Đột phá trong vấn đề Palestine-Israel?

Thứ Tư, 11/01/2017, 16:10
Vấn đề hai nhà nước Israel và Palestine tồn tại song song dường như đang đến khúc quanh mới sau khi Mỹ, vốn thường bênh vực cho nhà nước Do Thái, nay làm ngơ trước một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ lên án các khu định cư Do Thái mà Israel xây trên phần đất chiếm đóng của Palestine. Chưa biết sự đột phá ấy có giúp dập tắt được lò lửa Trung Đông vốn cháy dai dẳng trong suốt nửa thế kỷ qua hay không, nhưng trước mắt tình hình bạo lực trong khu vực đã leo thang.

Ngày 8-1-2017, một người Palestine lái xe vận tải đâm vào một nhóm quân nhân Israel ở Jerusalem, làm 4 người chết và làm 15 người khác bị thương. Hình ảnh ghi lại qua các máy thu hình an ninh và sau đó được đài truyền hình Israel Channel 2 TV loan tải, cho thấy chiếc xe vận tải phóng ào ào rồi đâm vào một đám đông ở khu vực Armon Hanatziv. Chiếc xe sau đó lùi lại, có vẻ là để chuẩn bị đâm vào lần nữa, thì người lái bị bắn chết.

Tư lệnh cảnh sát Israel, ông Roni Alsheich, cho báo chí biết, kẻ tấn công sống ở khu người Arập trong vùng Đông Jerusalem và giới hữu trách không có tin tức gì báo trước. Giới truyền thông Israel được lệnh không loan tải tin tức gì về vụ này do cuộc điều tra vẫn còn đang tiến hành.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu trên một công trường xây dựng khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

Cơ quan cấp cứu MDA ở Israel cho hay số người thiệt mạng gồm 3 nữ và 1 nam, tất cả đều trong lứa tuổi 20. Trong số 15 người bị thương, có 1 người trong tình trạng trầm trọng.

Cuộc tấn công này được coi là đẫm máu nhất trong hơn một năm qua, gồm các vụ nổ súng, đâm và tấn công bằng xe cộ, nhắm vào người dân Israel. Tình trạng bạo lực gia tăng tại Jerusalem trong thời gian gần đây có lẽ bắt nguồn từ sự phản ứng của Israel trước một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ ban hành vào cuối tháng trước.

Hội đồng Bảo an LHQ hôm 23-12 đã thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngừng xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng trong một động thái trái với thông lệ của nước này là bảo vệ Israel trước hành động của Liên Hiệp Quốc (LHQ). Quyết định hiếm hoi trên của Mỹ đã cho phép nghị quyết được thông qua với 14 phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên.

Nghị quyết này yêu cầu Israel ngừng hoàn toàn và ngay lập tức tất cả các hoạt động định cư ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem. Nghị quyết nhấn mạnh các khu định cư của Israel không có giá trị pháp lý và khiến cho khả năng đạt được giải pháp 2 nhà nước gặp nguy hiểm.

Nghị quyết này không có hiệu lực ràng buộc nhưng đã xác định cả nền tảng pháp lý quốc tế mới cũng như cách hiểu cả thực trạng lẫn tương lai của khu vực Trung Đông về phương diện luật pháp quốc tế. Nó định hướng về pháp lý quốc tế cho mọi ý tưởng giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, hay có thể nói theo cách khác, nó thiết chế chính trị.

Nghị quyết này coi chính sách xây dựng của Israel các khu định cư trên phần đất chiếm đóng Palesine là “sự vi phạm vô liêm sỉ” luật pháp quốc tế và là trở ngại lớn trên con đường đi tới hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững ở khu vực Trung Đông.

Hơn thế nữa, nghị quyết này đòi Israel chấm dứt ngay lập tức chính sách và các hành động nói trên, đồng thời khẳng định là Hội đồng Bảo an LHQ “không công nhận mọi sự thay đổi đường ranh giới được quy định năm 1967 nếu không được thỏa thuận giữa Israel và Palestine” cũng như kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới phân biệt rõ giữa lãnh thổ của nhà nước Israel và những khu vực lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trái phép lâu nay.

Chiếc xe tải ủi vào đám đông ở Israel làm chết 4 người ngày 8-1.

Đây là lần đầu tiên trong 36 năm qua, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một nghị quyết liên quan đến khu định cư Do Thái của Israel mà không bị sự cản trở bởi Mỹ sử dụng quyền phủ quyết. Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, Israel đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, thể hiện hành động phản đối với 14 quốc gia trong Hội đồng Bảo an và Mỹ.

Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố: "Israel bác bỏ nghị quyết đáng xấu hổ này của LHQ và sẽ không tuân thủ các nội dung của nghị quyết". Ngày 25-12, Bộ Ngoại giao Israel đã triệu tập phái viên của tất cả các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an tới trụ sở bộ này tại Jerusalem, và chấm dứt các hợp tác dân sự với Palestine.

Trong một thông báo, Thủ tướng Netanyahu cho biết Tel Aviv sẽ xem xét lại quan hệ nước này với LHQ và sẽ cắt khoản ngân quỹ trị giá gần 8 triệu USD dành cho 5 tổ chức thành viên của LHQ. Tel Aviv giải thích rằng những tổ chức này "đặc biệt thù địch với Israel".

Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon cũng chỉ trích quyết định bỏ phiếu trắng của Mỹ, cho rằng hành động lần này đi ngược với những giá trị mà Mỹ và Israel cùng chia sẻ. Ông Netanyahu cho rằng, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã không những không bảo vệ đồng minh thân cận tại LHQ mà còn "đứng sau giật dây".

Thủ tướng Netanyahu nói: “Quyết định của chính quyền Obama không những chẳng giúp mang lại hòa bình cho chúng ta, và còn cản đường đi đến hòa bình”. Thủ tướng Israel bóng gió nói rằng, ông “trông đợi hợp tác với Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như mọi người bạn ở Quốc hội Mỹ, cả từ đảng Cộng hòa và Dân chủ, để phủ nhận những tác động gây phương hại từ nghị quyết phi lý này.

Ngoài ra, Israel cũng thông báo các bước trả đũa ngoại giao nhằm vào New Zealand và Senegal, hai trong số 4 quốc gia thúc đẩy việc bỏ phiếu nghị quyết nói trên. Hiện Israel không có quan hệ ngoại giao với hai nước còn lại là Malaysiavà Venezuela.

Giải thích cho quyết định không dùng quyền phủ quyết khiến Hội đồng Bảo an lần đầu tiên kể từ năm 1979 thông qua được nghị quyết chỉ trích chính sách định cư của Israel, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết, Washington thực sự lo ngại việc mở rộng các khu định cư của Israel trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine sẽ đe dọa giải pháp hai nhà nước.

Đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Obama muốn gửi đến Thủ tướng Netanyahu. Dù sẽ rời nhiệm sở vào đầu năm 2017 nhưng ông Obama đã tạo điều kiện để cộng đồng quốc tế có cơ sở đối phó với chính sách xây dựng các khu định cư trái phép của Israel.

Trái với quan hệ nồng ấm trước đó, dưới thời Tổng thống Obama đã xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa hai đồng minh thân cận này. Đặc biệt, sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được với Iran năm ngoái, quan hệ Mỹ - Israel lao dốc nghiêm trọng.

Cách đây gần tròn một năm, Israel đã quyết định chiếm lấy vùng đất khu Bờ Tây và tuyên bố khu vực này thuộc lãnh thổ của Israel. Khu vực mà Israel muốn chiếm rộng khoảng 154 ha tại thung lũng Jordan gần Jericho, vùng đất mà Israel đã xây dựng rất nhiều khu tái định cư trong khi Palestine lại muốn lấy làm đất của mình. Đây là khu đất rộng nhất mà Israel chiếm kể từ tháng 8-2014. Tổng Thư ký LHQ khi đó, ông Ban Ki-moon đã lên tiếng phản đối hành động này của Israel và các quan chức Palestine tuyên bố họ sẽ thúc đẩy một nghị quyết của LHQ nhằm chống lại chính sách chiếm đất này của Israel.

“Các hoạt động chiếm đất xây nhà tái định cư là vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với những tuyên bố công khai của Chính phủ Israel về việc ủng hộ giải pháp 2 quốc gia trong vụ tranh chấp đất đai này”, ông Ban Ki-moon tuyên bố. Mỹ, luôn được xem là đồng minh của Israel ở Trung Đông, cũng đã lên tiếng kịch liệt phản đối chính sách chiếm đóng khu Bờ Tây cũng như mọi động thái nhằm tăng tốc việc mở rộng các khu định cư của Israel.

Trợ lý phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner phát biểu ý kiến: “Chúng tôi tin rằng, điều này về căn bản là đi ngược lại với giải pháp hai quốc gia nhằm giải quyết vụ tranh chấp đất đai này cũng như bày tỏ hoài nghi về cam kết của Chính phủ Israel về giải pháp nói trên”.

Không chỉ có vậy, Israel còn khiến EU thất vọng khi cưỡng chế phá hủy 6 công trình do các tổ chức nhân đạo của EU xây dựng tại khu Bờ Tây. Các công trình này bao gồm các khu nhà ở và vệ sinh cho những người Bedouin sống tại khu vực E1- một khu vực được coi là “cực kỳ nhạy cảm” nằm giữa Jerusalem và Biển Chết.

Mỹ cho rằng việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine sẽ "hủy hoại nghiêm trọng an ninh của Israel”. Ảnh: Reuters.

Israel không có ý định xây dựng các khu tái định cư tại E1 bởi điều này được coi là “vượt quá ranh giới đỏ” mà Mỹ và EU vạch ra. Thay vì thế, nước này sẽ tìm cách chia tách khu Bờ Tây và xua người Palestine ra khỏi Đông Jerusalem nơi họ dự định sẽ xây dựng thành thủ đô.

Trong vòng hơn 10 năm qua, khoảng 15.000 ngôi nhà đã được xây dựng ở Bờ Tây dưới thời Thủ tướng Netanyahu. Hồi tháng 11-2016, Israel đã nối lại kế hoạch xây dựng 500 ngôi nhà định cư ở Đông Jerusalem. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 29-12-2016 đã trình bày những chỉ dẫn lớn cho một thỏa thuận hòa bình chung cuộc giữa Israel và người Palestine, và cảnh báo giải pháp hai nhà nước đang gặp "nguy hiểm nghiêm trọng".

Trong một bài diễn văn dài một tiếng đồng hồ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Kerry nói cuộc biểu quyết tại LHQ "là nhằm bảo tồn giải pháp hai nhà nước". Ông Kerry bác bỏ những chỉ trích rằng Mỹ đã phản bội đồng minh lâu năm Israel của mình. "Đó là điều mà khi đó chúng tôi đang bảo vệ - tương lai của Israel như một nhà nước Do Thái và dân chủ". Ông lưu ý rằng sự biểu quyết này "tuân theo" những giá trị của Mỹ.

Tại Diễn đàn Saban Forum, một cuộc gặp thường niên của các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ và Israel ở Thủ đô Washington, D.C hôm qua 4-12-2016, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thể hiện những bất đồng gay gắt về tiến trình hòa bình Trung Đông. Điều này phản ánh một thực tế rằng, đôi bên chỉ chờ đến ngày mối quan hệ song phương đang rạn nứt nghiêm trọng được sang trang mới dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Phát biểu trực tuyến từ Jerusalem đến Diễn đàn Saban ở thủ đô Washington, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, việc xây dựng các khu định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây không ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán hòa bình với Palestine. Ông Netanyahu thừa nhận đây là vấn đề cần được thảo luận trong tiến trình đàm phán hòa bình song cho rằng việc xây dựng các khu định cư không phải là nguồn cơn của cuộc xung đột đã kéo dài đến 50 năm qua.

Ngay tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thể hiện quan điểm bất đồng với phát ngôn của Thủ tướng Israel. Ông nêu rõ: “Nếu ông Netanyahu nói rằng đây không phải là nguồn cơn của cuộc xung đột thì tôi nhất trí với điều đó. Nhưng như tôi nói trước kia, nếu bạn thấy một nhóm người có chiến lược cụ thể về việc đặt những tiền đồn và khu định cư tại những khu vực khiến chúng ta không thể nhận ra một nước Palestine liền mạch thì rõ ràng mục đích của nhóm người đó không phải là hòa bình.”

Người Palestine và các nước Arập trong khu vực hoan nghênh nghị quyết của LHQ. Trưởng phái đoàn đàm phán Israel, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO)  Saeb Erakat nói: “Đây là một ngày lịch sử. Cộng đồng quốc tế đã đứng về phía hòa bình khi nhất trí bác bỏ chính sách về khu định cư của Israel. Đây cũng là một ngày hy vọng khi cộng đồng quốc tế nói rằng cách duy nhất thoát khỏi xung đột này là đạt được giải pháp hai nhà nước, theo đó nhà nước Palestine sẽ sống bên cạnh nhà nước Israel theo đường biên giới năm 1967”.

Ông Nabil Abu Rudeina, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Palestine cũng tuyên bố, kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an là "một đòn giáng mạnh" vào chính sách của Israel và thể hiện "sự ủng hộ mạnh mẽ đối với giải pháp hai nhà nước”. Hãng tin AFP trích lời một người phát ngôn của Hamas gửi lời cám ơn đến các đặc sứ đã biểu quyết cho nghị quyết.

Ông Fawzy Barhoum gọi nghị quyết này là “một cuộc biểu quyết cho quyền của người dân Palestine trên đất của họ”. Trong khi đó, phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Palestine nhấn mạnh là cộng đồng quốc tế đã đồng thuận lên án Israel xây dựng các khu định cư của người Do Thái.

Tuy nhiên, điều mà cộng đồng quốc tế lo ngại là việc Israel sẽ không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Đây sẽ là một tiền lệ xấu và giảm đi uy tín của tổ chức lâu đời này trong thực thi luật pháp quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20 này.

Trái với lập trường của ông Obama, nhà lãnh đạo kế tiếp của Mỹ lại ra mặt ủng hộ đồng minh lâu đời tại Trung Đông. Ông Trump viết trên trang Twitter sau cuộc bỏ phiếu: “Với LHQ, mọi chuyện sẽ khác đi sau ngày 20-1”. Điều này đã khiến cho Israel càng mong chờ ngày nhậm chức của tỷ phú New York.

Thế nhưng, chắc chắn rằng việc bác bỏ cam kết của chính quyền tiền nhiệm và hậu thuẫn cho Israel vi phạm luật pháp quốc tế sẽ làm giảm uy tín chính trị của Washington, khiến những nỗ lực tìm kiếm hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như ổn định khu vực Trung Đông trở nên vô vọng.

M.T. - M.Q. (tổng hợp)
.
.