EU sẽ như thế nào sau Brexit?
- Hậu Brexit: Sự nuối tiếc muộn màng hay bài học lợi ích quốc gia?
- Hậu Brexits: Anh sẽ bỏ phiếu lần thứ hai?
- “Hậu” Brexit, thị trường tài chính tiếp tục biến động
- Thế giới & Brexit: Sự sụp đổ của những giá trị cơ bản
Có thể chưa xảy ra ngay lập tức, nhưng chắc chắn EU sẽ “yếu hơn”, thậm chí có nguy cơ “tan rã” khi thiếu đi một thành viên có vị thế quan trọng như Anh. Người ta đang nghĩ đến một kịch bản để “níu kéo Anh ở lại”.
Anh rời khỏi EU. |
Bị động
Khi Anh đặt ra vấn đề đi hay ở lại “ngôi nhà chung”, giới chức EU ban đầu nhận định dù có Anh hay không cũng không ảnh hưởng đến sự tồn tại của một liên minh thống nhất. Nhưng kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 23-6 với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Anh rời khỏi EU, họ càng phải thừa nhận những tác động không hề nhỏ từ Brexit, trong đó có cả nguy cơ tan rã.
Người Anh được cảnh báo rất nhiều về những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội của nước này nếu rời khỏi EU, nhưng ngược lại, liên minh này dường như chưa lường hết được những hậu quả của Brexit? Và hơn một tuần sau khi Anh nói lời “chia tay”, có lẽ chính EU lúc này mới cảm nhận được sự mất mát, thậm chí cả trong những lĩnh vực họ chưa từng được cảnh báo.
Ngay cả niềm tin quá mức vào chiến dịch vận động Anh ở lại EU thành công vào phút chót cũng bị “dội một gáo nước lạnh” khi kết quả nhận được không chỉ là một liên minh “28 trừ 1”, mà nó đã trở thành một cơn chấn động, đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn mới có thể đảm bảo được sự ổn định cũng như bảo vệ tiến trình hội nhập thành công kéo dài hàng chục năm qua không bị “biến thành mây khói”.
Những cuộc thăm dò dư luận trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại “xứ sở sương mù” đều cho thấy số người ủng hộ Anh ở lại EU luôn cao hơn. Mặc dù có thời điểm phe ủng hộ Brexit thắng thế hoặc bám đuổi sát nút, nhưng rõ ràng sau cái chết của nữ nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập, bà Jo Cox, phe mong muốn giữ Anh ở lại “ngôi nhà chung” đã vượt lên, thậm chí tạo ra sự chênh lệch rõ nét.
Các công ty cá độ cũng rất tự tin khi đặt cược vào khả năng Anh ở lại EU đến 80%. Có thể EU đã quá “cả tin” vào Anh với những diễn biến này và không thể lường hết kết quả gây sốc đến vậy.
Sự ra đi bất ngờ của Anh cũng đẩy liên minh này vào thế bị động, bởi lẽ một kịch bản như vậy chưa từng có tiền lệ, thậm chí những quy định về pháp lý đối với sự ra đi của một thành viên vẫn rất mơ hồ. Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon có đề cập đến sự ra đi của một quốc gia, nhưng điều này chưa từng được sử dụng trong suốt lịch sử EU.
Brexit liệu có ảnh hưởng suy yếu tới chiến lược phòng vệ mới của EU và NATO?. |
Mặc dù trong khổ đầu tiên, điều 50 viết: “Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp, đồng thời phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (gồm 28 lãnh đạo của các nước thành viên, hiện do Chủ tịch Donald Tusk đứng đầu) về ý định của mình”. Tuy nhiên, nội dung này lại không quy định thời điểm một nước thành viên phải ra thông báo chính thức, và đây đã trở thành “chướng ngại vật đầu tiên” sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hôm 23-6.
Trên thực tế đây cũng là lần đầu tiên EU phải đối mặt với một kế hoạch “ly hôn” mà trung tâm của sự chú ý hiện nay là cuộc tranh cãi giữa London và các thành viên còn lại của khối về thời điểm và cách thức khi nước Anh sẽ rời bỏ liên minh. Giới phân tích cho rằng điều 50 trong Hiệp ước Lisbon nêu lên quá ít chi tiết về cách thức tiến hành quá trình rời bỏ liên minh của một thành viên, chính vì vậy rắc rối nảy sinh xung quanh điều khoản này.
Brexit khuyến khích đảo chiều hội nhập
Cho dù là khá bất ngờ và bị động, các lãnh đạo EU ngay lập tức phải tiến hành Hội nghị thượng đỉnh (28-29/6) để tập trung vào việc hoạch định một tương lai không có Vương quốc Anh. Đây cũng là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng có sự tham dự của đầy đủ 28 nước thành viên và cũng là lần cuối cùng Thủ tướng Anh David Cameron, người đã tuyên bố từ chức sau khi chính phủ của ông thất bại trong việc thuyết phục các cử tri bỏ phiếu để ở trong EU, tham gia.
Tại đây, giới chức EU đã kêu gọi Anh rời khỏi khối một cách nhanh chóng và không kỳ vọng được hưởng các lợi ích của thành viên mà không phải trả giá. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rằng: “EU phải tiếp tục tiến bước và không tính đến việc Anh có thể thay đổi suy nghĩ”.
Bà Merkel nói: "Tôi xin nói thẳng. Lúc này tôi không thấy có cách nào lấy lại quyết định này. Tất cả chúng ta có thể tự làm cho mình nhẹ nhõm nếu chúng ta chấp nhận điều này là một thực tế. Bây giờ không phải là lúc để mơ ước, mà là lúc phải đối mặt với thực tế".
Mặc dù cần phải được Quốc hội và Nữ hoàng Anh phê chuẩn mới có hiệu lực, song trên nguyên tắc nước Anh đã chính thức rời EU. Việc “xứ sở sương mù” sẽ phải đàm phán lại toàn bộ hiệp ước đã từng tham gia cùng EU hoặc các thỏa thuận mới với tư cách nước ngoài EU có lẽ là một tiến trình dài, nhưng phải thừa nhận rằng với vai trò là một nền kinh tế lớn và London là một trung tâm tài chính, là cửa ngõ lớn kết nối với thị trường gần 500 triệu dân của EU và thế giới, bất cứ sự gián đoạn nào cũng đẩy Anh rơi vào trạng thái cô lập tạm thời và điều này tất nhiên không thể không làm lung lay toàn bộ EU và 27 nước thành viên còn lại.
Hơn thế nữa Anh là một nước đóng góp lớn cho ngân sách EU, việc ra đi của Anh chắc chắn sẽ khiến EU, vốn đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư và giải quyết các vấn đề kinh tế của một số nước thành viên khác càng trở nên khó khăn.
Dù không sử dụng đồng euro, nhưng việc mất đi một trụ cột có mặt trong G7 như Anh sẽ làm suy yếu đồng euro, kéo theo nhiều quốc gia, thậm chí cả những quốc gia sáng lập như Pháp, Hà Lan cũng muốn rời khỏi EU và giấc mơ về một Liên bang châu Âu sẽ càng xa vời vì một cuộc trưng cầu dân ý có sự tham gia của Brexit.
Một nguy cơ khác không thể không tính đến đó là hậu quả từ việc Anh rời khỏi thị trường chung có thể khiến EU tan vỡ thành nhiều quốc gia với các nền kinh tế độc lập, xóa sổ một thị trường chung, một nền kinh tế chung và một liên minh về mặt chính trị giữa các nước châu Âu lục địa.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk từng tuyên bố nếu Brexit diễn ra, bên cạnh các tác động rất xấu về kinh tế, những hệ lụy về chính trị và địa chính trị đến nay vẫn chưa thể lường hết. Bản thân hội đồng châu Âu cũng không thể cam kết chắc chắn có thể duy trì sự tồn tại ổn định của EU sau sự ra đi của Anh hay không.
Giới phân tích cho rằng việc EU phải đối mặt cùng lúc với 2 vấn đề là khủng hoảng nợ công Hy Lạp và khủng hoảng người di cư từ Trung Đông, đã là một thách thức lớn, cuộc khủng hoảng thứ ba mang tên Brexit, đang đặt lên EU một gánh nặng mới. Rất có thể những vấn đề lớn về chính trị, nhất là kinh tế sẽ nổ ra và đi quá những giới hạn chịu đựng của một số nước thành viên EU, dẫn đến việc các nước này theo chân Anh rời khỏi liên minh.
Tất nhiên, vẫn có những nhận định mang tính tích cực hơn về Brexit. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã khá lạc quan khi cho rằng EU sẽ không tan rã sau khi Anh rời khỏi khối này. Mặc dù thừa nhận quyết định của Anh sẽ mở ra một giai đoạn đầy bất ổn cho cả Anh và EU, thậm chí còn ảnh hưởng rộng hơn trên phạm vi toàn cầu, song ông cho rằng sự tồn tại của EU sẽ không bị đe dọa vì EU sẽ tiếp tục tiến trình hợp tác chặt chẽ hơn trong khối sau sự kiện này. Tuy nhiên, dù EU có trụ vững, liên minh này cũng sẽ trở nên bị suy yếu, chia rẽ và tiếng nói của họ trên trường quốc tế theo đó cũng bị giảm sút.
Lá chắn tên lửa, thứ mà phương Tây vẫn coi là con bài chủ lực phòng vệ, liệu có bị ảnh hưởng từ hệ quả Brexit? |
Ảnh hưởng tới chiến lược phòng vệ mới của EU và NATO
Không chỉ liên quan đến các vấn đề kinh tế, chính trị, sự ra đi của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong EU có nguy cơ làm xói mòn chiến lược phòng vệ mới của châu Âu.
Giới phân tích cho rằng EU đang phải đối mặt với một nước Nga mạnh, và cùng với đó là cuộc khủng hoảng người di cư và bất ổn tại nhiều quốc gia ở rìa ngoài. Trong bối cảnh này, ngoài việc “hành động độc lập”, EU cần kêu gọi các chính phủ hợp tác, chia sẻ chi tiêu quốc phòng nhiều hơn, song giới ngoại giao cho rằng nỗ lực trên có thể sẽ bị giảm sút đáng kể nếu không có Anh, nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quân sự của EU.
Anh cũng là nước đóng góp nhiều nhất cho các hoạt động quân sự mà EU dẫn đầu, chi trả khoảng 15% chi phí và cung cấp các khí tài quân sự. Anh cũng đi đầu trong chiến dịch phòng chống cướp biển “Chiến dịch Atalanta” ở vùng Sừng châu Phi, triển khai nhiều tàu tuần tra ở Địa Trung Hải và cam kết đóng góp bộ binh cho các lực lượng tham chiến của EU. Thậm chí việc kiểm soát dòng người di cư sẽ trở nên khó khăn hơn nếu không có hạm đội của Anh.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thừa nhận rằng: “Những gì Anh làm có ảnh hưởng lớn và Anh là nước bảo trợ cũng như cung cấp nguồn lực đảm bảo an ninh lớn nhất trong châu Âu”.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính buộc các nước EU phải cắt giảm ngân sách quốc phòng và việc Crimea ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga, chính phủ các nước EU tuyên bố sẽ hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo an ninh cho chính mình khi không thể phụ thuộc mãi vào Mỹ.
Việc xây dựng quỹ quốc phòng chung nhằm đầu tư và nâng cấp máy bay trực thăng chiến đấu, máy bay không người lái, tàu chiến và vệ tinh có lẽ sẽ gặp khó khăn khi thiếu vắng một thành viên vốn đóng vai trò quan trọng như Anh.
Trước khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, Mỹ vẫn luôn muốn Anh, đồng minh chính của Mỹ ở châu Âu, đóng vai trò như là cầu nối giữa NATO và EU. Điều này cho phép Washington có thể tập trung vào các mối lo ngại khác, trong đó có cả sự trỗi dậy của lực lượng Taliban ở Afghanistan và hành động quân sự hóa nhiều hòn đảo ở biển Đông của Trung Quốc. Đến nay sự thiếu vắng của Anh trong EU cũng chắc chắn phần nào ảnh hưởng đến những quyết định của khối quân sự này.
Đối với một số quốc gia thành viên khác, có thể tác động của Brexit là chưa rõ rệt, song rõ ràng ở khía cạnh chính trị, sự kiện Brexit đã “khuyến khích” sự đảo chiều của tiến trình hội nhập EU. Theo đó, trong tương lai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay chủ nghĩa bảo hộ kinh tế có thể ngày một trỗi dậy, làm xói mòn những thành quả mà EU đã đạt được trong suốt 60 năm xây dựng. Cũng không quá lời khi nói rằng EU đang bước vào một kỷ nguyên mới của sự bất định với những hệ lụy khó lường đối với tất cả các quốc gia thành viên.