Châu Âu ngăn chặn làn sóng di dân theo kiểu đối phó tình thế
Nhận diện, bắt giữ và phá hủy các tàu của các tổ chức đưa người vượt biên
Ngày 23/4, lãnh đạo các nước EU đã nhóm họp bất thường để bàn về các biện pháp trước thảm nạn của các tàu chở người nhập cư bất hợp pháp liên tiếp bị đắm tại Địa Trung Hải. Trong tuần qua đã có khoảng hơn chục nghìn người tị nạn từ châu Phi mạo hiểm vượt biển đổ vào châu Âu như Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha, trong đó hơn 700 người đã phải bỏ mạng khi chưa tới bờ.
Trước đó cũng đã xảy ra 2 vụ đắm tàu tị nạn trên Địa Trung Hải làm hơn 400 người mất tích. Mỗi ngày, tàu tuần duyên của Italia và các tàu vận tải thường xuyên cứu vớt từ 500 đến 1.000 người tị nạn đang lênh đênh trên Địa Trung Hải trên những con thuyền tồi tàn.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (HCR) thông báo: “Hơn 1.600 người nhập cư và tị nạn đã thiệt mạng kể từ đầu năm khi cố vượt Địa Trung Hải”. Koji Sekimizu, Giám đốc Cơ quan Hàng hải Quốc tế (OMI) cảnh báo: “Nếu chúng ta không làm gì cả, tôi tin rằng trong năm nay sẽ có nửa triệu người vượt biển, và trong trường hợp đó, có thể đến 10.000 người chết”.
Theo Liên Hiệp Quốc, từ đầu năm đến nay có 35.000 người nhập cư vượt Địa Trung Hải để trốn tránh nạn nghèo đói, bạo lực và chiến tranh. Tổ chức Nhập cư Quốc tế cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 1.750 người vượt biên thiệt mạng trên biển, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng ngày có đến cả nghìn người di cư đổ về châu Âu. |
Trong thông cáo chung của cuộc họp thượng đỉnh ngày 23/4, lãnh đạo các nước EU đã đưa ra kế hoạch gồm 10 điểm.
Một cách tổng quát thì Brussels chấp nhận nhân lên gấp đôi ngân sách dành cho Frontex – cơ quan phụ trách giám sát các biên giới – từ 3 triệu lên 6 triệu euro, nhằm tăng gấp đôi số tàu tuần duyên trong khu vực Địa Trung Hải.
Châu Âu đặc biệt tăng cường các phương tiện để phát hiện và cứu hộ thuyền nhân. Các chiến dịch nhằm phát hiện và cứu hộ người nhập cư bất hợp pháp mang tên Triton và Poséidon, được đặt dưới sự điều hành của Frontex.
Với kế hoạch mới về người nhập cư, sẽ có tổng cộng 40 tàu tuần tra và Brussels đã đồng ý mở rộng khu vực tuần tra trên biển. Một điểm mới khác là lấy dấu tay những người nhập cư ngay khi họ đặt chân lên lãnh thổ châu Âu.
Các quốc gia thành viên được đề nghị tiếp nhận “ít nhất 5.000 người” đã được chấp nhận cho tị nạn, chủ yếu nhắm vào người Syria. Song song đó, châu Âu sẽ nhanh chóng trục xuất những người tị nạn di cư do khó khăn kinh tế.
Các nước được kêu gọi hỗ trợ Italia, Hy Lạp và Malta vào sổ sách và lựa chọn những ai được cho tị nạn, những ai sẽ bị trục xuất. Đây là điều khoản bị tranh cãi nhiều nhất, bị các tổ chức nhân đạo chỉ trích.
Tính hiệu quả của kế hoạch nhằm ngăn chặn các làn sóng thuyền nhân đến từ châu Phi vừa được lãnh đạo EU thông qua tùy thuộc rất nhiều vào những thông tin sẽ thu thập được từ quê gốc của những người vượt biên. Brussels dự trù điều động một số nhân viên đến những quốc gia như Libya hay Somalia … để thu thập thông tin về những đường dây đưa người nhập cư sang châu Âu.
Trong tuyên bố chung, 28 nước thành viên cam đoan làm mọi cách “để nhận diện, bắt giữ và phá hủy các tàu trước khi bọn đưa người vượt biên có thể sử dụng”. Để làm được điều này, cần phải tiến hành một chiến dịch quân sự - đây là lần đầu tiên trong cuộc chiến chống nạn nhập cư lậu.
Thành viên của các tổ chức phi chính phủ và người tị nạn tham gia cuộc biểu tình mang tên “Tuần hành tang lễ” bên ngoài trụ sở Hội đồng châu Âu nơi nguyên thủ các nước EU nhóm họp tại Brussels, ngày 23/4/2015. |
Các nhà ngoại giao và chuyên gia cảnh báo: “Điều đó rất phức tạp, cần có thời gian, có được sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận với Chính phủ Libya, huy động các phương tiện quân sự và chấp nhận thiệt hại về nhân mạng”.
Theo đánh giá, sẽ phải mất ít nhất 6 tháng kế hoạch của EU về vấn đề nhập cư mới được thực thi toàn diện. Nhưng từ nay tới đó, một vài biện pháp có thể bắt đầu được áp dụng.
Nói cách khác tình hình trong vùng biển Địa Trung Hải không có triển vọng khả quan hơn trong một vài tuần lễ tới. Tai nạn hay các vụ đắm tàu vẫn có nguy cơ xảy ra, ngày nào mà người tị nạn vẫn còn lao ra biển để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Liên minh châu Âu là một khối gồm 28 nước độc lập với nhau. Do vậy, thể thức vận hành phức tạp hơn. Mọi quyết định không thể nhanh chóng thông qua như trong trường hợp của Australia.
Làn sóng di dân xuất phát từ những nơi được “gieo mầm dân chủ”
Giới chuyên gia cho rằng các biện pháp ngăn chặn người nhập cư trái phép tràn vào lãnh thổ châu Âu bằng đường biển chỉ là bề nổi của tảng băng. Châu Âu tới nay có thái độ thụ động, chỉ quan tâm thực sự đến hồ sơ này khi vấn đề đã trở nên cấp bách. Và trong tình huống đó, thì EU lại chỉ đưa ra những biện pháp nửa vời, hay chỉ có hiệu quả trong ngắn hạn mà thôi.
Không mấy ai tin rằng, kế hoạch gồm 10 điểm vừa được đưa ra là nền tảng cho một chính sách chung về nhập cư. Thực ra tại Brussels, các bên mới chỉ đề xướng những biện pháp để chăm sóc vết thương bề ngoài, nhưng không một ai đả động đến nguyên nhân gây ra thương tích hay tìm cách khắc phục hậu quả do vết thương đó gây nên.
Đa phần thuyền nhân từ châu Phi vượt biển đến châu Âu xuất phát từ vùng bờ biển Libya. Libya từng là vùng đất hứa nay trở thành hỗn loạn. Đất nước này bị nội chiến xâu xé, kiệt quệ không còn sức giữ lại những người đến từ các nước châu Phi khác.
Trước đây, Libya giàu có được xem như vùng đất màu mỡ đối với người lao động châu Phi, ngày nay nơi đây vẫn là nơi họ dừng chân kiếm tiền, nhưng chỉ là để đến vùng đất hứa khác. Vì sao Libya giờ ra nông nỗi này?
Từ ngày Gaddafi bị lật đổ năm 2011, Libya rơi vào hỗn loạn đã trở thành trung tâm của các đường dây buôn người, và là căn cứ các mạng lưới khủng bố hoành hành, gây bất ổn định cả vùng. Khi Gaddafi còn nắm quyền, châu Âu còn tìm cách hỗ trợ phát triển để cầm chân những người muốn di tản ở lại đất nước họ.
Điều đáng nói là chính các nước châu Âu năm 2011 đã can thiệp vào Libya với các cuộc không kích, lật đổ Gaddafi. Nhưng giá trị tự do mà các nước phương Tây đem đến lại đẩy Libya đến tình trạng hỗn loạn ngày nay.
Hiện tượng vượt biên bùng nổ có thể được giải thích qua hai nguyên nhân: Một là do các cuộc khủng hoảng khu vực, đặc biệt là tại Trung Đông và Libya, đã khiến lượng người chạy trốn chiến tranh ngày càng nhiều. Thứ hai là do châu Âu từ bỏ chương trình cho phép tuần duyên và cứu trợ tới tận vùng biển giáp ranh với Libya và thay vào đó các tàu tuần duyên châu Âu chỉ được hoạt động trong phạm vi 55 km từ bờ biển Italia và Malta.
Muốn giải quyết tận gốc vấn đề di dân, châu Âu phải bình ổn được tình hình tại Libya. Nhưng bằng cách nào? Khi các phe đối đầu ở Libya không đi đến hòa giải thì liệu châu Âu có thể tiến hành cuộc chiến tranh lần thứ hai?
Theo các chuyên gia, nếu châu Âu làm vậy sẽ làm cho tình hình Libya thêm phức tạp. Giữa thái độ thụ động, không làm gì cả và can thiệp quân sự, có lẽ còn những khả năng hành động khác để ổn định Lybia. Thế nhưng, châu Âu làm gì khi không có người đối thoại từ phía Libya?
Tóm lại, dòng người di cư vào châu Âu ngày càng tăng xuất phát từ những nước mà chính châu Âu đã tìm cách lật đổ chính quyền tại những nước đó để gieo mầm dân chủ. Thật trớ trêu!
Một số quốc gia công nghiệp phát triển khác như Canada, Mỹ, Australia hay New Zealand chẳng hạn từ cả chục năm nay đã có hẳn một chính sách nhập cư vừa hợp lý, vừa có tính cách chọn lọc và hợp pháp. Trong khi đó châu Âu vẫn coi chính sách nhập cư và các biện pháp kiểm soát biên giới là thuộc chủ quyền bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia.
Tới nay châu Âu mới chỉ bãi bỏ biên giới ở trong không gian Schengen hay giữa các hải đảo của Vương quốc Anh. Một số các đảng phái chính trị tại châu Âu có khuynh hướng chống nhập cư đang khai thác chủ đề này và điều đó càng khiến mỗi thành viên trong Liên minh phải cân nhắc kỹ về hồ sơ nhạy cảm nói trên.
Vậy đâu là những biện pháp lâu dài cho vấn đề nhập cư châu Âu? Trước mắt Nghị viện châu Âu đang tiến xa nhất trên hồ sơ này. Các bên đồng ý là phải nhìn thẳng vào những nguyên nhân đẩy hàng trăm người ra biển.
Những nguyên nhân đó bắt nguồn từ khó khăn kinh tế tại các nước Bắc Phi, từ thái độ vô trách nhiệm của nhiều chính quyền trong chính sách khai thác tài nguyên, từ các vụ mất mùa, từ hiện tượng sa mạc hóa thu hẹp lại các diện tích trồng trọt. Thêm vào đó yếu tố chính trị, an ninh. Nhiều khu vực đang lâm vào nội chiến.
Điều mà EU có thể làm được là tìm cách tái lập ổn định, thịnh vượng tại các quốc gia ở bên kia Địa Trung Hải, để người dân Phi châu không có nhu cầu di tản. Nhưng mặt khác, dân số tại châu Âu đang trên đà bị lão hóa, châu Âu cũng cần người lao động nhập cư, với điều kiện đó phải là chính sách nhập cư có lựa chọn.
Các dân biểu tại Nghị viện châu Âu đang ráo riết thảo luận về vấn đề nhập cư, về những mục tiêu cần hướng tới. Nhưng mục tiêu cần đạt được thì còn xa vời, trong khi những vấn đề thì đang hiện ra ngay trước mắt toàn khối châu Âu.