Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Khoảng cách từ khẩu chiến đến thực chiến

Thứ Hai, 02/07/2018, 11:40
Nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ trở thành hiện thực. Mối quan hệ đặc biệt, vừa mang tính đối tác chiến lược, vừa là đối thủ cạnh tranh Mỹ-Trung đang leo thang cực độ liên quan đến nhiều vấn đề, từ an ninh đến kinh tế, thương mại.

Ai đã sẵn sàng?

Theo nhận định của tờ The Economist, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, triển vọng hai bên đi tới một thỏa hiệp có vẻ như ngày càng xa vời. Trước tình thế này, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ điều chỉnh chính sách của mình để không xảy ra một cuộc chiến thương mại khiến cả hai nền kinh tế cùng bị tổn thương nặng hơn.

Trong một động thái được cho là “ra đòn” mới nhất đánh vào Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa quyết định hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các công ty của Mỹ và các công ty mới thành lập trong các lĩnh vực từ hàng không vũ trụ đến robot. Động thái này xem ra sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn trong dài hạn đến mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung so với cuộc chiến trả đũa bằng thuế nhập khẩu, đồng thời nó cũng trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với cơ chế đầu tư mở của Mỹ trong nhiều thập niên qua.

Hơn nữa, hệ quả đáng lưu ý là Trung Quốc có thể sẽ thắt chặt đầu tư tại Mỹ. Phía Trung Quốc cũng không “ngại” khi tuyên bố "ăn miếng, trả miếng" với Mỹ trong bất kỳ cuộc chiến thương mại nào. Và giờ đây, khi nguy cơ chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang hiện hữu, một số ý kiến ở Bắc Kinh bắt đầu bày tỏ sự hoài nghi một cách công khai về việc liệu Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chiến này hay chưa, trong bối cảnh cuộc chiến này được xem là một thách thức trực tiếp và đầy khó khăn đối với ban lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong những tuần qua, giới học giả bắt đầu đặt câu hỏi: liệu nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại và tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc có thể chống đỡ nổi cuộc tấn công không ngừng của ông Trump hay không khi cuộc tấn công này bắt đầu gây tác động tới giá cổ phiếu? Cụ thể, chỉ riêng ngày 26-6, cổ phiếu của Trung Quốc chứng kiến phiên bán tháo ồ ạt trên thị trường, trong đó các cổ phiếu giao dịch trên thị trường ở Thượng Hải bất ngờ quay đầu giảm giá.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis vừa có chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Trong một bài viết đăng trên tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore gần đây, một vị giáo sư đặt câu hỏi: “Liệu Trung Quốc có thể bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và các nước phương Tây khác hay không?

Chia sẻ quan điểm trong một bài bình luận mới đăng tải, Ren Zeping - nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn bất động sản China Evergrande Group, nhận định: “Nếu không được xử lý đúng đắn và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được nâng cấp đầy đủ thì nó có thể trở thành một cuộc chiến tài chính, một cuộc chiến kinh tế, một cuộc chiến về tài nguyên và một cuộc chiến về địa chính trị”.

Nhà kinh tế này bình luận thêm: “Mỹ sẽ sử dụng địa vị bá chủ của mình được thiết lập sau Thế chiến 2 từ lĩnh vực thương mại, tài chính, tiền tệ, quân sự và nhiều lĩnh vực khác, để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

“Thế võ” của Mỹ...

Theo thống kê của công ty tư vấn Rhodium Group, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2017, xuống chỉ còn 1,8 tỷ USD. Năm 2016, các công ty của Trung Quốc đã đầu tư một lượng FDI kỷ lục là 46 tỷ USD vào thị trường Mỹ.

Trước đó, ngày 15-6, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố 2 danh sách hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ dự định áp mức thuế nhập khẩu 25%, trị giá 50 tỷ USD trong năm 2018. Đợt áp thuế đầu tiên dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 6/7. Trung Quốc cũng nhanh chóng trả đũa với một danh sách áp thuế quy mô tương tự đối với hàng hóa Mỹ.

Sau đó, ngày 18-6, ông Trump chỉ thị cho Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer thảo ra một danh sách các sản phẩm trị giá lên tới 200 tỷ USD dự kiến sẽ phải đương đầu với mức thuế nhập khẩu 10% và một danh sách áp thuế khác trị giá 200 tỷ USD trong trường hợp Trung Quốc trả đũa. Ít nhất thì một vài trong số những biện pháp cứng rắn này cũng có thể trở thành hiện thực và khi đó cả hai bên đều khó tránh khỏi tổn thất.

Trung Quốc coi đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ là hành động đơn phương vi phạm các quy định thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn của Tổng thống Trump vẫn giữ quan điểm rằng Trung Quốc khởi xướng “cuộc chiến” này bằng hành động đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và áp các chính sách công nghiệp. Ít có hy vọng rằng ngày 6-7 tới sẽ trôi qua mà kế hoạch áp thuế nhập khẩu nói trên không bắt đầu có hiệu lực. Nếu thuế nhập khẩu không được áp đặt ngay, điều này có thể mang lại thêm thời gian cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, triển vọng “hòa bình” đang mờ dần.

Việc khiến các công ty Trung Quốc phải chịu tổn thất từ biện pháp áp thuế nhập khẩu cũng là một việc "nói dễ hơn làm". Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tạo rào cản đối với tham vọng của Trung Quốc trong những lĩnh vực chiến lược mà nước này đã xác định trong chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Yang Liang thuộc Đại học Syracuse và chuyên gia Mary Lovely thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington, có tới 55% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2013 là của các doanh nghiệp 100% sở hữu nước ngoài. Hàng bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 3,6 tỷ USD đang nằm trong danh sách có thể bị áp thuế chủ yếu là sản phẩm của các chi nhánh của các công ty Mỹ, trong đó thành phần có chứa các chip được thiết kế và sản xuất tại Mỹ; chúng có mặt tại Trung Quốc là vì được lắp ráp và thử nghiệm tại đây, một công đoạn cần nhiều lao động.

Sẽ không có bên thắng cuộc

Giới chuyên gia lưu ý rằng cho dù cuộc xung đột này diễn ra dưới hình thức nào và kéo dài bao lâu thì cũng sẽ không có bên thắng cuộc. Đòn trả đũa của Trung Quốc được cho là sẽ nhằm vào những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại các bang đã bỏ phiếu ủng hộ Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại leo thang, thiệt hại sẽ lớn.

Năm 2017, Mỹ đã nhập khẩu 505 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu lượng hàng hóa nhập khẩu chịu thuế nhập khẩu tăng lên ngưỡng 250 tỷ USD, chưa nói đến 450 tỷ USD, việc tránh cho các sản phẩm như quần áo và đồ điện tử nằm trong diện này cũng rất khó, trong đó, những hàng hóa hầu như không có các nhà cung cấp thay thế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Ảnh: South China Morning Post.

Chuyên gia Dmitry Grozoubinski thuộc Trung tâm Thương mại và Phát triển bền vững quốc gia ví von rằng một cuộc chiến thương mại chẳng khác gì việc làm nổ tung thành phố của mình và sau đó đưa khói qua biên giới với hy vọng khói sẽ làm cay mắt các nước láng giềng.

Đã 30 năm trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ John Kennedy cảnh báo rằng Mỹ, với khoản chi tiêu quân sự khổng lồ, ngày càng dễ bị tổn thương với những tham vọng quá mức của mình. Những thế lực từng được kỳ vọng là có thể thay thế Mỹ sau đó đều không thể vươn lên. Liên bang Xôviết sụp đổ, phép màu kinh tế Nhật Bản tiêu tan, trong khi Đức rối bời với tái thống nhất và hội nhập châu Âu. Kết quả là một nước Mỹ không còn đối thủ. Thời điểm đó, chẳng ai nghĩ đến Trung Quốc.

Trung Quốc đang từng bước trỗi dậy. Năm 1988, bình quân GDP/đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 4% so với với của Mỹ (tính theo ngang giá sức mua). Tới năm 2018, tỷ lệ này đã lên tới gần 30% - tức là tăng gấp 8 lần trong vòng chỉ 3 thập niên.

Trong bối cảnh một cuộc chiến tranh thương mại hiện hữu sau lời đe dọa của Tổng thống Donald Trump áp đặt mức thuế cao lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc, chính quyền của ông Donald Trump đã chú ý đến nỗ lực của Bắc Kinh triển khai hỗ trợ quốc gia nhằm xóa bỏ khoảng cách công nghệ ở 10 lĩnh vực then chốt. Bắc Kinh ngày càng thận trọng vì rằng việc họ giới thiệu về kế hoạch đầy tham vọng này đã gây ra sự phản ứng dữ dội của Mỹ.

Mới đây, một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét các quy định cấm các doanh nghiệp có ít nhất 25% vốn sở hữu của Trung Quốc mua lại các công ty Mỹ trong các ngành “công nghệ trọng yếu”.

Một quan chức ngoại giao phương Tây nói với hãng tin Reuters rằng trong các cuộc họp, quan chức Trung Quốc đã bắt đầu bớt đề cập tới chính sách “Made in China 2025”. Theo các nguồn tin ngoại giao và truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh đã bắt đầu "hạ giọng" khi nói về chính sách công nghiệp được nhà nước hậu thuẫn mang tên “Made in China 2025” - chương trình đang khiến phương Tây hoang mang và cũng là nguyên nhân chính khiến Washington lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, hãng thông tấn Xinhua đã nhắc đến 140 lần thuật ngữ “Made in China 2025” bằng chữ Trung Quốc nhưng kể từ ngày 5-6 vừa qua, hãng tin này đã không đề cập đến nó nữa. Theo nhà ngoại giao này, thậm chí một số quan chức Trung Quốc coi việc chính phủ thúc đẩy kế hoạch này quá mạnh mẽ và công khai là một sai lầm vì nó làm gia tăng áp lực đối với Trung Quốc. Theo một số tờ báo, việc điều chỉnh này cho thấy sự thận trọng là cần thiết.

Dưới khẩu hiệu “Made in China 2025” do Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra hồi năm 2015, Trung Quốc muốn đuổi kịp các đối thủ trong những lĩnh vực bao gồm robot, hàng không vũ trụ, ôtô sử dụng năng lượng sạch và các vật liệu cơ bản tiên tiến. Chiến lược này nằm trong trọng tâm nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuỗi giá trị và hoàn thành tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình biến Trung Quốc thành một siêu cường quốc toàn cầu vào năm 2050. Trong đó, đến năm 2025, Trung Quốc tự bảo đảm 40% vi mạch điện thoại thông minh được sản xuất ở trong nước.

Ngày 28-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu về đổi mới, đề cập đến những ý tưởng chủ đạo trong “Made in China 2025” mà không nhắc đến tên kế hoạch này. Ông Tập nói: “Công nghệ cốt lõi then chốt không thể đòi hỏi, mua hay đi xin. Chỉ khi nắm được công nghệ cốt lõi trong tay, chúng ta mới có thể về cơ bản bảo đảm được an ninh kinh tế quốc gia, quốc phòng cũng như các vấn đề an ninh khác".

Ý tưởng của kế hoạch này của Trung Quốc khiến cho một số thành viên phái diều hâu trong nhóm của Tổng thống Donald Trump nổi giận, trong số đó có Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn thương mại và sản xuất Peter Navarro. Danh sách đánh thuế đầu tiên của Tổng thống Trump trị giá 50 tỷ USD đối với các mặt hàng Trung Quốc, sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6-7, đặc biệt nhằm vào các mặt hàng liên quan đến kế hoạch đầy tham vọng của Bắc Kinh “Made in China 2025”.

Theo kế hoạch này, Bắc Kinh muốn rằng đến năm 2025 các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm lĩnh 70% thị phần “các bộ phận cốt lõi cơ bản và nguyên vật liệu cơ bản quan trọng” trong các ngành công  nghiệp chiến lược.

Lợi ích chung luôn lớn hơn sự khác biệt

Căng thẳng thương mại đã lan sang chính trị, quân sự, ngoại giao... Quan hệ hợp tác quốc phòng Mỹ - Trung cũng gần như bị đóng băng. Washington đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, vốn được coi là cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng trên, cả Mỹ và Trung Quốc đều xác định rằng sự đối đầu giữa hai nước sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi ích của cả hai bên. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, cũng là hai lực lượng quân sự nằm trong số những lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, bởi vậy bất kỳ một cuộc chiến thương mại hay đối đầu quân sự nào giữa hai nước đều gây ra những hậu quả thảm khốc khó lường. Trong bối cảnh đó, có thể nói yếu tố “lợi ích chung lớn hơn khác biệt” sẽ tiếp tục được cả Mỹ và Trung Quốc cố gắng duy trì.

Ngoài ra, những diễn biến gần đây trong khu vực, đặc biệt liên quan tới tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, cũng buộc Mỹ và Trung Quốc phải thừa nhận vai trò của nhau cũng như khẳng định tầm quan trọng của việc hai cường quốc phải duy trì phối hợp với nhau. Ở châu Á nói chung và Bán đảo Triều Tiên nói riêng, hai bên đều có những lợi ích chiến lược liên quan tới sự ổn định, mà mức độ ảnh hưởng của cả Bắc Kinh lẫn Washington là điều không thể phủ nhận.

Nói cách khác, cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể tự mình thúc đẩy quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên nếu không có sự phối hợp của bên kia.

Hoa Huyền
.
.