Iran được “cởi trói” sau quyết định của Liên Hiệp Quốc?

Thứ Hai, 31/08/2020, 11:07
Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã phủ quyết nghị quyết của Mỹ nhằm kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran ngày 14-8. Đây là một “tin vui” đối với Iran và ngay lập tức, nước này đã tuyên bố tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt với Nga và cho biết sẽ hướng tới một “cấp độ mới” trong tương lai gần.

Hướng tới một “cấp độ mới”

Ngày 22-8, Đại sứ Iran tại Nga Kazem Jalali tuyên bố hợp tác quân sự giữa Nga-Iran đang tăng nhanh “từng ngày” và sẽ đạt tới một cấp độ mới. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami đã tới Moscow. Ông có cuộc gặp quan trọng với các quan chức quân đội cấp cao của Nga, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng. Đại sứ Iran nhấn mạnh, bằng cách bỏ phiếu chống lại nghị quyết do Mỹ đề xuất nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, Nga đã cho thấy nước này phản đối “các hành động bất hợp pháp và những cố gắng vô căn cứ của Mỹ”.

Nhà ngoại giao Iran cũng khẳng định “hợp tác giữa Iran và Nga liên quan tới các vấn đề quân sự và quốc phòng đang tăng nhanh từng ngày. Một chương mới trong hợp tác giữa Iran và Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự đang mở ra”.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran thăm Moscow.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Moscow, Bộ trưởng Amir Hatami, đã đến dự Diễn đàn Quân sự quốc tế Army 2020. Ông Hatami đã nói về kế hoạch đánh bại “chủ nghĩa khủng bố hàng không” của Mỹ cũng như các loại vũ khí của Iran và Tehran đang chuẩn bị xuất khẩu cho những nước nào vào tháng 11 tới. Ông Hatami cũng cho biết những đổi mới quân sự nào sẽ khiến Israel và Mỹ phải lo sợ cũng như lý do tại sao một số nước lại e ngại trước những kế hoạch mới trong hợp tác kỹ thuật-quân sự của Liên bang Nga và Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Theo ông Hatami, hợp tác quân sự giữa Iran và Nga đang bị đe dọa bởi một số quốc gia. Hợp tác quân sự-công nghiệp hai nước đã phải đối mặt với hàng loạt trở ngại gắn với các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Tuy nhiên, Iran không thụ động và tiếp tục phát triển lực lượng vũ trang của họ. Cụ thể, sau khi Nga ngừng cung cấp các hệ thống phòng không S-300, Iran đã tập trung vào việc chủ động phát triển các phương tiện phòng không và hiện giờ, Iran có những hệ thống chắc chắn, đáng tin cậy, đủ khả năng triệt hạ mục tiêu ở các cấp độ thấp, trung bình và cao.

Iran sản xuất được hầu hết vũ khí cần thiết dành cho tất cả các binh chủng và loại hình của lực lượng vũ trang nước này. Một số loại vũ khí bị xử phạt trong thời hạn 5 năm tương ứng với Nghị quyết 2231 của HĐBA. Điều đó có nghĩa là để bán được vũ khí, Iran phải được HĐBA cấp phép. Tuy nhiên, vốn biết quá rõ lập trường thù địch của Mỹ nên Iran không đề nghị cấp phép này mà tìm cách xuất khẩu những sản phẩm khác.

Ông Hatami cho rằng, chính sách của lực lượng vũ trang Iran về vũ khí có hướng tự cung tự cấp và nội địa hóa các vũ khí hiện đại nhưng như thế không có nghĩa là nước này có thể đáp ứng 100% toàn bộ nhu cầu vũ khí của họ. Tuy nhiên, khác với nhiều nước trong khu vực, Iran không định biến cả nước thành kho vũ khí.

Trong kế hoạch 4 năm gần nhất của Bộ Quốc phòng Iran, ưu tiên là nâng cao khả năng phòng thủ chiến lược. Năm ngoái, Iran đã có thành quả sáng giá về chế tạo tên lửa. Đó là chế tạo tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn với sức mạnh chiến thuật cao, chế tạo tên lửa hành trình hải quân với tầm bắn trên 1.000 km. Lĩnh vực chế tạo thiết bị phòng không vẫn đang phát triển không ngừng.

Iran đã thành công trong việc chủ động phát triển hệ thống bảo vệ chống tên lửa hành trình và hệ thống phòng không cơ động cũng như tới đây sẽ sớm giới thiệu những sản phẩm mới về thiết bị phòng không trên tàu ngầm. Iran cũng đạt thành tựu trong việc phát triển tên lửa chống tăng. Nước này đã thu xếp ổn thỏa chu trình sản xuất trong nước những thiết bị kỹ thuật và xe tăng, xe bọc thép khác nhau.

Trong ngành hàng không, Iran đã thiết kế và chế tạo máy bay huấn luyện-chiến đấu Yasin, đã nội địa hóa hoàn toàn việc sản xuất máy bay huấn luyện-chiến đấu. Hiện giờ, Iran có cả máy bay chiến đấu hạng nhẹ và trực thăng nội địa. Trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay, Iran đã khởi động dây chuyền sản xuất động cơ turbin đầu tiên, đồng thời nội địa hóa hoàn toàn chu trình sản xuất động cơ turbin cánh quạt hạng nhẹ thế hệ thứ 4 đầu tiên của Iran.

Trong ngành hàng hải, Iran đã thiết kế và chế tạo các loại tàu nổi và tàu ngầm, đồng thời thực hiện những bước đi nghiêm túc về trang bị cho các chiến hạm những vũ khí hiện đại nhất, chẳng hạn như tên lửa hành trình Abu Mahdi với tầm bắn xa đạt hơn 1.000 km.

Vớt vát lợi ích từ JCPOA

Lời phủ quyết vang dội mà HĐBA LHQ đưa ra hôm 14-8 đối với nghị quyết do Mỹ vận động nhằm kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đố với Iran là một thắng lợi đối với Iran, khiến Iran “thở phào” và có thể tìm ra những hướng hợp tác mới với các đối tác. HĐBA đã công nhận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) - Thỏa thuận hạt nhân Iran là một thỏa thuận hợp lệ và có thể gia hạn, mặc dù văn bản này hiện chỉ còn “thoi thóp”.   

Với Iran, quyền xuất nhập khẩu vũ khí thông thường như xe tăng, máy bay chiến đấu và tàu chiến là một trong nhiều lợi ích của JCPOA, được ký kết vào tháng 7-2015 và là một trong những động lực mong manh cuối cùng níu chân nước này với thỏa thuận, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào tháng 5-2018.

Hoạt động hợp tác quân sự của Iran như được cởi trói sau quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Do đó, việc lệnh cấm vận vũ khí kéo dài trong 13 năm qua không được gia hạn chắc chắn là tin vui đối với Tehran. Mặc dù vậy, Iran vẫn bị tước đi phần lớn những lợi ích mà nước này đáng ra phải thu được nhờ JCPOA, chẳng hạn xuất khẩu dầu không hạn chế cho các khách hàng, kết nối với các ngân hàng và thể chế tài chính quốc tế, xuất khẩu một số hàng hóa sang Mỹ, như thảm, hạt dẻ cười và mua máy bay chở khách dân dụng cũng như bảo hiểm cho tàu chở dầu sang các nước khác.

Vì vậy, có lẽ Iran cũng không nên hoan hỉ ăn mừng việc HĐBA bác bỏ nghị quyết của Mỹ, bởi Nhà Trắng vốn đã thành công trong việc bóp nghẹt nền kinh tế Iran và chấm dứt thời kỳ hoàng kim của nền chính trị-ngoại giao nước này bằng cách rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Cuộc bỏ phiếu của HĐBA đã khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì JCPOA và đảm bảo thỏa thuận này được thực thi đa phương và hiệu quả. Nghị quyết của Mỹ bị bác bỏ chủ yếu do các thành viên HĐBA đều chia sẻ quan điểm pháp lý rằng Mỹ không còn là thành viên JCPOA nữa và không thể viện dẫn các điều khoản của thỏa thuận để tăng cường các biện pháp hạn chế đối với Iran thông qua các cơ chế của LHQ. Khi HĐBA đã “chống lưng” cho JCPOA, Iran và các bên ký kết thỏa thuận khác có bổn phận phải bảo vệ và tuân thủ đầy đủ, không do dự hay e dè.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.