Bầu cử Quốc hội Pháp: Đảng của Tổng thống Macron thẳng tiến

Thứ Tư, 14/06/2017, 15:15
Đúng như mong đợi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và dự đoán của nhiều người, đảng La République En Marche (La REM) của ông đã giành chiến thắng vang dội tại vòng 1 cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra vào ngày 8-6-2017 vừa qua, mở ra nhiều thuận lợi cho Tổng thống Macron trong việc thực thi những chính sách mà ông tuyên bố là sẽ mang lại sự thay đổi lớn cho nước Pháp.

Với tỉ lệ phiếu đạt được là 32%, đảng La REM đã làm nên một chiến thắng lịch sử, gây tiếng vang rộn rã trên chính trường Pháp và châu Âu. Với tỉ lệ phiếu này, La REM nắm tới 185 ghế trong Quốc hội. Trong khi đó, đảng hữu khuynh Les Republicains và các đồng minh nhỏ hơn đạt tỉ lệ khá thấp, trong khoảng 85-125 ghế; đảng Xã hội đã gặp thất bại chưa từng có, mất hơn 200 ghế, chỉ còn khoảng 20-35 ghế, một con số thảm hại. Trong khi đó, đảng cực hữu của bà Marine Le Pen đã thể hiện “đáng thất vọng” - theo mô tả của bà - chỉ giành được 14% phiếu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giữa vòng vây cử tri.

Macron vốn rất cần một chiến thắng áp đảo của đảng La REM trong cuộc bầu cử quốc hội này bởi ông có nhiều kế hoạch hành động cần được thông qua một cách trót lọt. Trong đó quan trọng nhất là kế hoạch nới lỏng luật về lao động đang làm cho giới công nhân, thợ thuyền rên xiết, bất bình; và kế hoạch thay đổi hệ thống phúc lợi xã hội bao gồm lương hưu và các phúc lợi thất nghiệp. Nếu đảng La REM của ông Macron tiếp tục thẳng tiến và giành chiến thắng lớn ở vòng 2 cuộc bầu cử (diễn ra vào Chủ nhật, 18-6 tới), thì sẽ không còn gì để ông lo lắng nữa cho kế hoạch hành động của mình.

Đồng thời, chiến thắng đó còn được đánh giá là sẽ vẽ lại bức tranh toàn cảnh nền chính trị Pháp, trong đó nhân tố mới La REM đã tạo nên một kỳ tích hết sức ấn tượng, chỉ sau một năm thành lập đã vụt lớn mạnh, trở thành đảng lớn nhất, giành chiến thắng trước tất cả những “ông lớn” truyền thống (Les Republicains, Xã hội, Mặt trận dân tộc). Cái mới quan trọng nhất của đảng La REM chính là lực lượng ứng cử viên hoàn toàn mới so với truyền thống, bao gồm những người chưa từng tham gia chính trị.

Chiếm số đông trong đó là những thành phần khác nhau trong xã hội, từ nghệ sĩ đấu bò tót cho đến thợ thuyền, kỹ sư, phi công lái máy bay, luật sư, nhà toán học. Họ kết hợp với các chính khách chuyên nghiệp đến từ các đảng phái truyền thống đối nghịch nhau để cùng đi theo Macron, ủng hộ Macron thực hiện ước mơ, hoài bão chính trị trung dung của ông - đó là sự trung hòa các khuynh hướng chính trị tả và hữu.

Một vấn đề lớn của vòng 1 cuộc bầu cử là tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất thấp, đến 51% cử tri không đi bỏ phiếu. Đây rõ ràng là một biểu hiện của thái độ hờ hững với chính trị của người dân Pháp sau nhiều thập niên nhàm chán, quanh quẩn với những luận điệu, chính sách xào tới, xào lui giữa Les Republicains và Xã hội, giữa tả và hữu; những khó khăn ngày càng lớn về kinh tế, đời sống chưa được giải tỏa, trong khi những mối họa mới về an ninh chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả.

Người dân Pháp mong đợi một sự đổi mới triệt để nhằm giúp họ thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Và Macron đã xuất hiện như một “cứu tinh”, mang đến làn gió tươi mới cho đời sống chính trị, xã hội Pháp, tạo nên một sức hút, một dòng chảy mới trên chính trường Pháp.

Điều này được minh chứng bằng hiện tượng hàng chục ngàn người xếp hàng đăng ký tham gia ứng cử cho đảng La REM của Macron. Nhưng sức hút mới từ Macron có lẽ còn chưa đủ độ lan tỏa rộng trong toàn xã hội, những việc Tổng thống Macron dự định làm còn chưa được nên vẫn chưa lôi kéo được đa số cử tri Pháp đi bỏ phiếu.

Mặt khác, theo giới phân tích, việc phải trải qua quá nhiều lần bỏ phiếu trong nhiều cuộc bầu cử từ trung ương đến địa phương trong vòng 10 tháng qua cũng phần nào khiến người dân Pháp mệt mỏi, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của họ, cho nên có người không muốn đi bỏ phiếu thêm lần nào nữa.

Trong khi đó, chiến thắng của La REM tuy áp đảo nhưng chưa phải là tuyệt đối, nhưng cũng đủ để các đảng phái truyền thống ở cả hai phía tả và hữu lên tiếng “cảnh báo” về một viễn cảnh “độc quyền” chính trị mà ông Macron có khả năng nắm trong tay sau vòng 2 cuộc bầu cử.

Sau vòng 1, La REM đã có thể kết hợp với các đảng đồng minh trung dung khác để hình thành một đa số áp đảo với 430 trên tổng số 577 ghế quốc hội, đủ để giúp tổng thống triển khai trót lọt kế hoạch hành động của mình. Và nếu kết quả tại vòng 2 cao hơn vòng 1, khả năng rất cao là ông Macron sẽ nắm quyền hành tuyệt đối ở cả lập pháp và hành pháp.

Cựu Thủ tướng Alain Juppé, hiện là Thị trưởng thành phố Bordeaux, cho rằng một quốc hội bị “độc chiếm” bởi Macron sẽ không tốt cho nền dân chủ”. Nhưng bản thân ông Juppé cũng như nhiều chính khách tả - hữu khác lại không thể đưa ra được phương án nào khả thi hơn và cũng không cho thấy khả năng chặn đà tiến tới của đảng La REM và các đồng minh trung dung.

Ở phía tả, cuộc bầu cử ngày 8-6 được giới phân tích đánh giá là cơn ác mộng khủng khiếp của đảng Xã hội, bởi đây là lần đầu tiên đảng này mất hút trên sân khấu chính trị, giảm số ghế đạt được đến 10 lần, nhiều tên tuổi lớn của đảng này lần đầu tiên bị hất văng ra khỏi những vị trí ứng cử quan trọng ở thủ đô Paris và nhiều thành phố lớn khác. Phía hữu chứng kiến sự tụt dốc tuy không lớn nhưng cũng đáng để suy ngẫm của cả hai đảng lớn là Les Republicains Mặt trận dân tộc so với một năm trước, khi chưa có đảng La REM và sự xuất hiện của Macron.

Theo quy định của luật bầu cử Pháp, vòng 2 sẽ là vòng bỏ phiếu chung kết với 2 ứng cử viên đạt tỉ lệ phiếu cao nhất của từng vị trí tranh cử, ai thắng sẽ giành ghế. Đây sẽ là lúc để đảng La REM của ông Macron phát huy thế mạnh của mình. Và Macron đã tuyên bố, sẽ phát động chiến dịch vận động cử tri đi bỏ phiếu, để hiện thực hóa sức mạnh đó.

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.