Hàn - Nhật hợp tác tình báo về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên

Thứ Ba, 29/11/2016, 12:15
Hàn Quốc và Nhật Bản vừa ký kết một thỏa thuận hợp tác toàn diện để thu thập và lưu trữ, chia sẻ thông tin tình báo về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Thỏa thuận này cho phép hai quốc gia đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á chia sẻ thông tin tình báo về CHDCND Triều Tiên mà không thông qua Mỹ.

Thỏa thuận vừa được ký kết có tên gọi là Thỏa thuận An ninh tổng quát về Thông tin quân sự (GSOMIA), đã được ký kết vào ngày 23-11 tại Seoul, giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo và Đại sứ Nhật Bản tại Seoul Yasumasa Nagamine. 

Việc ký kết thỏa thuận này được đánh giá là một bước đi mang tính đột phá trong hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, quân sự giữa Seoul và Tokyo nhằm tăng cường phối hợp chống lại CHDCND Triều Tiên.

Đe dọa về an ninh từ CHDCND Triều Tiên được cho là động cơ thúc đẩy hợp tác.

Theo một thỏa thuận được ký kết ba bên vào năm 2014, Mỹ được chọn làm trung gian để Seoul và Tokyo thường xuyên chia sẻ thông tin tình báo về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Còn GSOMIA sẽ cho phép Nhật và Hàn Quốc chia sẻ trực tiếp các thông tin tình báo cần thiết mà không phải qua trung gian là Mỹ.

Từ đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định thỏa thuận sẽ cho phép việc chia sẻ thông tin tình báo giữa chính phủ hai nước ngày càng trở nên thông suốt và nhanh chóng hơn. Các quan chức ở Seoul cho biết, thông tin từ các vệ tinh Nhật Bản và các hệ thống công nghệ cao khác đều cần thiết để giám sát chặt chẽ các diễn tiến trong các chương trình sản xuất tên lửa và chế tạo đầu đạn hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo khẳng định, thỏa thuận được ký kết là cần thiết trong tình hình những đe dọa về quân sự từ Bình Nhưỡng ngày càng gia tăng. CHDCND Triều Tiên vừa tiến hành một loạt vụ bắn thử tên lửa mới, bắn từ tàu ngầm và có tầm bắn xa, có thể vươn tới tận lục địa Mỹ.

Tháng 9-2016, CHDCND Triều Tiên cũng đã tiến hành một vụ thử hạt nhân lớn tạo nên một chấn động tưởng như động đất. Seoul và Tokyo lo ngại rằng, CHDCND Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho đợt thử đầu đạn hạt nhân mới, vì thế, việc chia sẻ thông tin tình báo nhanh chóng có tầm quan trọng đặc biệt.

Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng phản đối thỏa thuận, mô tả nó như một động thái nguy hiểm, và cảnh báo nó có thể mở đường cho Nhật “tái xâm lược” bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, thỏa thuận đã gây nên phản ứng từ phía các đảng phái đối lập và một bộ phận lớn công chúng. Đảng đối lập chính ở Hàn Quốc gọi thỏa thuận GSOMIA là một sản phẩm “không yêu nước và đáng xấu hổ”.

Một trong những nguyên nhân của sự phản đối này là do nhiều người dân cũng như giới chính khách ở Hàn Quốc vẫn còn mang nặng tình cảm chống Nhật xuất phát từ chính sách cai trị thuộc địa hà khắc của Nhật tại Hàn Quốc trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX,  từ năm 1910 đến 1945. Tàn dư của chính sách cai trị thuộc địa này vẫn còn là vấn đề nhạy cảm ở Hàn Quốc ngày nay, và nhiều người ở Hàn Quốc vẫn luôn đòi hỏi Tokyo phải có sự đền bù thỏa đáng cho những tội ác họ đã gây ra trong quá khứ.

Tuy nhiên, tình hình an ninh hiện nay ở Đông Bắc Á, với sự phát triển vũ khí ngày càng hiện đại của CHDCND Triều Tiên, đã buộc Seoul tạm gác lại những vấn đề nhạy cảm trong quá khứ để củng cố sự hợp tác tình báo chặt chẽ hơn.

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.