Hiểm họa khủng bố đội lốt di cư
- EU dành 3 tỷ Euro để kiểm soát dòng người di cư từ cửa ngõ Thổ Nhĩ Kỳ
- Người di cư giận dữ gây bạo lực tại biên giới Hi Lạp và Macedonia
- 1,8 tỉ euro giải quyết khủng hoảng di cư tại châu Âu: Như muối bỏ bể?
- EU toát mồ hôi mới tái định cư được cho 116 ngàn người di cư
- Những bi kịch trước cuộc khủng hoảng di cư của người Syria đến châu Âu
Được tuyển mộ từ trong trại tị nạn
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia hồi cuối tháng 11, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết, những người tị nạn Syria sang châu Âu không mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân nên các chiến binh IS trà trộn dễ dàng vào dòng người này. Cảnh báo rằng việc phân biệt những người tị nạn với những kẻ khủng bố là rất khó, ông Bashar al-Assad còn đề nghị chính phủ các quốc gia tiếp nhận tị nạn phải cảnh giác.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Liban Elias Boussab khi tiếp Thủ tướng Anh David Cameron đến thăm một trại tị nạn ở nước này cho biết, trong nửa năm qua, IS đã thúc đẩy nhanh hơn chiến dịch đưa các chiến binh đã được đào tạo tới phương Tây. Theo ông này, cứ mỗi 100 người Syria di cư tới châu Âu thì có 2 người là chiến binh IS trà trộn trong đó.
Ông Elias Boussab còn cho biết thêm rằng, các phần tử cực đoan nhắm mục tiêu tuyển dụng chiến binh là trẻ em trong các trại tị nạn và trường học, sau đó đưa chúng vào châu Âu thông qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…
Bổ sung cho những cảnh báo của Jordan chính là thông tin mới nhất về việc Hungary phát hiện ra một trong những kẻ tham gia loạt tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp vào trung tuần tháng 11 vừa qua đã từng tới nước này để tuyển mộ “một đội ngũ chiến binh” trong số những người di cư. Tên này đã tới nhà ga Keleti ở Budapest để tuyển mộ những người di cư không làm thủ tục đăng ký với nhà chức trách. Sau đó, hắn rời Hungary cùng nhóm người này.
Trước đó, Cảnh sát Na Uy đã phát hiện một nhóm phần tử Hồi giáo cực đoan đã tới khu trại tị nạn của người nhập cư Syria tại thủ đô Oslo để tuyển mộ chiến binh.
Rất khó để phân biệt đâu là người tị nạn thật, đâu là chiến binh IS đội lốt? (ảnh: Reuters). |
Người phát ngôn của Cục An ninh Cảnh sát Na Uy cho biết: “Chúng tôi nắm bắt được một số dấu hiệu cho thấy các phần tử Hồi giáo cực đoan đã tới gần khu vực tiếp nhận và định cư tạm thời của người tị nạn. Chúng đến để liên lạc với họ. Những người đang sống độc thân có nhiều khả năng bị chúng lôi kéo nhất”. Còn tại Đức, cơ quan tình báo nước này cũng cảnh báo rằng, số lượng phần tử Hồi giáo cực đoan đã gia tăng nhanh chóng trong vài tháng gần đây và chúng đang tuyển mộ người tị nạn.
Cụ thể, kết quả điều tra của Văn phòng Bảo vệ Hiến pháp cho thấy, số lượng phần tử Hồi giáo cực đoan tăng từ 7.500 người trong tháng 6 lên tới gần 9.000 người trong tháng 11. Điều đáng ngại là những kẻ Hồi giáo cực đoan đã đóng giả nhân viên hỗ trợ nhân đạo, lợi dụng tình hình người tị nạn để dụ dỗ họ cải tạo và tuyển mộ.
Đến nay, ước tính, gần 800 người Hồi giáo cực đoan ở Đức đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS. Trên thực tế thì IS đã không ít lần công khai mục tiêu của chúng là mở rộng “Vương quốc Hồi giáo” ra tận châu Âu. Và những bằng chứng mới về hoạt động của IS cũng như việc các chiến binh của chúng đội lốt người nhập cư Syria để tiến vào châu Âu, tham gia loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris của Pháp hồi tháng trước đã thực sự biến những quan ngại nói trên thành “mối lo hiện hữu”.
Cung đường của những sát thủ
Theo thống kê, 107.500 người di cư đã đến biên giới các nước Liên minh châu Âu (EU) trong 7 tháng qua, một con số cao kỷ lục và gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Hãng CNN hôm 5-12 cho biết, tính đến tháng 9-2015, có khoảng 4,3 triệu người Syria trốn chạy chiến tranh và nghèo đói tại đất nước này, đi tìm cuộc sống mới ở các quốc gia bên ngoài lãnh thổ Syria. Trong số này, có gần 400.000 người Syria xin tị nạn ở châu Âu và Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng cao đến hết năm nay.
Hơn 1,5 triệu người Syria cũng đã tiến vào Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Syria và 150.000 người trong số này đã được cấp quy chế tị nạn ở châu Âu. Cố vấn chính phủ Libya Abdul Basit Haroun khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình BBC của Anh cho biết, lực lượng an ninh nước này đã không ít lần phát hiện những kẻ buôn lậu giấu các chiến binh IS trên những con thuyền chứa đầy những người di cư.
Đặc biệt ở Bắc Phi, các chủ tàu bị IS kiểm soát và phải nộp lại 50% thu nhập nên họ không dám trái lời chúng. Riêng trong dòng người từ Bắc Phi tới Hungary theo đường biển rồi đi bộ hoặc đi xe buýt tới Áo, Đức, Bỉ, Thụy Điển (theo chương trình hỗ trợ của EU) những ngày qua có ít nhất 500 chiến binh của IS(?)
Trước đó, tờ Express của Anh cũng từng đăng tải một thông tin do thành viên của IS tiết lộ rằng, thời gian qua, nhiều thành viên của IS đã bí mật di chuyển bằng tàu biển, cùng hàng ngàn người tị nạn khác, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Khi vào tới cửa ngõ châu Âu là Italia hay Hy Lạp, chúng không dám sử dụng máy bay do các quy định an ninh nghiêm ngặt, vì thế đã chuyển sang đường bộ như một cách thay thế. Tờ Bild am Sonntag của Đức dẫn nguồn tin tình báo Mỹ còn khẳng định, sau khi tới châu Âu, những tên này sẵn sàng tấn công khủng bố để trả đũa các vụ không kích của phương Tây nhằm vào nhiều mục tiêu của IS ở Syria và Iraq.
Trước khi được đưa đến châu Âu, các thành viên của IS đều được huấn luyện cách đối phó với cám dỗ của phương Tây và thường là những người hiểu sâu sắc tôn giáo, thông thạo tiếng Anh, tiếng Italia và tiếng Pháp. Trong khi đó, trang web WND lại đăng tải một bài viết của tác giả Robert Spencer cho biết, trong số hàng triệu người di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải tới châu Âu từ đầu năm đến nay có khoảng 4.000 thành viên của IS và những tên này đang nằm chờ lệnh tấn công ở khắp các quốc gia thành viên EU?
Tác giả Robert Spencer còn khẳng định, các thành viên IS đã nhờ sự trợ giúp của những kẻ buôn người địa phương để hòa vào dòng người di cư bất hợp pháp ở thành phố cảng Mersin và Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ.
Để chặn dòng người di cư, Hungary đã xây dựng hàng rào biên giới với Serbia (ảnh: EPA). |
Và cái “giá” của 3 tỉ Euro
Trước những cảnh báo nói trên, lực lượng an ninh các nước EU đang phối hợp với Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (FRONTEX) tăng cường kiểm tra ở khu vực biên giới. Nhưng quả thật là rất khó để phân biệt giữa người di cư và các thành viên của IS. Bởi lẽ nếu tìm kẽ hở từ giấy tờ tùy thân thì phần lớn người tị nạn Syria đều thiếu giấy tờ. Ngay cả khi giấy tờ đầy đủ thì người ta cũng không thể biết đâu là dân thường và đâu là chiến binh IS bởi cả hai đối tượng này rất có thể đều dùng hộ chiếu giả để đến châu Âu.
Giám đốc Frontex Fabrice Leggeri cho biết, cơ quan này đã phát hiện một mạng lưới làm hộ chiếu Syria giả được thiết lập tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo điều kiện cho người di cư vào EU. Những người sử dụng hộ chiếu Syria giả thường nói tiếng Arập, có nguồn gốc từ Bắc Phi, Trung Đông và họ sẵn sàng bỏ ra từ 1.000 euro đến 3.000 euro để có một cuốn hộ chiếu làm hành trang đến châu Âu. Giá của mỗi tấm hộ chiếu phụ thuộc vào chất lượng của hộ chiếu. Những người mang hộ chiếu chất lượng kém hơn thường bị nhà chức trách châu Âu chặn lại nhưng đôi khi họ vẫn được cơ quan hữu quan linh động cho qua.
Ông Fabrice Leggeri còn cho biết thêm, ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải thừa nhận rằng, chỉ có tối đa là 30% người Syria nhập cảnh vào nước này có hộ chiếu hợp lệ. Còn ở Bulgaria, mới đây, nhà chức trách đã thu giữ được 1.000 tấm hộ chiếu giả…
Một mặt, ngăn ngừa khủng bố bằng việc thắt chặt kiểm soát vùng biên giới và người di cư, các quốc gia thuộc EU cũng bắt đầu bàn thảo về việc trợ giúp những nước là cửa ngõ vào châu Âu như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ để chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Và mới đây nhất, khi nhận thức được việc châu Âu đang cần một giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư, Thổ Nhĩ Kỳ đã “mặc cả” và được EU đồng ý viện trợ tới 3 tỉ euro.
Số tiền này, theo quyết định được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Kinh tế tài chính EU hôm 8-12, sẽ được phân bổ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian 2 năm, năm 2016 và năm 2017. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ giám sát việc giải ngân này.
Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chăm lo cho 2,3 triệu dân Syria đang tạm trú tại nước này và EU có thể tăng cường hạn chế người di cư đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các đảo Hy Lạp, ngăn cản người Afghanistan cùng dân di cư châu Á qua Thổ Nhĩ Kỳ vào EU. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ mở hàng loạt chiến dịch trấn áp các băng đảng buôn người.
Hãng tin BBC thì cho biết, khoản tiền 3 tỉ euro sẽ được cung cấp thông qua các tổ chức hoạt động vì người tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Một thiết bị theo dõi điện tử sẽ được lắp đặt nhằm kiểm tra xem liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tuân thủ các cam kết ấy hay không?