Bầu cử Tổng thống Pháp: Lợi thế nghiêng về ứng cử viên Macron

Chủ Nhật, 05/03/2017, 10:49
Càng đến sát ngày bầu cử càng xuất hiện nhiều “tin vui” cho ứng cử viên Tổng thống Pháp theo đường lối trung hòa, cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron. Những bất lợi mà ứng cử viên đảng Những người Cộng hòa (LR) Franois Fillon và ứng cử viên đảng Mặt trận Quốc gia (FN) Marie Le Pen đang phải đối mặt tạo điều kiện cho cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp vươn lên trong cuộc đua nước rút vào Điện Élysée.

Liên tục trong các ngày 1, 2 và 3-3, danh sách những chính trị gia rút lui khỏi đội ngũ tranh cử của ông Fillon xuất hiện thêm nhiều gương mặt nổi bật.

Trong số này phải kể đến Thierry Solère, người đứng đầu uỷ ban bầu cử sơ bộ cánh hữu và giữ chức phát ngôn viên của ông Fillon; Nadine Morano, một cố vấn cao cấp thân cận với cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và là chính trị gia có tiếng nói trong đảng LR; Bruno Le Maire, một đồng minh trong nhóm vận động tranh cử của ông Fillon. Và không thể không kể đến quyết định từ chức của ông Patrick Stefanini, giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Fillon.

Đây được xem là một “đòn nặng” đối với ông Fillon. Bên cạnh đó, đảng Liên minh Dân chủ Độc lập (UDI) ôn hòa, liên minh với đảng LR của ông Fillon, cũng đã tuyên bố rút lại sự ủng hộ đối với cựu Thủ tướng Pháp liên quan tới vụ bê bối biển thủ công quỹ gây tranh cãi thời gian qua. Lãnh đạo đảng UDI Jean-Christophe cho biết, UDI yêu cầu đảng LR thay ứng cử viên tranh cử Tổng thống, nếu không UDI sẽ không thể tiếp tục liên minh với đảng này.

Tình thế bi đát hiện nay đối với ông Francois Fillon được xem là hệ quả không thể tránh khỏi của thông tin ông Fillon bị các thẩm phán Pháp triệu tập đến đối chất vào ngày 15-3 tới nhằm làm rõ các cáo buộc liên quan đến scandal “việc làm ảo” mà ông Fillon tạo ra cho vợ mình là bà Peneloppe Fillon ở cương vị “trợ lý quốc hội” trong suốt hàng chục năm trời.

Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cụ thể, hôm 25-1, Viện Công tố tài chính quốc gia đã mở cuộc điều tra sơ bộ về tội danh “biển thủ công quỹ và lạm dụng tài sản xã hội” của ứng cử viên Fillon, sau những tiết lộ tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé (Con vịt xiềng), về việc ông trả lương cho vợ trong một thời gian dài cho hai công việc “giả tạo”. Cảnh sát Pháp đã ngay lập tức khám xét phòng làm việc của ông tại Nghị viện Pháp trong khuôn khổ điều tra về cáo buộc này.

Tới ngày 2-3, Cảnh sát Pháp lại tiếp tục khám xét nhà riêng của ứng cử viên này. Ông Fillon thừa nhận có khả năng ông sẽ bị truy tố về vụ này, song cho rằng ông bị đối xử bất công và là nạn nhân của một vụ “ám sát chính trị”. Mặc dù vẫn tuyên bố sẽ “chiến đấu đến cùng” nhưng nỗ lực níu kéo quyết liệt này của ông Fillon không phủ định được thực tế là uy tín của ứng cử viên này đang xuống dốc trầm trọng và các tiếng nói đòi ông rút lui đang ngày càng mạnh mẽ, từ cả phía cử tri Pháp lẫn trong nội bộ cánh hữu.

Tương tự như ông Fillon, bà Le Pen hiện cũng đang bị điều tra sau cáo buộc liên quan tới việc chiếm dụng khoảng 340.000 USD từ Nghị viện châu Âu (EP) để trả lương cho các trợ lý - những người bị nghi là đã làm những công việc nội bộ của đảng FN, thay vì đảm nhiệm những công việc trợ lý nghị sỹ châu Âu. Cảnh sát Pháp đã có giấy triệu tập ứng cử viên Tổng thống theo đường lối cực hữu này nhưng bà đã từ chối đến gặp.

Chưa hết, các công tố viên Pháp cũng đang mở một cuộc điều tra khác về việc bà Le Pen đăng tải một loạt hình ảnh trên mạng Twitter hồi tháng 12-2015, trong đó có một bức ảnh chụp cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết nhà báo Mỹ James Foley.

Phản ứng về việc này, Ủy ban pháp lý của EP đã bỏ phiếu ủng hộ việc tước tư cách thành viên của Chủ tịch đảng FN của bà Le Pen. Bên cạnh đó, bà Le Pen còn phải đối mặt với mức án 3 năm tù và khoản tiền phạt 75.000 euro. Những vụ việc trên khiến uy tín của bà Le Pen sụt giảm mạnh, tạo thuận lợi cho các đối thủ của bà bứt lên giành tỷ lệ ủng hộ cao trong cuộc chạy đua vào Điện Élysée.

Những bê bối mà ông Fillon và bà Le Pen phải đối mặt đang tạo nhiều thuận lợi cho ông Macron trên con đường hướng tới chiếc ghế Tổng thống Pháp.

Giới chính trị gia cũng đánh giá cao ứng cử viên này. Tốt nghiệp ở Học viện Chính trị và Học viện Hành chính Paris, ngoài cuộc đời chính trị truyền thống, ông Macron còn từng là chuyên viên ngân hàng đầu tư. Chủ trương chính trị của ông nhấn mạnh đến giá trị của doanh nghiệp và sáng tạo, ủng hộ thương mại tự do và Liên minh châu Âu (EU), quan tâm đến phúc lợi xã hội.

Ông Macron là người theo quan điểm của chủ nghĩa tự do mới, và ông cẩn thận “bao bọc” nó theo đặc tính chính trị hiện nay của Pháp. Ngoài ra, điều không thể không nhắc tới là, so với một số chính khách thuộc giới tinh hoa Pháp liên tục có các tin đồn bủa vây, ông Macron mới 39 tuổi và có một cuộc sống nghiêm túc.

Hiện còn một khoảng thời gian nữa mới đến ngày bầu cử Tổng thống Pháp, tất cả đều có thể xảy ra, cả ông Fillon và bà Le Pen đều có hi vọng “cải tử hoàn sinh” từ những bê bối liên quan tới tài chính. Tuy nhiên, tính tời thời điểm này, gương mặt sáng giá nhất cho chức Tổng thống Pháp 2017 không phải ai khác mà chính là cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron.

Khổng Hà
.
.