Kênh đào Suez mới, lối thoát cho nền kinh tế Ai Cập

Thứ Tư, 02/09/2015, 14:35
Sau một năm khẩn trương xây dựng, vào ngày 7/8 vừa qua chính quyền Ai Cập đã chính thức khánh thành kênh đào Suez mới được mệnh danh là "công trình thế kỷ".

Theo kế hoạch ban đầu công trình xây dựng khổng lồ này sẽ được tiến hành với thời hạn 5 năm, nhưng đích thân Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi mới lên nắm quyền đã hạ lệnh phải gấp rút hoàn thiện "công trình thế kỷ" trong vòng một năm, kịp thời tạo "cú hích mới" thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Ai Cập. Lập tức tất cả các cỗ máy xúc đào liên hoàn hiện đại nhất trên cả nước được huy động tới công trường, hoàn thành việc đào xới 258 triệu m3 đất đá theo đúng tiến độ nhằm tạo ra dòng kênh mới dài 72km.

Rút kinh nghiệm từ quá khứ khi xây dựng kênh đào Suez vào cuối thập niên 70 thế kỷ XIX, do không trả được nợ nên Ai Cập mất quyền quản lý và khai thác kênh vào tay người Anh suốt nửa thế kỷ sau đó. Lần này, Chính phủ Ai Cập đã tự ban hành lượng trái phiếu trị giá 9 tỉ USD, với lãi suất 1 năm là 12% để huy động nguồn kinh phí xây kênh mới.

Lễ khánh thành kênh đào Suez, năm 1869.

Trong bối cảnh đà lạm phát đang ở mức 10% mỗi năm, nhiều người dân Ai Cập có khả năng tài chính đã ồ ạt bỏ tiền ra đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tạo thuận lợi để "công trình thế kỷ" hoàn thành đúng thời hạn.

Kênh đào Suez chạy xuyên bán đảo Sinai trên lãnh thổ Ai Cập, nối Địa Trung Hải với biển Đỏ là tuyến hàng hải ngắn nhất để vận chuyển hàng hóa từ châu Âu sang châu Á và ngược lại, chiếm tỷ trọng hơn 20% khối lượng vận tải đường thủy thường niên của cả thế giới.

Thực ra chỉ có 35km lòng kênh là được xây dựng hoàn toàn mới, chạy song song với tuyến kênh cũ dài 164km; 37km còn lại thuộc phần chính yếu của dòng kênh cũ được đào sâu và mở rộng, khiến tàu bè có thể đi lại cả 2 chiều trên đoạn kênh này. Kết hợp với 35km mới đào đã rút ngắn thời gian lưu chuyển qua khu vực kênh Suez từ 18 giờ xuống còn 11 giờ. Sau khi được mở rộng, nhờ giảm được 7 tiếng đồng hồ hành trình nên số lượt phương tiện qua lại sẽ tăng gần gấp đôi, từ 49 tàu/ngày hiện nay lên 97 tàu/ngày vào năm 2023.

Đồng thời khoản lợi nhuận thường niên, bổ sung cho ngân sách Ai Cập từ việc thu phí qua kênh đào cũng tăng từ 5,3 tỉ USD lên 13,2 tỉ USD trong vòng 15 năm tới. Trong tương lai, cả vùng lưu vực kênh Suez sẽ trở thành một khu công nghiệp khổng lồ, đóng góp doanh thu hàng năm lên tới 30 tỉ USD chiếm gần 1/10 GDP của đất nước.

Quang Phú (theo Deutsche Welle)
.
.