắn hạn sẽ thành lập các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động đoàn tụ các gia đình ly tán, thúc đẩy kế hoạch mở lại tuyến đường sắt và đường bộ nối hai miền trong năm nay, khôi phục các dự án chung tại Kaesong và Kumgang, cũng như chuẩn bị cho chuyến thăm Seoul của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và Bộ trưởng Bộ Lực lượng Vũ trang Nhân dân Triều Tiên No Kwang-chol đã ký một thỏa thuận quân sự. Theo đó, hai bên nhất trí ngừng các cuộc tập trận trên bộ và diễn tập pháo binh, cũng như thiết lập các vùng đệm dọc biên giới trên đất liền và trên biển. Hai bên cũng nhất trí từng bước giảm các biện pháp phòng vệ tại Khu phi quân sự (DMZ), rút binh sỹ và các nguồn lực quân sự tại 11 tiền đồn trước cuối năm nay, tiến hành thỏa thuận về việc tìm kiếm và hồi hương hài cốt các binh sỹ thiệt mạng tại DMZ trong Chiến tranh Triều Tiên và thành lập ủy ban 3 bên với sự tham gia của Bộ Chỉ huy Liên Hiệp Quốc để phi quân sự Khu an ninh chung (JSA) tại Panmunjom.
Thực tế cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ tuyên bố nào về thời gian hay lộ trình phi hạt nhân hóa. Điều đó có nghĩa là Tổng thống Moon Jae-in vẫn chưa đạt bất kỳ kết quả cụ thể nào trong vấn đề hạt nhân và giải pháp cho những tồn tại và trở ngại trong quan hệ Mỹ-Triều vẫn còn bỏ ngỏ.
Sau chuyến công du Bình Nhưỡng của ông Moon Jae-in là hàng loạt nỗ lực hướng về CHDCND Triều Tiên của Mỹ, bắt đầu bằng chuyến đi hôm 7/10 của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố đã có những “tiến triển đáng kể” trong các cuộc thảo luận giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, rằng Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã “tiến rất gần” tới việc nhất trí về chi tiết cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Sau đó có nhiều thông tin cho biết CHDCND Triều Tiên đã chấp nhận mở cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri và bãi thử động cơ tên lửa Dongchang-ri cho các thanh sát viên quốc tế.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In bắt tay nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-Un tại sân bay Bình Nhưỡng. |
Dù thực tế những cử chỉ này của Bình Nhưỡng không được giới chỉ trích xem là “tiến triển đáng kể”, song điều quan trọng mà người ta cần nhớ là tại chuyến đi trước, Ngoại trưởng Pompeo thậm chí còn không có bất kỳ cuộc gặp nào với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và căng thẳng giữa hai bên là điều ai cũng có thể thấy. Rõ ràng quan hệ Mỹ-Triều đã có những cải thiện và không thể phủ nhận vai trò cụ thể của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong tiến trình này.
Giờ trách nhiệm định hình tương lai tiến trình phi hạt nhân hóa theo hướng phù hợp với kỳ vọng và những hạn chế của các bên phụ thuộc vào Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Trong khi Mỹ muốn có những kết quả cụ thể và có kiểm chứng trước khi chính thức nới lỏng trừng phạt CHDCND Triều Tiên thì Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ đòi hỏi những nhượng bộ có đi có lại.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 29-9 vừa qua, Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho đã nhấn mạnh tới hai yếu tố quan trọng là “lòng tin” và “hòa bình”. Ông cho rằng Mỹ trước hết phải có những nhượng bộ nhất định để thuyết phục CHDCND Triều Tiên, hoặc thể hiện sự chân thành, trước khi bắt đầu tiến trình phi hạt nhân. Ông nói: “...nếu không có lòng tin đối với Mỹ, chúng tôi chẳng thể nào an tâm về an ninh quốc gia, và trong bối cảnh đó, chúng tôi chắc chắn sẽ không đơn phương từ bỏ vũ khí trước”.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có một chuyến đi mang tính chiến lược tới New York - vừa để tham dự khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, vừa để gặp ông Trump và cập nhật cho nhà lãnh đạo Mỹ về chuyến thăm Bình Nhưỡng trước đó. Tổng thống Hàn Quốc đã nhấn mạnh rằng hiệp ước hòa bình với Triều Tiên phải được xúc tiến song song với những trao đổi đa dạng giữa hai miền Nam-Bắc và tiến trình này không nên bị gắn với tiến trình phi hạt nhân hóa khó khăn hơn rất nhiều trên Bán đảo Triều Tiên.
Cho dù Mỹ có vẻ ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in song giữa hai đồng minh đang dần dần hình thành những rạn nứt và mâu thuẫn về tốc độ và điều kiện của tiến trình xây dựng quan hệ với Bình Nhưỡng. Gần đây nhất, Tổng thống Trump đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Hàn Quốc rằng Washington sẽ không đơn phương dỡ bỏ các đòn trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên và “Hàn Quốc cũng đừng làm gì mà không có sự đồng thuận của Mỹ”.
Việc lạc quan một cách thận trọng về những tiến triển trên Bán đảo Triều Tiên ở thời điểm này là điều dễ hiểu. Cả Mỹ, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều đang thúc đẩy những chiến lược của riêng mình và giữa các bên vẫn còn tồn tại rất nhiều hoài nghi.