Thấy gì từ các xung đột vùng Kavkaz?

Thứ Năm, 12/11/2020, 10:31
Nằm ở 3 cửa ngõ Tây, Nam và Đông nước Nga, các nước đồng minh từng là một phần của Liên Xô cũ Belarus, Armenia và Kyrgyzstan vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Nga.

Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng, bạo loạn đang diễn ra xung quanh biên giới Nga, từ biểu tình kéo dài phản đối kết quả bầu cử tổng thống tại Belarus, cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, mới đây là cuộc khủng hoảng chính trị ở Kyrgyzstan cho thấy các liên minh trong vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga đang vấp phải những thách thức mới.

Biểu tình của phe đối lập ở Belarus.

Belarus

Trong 3 cuộc khủng hoảng nêu trên, cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất là ở Belarus bởi nó khiến Moscow có nguy cơ mất đi đồng minh quý giá nhất và đối tác kinh tế thân cận nhất của mình. Từ một quốc gia yên bình nhất trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Belarus đã trở thành khu vực bất ổn nhất ở cửa ngõ phía Tây của Nga.

Điều nghịch lý là cuộc khủng hoảng Belarus lại nảy sinh từ những tính toán sai lầm của Tổng thống Alexander Lukashenko. Về bản chất, kịch bản này bắt nguồn từ việc Belarus từng bước tách khỏi Nga và tăng cường quan hệ với phương Tây, đặc biệt sau sự kiện Maidan Kiev năm 2014.

Chính sách đối ngoại đa phương của Minsk do chính ông Lukashenko khởi xướng nhằm biến Belarus thành một quốc gia trung lập giữa Nga và NATO, đồng thời bảo toàn các lợi ích kinh tế từ Điện Kremlin. Tuy nhiên, trong bối cảnh đối đầu Nga - phương Tây ngày càng gay gắt, chính sách như vậy khiến Belarus bị kẹp giữa hai gọng kìm và chắc chắn sẽ trở thành sân khấu cho một cuộc đụng độ nguy hiểm.

Armenia

Cuộc chiến ở Nagorny-Karabakh là cuộc khủng hoảng cấp tính thứ hai mà các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Nga phải đối mặt. Cuộc chiến này có nhiều khía cạnh nhưng khía cạnh quan trọng nhất là quan hệ đồng minh với Armenia. Moscow đang phải đối mặt với một tình huống chưa từng gặp - đồng minh Armenia bị đối tác chiến lược của Nga là Azerbaijan tấn công. Nước này còn được hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc khu vực có quan hệ phức tạp, vừa là đối tác vừa là đối thủ với Nga.

Nhìn chung, giới lãnh đạo Nga đã cố gắng duy trì sự cân bằng trong cách tiếp cận cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh. Nga nỗ lực chấm dứt đổ máu càng sớm càng tốt nhưng tránh tham gia trực tiếp vào các hành động thù địch, bởi điều này không chỉ phá vỡ cơ hội hòa bình mong manh giữa các dân tộc trong nước và gây ra một cuộc chiến mới ở Kavkaz, mà còn có thể dẫn đến xung đột vũ trang với Thổ Nhĩ Kỳ.

Kyrgyzstan

Tình trạng bất ổn gần đây đã dẫn đến lần thay đổi chính quyền tiếp theo ở Bishkek và là lần thứ ba kể từ năm 2005. Quyền lực ở Kyrgyzstan thường xuyên thay đổi nhưng nước này vẫn là đồng minh và đối tác kinh tế của Nga. Hơn nữa, chiến thuật “ve vãn” của Kyrgyzstan đối với Mỹ, kết hợp với sự hiện diện của một căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của mình, đã phát huy tác dụng.

Nga duy trì đường lối không can thiệp vào nội bộ gia tộc và các vụ phạm tội có liên quan đến vấn đề này thường xuyên xảy ra ở Kyrgyzstan nhưng họ vẫn có lợi ích ở đất nước này. Đó là căn cứ của Lực lượng không quân vũ trụ Nga ở Kant, trung tâm thử nghiệm Hải quân ở Issyk-Kul và các chi nhánh phức hợp quân sự-công nghiệp. Và tất nhiên, dân số nói tiếng Nga vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể và tiếng Nga vẫn là ngôn ngữ chính thức ở quốc gia Trung Á này. Trên thực tế, những lợi ích này, cũng như vị trí địa chính trị của Kyrgyzstan tạo nên sức nặng cho một liên minh với Bishkek so với Moscow.

Có thể thấy Nga đang gặp khó trong duy trì sự kiểm soát của mình trong không gian hậu Xôviết, một phần do liên kết chính trị chưa chặt chẽ, một phần đến từ chi phí đắt đỏ để duy trì hiện diện an ninh trên phạm vi rộng lớn. Nga phải tạm dừng nâng cấp các căn cứ quân sự ở khu vực Trung Á để sử dụng cho các chương trình xã hội như đối phó với tác động của đại dịch COVID-19 và nâng cao mức sống người dân.

Rõ ràng, các cuộc khủng hoảng liên tục xảy ra xung quanh biên giới nước Nga đang làm thay đổi kế hoạch của Nga với mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế, quốc phòng với các quốc gia thuộc không gian hậu Xôviết.

Ngoài ra, Nga cũng đối mặt sự cạnh tranh ngày càng lớn với một số quốc gia khác. Trung Quốc tận dụng đòn bẩy từ sức mạnh kinh tế để xây dựng và củng cố ảnh hưởng ở khu vực Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ muốn khẳng định sự quan trọng của mình trong khu vực trải rộng từ Đông Địa Trung Hải đến Biển Đen từ vùng Balkan đến Kavkaz và cả Trung Á. Vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ công khai hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột quân sự với Armenia ở Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, châu Âu ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng, đặc biệt đối với giới trẻ tại khu vực này.

Theo giới chuyên gia, ngoài cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại Trung Á, rõ ràng nguồn lực hiện nay của Nga chưa đủ để duy trì cùng lúc trên nhiều mặt trận. Ngoài ra, Nga cần chú trọng hơn vào các công cụ của “quyền lực mềm” để mở rộng sự ảnh hưởng. Hiện nay, vị trí của Nga trong bảng xếp hạng quyền lực mềm do cơ quan tư vấn quốc tế Portland tổng hợp đang giảm dần. Năm 2016, Nga ở vị trí thứ 26 và đã giảm xuống thứ 30 trong năm 2019. Vị trí hàng đầu thuộc về Pháp, Anh và Đức.

Những động thái gần đây cho thấy, Nga đang đi đến thay đổi cách tiếp cận của mình đối với "quyền lực mềm" và công việc của Cơ quan hợp tác Liên bang Nga, trước hết là vấn đề nhân sự. Dù đây không phải là yếu tố quyết định, song việc cải tổ có thể là biện pháp quan trọng để củng cố và mở rộng ảnh hưởng của Nga trong khu vực và trên thế giới.

Quang Nguyễn (Tổng hợp)
.
.