Khủng hoảng Mỹ - Iran đi vào ngõ cụt

Thứ Hai, 05/08/2019, 13:46
Sau khi áp đặt biện pháp trừng phạt lên hầu hết các lĩnh vực của Iran từ kinh tế tới quân sự, Mỹ chính thức mở rộng sang lĩnh vực ngoại giao sau khi ra lệnh áp chế tài với Ngoại trưởng Iran. Việc đóng sầm cánh cửa đối thoại với Iran trong chiến lược “áp lực tối đa” của Mỹ không được nhiều nước ủng hộ, ngay cả các đồng minh.

Ngày 31-7, Mỹ ban hành chế tài đối với Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif.

Bản thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ mọi tài sản của ông Zarif tại Mỹ, nếu có, sẽ bị đóng băng, cấm mọi hình thức giao dịch với Ngoại trưởng Iran. Thông qua những biện pháp này, Washington cũng muốn tìm cách ngăn chặn các chuyến công du nước ngoài của ông Zarif nhưng khó có thể áp dụng được đối với các hoạt động của Ngoại trưởng Iran tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York vì theo công ước thành lập LHQ, quốc gia đặt trụ sở của cơ quan này không có quyền từ chối nhập cảnh với đại diện ngoại giao các nước thành viên LHQ.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Như vậy, ông Zarif là quan chức cấp cao tiếp theo của chính quyền Iran, sau Đại Giáo chủ Ali Khamenei và nhiều sĩ quan cao cấp của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Ngoại trưởng Zarif là nhân vật quan trọng trong thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Iran ký kết với Mỹ và các cường quốc dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Trong thông báo lệnh trừng phạt ông Zarif, được đưa ra 2 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiết lộ việc ông bị Tehran từ chối cho phép đến Iran để trực tiếp trò chuyện với người dân nước này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói, với việc áp đặt trừng phạt lên Ngoại trưởng Iran, Mỹ gửi thông điệp rất rõ ràng cho Iran rằng hành xử gần đây của họ là hoàn toàn không thể chấp nhận. Quyết định được Washington đưa ra vào lúc ông Javad Jarif đến họp tại trụ sở của LHQ ở New York.

Nhân dịp này, Ngoại trưởng Iran đã trả lời phỏng vấn nhiều đài truyền hình Mỹ. Đơn cử như trong bài trả lời phỏng vấn các phóng viên Mỹ ngày 17-7, ông Zarif khẳng định Washington đang tiến hành một cuộc chiến kinh tế chống lại Tehran và người dân Iran. Ông cũng cáo buộc Mỹ “vô nhân đạo” khi chỉ cho phép ông di chuyển trong phạm vi 6 tòa nhà ở New York.

Từ giờ, các chuyến công du New York của ông Zarif sẽ khó khăn hơn và ông sẽ ít được tiếp xúc với truyền thông Mỹ hơn. Về chuyện có cấp visa cho ông Zarif đặt chân tới Mỹ hay không, kể cả các chuyến dự họp LHQ, chính quyền Tổng thống Donald Trump nói sẽ xét từng trường hợp một. Điều quan trọng là quyết định của Washington sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước, sau một năm Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt khiến nền kinh tế Iran bị tác động nặng nề.

Quyết định trên cũng được đưa ra vào lúc Tổng thống Donald Trump nhiều lần khẳng định trong những tuần vừa qua rằng ông sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Iran về chương trình hạt nhân của nước này.

Thực ra, nếu căn cứ theo các tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao Iran thì việc nối lại đàm phát giữa Tehran và Washington khó có thể diễn ra. Cho nên việc trừng phạt Ngoại trưởng Zarif càng làm cho cơ hội đối thoại trở nên vô vọng. Hossein Dehghan, cố vấn quân sự hàng đầu cho lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei của Iran ngày 24-7 tuyên bố Tehran sẽ không thương thảo với Mỹ trong bất kỳ tình huống nào.

Phát biểu cứng rắn của ông Hossein Dehghan dường như để đáp lại việc phương Tây đề nghị tăng cường an ninh ở eo biển Hormuz. Ông Dehghan còn dọa rằng Iran sẽ có hành động nếu tình trạng của eo biển này bị thay đổi.

Phát biểu trên truyền hình ngày 1-8, Tổng thống Hassan Rohani đã lên án những động thái trên chính quyền Mỹ.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran đã đáp trả quyết định của Mỹ bằng một tin nhắn trên Twitter. Ông viết: “Tôi không có tài sản, cũng chẳng có bất kỳ lợi ích nào bên ngoài lãnh thổ Iran”. Đồng thời, ông cũng cảm ơn Mỹ đã coi ông là một mối đe dọa lớn cho các kế hoạch của họ.

Reuters bình luận động thái trừng phạt của Mỹ đã đóng sầm cánh cửa ngoại giao với Iran, bởi ông Zarif được xem là trung tâm các nỗ lực xoa dịu và giải quyết căng thẳng giữa Iran với Mỹ cũng như các nước khác về chương trình hạt nhân/tên lửa gây tranh cãi. Một số nghị sĩ Mỹ phản đối lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính, cho rằng nó sẽ phản tác dụng.

Bộ trưởng Ngoại giao Đức, ông Heiko Maas, ngày 31-7 từ chối tham gia chính sách gây áp lực tối đa với Iran của Mỹ.

“Thay vì xử phạt Ngoại trưởng Iran vì đã làm tốt công việc của mình, chúng ta nên mời ông ấy tham gia chính sách ngoại giao nghiêm túc”, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Dianne Feinstein nói. Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Chris Murphy, cho rằng, nếu Mỹ thực sự muốn đàm phán với Iran, lẽ ra không nên áp đặt lệnh trừng phạt lên “nhà đàm phán chính” của họ.

Lệnh trừng phạt Ngoại trưởng Iran của Mỹ cũng bị chỉ trích trên trường quốc tế. Trung Quốc ngày 1-8 cho biết quyết định nhắm vào ông Zarif của Washington hoàn toàn vô ích trong việc giải quyết bế tắc giữa Mỹ và Iran. Thực tế, dù Mỹ lên tiếng muốn đàm phán với Iran, song đến nay, những điều kiện tiên quyết mà mỗi bên đưa ra vẫn chưa được đối tác còn lại chấp thuận.

Hiện Mỹ đang muốn đàm phán với Iran về mọi lĩnh vực, từ vấn đề hạt nhân, chương trình tên lửa đạn đạo cho đến sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Trong khi Iran cho rằng, chương trình tên lửa phòng thủ của nước này không phải là vấn đề có thể đem ra thảo luận. Cộng thêm, Iran chỉ chấp nhận đối thoại khi Mỹ gỡ bỏ mọi trừng phạt nhằm vào nước này, thể hiện sự tôn trọng với Tehran và ngừng gia tăng sức ép. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump từng thú nhận hiện ông ngày càng khó đi đến một thỏa thuận với Iran.

Liên quan đến căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Iran, ngày 31-7, Đức, một đồng minh lớn của Mỹ, đã không chấp nhận yêu cầu gửi quân tham gia liên minh vũ trang hải quân do Mỹ lãnh đạo để bảo vệ các tàu chở hàng ở eo biển Hormuz. Chính phủ Berlin nêu lý do rằng “cách tiếp cận tổng thể” của chính sách Đức đối với Iran “khác biệt rõ rệt với cách tiếp cận hiện tại của Mỹ”.

“Điều quan trọng đối với chúng tôi là tiếp tục con đường ngoại giao đã định và tìm cách đàm phán với Iran để giảm căng thẳng tình hình”, phát ngôn viên Chính phủ Đức Ulrike Demmer nói trong một cuộc họp báo ở Berlin ngày 31-7. “Chúng ta không tham gia vào chiến lược của Mỹ về việc gây áp lực tối đa với Iran”, người đứng đầu ngành ngoại giao Đức cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Funke.

Norbert Rottgen, quan chức đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel (CDU) và là chuyên gia đối ngoại, cũng cảnh báo rằng cách xử trí khủng hoảng nên là của châu Âu và “phải độc lập với yêu cầu của Mỹ”. Ngày 1-8, Đại sứ Mỹ tại Berlin đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Chính phủ Đức, đồng thời cho rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải gánh vác nhiều hơn trách nhiệm toàn cầu.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.