Khủng hoảng Hy Lạp và sức hút của đồng euro

Thứ Năm, 23/07/2015, 21:20
Cuộc khủng hoảng Hy Lạp có thể tạm thời giảm căng thẳng sau khi Chính phủ và Quốc hội nước này “đầu hàng” Liên minh châu Âu (EU), chấp nhận áp dụng gói thắt lưng buộc bụng mới để tiếp tục được cứu nợ. Trớ trêu, đó lại được gọi là một “thắng lợi cay đắng” của EU, bởi sau khi khuất phục được chính phủ cánh tả của Hy Lạp, EU phải hy sinh cái quan trọng hơn: đồng tiền chung euro đang dần mất đi sức hấp dẫn của nó, vì “cái gương Hy Lạp”.

Một chuyên gia bình luận về tài chính ở châu Âu tiếc rẻ thốt lên rằng, đồng tiền euro từng một thời là niềm khao khát gia nhập của toàn thể châu Âu, nhưng hiện nay, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp với cách xử trí cứng rắn của các cường quốc châu lục, việc trở thành một đối tác trong khối đồng tiền chung đang ngày càng kém hấp dẫn đối với nhiều quốc gia châu Âu.

Hàng loạt quốc gia từng mong muốn gia nhập khối đồng tiền chung, như Ba Lan, Công hòa Séc, Hungary, Bulgary và một số quốc gia khác ở Đông và Nam Âu, một bộ phận dân chúng cũng như giới chính khách đánh giá việc gia nhập khu vực đồng euro hiện là "đầy rủi ro và tốn kém", trong đó việc chấp nhận mất một phần đáng kể chủ quyền quốc gia là cái giá phải trả cao hơn các lợi ích đạt được.

Trước khủng hoảng Hy Lạp, các quốc gia này đã lưỡng lự, chưa quyết định gia nhập thành viên vì còn cân nhắc lợi hại, nhưng sau khi khủng hoảng Hy Lạp xảy ra, với những biện pháp được xem là "đòn trừng phạt" mà khối dành cho Athens, người ta đã có ý kiến rõ ràng hơn, với giới chính khách nghiêng hẳn về phía không gia nhập.

Thủ tướng Hungary Viktor Orbán (phải) với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ba Lan là thành viên EU có nền kinh tế lớn nhưng nằm ngoài khu vực Eurozone. Đảng cầm quyền Diễn đàn Công dân, đảng của ông Donald Tusk - Chủ tịch Hội đồng châu Âu - từ lâu đã ủng hộ việc gia nhập Eurozone. Nhưng gần đây, đảng này lại tỏ thái độ hết sức thận trọng khi bàn đến vấn đề này. Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz thậm chí còn phát biểu rằng ông chưa từng nói rằng "tôi sẽ sử dụng đồng euro. Không phải hôm nay, không phải ngày mai, và không phải trong 5 năm tới".

Còn đảng cánh hữu Luật pháp và Công lý, với Andrzej Duda vừa được bầu làm Tổng thống mới của Ba Lan, càng thể hiện quan điểm rõ ràng hơn, khi một số chính khách hàng đầu của đảng này đã tuyên bố thẳng là sẽ bác bỏ ý tưởng gia nhập Eurozone vì "không muốn làm một "Hy Lạp thứ hai". Với việc cả hai đảng lớn đều lên tiếng không ủng hộ đồng euro, khả năng Ba Lan gia nhập khối này càng trở nên xa vời.

Trong khi đó ở Hungary, Thủ tướng Viktor Orban cũng là người từ lâu phản đối việc nhanh chóng gia nhập Eurozone, và từ trước khi xảy ra khủng hoảng Hy Lạp, công chúng Hungary cũng không mặn mà lắm đối với đồng tiền chung. Cũng giống như các quốc gia khác khi gia nhập EU vào năm 2004, Hungary đã hứa sẽ xem xét gia nhập nhóm Eurozone vào một thời điểm thích hợp, nhưng không đưa ra lịch trình thời gian rõ ràng, chỉ nói chung chung.

Cuộc đấu quyết liệt giữa chính phủ thiên tả ở Athens với phái diều hâu thúc đẩy chính sách thắt lưng buộc bụng ở Brussels và Berlin càng khiến cho Hungary thêm lưỡng lự trước cánh cửa mở vào Eurozone.

Một số trường hợp khác, như Croatia, Tổng thống mới Kolinda Grabar-Kitarovic tuyên bố hồi tháng 4/2015 rằng nước ông sẽ gia nhập Eurozone trong 5 năm nữa, nhưng ngay sau đó lời tuyên bố đã bị Thủ tướng Zoran Milanovic "bắn hạ" cho rằng lời hứa đó không có ích lợi cho Croatia.

Thực tế hiện tại Croatia vẫn còn gặp khó khăn trong cải cách hệ thống tài chính cho phù hợp với các tiêu chuẩn của Eurozone, và sự ủng hộ của công chúng cho vấn đề gia nhập Eurozone cũng đang xuống thấp sau khi xảy ra khủng hoảng Hy Lạp. Còn Romania đã ấn định thời gian gia nhập Eurozone là năm 2019, nhưng ít ai tin mục tiêu đó sẽ thành hiện thực bởi, như phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Romania, Mugur Isarescu, tiến trình gia nhập sẽ còn kéo dài hơn thế, có thể thêm 10 năm nữa.

Đồng euro đang ngày càng mất đi sức hút do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp.

Zoltan Pogatsa, chuyên gia kinh tế chính trị tại Đại học Tây Hungary nhận định, cái lợi lớn nhất của việc gia nhập Eurozone là việc bắt buộc phải tiến hành cải cách hệ thống tài chính theo tiêu chuẩn Eurozone. Nhưng nhiều nước có quy mô nền kinh tế còn nhỏ, như Romania chẳng hạn, chỉ bằng 52% mức bình quân của EU, nên chưa sẵn sàng cho việc này. Và đây cũng chỉ là một trong các lý do. Khi các nước còn lưỡng lự, chưa quyết tâm theo đuổi Eurozone, thì cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã bày ra tất cả những bất lợi, khó khăn đối với một thành viên của Eurozone.

EU đặt mục tiêu lâu dài là tạo ra một liên minh chặt chẽ hơn, và đồng tiền chung chính là chính sách ưu tiên hàng đầu. Chính sách đồng tiền chung được triển khai nhằm ràng buộc các thành viên về chính trị và kinh tế trong khi các bên đối tác có thể tránh được các xung đột. Vì thế, một khi có những vấn đề gây khó khăn cho một thành viên "yếu kém" trong khối khiến cho sự nhiệt tình gia nhập đồng tiền chung bị giảm đi.

Trong vấn đề chính trị - ngoại giao, EU cũng đang ngày càng khiến nhiều quốc gia nằm trong vùng đệm địa chính trị Á-Âu cảm thấy lo âu. Ukraine là một tấm gương khác cho việc chạy theo EU khiến nước này bị "mắc kẹt" giữa hai quyền lực Nga và phương Tây. Việc gia nhập EU hay NATO vẫn còn mù mờ do cả EU và NATO đều không muốn gia tăng thêm căng thẳng với Nga, trong khi tình hình bất ổn về an ninh do hậu quả của việc chạy theo phương Tây vẫn còn chưa giải quyết xong.

Ukraine đang phải trả giá khá đắt, với Crimea đã sáp nhập vào Nga, còn các tỉnh miền Đông (Lugansk và Donetsk) cũng muốn độc lập, tách khỏi Ukraine. Xung đột vũ trang đã làm tổn thương nặng đến nền kinh tế khiến kinh tế Ukraine đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Hiện tại, trong các quốc gia Trung và Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang xuất hiện xu hướng trở về với khái niệm cân bằng Đông - Tây trong mối quan hệ với EU và với nước Nga, hoặc nghiêng hẳn về phía Nga. Armenia và Belarus đã hạn chế quan hệ với EU bằng cách gia nhập Liên minh kinh tế Á-Âu của Nga, trong khi Azerbaijan thậm chí còn không màng đến việc gia nhập khối. Ở Gruzia, giới chính khách đang ngán ngẩm việc phải chờ đợi quá lâu mà không nghe EU hay NATO nhắc đến việc kết nạp thành viên.

Sau Hội nghị thượng đỉnh giữa EU với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ hồi tháng 5/2015 trong đó EU không đề cập gì đến việc kết nạp thành viên, quan điểm của giới chính khách Gruzia bắt đầu có những dao động, và có thiên hướng cải thiện lại quan hệ với Nga. Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 2014 đã gây sốc với tuyên bố sẽ xây dựng một nền dân chủ mới lấy nước Nga làm mô hình mẫu để học tập và làm theo.

Và tại Moldova, tình hình Ukraine đang khiến cho dân chúng và cả giới chính khách nước này đều không còn ý định gia nhập EU. Và cuộc bầu cử tháng 5 vừa qua đã cho câu trả lời: Đảng chủ trương quan hệ gần gũi với Nga giành chiến thắng.

An Châu (tổng hợp)
.
.