Chông gai con đường đến hiệp ước hòa bình Mỹ-Triều

Thứ Tư, 14/03/2018, 13:41
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn ký một hiệp ước hòa bình và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, bao gồm cả việc bố trí Đại sứ quán Mỹ tại Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, để làm được điều này, cho dù đã không còn những điều kiện tiên quyết mới, nhưng, những lời hứa không thử tên lửa hay vũ khí hạt nhân cần phải được nghiêm chỉnh thi hành thì mới có cuộc đàm phán hòa bình.

Và quan trọng nhất, thiện chí hòa bình như một tiếng vỗ tay, cần có hai bàn tay. Vẫn còn quá nhiều chông gai để thực hiện giấc mơ.

Nói lời phải giữ lấy lời

Thông tin được tờ Dong-A Ilbo tại Seoul dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un có khả năng đề xuất một hiệp ước hòa bình cũng như phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ D.Trump.

Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cũng tiết lộ, để có một sự khởi đầu tốt đẹp, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ra điều kiện chỉ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi Bình Nhưỡng giữ lời hứa về giải trừ vũ khí hạt nhân cũng như về các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Như vậy là đã rõ, phía Mỹ đã không đưa ra thêm bất cứ điều kiện tiên quyết nào cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Mà chỉ cần tuân thủ lời hứa, đúng như trong một thư điện tử gửi tới Yonhap ngày 11-3, một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) khẳng định, chính quyền Mỹ không đặt ra những điều kiện tiên quyết mới cho cuộc gặp thượng đỉnh này, đồng thời hối thúc Triều Tiên có “những hành động cụ thể”.

Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói rằng: “Mỹ chưa hề nhượng bộ, nhưng Triều Tiên đã hứa”. “Chúng tôi sẽ không để cuộc gặp này diễn ra cho đến khi nhìn thấy những hành động cụ thể đi đôi với lời nói của Triều Tiên”, bà Sanders cũng nhấn mạnh việc Mỹ chấp nhận lời mời gặp mặt của phía Triều Tiên dựa trên việc Bình Nhưỡng thực hiện các hành động cụ thể theo những cam kết đã đưa ra trước đó.

Cùng về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin khi trả lời chương trình “Meet the Press” của kênh truyền hình NBC cũng nhấn mạnh rằng “Tổng thống D.Trump đã nói rõ rằng điều kiện là không có vụ thử hạt nhân và tên lửa”.

Trong khi đó, phát biểu với báo giới trước khi đến Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đang ở giai đoạn “nhạy cảm” đến mức ông sẽ không công khai nói về cuộc đối thoại hay các vấn đề liên quan trọng đó có các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Theo ông, lý do ông không sẵn sàng đề cập đến bất kỳ khía cạnh nào của các nỗ lực này là do “khả năng xảy ra hiểu lầm vẫn rất cao”.

Thư ký báo chí Nhà Trắng S.H.Sanders tại cuộc họp báo. Ảnh: Sputnik International.

Sẵn sàng cho cuộc Marathon hòa bình

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho rằng Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ thích hợp nhất để thảo luận tình hình liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 5 tới. Để chuẩn bị tốt nhất, thực chất nhất cho cuộc gặp giữa Tổng thống D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 5, các quan chức Mỹ giờ đây phải bước vào cuộc đua thành lập đội ngũ để chuẩn bị cho cuộc gặp cũng như đề ra chiến lược.

Có nhiều chuyên gia cho rằng, không thể dùng nước cờ liều lĩnh khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. “Đây là một bước tiến lớn trong ngoại giao giữa hai nước mà lãnh đạo từng buông lời xúc phạm nhau nặng nề”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry, người từng đàm phán với Triều Tiên vào thập niên 1990, nói với Politico.

Còn Thượng nghị sĩ Edward J.Markey, người nhiều năm ủng hộ giải trừ hạt nhân, cho rằng: “Vì chúng ta đang bước vào một trong những cuộc đàm phán ngoại giao quan trọng nhất lịch sử gần đây, tôi kêu gọi Tổng thống D.Trump trao quyền cho các nhà ngoại giao duy trì động lực và cố vấn chuyên môn”, ông Markey nói.

“Có lý do xứng đáng để gặp mặt nhưng đó là chỉ khi chúng ta sẽ nói về những thứ đáng làm và có thể được kiểm chứng một cách hợp lý. Nếu không, Mỹ sẽ đẩy chính mình vào một thất bại lớn về ngoại giao”, ông Edward J.Markey cảnh báo.

Người dân Bán đảo Triều Tiên rất quan tâm tới cuộc gặp thượng định Mỹ-Triều. Ảnh: NBC News.

Những người từng tham gia quá trình đàm phán nói các cuộc hội đàm ở cấp cao nhất yêu cầu Mỹ phải có quy trình chặt chẽ cùng đội ngũ đến từ các bộ ngành khác nhau của chính phủ, để vạch ra những yếu tố cơ bản nhất của bất kỳ thỏa thuận nào. “Trong bất cứ tình huống nào, việc này đều sẽ mất thời gian để chuẩn bị sẵn sàng. Tôi sẽ phải bắt tay vào làm ngay lập tức”, Wendy Sherman, người điều phối chính sách Triều Tiên của chính quyền B.Clinton, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán với Iran của chính quyền B.Obama, cho biết.

“Với Iran, chúng tôi phải viết ra toàn bộ thỏa thuận, hơn 100 trang, trước khi chúng tôi bắt đầu đàm phán, để chúng tôi hiểu sẽ cố đạt được những mục tiêu nào”, bà Sherman nói.

Không phải là “ván bài giải trí”

Những tiến triển ngoạn mục trong hồ sơ Triều Tiên là bước đột phá tích cực nhất trong một chuỗi các diễn tiến ngoại giao làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng đồng ý tham gia Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang hồi tháng 2. Song song với chiến dịch ngoại giao thể thao là những cuộc tiếp xúc trong không khí hòa dịu hiếm có giữa hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, còn không ít hoài nghi vì cốt lõi của mọi cuộc đàm phán trong hồ sơ Triều Tiên vẫn là giải trừ hạt nhân của Bình Nhưỡng. Liệu mục tiêu này có đạt được trong cuộc đối thoại tay đôi giữa Kim và Trump hay không?

Chính sự thận trọng này được cảm nhận ngày càng rõ hơn khi truyền thông phía Triều Tiên dường như chưa lên tiếng và đưa ra các dự đoán. Cũng dễ hiểu, bởi mọi điều đến quá nhanh. Lòng tin chiến lược và các yếu tố khác để xây dựng hòa bình thì dường như cũng mới chỉ xuất hiện. Song phải thừa nhận, những cử chỉ thiện chí của hai bên đang củng cố bầu không khí hòa dịu trên bán đảo Triều Tiên.

Vẫn còn quá sớm để nói đến nội dung hay kết quả được đặt lên bàn cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Có điều chắc chắn là cuộc đối thoại, nếu diễn ra, sẽ không hề dễ dàng chút nào, như ngoại trưởng Trung Quốc mới cảnh báo, đó sẽ không phải là “ván bài giải trí”.

Hoa Huyền
.
.