Hòa bình le lói cho Kavkaz

Thứ Hai, 16/11/2020, 13:45
Ngày 10/11, Azerbaijan và Armenia đã kí kết thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, qua trung gian của Nga. Thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực kể từ 10 giờ sáng, giờ Moscow, ngày 10/11.

Văn bản dự trù không chỉ việc chấm dứt giao tranh giữa hai bên mà cả các điều kiện được coi là đặt các nền móng cho việc giải quyết hòa bình xung đột tại Nagorno-Karabakh. Nga là bên duy nhất tham gia đàm phán và áp dụng lệnh ngừng bắn này, mà không cần sự can thiệp chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chính của Azerbaijan, hay của Pháp và Mỹ, hai nước đồng Chủ tịch nhóm Minsk, vẫn là những nhà trung gian lịch sử về xung đột ở Nagorno-Karabakh.

Theo thỏa thuận, gần 2.000 lính Nga sẽ được triển khai để kiểm soát việc thực thi ngừng bắn ở các khu vực dọc "đường tiếp xúc" và "hành lang Latchine". Quân đội Nga cũng kiểm soát việc triệt thoái các lực lượng Armenia khỏi vùng Nagorno-Karabakh ly khai, thuộc lãnh thổ Azerbaijan, nơi tuyệt đại đa số cư dân là người Armenia. Các đơn vị Nga dự kiến sẽ ở lại khu vực này 5 năm và công tác này có thể được triển hạn thêm 5 năm tiếp.

Cuộc họp giữa lãnh đạo 3 nước Armenia, Azerbaijan và Nga.

Theo Thượng tướng Sergei Rudskoy, Tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, ngay trong ngày 11/11, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã kiểm soát hành lang Lachin, vùng kết nối chính giữa Armenia và khu vực Nagorno-Karabakh. Lực lượng đầu tiên nhận nhiệm vụ gồm 414 quân nhân, 8 trực thăng và hàng chục phương tiện, khí tài quân sự đã tới Armenia trước. "Trong 24 giờ qua đã có 27 chuyến bay đưa quân nhân, chở phương tiện và vũ khí đến khu vực này", vị tướng Nga tuyên bố.

Những quân nhân tham gia phái đoàn gìn giữ hòa bình lần này đều đã có kinh nghiệm trong các chuyến điều động phục vụ công tác nhân đạo tại Syria trước đây vừa hoàn thành nhiệm vụ và trở về Nga. Cảnh sát quân đội cũng được điều động tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình, ông Sergei Rudskoy cho biết thêm. Vị tướng Nga khẳng định quân đội nước này "thường xuyên giữ liên lạc" với các nhà lãnh đạo quân đội ở cả Azerbaijan và Armenia để ngăn chặn mọi biến cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho các quân nhân trong phái bộ gìn giữ hòa bình.

Cùng với số lượng phương tiện đã triển khai, một phái bộ gồm 1.960 quân nhân, nhiều phương tiện chiến đấu cần thiết, xe bọc thép vận chuyển binh sĩ sẽ được điều tới khu vực Nagorno-Karabakh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trong sứ mệnh 5 năm.

Phát biểu về thỏa thuận được ký kết, trên Facebook, Thủ tướng Armenia cho biết, đây là một "quyết định rất đau đớn" đối với cá nhân ông và nhân dân Armenia. Tuy nhiên, Thủ tướng Armenia cũng nhấn mạnh, "dù không phải là một thắng lợi, thỏa thuận này cũng không phải là một thất bại". Thủ tướng Armenia cũng hy vọng đây là "một sự khởi đầu một kỷ nguyên mới cho sự đoàn kết dân tộc".

Ngược lại, trên truyền hình, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev khẳng định đã buộc Armenia đầu hàng khi ký kết thỏa thuận rút quân. Ông Ilham Aliev tuyên bố: "Tôi đã hứa đánh đuổi họ ra khỏi lãnh thổ chúng ta và chúng ta đã làm được điều này". Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan, đã hoan nghênh thỏa thuận này và cũng bắn tiếng muốn đưa lực lượng của mình tới gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh mặc dù Ankara cũng được mời tham gia thành lập trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn với Nga.

Ngày 12/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nói với các phóng viên tại Moscow rằng, động thái này của Ankara là "không thể". Nếu Thổ Nhĩ Kỳ muốn đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Armenia-Azerbaijan, họ cần phải có sự chấp thuận của Yerevan và Baku. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được thảo luận trong các cuộc đàm phán trước đó.

Ông Peskov lưu ý rằng một bản ghi nhớ về việc thiết lập một trung tâm chung Nga-Thổ Nhĩ Kỳ để giám sát lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh đã được ký kết sau cuộc đàm phán trực tuyến giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. Trung tâm chung sẽ được đặt tại Azerbaijan. Các thỏa thuận này không đề cập đến sự hiện diện của quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Karabakh và nói thêm rằng "không có một thỏa thuận nào như vậy cho tới nay".

Người dân ăn mừng thỏa thuận hòa bình trên đường phố ở Baku.

Nagorno-Karabakh là khu vực phần lớn là người Armenia, nằm trong biên giới Cộng hòa Azerbaijan song đã ly khai khỏi nước này năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Năm 1994, Armenia và Azerbaijan ký hiệp đình đình chiến với việc lực lượng Armenia kiểm soát phần lớn Nagorno-Karabakh. Xung đột lãnh thổ ở khu vực Nagorno-Karabakh leo thang từ ngày 27-9, sau khi Azerbaijan tuyên bố các hành động khiêu khích từ phía Armenia và tiến hành tấn công quy mô lớn.

Kể từ đó tới nay, các bên đã đồng ý ngừng bắn 3 lần nhưng đều bị phá vỡ do các cáo buộc vi phạm từ cả hai phía. Tổng số người thiệt mạng trong các cuộc giao chiến giữa Armenia và Azerbaijan ở vùng Nagorno- Karabakh từ hồi cuối tháng 9 đến nay đã lên đến gần 5.000 người.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên một diễn đàn được phát trực tiếp trên truyền hình cho biết theo thông tin mà Moscow có được, Armenia và Azerbaijan đều mất mỗi bên hơn 2.000 người trong cuộc xung đột kéo dài gần một tháng qua. Nhà chức trách Nagorno-Karabakh ghi nhận có 874 quân nhân và 37 thường dân thiệt mạng. Baku không công bố số binh lính bị chết nhưng cho biết có 61 dân thường mất mạng. Cả hai bên đều khẳng định đã tiêu diệt hàng ngàn lính đối phương.

Với thỏa thuận trên, Tổng tống Vladimir Putin giành được chiến thắng trên cả hai mặt: vừa đóng vai trò nhà trung gian và hòa giải tái tạo lại khu vực, vừa thiết lập được sự hiện diện lâu dài của quân đội Nga trong vùng. Điện Kremlin còn có được một lợi thế tiềm tàng khác, đó là Thủ tướng Nikol Pachinian, không được lòng Moscow lắm, có lẽ sẽ phải đối mặt với khả năng quyền lực bị lung lay sau cuộc khủng hoảng và sau thất bại nặng nề của phía Armenia.

Chả vậy mà tại thủ đô Yerevan, quyết định ký thỏa thuận ngừng bắn của Thủ tướng Armenia gây một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, ngay sau khi lệnh ngừng bắn được thông báo. 17 đảng phái đối lập Armenia đã ra tuyên bố chung, kêu gọi thủ tướng Nikol Panachian từ chức. Trên Facebook, ông Nikol Panachian khẳng định trong một tuần nữa sẽ đưa ra chi tiết về thỏa thuận này.

Thổ Nhĩ cũng được cho là bên được lợi. Theo nhiều nhà quan sát, lợi ích chính của Ankara nằm trong điều 9 của thỏa thuận, buộc Armenia chấp nhận một trục đường trực tiếp nối Thổ Nhĩ Kỳ, đi qua lãnh thổ Armenia đến Baku, thủ đô của Azerbaijan và biển Caspi. Tổng thống Erdogan từ lâu đã đặc biệt không giấu giếm mong muốn được đi thẳng đến biển Caspi và Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ có biên giới với khu vực tự trị Nakhchivan của Azerbaijan (giáp tỉnh Igdýr phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ).

Phía Armenia cho rằng, kế hoạch của Ankara trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh là nhằm liên kết lãnh thổ của mình với Azerbaijan: mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan là cắt đứt biên giới Artsakh với Iran, tiếp cận biên giới Armenia và cắt qua hành lang tới Nakhichivan.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.