Dấu hiệu xấu trong quan hệ Mỹ - Trung

Thứ Tư, 21/12/2016, 17:00
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu bao phủ bởi các biển và đại dương, cụ thể bao gồm Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, biển Andaman, biển Philippines, Biển Đông và rất nhiều vịnh, eo biển với sự tồn tại đan xen các nước lớn, nhỏ cùng nhiều lợi ích liên quan tới biển.

Không giống như trên đất liền, việc áp đặt đường biên giới và chủ quyền trên biển và đại dương là rất khó khăn. Do đó, chỉ cần một “va chạm”, nếu không xử lý theo luật pháp quốc tế, từ việc nhỏ, bị kích động sẽ thành việc lớn, gây mất ổn định cho cả một khu vực lớn.

Hành động nhỏ, hậu quả lớn

Lầu Năm Góc ngày 17/-2 cáo buộc Trung Quốc thu giữ trái phép một thiết bị lặn tự hành (UUV) của Hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế ở khu vực Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis cho biết, thiết bị lặn trên là loại thiết bị có công nghệ khá phổ biến, giá cũng không lớn, khoảng 150.000 USD.

Chiếc UUV bị Trung Quốc thu giữ thuộc lớp Seaglider do Hãng Kongsberg (Đức) sản xuất và được biên chế trên tàu khảo sát USNS Bowditch. Đây là mẫu thiết bị lặn thương mại được bán rộng rãi trên thế giới và không phải là công nghệ quân sự mật. Chiếc UUV này có nhiệm vụ thu thập dữ liệu hải dương như nhiệt độ, nồng độ oxy, độ mặn nước biển. Thông tin sẽ được chuyển về người điều khiển qua kết nối vệ tinh.

Sau khi báo cáo vị trí và nhận chỉ thị mới, thiết bị sẽ tiếp tục lặn xuống để khảo sát. UUV bị một tàu cứu hộ thuộc Hải quân Trung Quốc thu giữ tại khu vực cách vịnh Subic của Philippines, cách khoảng 90 km về phía tây bắc vào tối 15-12.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis đã khẳng định, thiết bị lặn tự hành đang thực hiện cuộc khảo sát hợp pháp ở Biển Đông, và việc thu thập dữ liệu của thiết bị này nằm trong chương trình thu thập dữ liệu hợp pháp về đại dương. Quan chức này cho hay, ngay sau khi Trung Quốc thu giữ thiết bị trên, tàu USNS Bowditch đã cố liên lạc với tàu Trung Quốc qua sóng vô tuyến để yêu cầu trả lại. Tàu Trung Quốc đã nhận tín hiệu nhưng không phản hồi.

“Chúng tôi muốn lấy lại và không muốn xảy ra những vụ tương tự”, phát ngôn viên Davis nhấn mạnh. Tuy nhiên, không rõ vì sao, phía tàu Trung Quốc thời điểm đó chưa trả lại cho phía Mỹ.

Sự việc lúc này đã vượt ra tầm kiểm soát của các tàu tại thực địa. Sau đó, một phát ngôn viên khác của Bộ Quốc phòng Mỹ là Peter Cook khẳng định Trung Quốc đã hành xử không đúng luật quốc tế, đồng thời yêu cầu nước này “thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế”.

Tàu khảo sát USNS Bowditch của Mỹ. Ảnh: Inverse.

Trước phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt từ giới chức Mỹ, tối 17-12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố với báo chí rằng hai bên đã liên lạc về vấn đề này và Trung Quốc quyết định trả thiết bị lặn cho phía Mỹ theo cách thích hợp. Trong khi đó nhiều tờ báo của Trung Quốc khẳng định vụ việc “sẽ được giải quyết êm đẹp”. Trong mấy ngày qua, mặc dù phía Trung Quốc đồng ý giao trả UUV, nhưng vụ việc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do những phát biểu công kích lẫn nhau từ hai phía.

Thậm chí Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã giận dữ viết trên Twitter: Đây là hành động chưa có tiền lệ. Trong khi đó, ở phía bên kia, báo chí Trung Quốc cũng trích nhiều phát biểu và cho rằng việc Washington "thổi phồng" sự việc sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Một số tờ báo thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng khẳng định rằng, Trung Quốc sẵn sàng thực hiện những biện pháp cần thiết.

Leo thang căng thẳng

Phân tích những căng thẳng Mỹ - Trung, liên quan tới vụ việc mới nhất này, Trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor ngày 16-12 bình luận rằng vụ Trung Quốc thu giữ thiết bị lặn của Mỹ đang tạo ra bước leo thang căng thẳng mới trong mối quan hệ vốn "gai góc" giữa hai nước. Vụ việc xảy ra đúng vào lúc xảy ra cuộc khẩu chiến gay gắt giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, mặc dù những rạn nứt giữa hai bên trong mấy năm qua vốn đang ngày một xấu đi.

M.Brenson, chuyên gia nghiên cứu chính trị nhận định, mặc dù vụ việc không đến mức như một số vụ việc cách đây ít năm, nhưng vụ việc lần này rõ ràng nhằm phát đi tín hiệu rằng hai nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương này sẵn sàng gây áp lực lên nhau tại các vùng biển có tính chất nhạy cảm.

Các chuyên gia nhận định, vụ việc tuy nhỏ, nhưng mỗi bên đã thể hiện rõ quan điểm của mình. Tờ “The Wall Street Journal” cũng cho rằng vụ Trung Quốc bắt giữ thiết bị của Mỹ đánh dấu nấc leo thang mới trong những nỗ lực của nước nọ với nước kia, nhằm ngăn cản các hoạt động do thám Hải quân nước còn lại. Điều này cho thấy cuộc chiến dưới lòng đại dương trong khu vực Biển Đông  giữa hai cường quốc đang rất căng thẳng.

M.Taylor Fravel, chuyên gia về an ninh hàng hải thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng, do loại tàu lặn của Mỹ có tính đa dụng, vừa làm nghiên cứu khoa học, nhưng cũng có thể giúp Hải quân Mỹ theo dõi tàu ngầm, do đó có thể có liên quan trực tiếp đến cuộc chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc đã hành động quyết liệt, chặn nguy cơ từ xa.

Thời gian gần đây, Trung Quốc phát triển nhiều thế hệ tàu ngầm tấn công hiện đại và được triển khai sâu vào các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Chính vì vậy, chuyên gia M.Taylor Fravel cho rằng, điều đó buộc Mỹ phải tăng cường các nỗ lực phát hiện. Chuyên gia này dự đoán Trung Quốc cũng sẽ sớm bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra bằng tàu ngầm có trang bị tên lửa hạt nhân tại nhiều vùng biển rộng lớn ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong đó đương nhiên có Biển Đông.

Đáp lại, phía Trung Quốc cũng đưa ra quan điểm trên báo chí nước này. Tờ South China Morning Post dẫn lời đại tá Triệu Tiểu Trác thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho hay Mỹ đã không ít lần triển khai UUV tới Biển Đông, nhưng đây là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc thu giữ thiết bị này nên chắc chắn phải có lý do.

Theo tờ The Wall Street Journal, vụ thu giữ UUV đánh dấu sự gia tăng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn hoạt động giám sát của Washington và có thể phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng về tình trạng Mỹ theo dõi tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông.

Một số nhà quan sát nhận định, vụ việc có thể là ý đồ của Trung Quốc nhằm dò xét quyết tâm của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong vấn đề xử lý các mối quan hệ với Trung Quốc, trước khi đưa ra quyết định chính thức có thể sẽ được phát đi trong ngày 20-1-2017, khi ông Trump chính thức nhậm chức.

Không chỉ là chuyện “va chạm”

Vụ việc hiện đang được hai bên kiểm soát, tuy nhiên, sau những phát biểu gần đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump liên quan tới chính sách “một Trung Quốc” khiến quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã trở nên căng thẳng.

Báo Pháp Libération số ra mới đây nhận định, mối quan hệ Mỹ-Trung phiên bản Donald Trump bắt đầu từ một nền tảng không thể xấu hơn. Sự mất lòng tin qua những tuyên bố nhằm vào nhau có thể làm đảo lộn sâu sắc quan hệ hai nước cũng như thế cân bằng quốc tế.

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo dựng được mối quan hệ khá êm đẹp, cho dù có một vài vụ việc. Có thể kể tới kết quả gần đây là cam kết chung của hai nước về tính cấp bách phải đối phó với biến đổi khí hậu. Nhưng thời kỳ trăng mật có tính biểu tượng đang chuyển sang giai đoạn chua cay. Với việc trả lời cuộc gọi của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 2-12. Bởi, từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chưa có Tổng thống Mỹ nào đưa ra quan điểm trực diện về vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc như ông Trump.

Giải thích điều này, một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh lo ngại, “Khi lòng tin đã xói mòn, quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Trump sẽ bắt đầu trong sự cảnh giác, điều đó không hề tốt, nhất là khi lãnh đạo hai cường quốc lớn nhất thế giới “đấu khẩu” với nhau. Chỉ qua hai thông điệp trên mạng xã hội Twitter, Donald Trump đã cáo buộc Bắc Kinh “phá giá đồng tiền”, “áp thuế cao” lên hàng xuất khẩu của Mỹ và “xây dựng một tổ hợp quân sự lớn” trên Biển Đông.

Tồi tệ hơn, ngày 11-12, ông Trump còn đe dọa sẽ bỏ qua nguyên tắc “một Trung Quốc” để đòi Bắc Kinh phải có nhượng bộ quan trọng. “Tôi không muốn Trung Quốc có thể áp đặt lên hành động của mình”, Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố.

Thiết bị lặn UUV thuộc lớp Seaglider. Ảnh: KTLA.com.

Về phía Trung Quốc, ngoại trừ một tuyên bố đưa ra ngày 1-11 phê phán thái độ của Trump nghi ngờ nguyên nhân gây hiện tượng biến đổi khí hậu giữa chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh cho tới nay vẫn tỏ ra kìm chế với một số tuyên bố của ông Trump. Trung Quốc chỉ thay đổi giọng điệu một cách mạnh mẽ và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” với phát ngôn mới nhất liên quan tới chính sách của Trung Quốc, của vị Tổng thống đắc cử.

Thời báo Hoàn cầu đã cảnh báo trong phần xã luận: Nếu ông Trump tiếp tục khiêu khích thì Bắc Kinh có thể sẽ hỗ trợ, thậm chí “viện trợ quân sự” cho các đối thủ của Mỹ. Sự giận dữ còn gia tăng thêm một cấp độ mới: Trung Quốc không loại trừ khả năng tấn công Đài Loan bằng quân sự.

Có ván bài “được ăn cả ngã về không”?

Những căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung đang làm dấy lên lo ngại khác liên quan tới kinh tế, ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Bởi Mỹ-Trung Quốc là hai cường quốc hạt nhân, hai “quốc gia-lục địa” thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là hai nền kinh tế lớn nhất với kim ngạch thương mại song phương lên đến 560 tỷ USD.

Mối quan hệ Mỹ-Trung có ý nghĩa chiến lược nhất trên thế giới. Do đó nó không thể chỉ dựa vào một vài tuyên bố trên truyền hình hay thông điệp Twitter của một tổng thống đắc cử vẫn chưa nhậm chức. Từ năm 2009, hai siêu cường duy trì “đối thoại chiến lược và kinh tế”, cơ chế cho phép Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc hằng năm.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới là rất lớn, đã được tích lũy từ 30 năm nay. Trung Quốc là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Mỹ, còn Mỹ là bạn hàng lớn nhất, chiếm gần 20% xuất khẩu của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Trên lĩnh vực tài chính, hai nước liên quan mật thiết với nhau.

Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có khoảng 3.000 tỷ USD. Nước này vẫn tiếp tục đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, một điều làm Washington rất hài lòng. Nếu mối quan hệ hài hòa giữa hai siêu cường của thế kỷ 21 này chấm dứt, Mỹ sẽ rất khó tìm nguồn tài trợ cho khoản nợ trên thị trường tài chính nước ngoài. Vì Trung Quốc giữ gần 7% nợ công của Mỹ, tức 3.000 tỷ USD. Nhờ đó, Trung Quốc là chủ nợ số một của Mỹ, hơn cả Nhật Bản.

Lý do cũng tương tự với các đại doanh nghiệp Mỹ là phần lớn trong số này phát hành trái phiếu trên thị trường tài chính quốc tế và khách hàng mua chủ yếu là Trung Quốc. Lần đầu tiên, năm 2015, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã vượt đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Tất cả các công ty đa quốc gia Mỹ trong các lĩnh vực từ điện tử, hàng không, năng lượng... đều có cơ sở dây chuyền lắp ráp trên lãnh thổ của người khổng lồ châu Á và có các thỏa thuận chuyển giao công nghệ.

Ngay cả Donald Trump cũng có quan hệ làm ăn ở Trung Quốc, tập đoàn của ông dự trù sẽ mở 20 đến 30 khách sạn. Rõ ràng, chính quyền của Tổng thống đắc cử Trump và bản thân ông Trump sẽ không thể chơi ván bài “được ăn cả ngã về không” với Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc từng nhiều lần có các vụ " va chạm" quân sự trên biển và trên không, đặc biệt là tại Biển Đông. Ngày 19-8-2014, một chiếc Su-27 của Trung Quốc tiếp cận rất gần máy bay trinh sát chống ngầm P-8 của Mỹ ở không phận quốc tế, cách đảo Hải Nam 215km về phía đông. Tháng 12-2013, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường Mỹ, USS Cowpens hoạt động tại vùng biển quốc tế ở Biển Đông buộc phải chuyển hướng khẩn cấp để tránh va chạm khi chiến hạm của hải quân Trung Quốc cắt ngang.

Ngày 1-4-2001, máy bay do thám EP-3 ARIES II của Hải quân Mỹ đang bay cách đảo Hải Nam khoảng 110km thì bị 2 máy bay tiêm kích J-8II của Trung Quốc chặn. EP-3 va chạm với một máy bay Trung Quốc và sau đó hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam. 24 thành viên đội bay của Mỹ bị bắt và được thả 11 ngày sau đó. Chiếc EP-3 được tháo rời và đưa trở về Mỹ...

Nguyễn Hòa
.
.