Khả năng đóng cửa của Chính phủ Mỹ: Liệu kịch bản có lặp lại?

Thứ Hai, 28/09/2015, 15:15
Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải đóng cửa vào tuần tới nếu Quốc hội không thể thông qua được dự luật chi tiêu cho tài khóa 2016 trước thời hạn chót vào ngày 1/10 cũng như không hóa giải được cuộc tranh cãi liên quan đến tới Planned Parenthood - tổ chức y tế chuyên ủng hộ việc nạo phá thai.

Bất đồng lớn nhất hiện nay có lẽ là việc các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối bất cứ kế hoạch nào kèm theo việc tiếp tục tài trợ cho Planned Parenthood.

Chuẩn bị cho kịch bản đóng cửa

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu các cơ quan chính phủ báo cáo và cập nhật các kế hoạch ứng phó với nguy cơ bị buộc ngừng hoạt động vào tuần tới nếu Quốc hội không đạt được thỏa thuận về ngân sách nhằm cấp tiền cho chính phủ hoạt động trước thời hạn chót vào ngày 1/10 tới.

Phát biểu trong phiên họp báo thường kỳ (ngày 23/9), người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnes cho hay việc chính phủ liên bang bắt đầu có phương án dự phòng trước nguy cơ đóng cửa là động thái thận trọng cần thiết. Ông hối thúc đảng Cộng hòa và Dân chủ vượt qua cuộc chiến về ngân sách và những khác biệt đảng phái để tránh lặp lại kịch bản Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần như hồi năm 2013.

Mặc dù được cảnh báo đến hạn chót 30/9, nếu lưỡng viện Mỹ không đạt được đồng thuận về ngân sách tài khóa 2016 thì một số cơ quan chính phủ của Mỹ phải tạm ngừng hoạt động do không có kinh phí, cho đến nay, các nghị sĩ Cộng hòa vẫn kiên quyết phản đối bất cứ kế hoạch nào kèm theo việc tiếp tục tài trợ cho tổ chức y tế ủng hộ việc phá thai "Planned Parenthood".

Bất chấp điều này, các nghị sĩ Dân chủ lại khẳng định sẽ ngăn chặn mọi dự luật chống lại tổ chức này.

Công viên Quốc gia tại Mỹ đóng cửa trong thời gian chính phủ ngừng hoạt động, năm 2013.

Không chỉ dừng lại bất đồng phe phái, ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng bị chia rẽ, cụ thể là giữa giới lãnh đạo đảng Cộng hòa tại hai viện và các nghị sĩ theo đường lối bảo thủ. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa John Boehner, cùng Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số cũng thuộc đảng Cộng hòa từ lâu đã yêu cầu hai bên nỗ lực tránh tái diễn kịch bản chính phủ đóng cửa.

Điều này khiến giới bảo thủ trong đảng Cộng hòa không hài lòng và dọa sẽ "phế truất" cương vị Chủ tịch Hạ viện của ông Boehner nếu như vị chính khách này không ngăn chặn được việc cấp ngân sách cho "Planned Parenthood".

Dự toán ngân sách cho tài khóa 2016 được Tổng thống Obama công bố hồi tháng 2, theo đó Chính phủ Mỹ sẽ chi 4.000 tỉ USD cho năm tới, trong khi dự kiến thâm hụt ngân sách vào khoảng 474 tỉ USD. Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ tăng chi ngân sách cho các chương trình nội địa như xây dựng cầu đường…

Chính quyền Obama cũng sẽ thu về 2.000 tỉ USD tiền thuế trong 10 năm tới bằng việc đánh thuế cao hơn đối với tầng lớp giàu có, các doanh nghiệp và người hút thuốc lá. Tuy nhiên, phe Cộng hòa chỉ trích kế hoạch tăng chi tiêu nội địa và cải cách thuế của Nhà Trắng sẽ chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong khi không khắc phục được vấn đề lớn nhất là chi tiêu ngày một tăng cao của chính phủ.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Hẳn nhiều người còn nhớ, lần gần đây nhất Chính phủ Mỹ phải đóng cửa là năm 2013, khi đó đảng Cộng hòa tìm cách ngăn chặn việc cải cách chương trình y tế do Tổng thống Barack Obama đề xuất. Lần đóng cửa kéo dài 2 tuần đó đã khiến hàng trăm nghìn công chức liên bang phải tạm nghỉ việc và các công viên quốc gia phải đóng cửa, khiến kinh tế Mỹ bị thiệt hại khoảng 24 tỉ USD.

Một kịch bản thậm chí tồi tệ hơn được tính tới nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa một lần nữa trong năm 2015.

Tổn thất lớn nhất có lẽ là khoảng 1 triệu công chức liên bang Mỹ phải nghỉ làm không lương bắt đầu từ ngày 1/10, cao hơn nhiều so với con số 850.000 người phải nghỉ việc trong 17 ngày đóng cửa hồi tháng 10/2013. Ngoại trừ một lượng nhỏ những người lao động "ngoại lệ" như nhân viên kiểm soát không lưu, cai ngục và thanh tra thực phẩm  vẫn phải làm việc, những người cứ tiếp tục làm việc trong thời gian chính phủ đóng cửa  sẽ bị phạt.

Không thể không kể đến hậu quả đối với thị trường tài chính. Ngoài những bất ổn tiềm tàng trên thị trường nói chung, những công ty từng hy vọng có thể huy động được tiền từ việc phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu nhiều khả năng sẽ phải trì hoãn các kế hoạch của mình và đối mặt với tình trạng trì trệ nói chung.

Nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn có thể đệ đơn lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ, song việc giải quyết các đơn từ sẽ bị tạm dừng trong thời gian chính phủ đóng cửa. Các công ty dược phẩm - vốn đang đợi quyết định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm - cũng có thể phải chứng kiến sự trì hoãn trong nhiều ngày.

Trong khi đó đề cập đến các nhà thầu chính phủ, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Stardard & Poor's cho biết nếu chính phủ chỉ đóng cửa trong thời gian gần hai tuần thì động thái đó sẽ không làm tổn hại đến các nhà thầu quốc phòng lớn vì các nhà thầu đó có thể tạm thời vượt qua được giai đoạn khó khăn này mà không cần đến các khoản thanh toán thầu liên bang. Tuy nhiên, nếu chính phủ đóng cửa lâu hơn, động thái đó có thể sẽ làm suy yếu khả năng tài chính cũng như thanh khoản của các nhà thầu quốc phòng nhỏ hơn.

Riêng lực lượng vũ trang Mỹ, tất cả các quân nhân sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ như bình thường. Tuy nhiên, nhiều nhân viên dân sự có thể sẽ phải tạm thời nghỉ việc. Những thông báo chính thức về vấn đề nghỉ việc sẽ được đưa ra vào ngày 1/10 nếu như Quốc hội không đạt được thỏa thuận về ngân sách.

Một cơ quan công quyền phải đóng cửa vào tháng 10/2014.

Còn Sở Thuế vụ, ngày 15/10 là hạn chót cho những người Mỹ đã được gia hạn đóng thuế từ ngày 15/4. Sở Thuế vụ sẽ chấp nhận việc hoàn trả và nộp thuế trong thời gian chính phủ đóng cửa, nhưng sẽ tạm dừng một số hoạt động khác. Khoảng 90% lực lượng lao động của Sở Thuế vụ cũng sẽ phải nghỉ việc, điều đó có nghĩa là các tổng đài có thể sẽ đóng và các hoạt động kiểm toán sẽ bị tạm dừng.

Mặc dù nền kinh tế được xem là đang trong giai đoạn phục hồi, song giới phân tích cho rằng, bất kỳ biến động nào trên thị trường lao động, tài chính… liên quan đến kịch bản chính phủ đóng cửa, đều gây bất lợi cho tốc độ phát triển của nền kinh tế, vốn đã bị Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tháng 6 vừa rồi hạ dự báo tăng trưởng xuống còn 1,6% GDP, thấp hơn mức đưa ra trước đó là hơn 1,8%.

Những chuyện dở khóc dở cười khi Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động năm 2013:

- Khoảng 125.000 binh sĩ Mỹ, phần lớn thiệt mạng trong hai cuộc thế chiến, được chôn cất ở 24 nghĩa trang trên toàn thế giới, và 20 trong số đó nằm ở châu Âu. Việc chính phủ ngừng hoạt động đã buộc các binh sĩ này, vốn đang yên nghỉ ở những nơi cách quê nhà hàng chục nghìn kilômét, cũng tạm thời không có được sự thăm viếng của người thân.

- Công dân hết đường về nước: Lãnh thổ hai nước Canada và Mỹ được ngăn cách bằng một đường biên giới dài gần 9.000 km, với hơn 8.000 cột mốc cắt ngang. Việc bảo trì và dọn dẹp các cột mốc này từ trước tới nay vẫn là nhiệm vụ của 8 nhân viên địa phương, nhưng sau khi Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động, chỉ 7 người trong số họ được phép về nhà.

- Cơn sốt thịt ở Kentucky: Tình trạng này đã xảy ra một ngày trước khi Quốc hội Mỹ tuyên bố chính phủ ngừng hoạt động, tại căn cứ quân sự Fort Campbell, các siêu thị quốc doanh ở khu vực này đã bị đẩy vào tình trạng "cháy" thịt trước cơn sốt mua hàng của người dân.

- Các vận động viên xui xẻo: Các ứng cử viên cho chặng đua điền kinh Grindstone ở bang Virginia dù mất cả năm luyện tập, trước khi cuộc thi này đột ngột bị chấm dứt. Nguyên nhân là bởi địa điểm diễn ra cuộc thi nằm trong một công viên quốc gia, nơi cũng bị đóng cửa khi chính phủ ngừng hoạt động.

- Bệnh viện không bệnh nhân: Vì thiếu ngân sách hoạt động, nên Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, thuộc Viện Y tế Quốc gia, lần lượt cho xuất viện khoảng 200 bệnh nhân, bao gồm cả những trẻ em bị ung thư, mỗi tuần. Theo lời một  bác sĩ, viện không nhận thêm bất cứ bệnh nhân mới nào cho tới khi Quốc hội đồng ý thông qua một gói cứu trợ và chính phủ tái hoạt động.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.