Cựu thù của “người thổi còi” rời chính trường và thế giới tình báo

Thứ Hai, 21/11/2016, 16:00
Ngày 17-11, ông James Clapper, 75 tuổi, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (NSA) chính thức nộp đơn từ chức sau 6 năm giữ cương vị này.

Đây là hành động khiến dư luận và giới truyền thông khá bất ngờ vì nhiều nguồn tin vẫn cho rằng, có thể vị lãnh đạo kỳ cựu trong giới tình báo Mỹ sẽ còn ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa để phục vụ chính quyền thời của tổng thống vừa đắc cử Donald Trump vì vậy việc ra đi của ông sẽ tạo thêm một chỗ trống lớn mà chính quyền mới sẽ phải nhanh chóng bổ khuyết.

Quãng thời gian tại nhiệm của ông Clapper gắn liền với vụ rò rỉ tài liệu từ NSA mà người tiết lộ là Eddward Snoden cho biết cơ quan này tiến hành việc thu thập dữ liệu hàng triệu người dân Mỹ trên quy mô lớn một cách bất hợp pháp và trong một thời gian dài sau sự kiện khủng bố 11-9, nghe lén điện thoại hàng loạt nguyên thủ quốc gia.

Ông Clapper cùng lãnh đạo NSA điều trần tại Hạ viện năm 2013.

Theo đánh giá nội bộ của Chính phủ Mỹ, số lượng tài liệu mật mà Snowden có điều kiện tiếp cận với tư cách một nhân viên quản trị hệ thống tại một số cơ sở của NSA là hơn 200.000 tài liệu, trong số này có rất nhiều tài liệu được xếp loại “tuyệt mật”, thậm chí có cả loại “tài liệu tình báo đặc biệt”.

"Hiệu ứng Snowden" khi đó đã khiến Chính phủ Mỹ dở khóc dở cười trên bàn ngoại giao ngay cả với các quốc gia đồng minh và gây ra những cơn thịnh nộ trên khắp thế giới.

Chính James Clapper là người vào năm 2013, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đã lớn tiếng bác bỏ chuyện chính quyền Mỹ thu thập dữ liệu liên lạc cá nhân của hàng triệu người dân. Luận điệu phủ nhận trắng trợn của ông đã khiến Edward Snowden cảm thấy “xấu hổ đến mức không chịu đựng nổi” nên anh ta đã công bố hàng trăm ngàn tài liệu có trong tay cho giới truyền thông từ đó dẫn đến những cáo buộc cho rằng ông Clapper đã nói dối Quốc hội và yêu cầu ông phải từ chức.

Sau khi bị phanh phui, trả lời trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khẳng định, chương trình theo dõi bí mật đối với hàng triệu cuộc điện thoại và email của người Mỹ là biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước trước những kẻ khủng bố. Ông cũng bác bỏ sự phản đối của các đồng minh châu Âu về việc cơ quan này do thám các lãnh đạo của họ, và tuyên bố các đồng minh của Mỹ cũng do thám Mỹ.

Từ sau khi nước Mỹ hứng chịu cuộc khủng bố 11-9 và nhất là sau khi Đạo luật Ái quốc được thông qua, NSA có thẩm quyền yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và Internet phải cung cấp siêu dữ liệu của các khách hàng Mỹ. Luật được sửa đổi vào năm 2006 và năm 2011 nhằm tăng quyền hạn của NSA, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) trong công tác chống khủng bố.

Tháng 6-2015, khi Chính phủ Mỹ thông qua "Đạo luật nước Mỹ tự do", chương trình do thám của NSA bị điều chỉnh đáng kể. Từ đó, các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật thuộc Chính phủ Mỹ sẽ không thể thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn, các công ty dịch vụ điện thoại sẽ đảm nhận công việc này và nhà chức trách có thể tiếp cận các dữ liệu khi được phép của một tòa án phụ trách lĩnh vực chống khủng bố.

Luật mới trao cho NSA thẩm quyền nghe lén các nghi can hoạt động theo kiểu "sói đơn độc". Tuy nhiên, đạo luật mới chỉ cải cách cách thức thu thập dữ liệu ở Mỹ và vẫn giữ nguyên quy trình NSA thu thập dữ liệu ở nước ngoài.

Đ.K. (tổng hợp)
.
.