EU đón sinh nhật lần thứ 60 trong buồn bã

Thứ Ba, 28/03/2017, 15:45
Lẽ ra sự kiện đặc biệt này phải được chào đón bằng những giá trị mà EU có được sau 6 thập kỷ xây dựng và vun đắp. Song thật đáng tiếc khi EU đón sinh nhật lần thứ 60 trong bối cảnh phải chứng kiến sự chia tay của nước Anh (còn gọi là Brexit) và các cuộc khủng hoảng niềm tin.

Châu Âu đang tích cực chuẩn bị cho dịp lễ kỷ niệm 60 năm ngày ký các Hiệp ước Rome tạo nền móng cho Liên minh châu Âu (EU) ngày nay (25/03/1957-25/03/2017).

Lẽ ra sự kiện đặc biệt này phải được chào đón bằng những giá trị mà EU có được sau 6 thập kỷ xây dựng và vun đắp. Song thật đáng tiếc khi EU đón sinh nhật lần thứ 60 trong bối cảnh phải chứng kiến sự chia tay của nước Anh (còn gọi là Brexit) và các cuộc khủng hoảng niềm tin. Câu hỏi đặt ra lúc này không phải là làm thế nào để "lục địa già" có thể nhanh chóng phục hồi, mà là làm sao để nó có thể tiếp tục tồn tại?

Ngày 25/3/1957, Pháp, Đức, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg đã ký một hiệp ước tại Rome, thành lập nên Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), còn được gọi là Thị trường chung (Common Market). Đi vào hoạt động chỉ chưa đầy 1 năm sau đó, từ tháng 1-1958, có thể nói, EEC là một bước tiến quan trọng trong phong trào liên minh kinh tế và chính trị của châu Âu. 60 năm sau đó, số lượng thành viên của cộng đồng này đã tăng lên từ 6 lên 28 quốc gia trải dài cả Đông và Tây Âu.

Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh không ngừng này, EU cũng đang phải trải qua một thời kỳ khó khăn, với những thách thức được xem là lớn nhất trong 60 năm tồn tại của mình. Tình trạng thiếu đoàn kết đi kèm với hàng loạt chia rẽ xung quanh vấn đề di cư, chủ nghĩa dân túy và kinh tế là những mối lo ngại về vị thế của EU trên thế giới cũng như đời sống của liên minh này. Chưa kể hậu Brexit, sẽ còn bao nhiêu quốc gia muốn từ bỏ liên minh từng được coi là mô hình phát triển nhiều khu vực mơ ước.

Mặc dù châm ngôn mà người sáng lập ra EU Jean Monnet vẫn thường xuyên nhắc lại là châu Âu sẽ được tôi luyện tốt hơn trong khủng hoảng, song nỗi lo sợ hiện nay lại là EU có thể sẽ suy yếu đến chết khi trải qua hàng loạt cuộc khủng hoảng này.

EU đang đứng trước một làn sóng khủng hoảng chưa từng có.

Stefan Lehne, nghiên cứu sinh thuộc Viện Carnergie châu Âu, nói rằng: "Các bạn không còn được nghe châm ngôn này trong những năm qua ở Brussels nữa bởi cho đến nay không chỉ có một cuộc khủng hoảng lớn mà là vô số những thách thức phức tạp và rất nghiêm trọng, và tôi cho rằng điều đó đang thay đổi mọi thứ".

Chuyên gia này cũng cho rằng nhiều khả năng EU rốt cuộc sẽ phải chấm dứt hình thái như hiện nay, trở thành "một liên minh thất bại hơn bao giờ hết", thay vì một liên minh gắn kết hơn bao giờ hết, như các hiệp ước của EU vẫn thường dự báo. Ông nói: "Điều này làm tôi đôi khi nghĩ tới Đế chế La Mã thần thánh đã tiếp tục tồn tại hàng trăm năm sau khi nó đã phần nào chết yểu về mặt chính trị".

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Roma vừa qua, các lãnh đạo EU đã bắt đầu chấp nhận ý tưởng về một châu Âu "đa tốc độ", theo đó cho phép một số nước tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác, trong khi các nước khác tụt lại phía sau, song một số người lại gọi đây là một sự tan rã chậm.

Sau nhiều năm không chịu chấp nhận sự thật, cuối cùng các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã phải thừa nhận rằng họ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng có thực. Chủ tịch mới của Nghị viện châu Âu Antonio Tajani cũng phải thừa nhận rằng "dự án châu Âu dường như chưa bao giờ trở nên xa vời với người dân như hiện nay".

Vậy điều gì khiến các cuộc khủng hoảng hiện nay khác với những cuộc khủng hoảng mà tổ chức từng được biết đến với tên gọi là Cộng đồng Kinh tế châu Âu đã đối mặt trong những năm qua? Trong những năm 1960, từng có một "cuộc khủng hoảng trống ghế" khi nước Pháp dưới thời Tướng Charles De Gaulle đã ngăn cản việc ra quyết định và phản đối để Anh gia nhập liên minh này. Tiếp sau đó, cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 cùng liên tiếp các cuộc trưng cầu ý dân về các hiệp ước đã đặt ra những thách thức to lớn.

Mặc dù vậy, châu Âu đã nỗ lực để giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Lạnh, sau đó nhanh chóng mở rộng trong giai đoạn đầu những năm 2000. Châu Âu cũng đã hoàn thành nhiều dự án lớn như dự án đồng euro và khu vực miễn thị thực Schengen, song những căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh các ý kiến cho rằng các thành tựu to lớn này chính là những thứ đã khiến EU bị chia rẽ.

Giới phân tích nhận định rằng các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang đối mặt hiện nay về cơ bản đã đặt ra nghi vấn về ý nghĩa các dự án của châu Âu. Rõ ràng, hòa bình vẫn là mục tiêu hàng đầu, song ngoài điều đó ra thì đâu là hình mẫu xã hội và kinh tế mà chúng ta muốn ở châu Âu?".

Thập kỷ trước đã đặc biệt đánh dấu một sự thụt lùi so với trước đó. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, tăng trưởng vẫn duy trì chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro đã đẩy Hy Lạp phải ra khỏi khu vực, và chính sách khắc khổ do Đức chỉ đạo đã để lại một di sản cay đắng.

Châu Âu cũng đã thất bại trong việc chấm dứt tình trạng chiến tranh đẫm máu ở Syria và cuộc xung đột ở Ukraine, hai nguồn gốc gây căng thẳng với Nga, trong khi hàng loạt vụ tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan đã làm đảo lộn môi trường an ninh khu vực. Cùng lúc ấy, làn sóng 1,4 triệu người xin tị nạn trong năm 2015 và 2016, đặc biệt đến từ cuộc chiến ở Syria, đã hủy hoại vẻ bề ngoài đoàn kết của EU khi mà các nước khu vực Đông Âu đã chỉ trích chính sách mở cửa tiếp nhận người tị nạn của Đức.

Những nguy cơ chính trị và kinh tế vốn không phải là điều mới mẻ ở châu Âu. Trong nhiều năm qua, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, những lợi ích chiến lược đầy mâu thuẫn, tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là những nguyên nhân gây chia rẽ lớn trong EU.

Suốt một thập kỷ qua, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 19 nước phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa đối với sự tồn tại của khối, như tỷ lệ nợ cao, hệ thống ngân hàng với nguy cơ sụp đổ cũng như làn sóng hoài nghi sự hội nhập châu Âu ngày càng mạnh mẽ.

Cho đến nay, khu vực vẫn tồn tại, bất chấp thử thách. Tuy nhiên, trong năm 2017 này, cuộc khủng hoảng tại Eurozone  có thể sẽ bước vào một giai đoạn mới, nhiều rủi ro hơn bởi ngay cả những quốc gia có nhiều sức mạnh kinh tế và chính trị nhất cũng đã và đang hứng chịu không ít tác động tiêu cực.

Giới phân tích cho rằng sau 6 thập kỷ chứng kiến Mỹ ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập của châu Âu thế  nào, hiện thế giới đang có một tổng thống Mỹ ủng hộ cho Brexit, thậm chí còn đặt câu hỏi xem nước nào sẽ rời EU tiếp theo. EU đang thực sự đứng trước một cuộc khủng hoảng về sự tồn vong của mình. Những phiên bản cực đoan của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa biệt lập, và chủ nghĩa bảo hộ sẽ không thể giải quyết được những vấn đề của châu lục hay hành tinh chúng ta.

Nhiều người ở Brussels hy vọng rằng sự thống nhất của khối trong các cuộc đàm phán Brexit và tính minh bạch trong các cuộc bầu cử quan trọng tại Pháp và Đức sẽ góp phần trở thành tiêu điểm vào cuối năm 2017 này. Tuy nhiên, trong bối cảnh một số nước muốn đẩy mạnh sự phòng thủ,  một số nước thuộc Liên Xô trước đây ở phía Đông lại muốn giảm bớt sự hội nhập.

Vấn đề đặt ra lúc này không phải là tìm được một phương pháp hiệu quả nhất và tuyệt vời nhất để thoát khỏi đầm lầy, mà có thể thoát khỏi một vũng lầy bằng cách vùng vẫy trong đó. Và đây chính là cách mà EU đang thực hiện.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.