Bầu cử Mỹ: Tỷ phú D. Trump liên tục vượt “lằn ranh đỏ”

Thứ Hai, 15/08/2016, 13:50
Cuối tháng 7-2016, tờ New York Times công bố danh sách “250 người, địa điểm và những điều bị Donald Trump thóa mạ trên Twitter”. Nạn nhân được ông Trump ưa thích nhất tất nhiên là bà Hillary Clinton, sau đó là các thượng nghị sĩ Jeb Bush và Ted Cruz, hai đối thủ cũ trong kỳ bầu cử sơ bộ...

D. Trump hết công kích, thóa mạ… đến cổ vũ dùng bạo lực

Đảng Cộng hòa ngày một âu lo hơn trước, sợ thua ghế tổng thống lẫn mất cả thế đa số ở Thượng và Hạ viện. Tất cả chỉ vì tỷ phú Domald Trump, người đại diện cho đảng dự cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters và Ipsos đồng tổ chức, được công bố hôm 10-8, cho biết, cứ năm cử tri Cộng hòa thì có một người muốn ông Donald Trump rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng. Lý do là vì Donald Trump đã đi quá xa trong các phát biểu trước công chúng.

Hôm 9-8, ông Trump lại “gây bão” tiếp khi kêu gọi những người ủng hộ việc mang súng cần hành động để cản trở bà Hillary Clinton bổ nhiệm các thẩm phán cấp tiến vào Tòa án Tối cao Mỹ - tuyên bố này bị những người chống đối ông coi là cổ vũ sử dụng bạo lực.

Khiêu khích, thóa mạ, công kích mang tính kỳ thị chủng tộc, khinh miệt phụ nữ... ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa luôn làm người ta có cảm giác là đã vượt qua lằn ranh đỏ. Cách đây hơn một năm, ông đánh giá những người Mexico nhập cư bất hợp pháp là “những kẻ hiếp dâm” và “kẻ sát nhân”, chế giễu một nhà báo khuyết tật.

Trump lên án một thẩm phán liên bang thiên vị vì là người gốc Mexico, nói một nhà báo của kênh Fox News có cách “hành xử hung hăng” vì “đèn đỏ đến tháng”, đòi cấm người theo đạo Hồi vào nước Mỹ - hoàn toàn đi ngược lại hiến pháp nước này.

Cuối tháng 7-2016, tờ New York Times công bố danh sách “250 người, địa điểm và những điều bị Donald Trump thóa mạ trên Twitter”. Nạn nhân được ông Trump ưa thích nhất tất nhiên là bà Hillary Clinton, sau đó là các thượng nghị sĩ Jeb Bush và Ted Cruz, hai đối thủ cũ trong kỳ bầu cử sơ bộ. Trong “bảng phong thần” này ngoài các nhân vật còn có cả một số quốc gia (như Anh, Mexico, Iran).

Bình thường thì thái độ chuyên lăng mạ như thế sẽ làm tiêu tan cơ hội của mọi ứng cử viên. Nhưng bản thân ông Trump và chiến dịch tranh cử lần này là không bình thường, và ngôi sao của các chương trình truyền hình thực tế trước đây, đã vượt qua tất cả những tranh cãi. Tuy nhiên lần này ông Trump có đã thực sự quá lố.

Ứng cử viên Donald Trump được cho là nguyên nhân gây rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng hòa.

Vào buổi tối cuối cùng của Đại hội đảng Dân chủ ở Philadelphia, cha mẹ một đại úy theo đạo Hồi đã tử trận ở Iraq năm 2004 đã cực lực tố cáo việc ông Trump tấn công vào Hồi giáo. Thay vì đấu dịu, nhà tỉ phú đã tăng cường khẩu chiến với hai vợ chồng ông Khan. Khi đả kích gia đình một tử sĩ hy sinh trên chiến trường, ông đã phạm đến một điều cấm kỵ, gây bàng hoàng ngay trong đảng của mình và khiến nhiều người bắt đầu bỏ ngũ.

Ngày 8-8, 50 nhân vật từng giữ các chức vụ cao cấp về an ninh của đảng Cộng hòa thông báo sẽ không bầu cho Donald Trump. Theo họ, ông Trump “sẽ là tổng thống nguy hiểm nhất trong lịch sử Mỹ”. Lá thư viết thẳng thừng: “Ông Trump thiếu tính cách, các giá trị và kinh nghiệm để trở thành tổng thống. Dường như ông không có được những kiến thức tối thiểu về Hiến pháp Hoa Kỳ, các luật lệ, định chế của Mỹ, trong đó có sự khoan dung về tín ngưỡng, tự do báo chí và tư pháp độc lập”. Những người ký tên vào lá thư quyết liệt này từng giữ những chức vụ tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng.

Việc ông Donald Trump bị nhiều nhân vật trong đảng mình đồng loạt bỏ rơi, vừa bất ngờ lại vừa kịch tính. Để 50 cựu quan chức an ninh quốc gia phải viết ra trên giấy trắng mực đen ông Trump nếu đắc cử sẽ là “tổng thống nguy hiểm nhất lịch sử nước Mỹ”, có nghĩa là tình hình đang nguy ngập.

Bị thua điểm trước đối thủ Hillary Clinton trong các cuộc thăm dò dư luận, bị nhiều dân biểu, nghị sĩ xa lánh, bị phản đối từ nhiều phía..., ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang làm chính đảng của mình lo ngại với vô số vụ “vạ miệng”, trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống. Lo âu tới mức nào? Câu trả lời: “Lo lắm chứ không nhỏ đâu”, theo chia sẻ từ một nhân vật thân cận với ông Reince Priebus, chủ tịch điều hành đảng Cộng hòa.

“Ngày nào chúng tôi cũng thấy ông sếp nhăn nhó, ngày nào cũng thấy sếp nói chuyện điện thoại với ông Trump, ngày nào cũng thấy sếp yêu cầu ông Trump giải thích những lời phát biểu ông ta (Trump) đưa ra trong các cuộc vận động, ngày nào cũng thấy sếp xuống nước năn nỉ ông Trump đừng làm điều này, điều khác, tránh gây thêm trở ngại cho cuộc tranh cử, nhất là phải tránh đừng gây ảnh hưởng bất lợi cho các ứng cử viên của đảng đang tranh cử hay tái ứng cử dân biểu và nghị sĩ liên bang”.

“Theo tôi hiểu, ông Priebus đang ở thế rất khó xử” - Teddy Richards, một người thạo tin ở Washington cho hay - “ông bạn Priebus của tôi hiểu là không thể bắt ông Trump phải làm thế này thế khác, trong khi đó Ủy ban Vận động tranh cử của đảng Cộng hòa liên tục dọa dẫm, nói rằng nếu ông Trump không thay đổi, ủy ban sẽ ngưng yểm trợ, dồn hết tiền quyên được cho các cuộc tranh cử Thượng và Hạ viện, chấp nhận chuyện bên Dân chủ tiếp tục nắm hành pháp”, tức bỏ mặc ghế tổng thống cho bà Hillary Clinton.

Nếu điều đó xảy ra, “đường thành công của ông Trump coi như sẽ là con số không, đồng thời cử tri Mỹ sẽ thấy hố sâu rạn nứt của đảng Cộng hòa ngày càng to hơn, khó có thể cứu chữa”.

Đừng quá mong ước rồi vội vàng “trông gà hóa cuốc”!

Hố sâu rạn nứt đó “là lỗi của ông Trump”, chiến lược gia Marcus Sullivan nói với giọng nghiêm nghị, chẳng ngần ngại trách móc ứng cử viên Trump là người “phạm những lỗi lầm không thể nào chấp nhận được”. “Thay vì phải tấn công bà Hillary, phải đánh mạnh vào chính sách để thu hút tập thể cử tri không ưa bà ta (Hillary), ông Trump dành thì giờ cho những chuyện chẳng đâu vào đâu, chỉ tạo thêm chia rẽ nội bộ, đồng thời khiến cử tri thấy ông ta là người thiếu điềm tĩnh, thiếu suy tính, khiến họ ngại không muốn ủng hộ một người kỳ quặc như thế lên lãnh đạo quốc gia”.

Dẫn chứng được ông Sullivan đưa ra: “Ngày nào cũng nghe tin lại có thêm chính trị gia bề thế nào đó của đảng nói sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump, ngay những cuộc thăm dò do nội bộ đảng Cộng hòa thực hiện cũng cho thấy ông Trump đang thua bà Clinton, tệ hơn nữa là những gì ông Trump làm sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực vận động (của đảng Cộng hòa) để tiếp tục giữ đa số ghế trong Quốc hội”.

Không chỉ đang gặp khó khăn ở những cuộc thăm dò trong đảng và cấp toàn quốc, ông Trump còn phải đối phó với khó khăn đến từ những tiểu bang “cần phải thắng” để cầm chìa khóa mở cửa Phòng Bầu dục. Theo USA Today, ông Trump chỉ dẫn trước bà Clinton “có 2 điểm ở Arizona, nhưng thua tới 12 điểm ở Virginia và 10 điểm ở Michigan”.

Trước tình hình trên, từ vài ngày qua truyền thông Mỹ đưa ra khả năng ông Trump sẽ rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng với hoặc không có sức ép từ đảng Cộng hòa. New York Times, ABC và nhiều kênh truyền thông của Mỹ cho rằng lãnh đạo đảng Cộng hòa nên chuẩn bị sẵn cho những gì xảy ra nếu ông Trump rút lui tự nguyện hoặc bị ép buộc.

Với những khó khăn đến từ mọi ngả, người lớn tiếng bênh vực cho ông Trump vẫn là ông Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện. Tuần trước, khi có mặt tại Washington, ông Gringrich đưa ra cái nhìn rất lạc quan, đại để cho rằng cử tri Mỹ sẽ nhìn thấy một ông Trump hoàn toàn mới, khác hẳn những gì họ thấy ở ông Trump từ trước đến giờ. Theo ông cựu Chủ tịch Hạ viện, “ông Trump tuần này hơn hẳn ông Trump tuần trước. Tôi nghĩ rằng ông ấy học được bài học, biết phải sửa đổi để chiến thắng”.

Ông Newt Gingrich nói như thế, nhưng tin phát xuất từ Ủy ban Vận động tranh cử Donald Trump lại... nói khác! Theo đó, trong một cuộc thảo luận với dàn cố vấn và ban tham mưu, ông Trump “có hứa sẽ chừng mực hơn, thay đổi cách ăn nói, chú trọng hơn vào chính sách kinh tế, xã hội, ngoại giao và quốc phòng” nhưng “chính ông Trump cũng thắc mắc không hiểu tại sao lại phải làm khác những gì ông đã làm và đang làm”, theo lời kể của một người biết chuyện.

Người này nói thêm “ông Trump nhất quyết bảo rằng cách vận động tranh cử của ông là cách ăn khách nhất, giúp ông lấy được 14 triệu phiếu cử tri sơ bộ, giúp ông trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng, bây giờ mọi người lại bảo ông phải sửa đổi, khiến ông ta thắc mắc, đặt câu hỏi không biết đó có thật sự là điều cử tri trông chờ ở Donald Trump hay không?”.

Về hiện tượng Donald Trump, báo Liberation của Pháp ra ngày 9-8 có xã luận nhan đề “Vỡ bong bóng”, hay nói một cách khác là cái mặt nạ của Donald Trump đã rơi và làm lộ rõ bộ mặt thật của ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, Mỹ. Mở đầu, bài xã luận cẩn thận nhắc nhở: hãy tránh coi ước mong của mình là những gì có thật, đừng nhìn thấy một vật gì ngả nghiêng, uốn cong mà cho rằng nó sụp đổ, nói một cách nôm na, đừng quá mong ước rồi vội vàng “trông gà hóa cuốc”.

Bởi vì tuy có nhiều điểm dở, nhưng cũng phải thừa nhận Donald Trump có một phẩm chất: ông ta có khả năng, tiềm lực; quá trình xây dựng sự nghiệp của ông ta đã chứng minh rõ điều này. Và bất hạnh thay là Donald Trump có đủ khả năng làm được mọi thứ, kể cả việc khiến cho tỉ lệ cử tri ủng hộ của ông ta cứ... xuống dần đều!

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.