Bước mới trong tiến trình hòa giải dân tộc Palestine
- Hòa giải dân tộc và hòa bình quốc gia cho Palestine
- Palestine: Hamas và Fatah đạt được thỏa thuận về hòa giải chính trị
Đây là một bước mới quan trọng cho tiến trình hòa giải giữa các phe phái ở Palestine, nó giúp đất nước này ổn định về kinh tế và xã hội, và đưa Palestine lên một vị thế mới trong các cuộc đàm phàn hòa bình với Israel, mở ra tia hy vọng cho việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ giữa hai quốc gia Trung Đông này.
Ngày 12-10-2017, hai phong trào đối lập chính tại Palestine là Hamas và Fatah đã đạt được thỏa thuận chấm dứt đối kháng sau nhiều năm đàm phán. Hamas sau đó đã tiến hành chuyển giao quyền kiểm soát Dải Gaza do phong trào này chiếm cứ từ sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2007 cho phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas, kiểm soát khu Bờ Tây.
Nhưng kết quả như thế là chưa hoàn thiện cho tiến trình hòa giải dân tộc Palestine. Ngày 22-11-2017, sau 2 ngày đối thoại dưới sự bảo trợ của Ai Cập, 13 phe phái ở Palestine đã ra tuyên bố chung, trong đó thống nhất sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối năm 2018. Tuyên bố chung cho biết các phe phái của Palestine đã kêu gọi ủy ban bầu cử tiến hành công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội, đồng thời đề nghị Tổng thống Mahmoud Abbas tiến hành thảo luận và tham vấn với tất các các phe phái để ấn định lịch trình cụ thể cho các cuộc bầu cử này.
Nếu được tổ chức đúng kỳ hạn, đây sẽ là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên ở Palestine kể năm 2007. Còn nhớ sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2007, phong trào Hồi giáo Palestine Hamas đã giành được đa số và đứng ra lập chính phủ. Do Hamas chủ trương bạo lực, xóa bỏ Nhà nước Israel, không công nhận các thỏa thuận đã ký kết trước đó giữa Palestine và Israel, các nước phương Tây đe dọa cắt viện trợ cho Palestine. Khủng hoảng chính trị và xung đột quân sự giữa Hamas và Fatah đã nổ ra.
Tháng 6-2007, Chủ tịch Abbas quyết định giải thể chính phủ và tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Sau đó, phong trào Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, còn tổ chức Fatah chiếm giữ Bờ Tây. Nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt của Palestine này đã thất bại.
Người dân Palestine và các dân tộc khác trên thế giới nói chung đều mong muốn nội bộ nước này ổn định trước mắt là để giúp người dân có cuộc sống ổn định, cải thiện đời sống kinh tế và kế đến là đàm phán với Israel để hai nước công nhận với nhau là các nhà nước độc lập. Đây là nhiệm vụ nặng nề mà không chỉ các đời lãnh đạo hai nước mà còn cả nhiều thế hệ lãnh đạo khác trên thế giới đã cố gắng thực hiện trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng chưa đạt được kết quả gì lớn.
Đại diện 13 phong trào tại Palestine đạt được thỏa thuận hòa giải. |
Về kinh tế-xã hội, việc chia cắt Dải Gaza và Bờ Tây khiến người dân Palestine sống trong cảnh ly tán, bạo lực. Dải Gaza bị nhiều nước phương Tây bao vây cấm vận vì họ coi Hamas là tổ chức khủng bố. Nay khi đạt được thỏa thuận đưa dải đất trên cho chính quyền Fatah kiểm soát, hoạt động lưu thông của người dân sẽ được thông suốt, cảnh bạo lực xung đột cũng được chấm dứt. Hoạt động kinh tế ở cả hai phần đất trên nhờ đó sẽ được phát triển, giúp cải thiện đời sống người dân. Về phần cấm vận của các nước phương Tây, sau thỏa thuận ngày 22-11, chưa có gì đảm bảo rằng chúng sẽ được dỡ bỏ, tuy nhiên vẫn có hy vọng.
Về mặt chính trị, việc Hamas và Fatah thống nhất ngồi trong ngôi nhà chung và sắp tới cùng nhau điều hành đất nước qua bầu cử sẽ giúp các lãnh đạo nước này toàn tâm toàn ý cho các cuộc đàm phán với Israel. Sự thống nhất giữa các phe phái ở Palestine sẽ giúp nâng vị thế của nước này trên trường quốc tế.
Nhưng liệu cuộc bầu cử sắp tới có tái diễn kịch bản của năm 2007? Fatah và Hamas từng ký một loạt thỏa thuận hòa giải bao gồm thỏa thuận Mekka 2007, Sanaa 2008, Cairo 2011, Doha 2012 và Al-Shatyi 2014, nhưng đều không thể thực hiện do không bên nào muốn từ bỏ quyền quản lý ở những vùng lãnh thổ mình đang kiểm soát.
Giới phân tích coi thỏa thuận hòa giải chính trị vừa đạt được giữa Fatah và Hamas là một bước tiến lịch sử, mở ra hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài một thập kỷ qua. Thỏa thuận trên đồng nghĩa với việc ít có khả năng Hamas sẽ “trở mặt” đòi giành lại quyền kiểm soát Dải Gaza.
Nếu Palestine vượt qua được chính mình thì một khó khăn lớn hơn nhiều lần khác đang chờ họ phía trước trong bước đường tìm kiếm độc lập dân tộc. Israel trước giờ không coi Hamas là đối tác trong các cuộc đàm phán. Nếu trong chính phủ mới của Palestine có các thành phần Hamas thì liệu Israel có chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán? Liệu Hamas có chấp thuận từ bỏ con đường đấu tranh bằng bạo lực với Israel?
Lịch sử chưa có điều đó xảy ra. Khi Palestine thông báo đạt thỏa thuận giữa Fatah và Hamas hồi giữa tháng 10, Israel đã phản ứng một cách gay gắt. Đồng minh lâu năm của Israel là Mỹ củng không đồng ý với kết quả trên. Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng thông báo của Palestine gây tổn hại cho tiến trình dễ vỡ của cuộc hòa đàm Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây cam kết sẽ giải quyết cuộc xung đột giữa Palestine và Israel, nhưng các nhà phân tích cho rằng, kế hoạch của ông Trump sẽ phải được xây dựng xung quanh cái gọi là “Giải pháp hai nhà nước”, vốn là cốt lõi của các nỗ lực hòa bình ở khu vực này trong nhiều năm qua và chưa một đời Tổng thống Mỹ nào làm được. Trước mắt chúng ta chỉ có thể hy vọng một nước Palestine ổn định về nội bộ chứ viễn cảnh về một nước Palestine độc lập sống hòa bình bên cạnh một Israel cũng độc lập còn là điều xa vời.