EU thắt chặt liên minh quốc phòng

Thứ Năm, 16/11/2017, 14:22
23 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 13-11 đã ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng nội khối sau khi Anh rời khỏi EU. Thỏa thuận quốc phòng có tên Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO) được ký kết sơ bộ tại Brussels, Bỉ. 5 nước đứng ngoài thỏa thuận này bao gồm Anh, Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha và Malta.

Quyết định giúp tăng sức mạnh quốc phòng châu Âu

Những điểm quan trọng nhất của sự hợp tác chung này là việc 23 quốc gia thành viên PESCO sẽ đóng góp 5,8 tỷ USD vào ngân sách quốc phòng chung để mua sắm vũ khí và phục vụ các hoạt động quân sự; thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong EU. Ngân sách của EU cũng sẽ dành một khoản tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu quốc phòng. Các quốc gia thành viên của thỏa thuận sẽ phải đệ trình kế hoạch quốc phòng và trải qua các cuộc thẩm tra để xác định và cải thiện điểm yếu trong quân đội.

Mục tiêu của kế hoạch này nhằm giúp các nước cùng nhau khắc phục các vấn đề còn tồn tại và giảm chênh lệch giữa năng lực quốc phòng các nước. Dự kiến, lãnh đạo 23 nước thành viên của PESCO sẽ chính thức ký kết hiệp ước vào tháng 12 tới.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini hoan nghênh thỏa thuận trên là “một trang mới trong hợp tác quốc phòng châu Âu”. PESCO sẽ tập trung phát triển các thiết bị quân sự mới cho EU như xe tăng hay máy bay không người lái. Các nước tham gia cũng cam kết sẽ “thường xuyên tăng ngân sách quốc phòng”, dành 20% chi tiêu quốc phòng để mua sắm trang thiết bị và 2% cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Đại diện các nước EU ký Thỏa thuận quốc phòng Cấu trúc hợp tác thường trực (PESCO). Ảnh: Reuters.

Thỏa thuận cũng bắt buộc các nước tham gia cung cấp “hỗ trợ thực chất” cho các sứ mệnh quân sự của EU. Các nước tham gia PESCO sẽ phải tiến hành đánh giá hằng năm để đảm bảo sự tuân thủ các cam kết trong PESCO nếu không sẽ phải rời khỏi thỏa thuận này.

PESCO được kỳ vọng sẽ giúp các thành viên EU đóng vai trò tích cực hơn trong giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế và triển vọng về nền công nghiệp quốc phòng chung. PESCO từng bị trì hoãn trong nhiều năm do sự phản đối của Anh. London lo ngại sự hội nhập sâu hơn về quốc phòng có thể dẫn tới sự thành lập của “Quân đội châu Âu”, làm Anh mất tự chủ về quốc phòng.

“Đây là cam kết của các nước thành viên để hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn, trong bối cảnh có những xung đột nghiêm trọng”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói.

Trước đó, EU đã nhiều lần đề cập tới việc thắt chặt hợp tác quân đội song luôn vấp phải sự phản đối từ phía Anh do London không mong muốn xuất hiện một quân đội của châu Âu. Tuy nhiên, người dân Anh hồi năm ngoái đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên chỉ trích EU về vấn đề đóng góp ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen nêu rõ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, EU đã nhận thức rõ rằng khối này sẽ phải tự giải quyết các vấn đề của mình và do đó việc cần phải tổ chức lại theo hướng độc lập đã trở nên cấp thiết. Tuy nước Anh không ký tham gia vào thỏa thuận trên, song Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cam kết sẽ hỗ trợ PESCO. Các nước thành viên EU lựa chọn không tham gia hiện nay có thể xin gia nhập sau nếu muốn.

Tự chủ về tài chính là tự chủ về vũ khí, sức mạnh quân sự

Để tới được quyết định lịch sử mà châu Âu phải chờ đợi tới 70 năm này,  trước đó ngày 19-10, tại Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày ở thủ đô Brussels (Bỉ),  lãnh đạo cấp cao các nước EU đã thảo luận kỹ về Cấu trúc hợp tác thường trực.

Trong Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6, lãnh đạo các nước EU đã thống nhất về vai trò quan trọng của việc khởi động PESCO. Lãnh đạo các quốc gia châu Âu cũng sẽ kêu gọi đạt tiến bộ nhanh chóng cho Chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng của châu Âu (EDIDP) và khuyến khích sử dụng quỹ quốc phòng châu Âu. Như vậy là giờ đây EU đã có thể dễ dàng lên kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho việc di chuyển binh sĩ và các thiết bị quân sự tại các nước thành viên. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quốc phòng của EU.

Thêm vào đó, trong bối cảnh những căng thẳng giữa 2 bờ Đại Tây Dương đang gia tăng và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit, các quốc gia thành viên còn lại của khối này cần nhanh chóng xây dựng một chính sách quốc phòng độc lập.

Trong một bước đi mang tính “dọn đường”, Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu trị giá 5,5 tỷ euro/năm. Theo thông cáo báo chí của EC, năm nay, lần đầu tiên EU sẽ có những khoản trợ giúp đối với nghiên cứu hợp tác trong đổi mới công nghệ và các sản phẩm quốc phòng. Các dự án này sẽ được ngân sách EU đầu tư toàn bộ và trực tiếp.

Đến năm 2018, EC sẽ đệ trình “một chương trình nghiên cứu tổng thể đối với nền quốc phòng chung của EU với ngân sách hằng năm trị giá khoảng 500 triệu euro, biến EU thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng tại châu Âu”.

Sau năm 2020, EU có thể tiến hành đầu tư tổng thể cho phát triển khả năng quốc phòng với ngân sách trên 5 tỷ euro/năm. Mục tiêu của các biện pháp này là phát triển vị thế sức mạnh quân sự của EU, tạo cho liên minh này  khả năng tiến hành các cuộc can thiệp quân sự cũng như tiến hành các cuộc chiến độc lập với NATO và Mỹ.

Tài liệu đánh giá về tương lai của nền quốc phòng châu Âu, cũng do EC công bố ngày 7/6, cho rằng trách nhiệm trong cải thiện an ninh châu Âu trước hết thuộc về các quốc gia châu Âu, vì nếu tính tổng cộng thì các nước thành viên EU có mức chi tiêu quân sự lớn thứ 2 trên thế giới. Và, trong khi hành động cùng với các đối tác vẫn sẽ là sự ưu tiên và chuẩn mực của EU, liên minh này cũng cần phải có thể hành động độc lập trong trường hợp cần thiết”.

Mục đích của tuyên bố này của EC rõ rằng là tái vũ trang hàng loạt cho châu Âu nhằm “góp phần theo đuổi những khuynh hướng mới và tạo ra những khả năng về công nghệ và công nghiệp mà châu Âu cần có để đảm bảo sự tự chủ của mình về mặt chiến lược”.

Theo đánh giá của tài liệu này thì vào năm 2016, ngân sách quốc phòng đã tăng, tuy nhiên, “con đường còn dài” và “tiến đến tự chủ về mặt chiến lược của châu Âu đòi hỏi chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, chi tiêu tốt hơn và chi tiêu cùng nhau”.

Đồng thời tài liệu cũng cho rằng: Mỹ, Trung Quốc và Nga hiện chính là những điểm mốc của EU trong chi tiêu quốc phòng. Mỹ đã đầu tư gấp hơn 2 lần cho quốc phòng so với tất cả các nước thành viên EU cộng lại và họ sẽ tăng gần 10% ngân sách quốc phòng vào năm 2018. Còn Trung Quốc đã tăng ngân sách lên đến 150% trong thập kỷ qua và mới tăng thêm 7% vào năm 2017 trong khi đó Nga đã đầu tư 5,4% GDP cho quốc phòng.

Như vậy, thông điệp là rất rõ ràng. EU cũng phải tham gia cuộc chạy đua vũ trang với các cường quốc khác nhằm giành được những lợi ích mang tính toàn cầu về quân sự. Trong một tài liệu khác mang tên “Châu Âu năm 2025, hướng đến một liên minh an ninh và quốc phòng”, một cái nhìn tổng thể kịch bản về tái vũ trang đã được đưa ra.

Theo đó, “trong kịch bản này, các quốc gia thành viên sẽ tăng cường sự hợp tác và hội nhập hướng đến một nền quốc phòng và an ninh chung” và EU có thể tiến hành các chiến dịch phức tạp để bảo vệ châu Âu, bao gồm cả các chiến dịch chống lại các nhóm khủng bố, các chiến dịch trên biển trong những môi trường thù địch và thậm chí cả những chiến dịch phòng thủ mạng. Quỹ quốc phòng mới sẽ cung cấp khả năng đáp trả ngay lập tức trong những lĩnh vực như không gian, vận tải chiến lược đường không, giám sát trên không và trên biển...

Giới nắm quyền lực ở châu Âu cho rằng một chính sách quốc phòng mang tính độc lập hơn và chủ động tấn công hơn còn đòi hỏi phải quân sự hóa ngay từ bên trong lục điạ này. Những mối đe dọa về an ninh sẽ được giám sát một cách hệ thống và được đánh giá chặt chẽ với sự hợp tác của các cơ quan an ninh và tình báo của từng nước thành viên.

Chung lòng, chung tiền... chung sức mạnh?

Có một đội quân đủ mạnh về quân sự, linh hoạt về tài chính và chủ động trong các cuộc điều quân, EU sẽ chủ động hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Bởi sau mỗi vụ tấn công, phản xạ đầu tiên của giới chức thường là hứa hẹn tăng cường các quy định pháp luật về chống khủng bố, không chỉ ở cấp độ quốc gia mà trên toàn EU. Liệu EU có thể làm nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố?

Do EU không có thẩm quyền trực tiếp đối với vấn đề an ninh nội địa của từng quốc gia thành viên, trong khi việc thu thập các thông tin tình báo để chống khủng bố vốn là lĩnh vực thuộc về chủ quyền quốc gia, nên không thể đổ lỗi cho EU là thụ động trên mặt trận quan trọng này. Về tổng thể, EU hoàn toàn có thể đưa ra chính sách để tác động và cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Thỏa thuận là tăng cường vũ khí trang bị cho quân đội trong EU. Ảnh: The Times.

Ngay sau cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ, EU đã thông qua một loạt văn bản luật như lệnh truy nã châu Âu cho phép giao nộp nhanh chóng một đối tượng bị tình nghi. Tổ chức này cũng ngay lập tức triển khai các hoạt động chống khủng bố, rửa tiền…

Theo chuyên gia Danjean, hiện mỗi quốc gia thành viên EU vẫn đang ra sức bảo vệ chủ quyền của mình trong lĩnh vực cảnh sát và tình báo. Đâu là giá trị gia tăng của một siêu cấu trúc châu Âu khi mà việc thu thập tin tức cùng khả năng khai thác một cơ quan như vậy phải được sớm triển khai trên thực địa chính là câu hỏi được đặt ra cho giới chức EU.

Ông Danjean cho rằng điều quan trọng là liệu có thể đặt niềm tin khi mọi người cùng khai thác và chia sẻ các thông tin tình báo mà vẫn đảm bảo giữ bí mật cần thiết? Trả lời cho các câu hỏi trên chính là lý do EU cần tăng cường nền quốc phòng chung.

Ở thời điểm hiện tại, đối với người dân EU, chỉ có một giải pháp tin cậy đó là đoàn kết tập hợp sức mạnh, đó là suy ngẫm và hành động về vấn đề an ninh và quốc phòng vượt qua những giới hạn mang tính quốc gia. Những mối đe dọa ngày càng gia tăng ở trong và bên cạnh EU, tương lai của mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương và cuộc cách mạng công nghệ diễn ra ở cấp độ toàn cầu đòi hỏi EU phải hành động mạnh hơn, tốt hơn vì an ninh của chính mình.

Trên bình diện chính trị, cách tiếp cận của EU được tăng cường dựa trên sự hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là điều không thể tránh được. Nói thẳng ra, trật tự thế giới đang có sự chuyển biến sẽ buộc các quốc gia EU không sớm thì muộn phải hợp tác và hành động cùng nhau nếu như các quốc gia này muốn tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình và người dân của mình. Nhưng áp lực bên ngoài không phải là động lực duy nhất. Trên thực tế, những lý do thực tiễn khách quan khác đã đòi hỏi hợp tác tăng cường trong lĩnh vực quốc phòng.

Đầu tiên đó là lý do ngân sách. Đến thời điểm hiện tại thị trường quốc phòng châu Âu đang bị xé nhỏ nghiêm trọng. Ngân sách quốc phòng được hoạch định và được chi tiêu do các quốc gia thành viên tự quyết định mà không có sự phối hợp nào. Điều này dẫn đến một thực tế là hiệu quả chi tiêu quốc phòng giảm vì mỗi quốc gia thành viên tự cố gắng trang bị một loạt khả năng về quốc phòng riêng.

Do vậy, nếu phối hợp tốt hơn thì việc hoạch định kế hoạch, mua sắm chung và thực hiện cũng như chia sẻ khả năng quốc phòng cùng nhau sẽ làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu quốc phòng và tiết kiệm được khoản tiền rất lớn cho từng quốc gia đóng góp.

Theo Báo cáo An ninh Munich 2017, chính phủ các quốc gia châu Âu có thể tiết kiệm được 1/3 chi tiêu quốc phòng cho các trang thiết bị, vũ khí quân sự nếu như các quốc gia này quyết định phối hợp đầu tư. Vấn đề ở đây là tiết kiệm được nhiều tỉ euro và khoản này có thể được giải ngân cho các khoản đầu tư dài hạn khác. Tuy nhiên, việc tiết kiệm ngân sách không chỉ là lợi thế duy nhất mà còn là khả năng phối hợp tác chiến và tính hiệu quả của đầu tư quốc phòng.

Sâu xa hơn, sự hợp tác khi lập kế hoạch, mua sắm và khai thác phương tiện khí tài sẵn có cho phép EU hợp lý hóa khả năng tác chiến cũng như tăng cường đáng kể tính năng phối hợp tác chiến của các lực lượng vũ trang các quốc gia thành viên. Việc cùng đóng góp và chia sẻ cũng là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm đảm bảo khả năng phối hợp tác chiến hiệu quả giữa quân đội các nước, và đảm bảo cho các quốc gia đóng góp “đáng đồng tiền bát gạo”.

EU đã quyết tăng cường nền quốc phòng châu Âu. Đây là bước mở màn cho những quyết định đầy tham vọng để đưa ra cú hích mới cho dự án châu Âu mạnh hơn trong tương lai.

Nguyễn Hòa
.
.