Hội nghị Hòa bình Paris: Giải pháp “Hai nhà nước” bao giờ mới thực thi?

Thứ Năm, 19/01/2017, 17:20
Hội nghị Quốc tế về hòa bình Trung Đông (Hội nghị Hòa bình Paris) diễn ra ngày 15-1-2017 tại thủ đô Paris của Pháp đã tiếp tục gióng lên tiếng nói chung sau hơn 2 năm tiến trình đàm phán chấm dứt xung đột giữa Israel và Palestine bị đình trệ do những vấn đề gút mắc không được giải quyết đến nơi đến chốn.

Đại diện cấp cao (cấp bộ trưởng) của khoảng 70 quốc gia trên thế giới, bao gồm nhiều nước chủ chốt ở châu Âu, kể cả Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và khối Arập ở Trung Đông và Bắc Phi, đã đến dự hội nghị một ngày tại Paris hôm 15-1. Nhưng không có đại diện nào của Israel và Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng Hội nghị Hòa bình Paris sẽ “chẳng có tác dụng gì”, vì thế Israel từ chối cử đại diện tham dự.

Hội nghị Hòa bình Paris được xem là một nỗ lực mới, tiếp theo sau hội nghị cấp bộ trưởng cũng tổ chức ở Paris vào tháng 6-2016. Mục đích của hội nghị lần này là tiếp tục khẳng định sự ủng hộ một giải pháp công bằng, lâu dài và toàn diện cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Các lãnh đạo dự Hội nghị Hòa bình Paris.

Diễn ra chỉ 5 ngày trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, hội nghị được xem như một diễn đàn để các quốc gia gửi đến Tổng thống đắc cử Mỹ Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu một thông điệp rõ ràng: Cho dù các nỗ lực tìm kiếm hòa bình trước đây đã bị phá sản, nhưng các nỗ lực hòa bình vẫn có thể tái khởi động, và giải pháp “hai nhà nước” là sự lựa chọn tốt nhất có được hòa bình, an ninh và sự ổn định cho Israel và cho khu vực.

Giải pháp “Hai nhà nước”, việc dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, những vấn đề then chốt trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine trước đây như vấn đề an ninh, đường biên giới, hồi hương người Arập tị nạn do xung đột, đặc biệt là việc xây dựng nhà ở trong các khu định cư trên đất của người Palestine và sự công nhận Nhà nước Do Thái tiếp tục được đặt ra và thảo luận tại Hội nghị Hòa bình Paris.

Trong các vấn đề trên, vấn đề quy chế của Jerusalem được thảo luận căng thẳng nhất, trong đó việc di dời Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem được xem là vấn đề nóng nhất, thu hút sự quan tâm thảo luận tại hội nghị. Phát biểu trước các phóng viên báo chí, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không đồng tình với việc đưa vấn đề di dời Đại sứ quán Mỹ vào thảo luận tại hội nghị, cho đó là điều không phù hợp, vì đây là vấn đề còn đang được thảo luận công khai ở Mỹ.

Hội nghị Paris hồi tháng 6-2016 đã đổ vỡ với việc chính quyền Israel tiếp tục thách thức, gây phẫn nộ khắp thế giới, tiếp tục triển khai xây dựng nhà ở trên đất của người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan và Đông Jerusalem. Ý tưởng của Hội nghị là nhằm tiếp tục nỗ lực ngăn chặn sự biến mất hoàn toàn của tiến trình tìm kiếm hòa bình cho khu vực Trung Đông trước nhiều vấn đề nổi cộm khác trên thế giới đang hút lấy sự bận tâm của Mỹ và các cường quốc thế giới nhưng xem ra khó đạt được mục đích cuối cùng.

Nước chủ nhà Pháp đã cho rằng Hội nghị Hòa bình Paris không nhằm mục đích áp đặt điều gì đối với Israel hay Palestine, vì vậy sẽ không có gì xảy ra nếu Tổng thống đắc cử Trump và Israel “phớt lờ” những khuyến nghị nêu trong Tuyên bố Kết luận của hội nghị.

Đại diện lãnh đạo Palestine, tiến sĩ Saeb Erekat.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã phát biểu một cách ngụ ý rằng Hội nghị Hòa bình Paris đã “lăn trái bóng về phía trước”. Nhưng nhiều ý kiến của giới chuyên gia cho rằng, Hội nghị Hòa bình Paris thực chất không tạo được bước chuyển biến nào, mà chủ yếu chỉ là những lời kêu gọi và khuyến cáo nghe đã “cũ mèm” và nhạt nhẽo, chẳng có mấy sức mạnh thuyết phục cả Israel lẫn người Palestine.

Qua hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Obama, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine cho đến nay hầu như đã phá sản. Hầu hết các mục tiêu đặt ra ban đầu cho tiến trình đến nay còn rất xa vời. Israel vẫn tiếp tục các chính sách hung hăng, tiếp tục tạo ra “chứng cứ thực địa” bằng việc xây dựng nhà ở trên đất chiếm đóng của người Palestine, dùng nhiều thủ đoạn để xua đuổi người Palestine khỏi nơi ở hợp pháp của họ. Trong khi đó, nội bộ người Palestine, giữa Phong trào Hamas ở Dải Gaza và Fattah ở Bờ Tây sông Jordan hiện vẫn đang chia rẽ và chưa có triển vọng nào xích lại gần nhau.

Đại diện lãnh đạo Palestine, Tiến sĩ Saeb Erekat phát biểu: “Đã đến lúc thôi giao dịch với một nước Israel đứng trên pháp luật và buộc nước này phải chịu trách nhiệm cho những vi phạm nhân quyền và pháp luật quốc tế một cách có hệ thống”.

Đồng thời, ông Erekat cũng kêu gọi nước Pháp sớm công nhận Nhà nước Palestine, tiến tới việc chính thức thành lập Nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ bao gồm cả các đường ranh giới trước cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Tuy nhiên, niềm hy vọng đó của người Palestine có lẽ còn lâu mới thành hiện thực, khi sự thay đổi về nhân sự lẫn chính sách đối với Trung Đông sẽ diễn ra ở Mỹ sắp tới.

An Châu (tổng hợp)
.
.