Hậu thỏa thuận hạt nhân Iran: Lại hình thành một trật tự bất ổn?

Thứ Năm, 23/07/2015, 18:10
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phải sang Trung Đông để trấn an các đồng minh tại đây sau khi 6 cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran tuần trước. Chuyến đi này chỉ là bề nổi trong một câu chuyện nhiều rắc rối.

Ngày 20/7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bắt đầu chuyến công du 3 nước đồng minh ở Trung Đông là Israel, Arập Xêút và Jordani. Các giới chức Lầu Năm Góc nói rằng chuyến đi này được chuẩn bị từ trước khi có thỏa thuận hạt nhân Iran và ban đầu cũng không nhằm mục đích trấn an đồng minh. Tuy nhiên, các cuộc họp của ông Carter tại Tel Aviv và Jiddah một phần sẽ chú trọng về việc thảo luận các biện pháp đối phó việc Iran hỗ trợ các nhóm vũ trang là kẻ thù nghịch của Mỹ và đồng minh trong vùng.

Trên chuyến bay tới Israel, ông Carter tuyên bố không kỳ vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo Israel từ bỏ lập trường phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran. Thay vào đó, ông sẽ nhấn mạnh rằng, thỏa thuận này không áp đặt bất cứ hạn chế nào đối với các hoạt động của Washington, nhằm đảm bảo an ninh của Israel cũng như các nước đồng minh của Mỹ tại Arập.

“Một trong những lý do cho thấy thỏa thuận hạt nhân Iran là thỏa thuận tốt chính là không ngăn cản các biện pháp quân sự. Thỏa thuận này đã loại bỏ mối đe dọa và sự bất ổn trong khu vực một cách toàn diện và có thể kiểm chứng được”, ông Ashton Carter cho biết.

Phát biểu tại cuộc nói chuyện với người đồng cấp Israel ở Tel Aviv hôm 20/7, ông Carter nói “Israel là viên gạch nền trong chiến lược của Mỹ tại Trung Đông. Khu vực này phức tạp và đáng quan ngại nhưng chúng tôi hiểu rõ lợi ích của mình và một tiêu chí trong đó là tình hữu nghị - đồng minh với Israel”.

Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 21/7, ông Carter sẽ tới Arập Xêút và Jordani để tham vấn về ảnh hưởng của thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đánh giá tiến triển của cuộc chiến chống IS trong khu vực.

Truyền thông Israel trong những ngày qua nói rằng chính quyền Tel Aviv có thể muốn có được sự bảo đảm Mỹ can thiệp quân sự trong trường hợp bị Iran tấn công. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đánh giá thỏa thuận hạt nhân Iran ký tại Vienna là một “sai lầm lịch sử”.

Báo chí Israel cũng nêu khả năng Mỹ sẽ tăng viện trợ quân sự cho Israel, hiện tại là 3 tỉ USD mỗi năm. Một quan chức cao cấp Mỹ, hôm 20/7 đã nhấn mạnh Mỹ vẫn cam kết duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Trung Đông, đặc biệt là trong vùng Vịnh và sẵn sàng hỗ trợ về mặt an ninh cho các đồng minh.

Thực ra trong câu chuyện về vấn đề hạt nhân Iran, Mỹ được lợi nhiều nhưng cũng để lại nhiều nguy cơ xung đột tiềm ẩn. Thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5+1 vào ngày 14/7 tại Vienna có nội dung chủ yếu là đẩy lui kỳ hạn chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran từ 5 đến 8 tháng. Ðổi lại thì Iran được giải tỏa lệnh cấm vận và ra khỏi những khó khăn kinh tế tích lũy từ nhiều năm qua.

Về thủ tục thì thỏa thuận về hạt nhân chỉ có giá trị pháp lý của một hiệp ước sau khi các cơ chế trong cuộc tiến hành việc phê chuẩn. Hôm 20/7, Liên minh châu Âu đã phê chuẩn văn kiện dài 14 trang này. Sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng ra một nghị quyết được tất cả 15 thành viên ủng hộ để thu hồi nghị quyết cấm vận năm 2012.

Do quyết định của Hội đồng Bảo an, ngày 20/7 được gọi là “ngày chấp thuận”, khởi điểm của tiến trình bãi bỏ cấm vận, chỉ trở thành thực tế sau 3 tháng là khi Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận việc Iran tôn trọng những cam kết trong thỏa ước tại Vienna.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (phải) và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon tại Tel Aviv, ngày 20/7.

Tiến trình phê chuẩn tại Mỹ mới đáng chú ý. Sau thỏa ước tạm tại Vienna ngày 14/7, Quốc hội Mỹ có 60 ngày xem xét và phê chuẩn hoặc bác bỏ. Nhưng sự bác bỏ của cơ quan lập pháp sẽ bị cơ quan hành pháp phủ quyết như ông Obama đã nói trước, và chỉ có giá trị nếu được Quốc hội bỏ phiếu lại với đa số là 2/3.

Vì hoàn cảnh và thể thức ấy, Tổng thống Obama đang vận động dư luận. Và phe chống đối, gồm có nhiều dân biểu nghị sĩ Cộng hòa lẫn Dân chủ và các trung tâm hướng dẫn dư luận, đã mở cuộc phản công và giải thích mối nguy của việc giải vây Iran.

Về căn bản thì Mỹ - và các khuynh hướng chính trị bên trong - không muốn mở thêm một cuộc chiến khác tại vùng Trung Đông và còn muốn trút bớt gánh nặng tại Trung Ðông nên từ thời chính quyền George W. Bush đến chính quyền Obama đều có chung một chính sách là vừa gây áp lực vừa khuyến dụ để Iran giữ một vai trò cân bằng trong tương quan lực lượng của cả khu vực. Ðó là bối cảnh của 7 năm, 6 tháng và 23 ngày đàm phán của hai đời tổng thống Mỹ với Iran, một quốc gia cừu thù từ năm 1979.

Hình thành một trật tự khác trước sự lớn mạnh của Iran

Ngay sau khi đạt thỏa thuận tại Vienna, chế độ thần quyền tại Iran vẫn tiếp tục chống Mỹ và đòi tiêu diệt quốc gia Israel của dân Do Thái. Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người được coi là có quyền uy tối thượng ở Iran, hôm 19/7 nói rằng sự thù nghịch giữa Iran và quốc gia Mỹ “ngạo mạn” sẽ không giảm đi chỉ vì có được một thỏa thuận nguyên tử, và Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm cũng như các quốc gia mà thế giới phương Tây đang chống.

“Cho dù thỏa thuận này có được chấp thuận hay không, chúng ta sẽ không bao giờ ngưng hỗ trợ đồng minh ở trong vùng cũng như nhân dân Palestine, Yemen, Syria, Iraq, Bahrain và Liban” - đại giáo chủ Khamenei cho hay vào cuối buổi cầu nguyện đánh dấu chấm dứt tháng lễ Ramadan của người theo Hồi giáo. “Ngay cả sau thỏa thuận này, chính sách của chúng ta với phía Mỹ ngạo mạn sẽ không thay đổi. Chúng ta không có thương thảo hay thỏa thuận nào với Mỹ về các vấn đề khác trên thế giới hay trong khu vực”.

Những gì giáo sĩ Ayatollah Khamenei nói ra luôn được dân chúng Iran cũng như các quan sát viên quốc tế đặc biệt chú ý vì ông là người có quyết định sau cùng về các chính sách của nhà nước. Nếu ông chống lại thỏa thuận này, Iran có thể rút ra.

Nhưng phía Mỹ coi đó là trò hình thức để Iran giữ thế lãnh đạo khối Hồi giáo, chứ về thực tế thì Tehran đã ngầm hợp tác với Mỹ nhằm chặn đà bành trướng của lực lượng IS, như đã hợp tác để tấn công tổ chức Al-Qaeda trong chiến dịch Afghanistan.

So với chính quyền Bush, ông Obama có thể đã lùi quá xa kể từ đầu năm 2010, và nay lại cho Iran quá nhiều lợi thế. Một lý do giải thích là các nước đồng minh châu Âu của Mỹ, chưa nói đến hai đối thủ là Nga và Trung Quốc, đều lẻn vào sân sau để cộng tác và trục lợi với Iran. Chuyện cấm vận không công hiệu, dù gây thiệt hại cho Iran mà lại khiến Mỹ mất phần.

Việc ông Obama sốt sắng giải vây Iran đến độ nhận cả điều khoản tháo gỡ lệnh cấm vận vũ khí quy ước càng khiến các đồng minh trong vùng thêm e ngại. Chưa biết bao giờ Iran mới có bom hạt nhân nhưng trước mắt thì Arập Xêút, Israel và cả Thổ Nhĩ Kỳ đều suy tính lại về cục diện trong vùng. Họ cùng nhau tạo ra một trật tự khác trước sự lớn mạnh của Iran. Ðấy là một trật tự bất ổn, bên trong ngần ấy nước đều nghi ngờ mà vẫn cần đến sự can thiệp của Mỹ.

Người dân Iran vui mừng sau khi nước này đạt thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1.

Giải pháp tạm bợ này có ưu điểm là nhờ đó, Mỹ khỏi phải dùng biện pháp quân sự nhằm phá vỡ kế hoạch hạt nhân của Iran. Nhược điểm là để lại một trường đấu tranh đầy bất trắc cho cả khu vực. Mỹ có thể bớt một kẻ thù và tin rằng các đồng minh kia dù có hậm hực thì cũng chẳng thể đổi lập trường thành chống Mỹ.

Trước khi Iran thoát vòng phong tỏa kinh tế và cả biện pháp cấm vận vũ khí quy ước, thế giới sẽ trải qua nhiều tháng tranh luận nữa. Hàng ngày, sau mỗi quyết định liên quan đến Iran, tin tức và bình luận dồn dập như màn khói khiến người ta khó nhận định thực tế. Đó là việc Iran không che giấu tham vọng trở thành một cường quốc cấp vùng tại Trung Ðông.

Thực tế thì các giáo chủ theo hệ phái Shiite tại Tehran đã bành trướng ảnh hưởng qua các lực lượng vũ trang áp dụng phương pháp khủng bố như Hezbollah tại Liban hay Hamas tại đất Palestine do Israel kiểm soát, và qua việc bênh vực chính quyền Bashar al-Assad tại Syria. Kế hoạch hạt nhân chỉ là một phần của tham vọng đó.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.