Cơ hội cho “Lục địa già”?

Thứ Tư, 13/05/2020, 21:43
Hơn 2 tháng vật lộn với đại dịch COVID-19, từ việc thực hiện các biện pháp hạn chế các hoạt động kinh tế - xã hội, đến phong tỏa gần như toàn bộ 27 nước thành viên, Liên minh châu Âu (EU) dường như rơi vào trạng thái kiệt quệ, khốn đốn chưa từng có, cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên “trong nguy có cơ”, dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi thế giới mà đang mang lại cơ hội lịch sử để “lục địa già” thoát khỏi khủng hoảng.

EU gồm 27 quốc gia châu Âu đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có trước khi COVID-19 bùng phát. Việc Anh rời khỏi EU (Brexit) không chỉ tạo ra một mớ hỗn độn về ngân sách EU mà còn làm dấy lên một làn sóng nghi ngờ mới đối với các giá trị của EU. Khi đợt bùng phát đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua, EU đã không đưa ra những cảnh báo kịp thời hoặc giúp đỡ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề như Italy. Họ cũng không quản lý một cách hiệu quả tình trạng lộn xộn do các quốc gia thành viên chặn các nguồn cung cấp vật tư y tế và đóng cửa biên giới.

Trong thời gian này, các học giả châu Âu luôn tỏ ra thất vọng. Họ cho rằng vai trò của Brussels vắng bóng sau đại dịch và có khả năng sẽ “đóng thêm đinh sắt” vào “cỗ quan tài” EU. Khi châu Âu theo dõi Trung Quốc thực hiện các biện pháp nhanh chóng để giải quyết dịch bệnh, họ tin rằng hiểm họa chỉ xảy ra ở phương Đông xa xôi.

“Trong nguy có cơ”, dịch COVID-19 được cho là mang lại cơ hội lịch sử để “lục địa già” thoát khỏi khủng hoảng.

Họ thậm chí còn cho rằng các biện pháp của Trung Quốc quá khắc nghiệt, rằng không nên hạn chế người dân đi lại hoặc sử dụng dữ liệu lớn để hỗ trợ quá trình này. Cho đến đầu tháng 2, các viện nghiên cứu và các chuyên gia hàng đầu của châu Âu vẫn cho rằng SARS-CoV-2 có mức độ nguy hiểm thấp hơn nhiều so với bệnh cúm mùa thông thường.

Kể từ đó, dịch bệnh bùng phát đã giáng một đòn chí tử vào châu Âu. Ông Wolfgang Ischinger, Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich (MSC) và ông Vladimir Ruge, Phó Chủ tịch của MSC nhận định rằng trong thời đại COVID-19, nhiệm vụ chính là cứu người và cũng là cứu EU.

Khi cuộc khủng hoảng nổ ra, trục Pháp-Đức với tư cách là trụ cột truyền thống của EU đã bắt đầu đóng vai trò mạnh mẽ hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng đưa ra những thông điệp truyền cảm hứng để khuấy động tham vọng và lòng dũng cảm bằng cách cảnh báo rằng EU đang phải đối mặt với “một khoảnh khắc của sự thật”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn luôn lý trí và bình tĩnh như mọi khi, cho biết nước Đức đã sẵn sàng đóng góp ngân sách “cao hơn đáng kể” cho EU để giúp khối này đối phó với nguy cơ sụp đổ do đại dịch COVID-19 “trên tinh thần đoàn kết”.

Các nhà quan sát cho rằng mặc dù có những bất đồng giữa Pháp và Đức và phong cách khác nhau giữa ông Macron và bà Merkel, song hai quốc gia vẫn có thể hợp tác vì một lý do chung, điều này cho thấy mối quan hệ đối tác trưởng thành của họ. Đây là nền tảng của EU cũng như tiền đề để hai nước có thể phát huy ảnh hưởng toàn cầu.

Binh sĩ Italy canh gác bên ngoài nhà thờ Duomo tại Milan, nơi đang tạm đóng cửa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch Covid-19.

Ngoài ra, trái với sự không hành động của Mỹ, bà Merkel và ông Macron đã cam kết tăng cường hợp tác phát triển vaccine ngừa virus Corona và chia sẻ nghiên cứu, phương pháp điều trị và thuốc chữa bệnh trên toàn cầu. Các biện pháp đối phó với virus khác nhau giữa Mỹ và châu Âu làm nổi bật phẩm chất đạo đức tương phản của hai bên.

Đối với châu Âu, đó là một câu hỏi về sự sống còn, như Ischinger và Ruge đã viết. Theo quan điểm này, bước ngoặt bắt đầu với một kế hoạch cứu trợ được đưa ra trong một cuộc họp trực tuyến của các thành viên Hội đồng châu Âu hồi tháng 4. Gói cứu trợ trị giá 540 tỷ euro (584 tỷ USD) không chỉ về tài chính và kinh tế mà còn báo hiệu ý chí mạnh mẽ của EU để tồn tại. Nhiều biện pháp đối phó với virus và phục hồi nền kinh tế châu Âu dự kiến sẽ được thực hiện.

Đức sẽ tiếp quản chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu vào nửa cuối năm nay và việc xây dựng một hệ thống quản lý khủng hoảng sẽ được thúc đẩy như một phần quan trọng để vực dậy EU. Khủng hoảng là chất xúc tác cho sự gắn kết. Đại dịch COVID-19 chưa từng thấy mang đến cho EU cơ hội điều chỉnh quá trình hội nhập, tăng cường cải cách hệ thống và tăng cường sức sống và sức mạnh tổng thể.

Mô hình thế giới hậu đại dịch được dự báo sẽ trở nên phức tạp hơn. Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc khốc liệt hơn chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho châu Âu. Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm 7,7% trong năm nay, một “tỷ lệ suy giảm kinh tế lịch sử”.

Khảo sát mới nhất của tổ chức IHS Markit cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Eurozone trong tháng 4-2020 đã giảm từ 44,5 của tháng trước xuống 33,4 - mức thấp nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện lần đầu tiên hồi giữa năm 1997. Đại dịch COVID-19 đã làm tổn thương hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, sản lượng công nghiệp, hoạt động đầu tư, thương mại, dòng vốn và chuỗi cung ứng của khu vực này, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Cho dù nguyên nhân và bản chất khủng hoảng ra sao, giải pháp trước mắt là sàng lọc kiếm tìm cơ hội từ những phương pháp sẵn có. Đối với các nền kinh tế EU, để khắc phục khó khăn khi dịch bệnh đi qua cần nhiều giải pháp, trong đó có việc tìm kiếm thị trường mới.

Theo các chuyên gia, một trong những điều chỉnh cơ bản phải tính tới đầu tiên sau đại dịch là thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị, để hạn chế sự lệ thuộc vào một thị trường. Chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị sẽ thay đổi theo hướng vừa được đa dạng hơn, tức là dễ dàng và nhanh chóng có thể thay thế được cho nhau hơn, lại vừa tạo thành mạng lưới kết nối nhiều chuỗi với nhau để “bọc lót” lẫn nhau khi cần.

Lợi ích riêng của châu Âu và niềm tự hào văn hóa của họ khiến châu Âu khó có thể chọn một bên. Các cuộc thảo luận về làm thế nào để đóng vai trò trung gian giữa các cường quốc đang được thúc đẩy giữa Brussels và các thành viên EU. Điều này đòi hỏi sự đoàn kết và sức mạnh của châu Âu. Giới tinh hoa chính trị và xã hội EU cần nhận ra và nắm bắt cơ hội lịch sử chỉ tồn tại trong thời gian ngắn mà cuộc khủng hoảng COVID-19 mang lại để hồi sinh.

Bảo Trân
.
.