EU sắp ra mắt lực lượng quân sự chung

Thứ Tư, 11/04/2018, 14:50
Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, vào tháng 6 tới, Liên minh châu Âu (EU) sẽ có một lực lượng quân sự chung, có khả năng bảo vệ tốt hơn toàn châu Âu. Theo các nguồn tin chưa chính thức, một lực lượng can thiệp của EU sẽ gồm 50.000 tới 60.000 binh sĩ và nhiều đơn vị chiến đấu nhỏ, cực kỳ cơ động, có khả năng can thiệp trên khắp thế giới mà không phụ thuộc vào NATO.

Paris đã trình bày sáng kiến trên với nhiều quốc gia, bao gồm Đức, Hà Lan, Anh, Đan Mạch và thành lập một nhóm làm việc chung để phác thảo kế hoạch thực hiện từ tháng 3 vừa qua. Ý tưởng này nhằm mục đích tập hợp các nước châu Âu có năng lực quân sự, thực hiện các phân tích chung về nguy cơ khủng hoảng mới để tổ chức phản ứng nhanh. Điều này giúp tránh những tình huống một quốc gia bị buộc phải can thiệp một mình, như Pháp đã làm ở Trung Phi và Mali.

Ngoài ra, theo các nhà lãnh đạo quốc phòng châu Âu, sau sự ra đi của Anh, châu Âu rất cần có một sức mạnh thực sự, chứ không phụ thuộc vào Mỹ và NATO khi nước Mỹ ngày nay đang có quá nhiều thay đổi kể từ khi Tổng thống D.Trump cầm quyền. Một nguồn tin bí mật cho biết, dù trước đây Vương quốc Anh luôn có một mối quan hệ xung đột với các tham vọng quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU), nay nước Anh lại mong muốn tiếp tục tham gia các chương trình của EU sau khi rời khỏi khối. Đây là nguyên nhân trực tiếp có cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng một số nước EU. 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florent Parly cho biết, giữa Brussels và London, sự hợp tác quốc phòng dường như chưa bao giờ dễ dàng. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Quốc phòng Anh đang tham gia Dự án đánh giá phối hợp hằng năm về quốc phòng (EACD) của EU được khởi động vào năm ngoái nhằm phối hợp các ngân sách quốc phòng của khối.

Ngoài ra, nước này cũng mong muốn tham gia Quỹ châu Âu về quốc phòng có ngân sách lên tới 4,5 tỷ euro, tham gia cơ chế Cơ quan quốc phòng châu Âu cùng các nhóm tác chiến châu Âu bao gồm các binh sĩ và chuyên gia quân đội trong những chương trình chung. Hơn nữa, nước Anh đang hy vọng hậu Brexit sẽ đóng một vai trò trong Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực quốc phòng (PESCO) được 25 chính phủ châu Âu công bố vào tháng 12 vừa qua.

Chuyên gia quốc phòng của Trung tâm cải cách châu Âu Sophia Betsch đánh giá, điều trớ trêu là cuối cùng thì EU đã quan tâm nghiêm túc đến quốc phòng đúng vào lúc người Anh rời đi. Theo chuyên gia Sophia Betsch, sở dĩ Anh tham gia vào PESCO và các chiến dịch quân sự châu Âu là có thể trong khi điều này cho phép Anh không bị kiểm soát bởi các thể chế châu Âu.

Ngày 5/4, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp từ chối cho biết danh sách các nước sẽ có mặt tại lễ ra mắt lực lượng mới vào tháng 6 tại Paris, nhưng nói rằng điều đó không có nghĩa các nước không thể tham gia vào giai đoạn sau đó. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florent Parly khi thảo luận với người đồng cấp Đức Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh rằng lực lượng mới nên được gộp vào Hiệp ước quốc phòng mới (PESCO) được ký kết giữa các nước EU.

Binh sĩ các nước châu Âu tham gia hoạt động tại châu Phi. Ảnh: Time Magazine.

Các thành viên của PESCO vẫn chưa quyết định cho phép các nước không phải là thành viên EU tham gia Hiệp ước, dẫn đến tương lai không chắc chắn về vai trò của Anh sau khi nước này rời EU vào năm 2019.

Trước đó, giải thích lý do châu Âu hướng tới việc thành lập lực lượng quân đội chung, trong một bài phát biểu về kế hoạch cải tổ EU tháng 9/2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nêu ý tưởng cần có một lực lượng can thiệp quân sự nhanh của châu Âu vào cuối thập kỷ này.

Tạp chí Challenges của Pháp số ra mới đây đưa ra nhận định rằng, trong bối cảnh EU đang phải đối mặt với các thách thức như khủng bố hoặc thậm chí là chiến tranh, hợp tác để thành lập một quân đội chung là không thể tránh khỏi.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi EU cần thành lập lực lượng quân đội chung nhằm đối phó với mối đe dọa, cũng như khôi phục vị thế trên trường quốc tế. Ông cũng khẳng định quân đội của EU không phải được xây dựng để sử dụng ngay lập tức mà để thể hiện quan điểm cứng rắn của EU trong việc bảo vệ các giá trị của liên minh. Bên cạnh đó, theo ông Juncker, một lực lượng chung của các nước EU sẽ giúp việc chi tiêu ngân sách cho các thiết bị quân sự hiệu quả hơn và tăng cường sự thống nhất giữa 28 nước thành viên của khối.

Chủ tịch EC nhận định có một lực lượng quân đội riêng sẽ giúp EU đưa ra các chính sách an ninh và đối ngoại chung, song nhấn mạnh lực lượng này sẽ không thách thức vai trò phòng vệ của NATO.

Cùng thời điểm, Thủ tướng Đức A.Merken cũng kêu gọi EU thành lập một lực lượng quân đội chung. Tài liệu đánh giá về tương lai của nền quốc phòng châu Âu, cũng do EC công bố cho rằng trách nhiệm trong cải thiện an ninh châu Âu trước hết thuộc về các quốc gia châu Âu, vì nếu tính tổng cộng thì các nước thành viên EU có mức chi tiêu quân sự lớn thứ 2 trên thế giới. Và, trong khi hành động cùng với các đối tác vẫn sẽ là sự ưu tiên và chuẩn mực của EU, liên minh này cũng cần phải có thể hành động độc lập trong trường hợp cần thiết.

Như vậy, thông điệp là rất rõ ràng. EU đang tham gia cuộc chạy đua vũ trang với các cường quốc khác nhằm giành được những lợi ích mang tính toàn cầu về quân sự. Nếu thuân lợi, khi có lực lượng quân sự chung, EU có thể tiến hành các chiến dịch phức tạp để bảo vệ châu Âu, bao gồm cả các chiến dịch chống lại các nhóm khủng bố, các chiến dịch trên biển trong những môi trường thù địch và thậm chí cả những chiến dịch phòng thủ mạng. Quỹ quốc phòng mới sẽ cung cấp khả năng đáp trả ngay lập tức trong những lĩnh vực như không gian, vận tải chiến lược đường không, giám sát trên không và trên biển...

Giới nắm quyền lực ở châu Âu cho rằng một chính sách quốc phòng mang tính độc lập hơn và chủ động tấn công hơn đòi hỏi phải quân sự hóa ngay từ bên trong lục địa này. Những mối đe dọa về an ninh sẽ được giám sát một cách hệ thống và được đánh giá chặt chẽ với sự hợp tác của các cơ quan an ninh và tình báo của từng nước thành viên. Tuy còn vấp phải sự nghi ngờ và đã qua nhiều trục trặn, xem ra lần này, cơ hội đã rất “chín”. Thêm một lực lượng quân sự mới sắp được hình thành.

Hòa Nguyễn
.
.