Khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu: Đảo Lesbos đã chật những nấm mồ

Thứ Ba, 10/11/2015, 10:05
“Không còn chỗ để chôn người chết” - đó là lời của ông Spyros Galinos, Thị trưởng thành phố cảng Mytilini, đảo Lesbos, Hy Lạp nói với Đài Truyền hình NBC, Mỹ, khi chỉ trong tháng 10, đã có 218.394 người tị nạn từ Syria, Libya, Iraq, Afghanistan và những vùng đang xảy ra xung đột khác ở Trung Đông, châu Phi… liều mình vượt qua Địa Trung Hải bằng những phương tiện mong manh để đến đảo Lesbos, cửa ngõ vào châu Âu.

Theo ghi nhận của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), dựa vào lời khai của những người vượt biển, đã có 3.440 nạn nhân chết hoặc mất tích trên biển trong những chuyến đi này.

Khó tìm chỗ chôn người trên địa hình núi đá

Là một hòn đảo thuộc Hy Lạp, nằm trên biển Aegean nhưng Lesbos lại ở sát với Thổ Nhĩ Kỳ. Dân số trên đảo khoảng 68.000 người, sống bằng nghề trồng và ép dầu ô liu. Bên cạnh đó, mỗi năm Lesbos còn thu hút gần nửa triệu khách du lịch - chủ yếu từ các quốc gia Tây Âu bởi những bãi biển đẹp và những tòa lâu đài có từ thế kỷ thứ VI.

Ông Tarvenos, một cư dân trên đảo cho biết: "Nhưng bây giờ thì hết rồi. Kể từ năm ngoái đến nay, sự xuất hiện của dòng người tị nạn mỗi ngày một nhiều đã khiến ngành công nghiệp du lịch gần như bị tê liệt".

Bà Amoudhellos, chủ một khách sạn nói tiếp: "Mặc dù người tị nạn chỉ dừng chân một thời gian ngắn rồi tiếp tục cuộc hành trình tới Italia, Đức, Đan Mạch, Pháp… nhưng tốp này vừa đi thì tốp kia kéo đến, tạo nên một dòng chảy không ngừng".

Theo ông Adrian Edwards, phát ngôn viên của UNHCR thì năm 2014, có 219.000 người tị nạn đến được Lesbos nhưng chỉ riêng tháng 10 vừa qua, con số này đã là 218.394 người.

Ông Edwards nói: "Trước đó, UNHCR dự đoán khoảng 700.000 dân tị nạn sẽ đến Lesbos trong năm nay nhưng bây giờ, dự đoán ấy đã lạc hậu, mặc dù thời tiết đã bắt đầu xấu đi do những cơn bão mùa đông nhưng nó vẫn không ngăn nổi làn sóng người ồ ạt đổ tới".

Khá nhiều người tị nạn đặt chân lên đảo Lesbos trong tình trạng tiều tụy vì đói khát và bệnh tật. Mặc dù ngành y tế trên đảo cũng như Tổ chức Bác sĩ không biên giới và Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn không làm giảm bớt số người chết: "Chúng tôi đã chôn 5 người rồi, trong nhà xác vẫn còn 55 người nữa, chưa kể hàng trăm xác đang được đưa từ ngoài biển vào", Thị trưởng Spyros Galinos nói: "Bây giờ không còn tìm đâu ra đất để chôn. Chẳng ai trong chúng tôi dự đoán được rằng đến một ngày nào đó, chúng tôi lại phải chôn quá nhiều người như vậy".

Ông Callatos, phụ trách đội tang lễ nói thêm: "Chúng tôi đang phải vật lộn với những xác chết vì dù sao chăng nữa, vẫn phải chôn cất họ cho đàng hoàng. Các nhà xác đều đã quá tải, nghĩa trang kín chỗ trong lúc địa hình trên đảo phần lớn là núi đá. Tìm được một chỗ có thể chôn được vài trăm người mà không ảnh hưởng đến môi trường sống của cư dân trên đảo rất khó khăn".

Một bà mẹ bế xác đứa con trên tay khi được cứu. Đứa bé này rồi sẽ chôn ở đâu trên đảo Lesbos?

Kho lạnh bảo quản cá thành nhà xác

Do tính chất địa lý và nhất là do tác động của những dòng hải lưu, nhiều xác chết trên biển Aegean có khuynh hướng tấp vào bờ biển đảo Lesbos. Ngày 1/11, 2 chiếc thuyền gỗ gần như mục nát chở 13 người tị nạn Syria đã liều lĩnh vượt qua biển Aegean trong những con sóng cao đến 5m. Khi chỉ còn cách đảo Lesbos chừng 15 hải lý thì cả hai chiếc thuyền đều bị sóng đánh lật úp. Lúc tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đến nơi, họ chỉ cứu được 7 người lớn còn 6 đứa trẻ  thì chết đuối.

Sĩ quan Eressos nói: "Sau khi vớt lên, chúng tôi chỉ còn biết đặt tử thi vào trong những túi nylon rồi chuyển cho chính quyền trên đảo". Một người sống sót nói họ đã phải trả cho bọn tổ chức vượt biển tổng cộng 38.000USD để được cung cấp 2 chiếc thuyền cùng một ít lương thực, nước uống: "Khi thuyền lật, mấy người lớn chúng tôi  thoát được ra ngoài, còn những đứa bé bị thuyền úp xuống nên chúng chết đuối dù chúng đều được mặc áo phao. Do sóng quá lớn nên chúng tôi chẳng thể nào cứu chúng được". Đến ngày 2/11, người dân lại phát hiện thêm 11 tử thi dạt vào bãi biển, đa số là trẻ em.

Trước đó - ngày 31/10, cũng đã có 19 người tị nạn chết đuối. Xác họ được đặt tạm trong một kho lạnh, vốn là nơi bảo quản cá. Bà Kathryn Sokol, điều phối viên chương trình khẩn cấp của Ủy ban Quốc tế cứu hộ trên đảo Lesbos cho biết khi mà cuộc chiến ở Syria vẫn tiếp diễn thì dòng người bỏ xứ  ra đi vẫn sẽ không ngừng lại vì họ sợ rằng biên giới châu Âu sẽ đóng cửa đối với họ trong lúc tại Libya, giới cầm quyền Hồi giáo đe dọa sẽ cho thuê thuyền để khuyến khích dân tị nạn châu Phi đổ vào châu Âu trừ phi EU chính thức công nhận và cấp quy chế định cư cho những người đã đến được các quốc gia này.

Trong một cuộc phỏng vấn của Đài Truyền hình CNN hồi tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan, cho hay, trong vòng 9 tháng qua, các tàu tuần tra bờ biển của nước này đã cứu hơn 50.000 người tị nạn, còn số bỏ mạng trên biển thì không thể xác định được.

Sau cái chết gây chấn động cả thế giới của cậu bé Syria Aylan Kurdi, các lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng ngăn cản những người tị nạn đang tìm  cách vượt biển từ Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos nhưng kết quả vẫn chưa được là bao.

Một sĩ quan thuộc đội tàu tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ nói: "Đối với người tị nạn, Đức, Italia, Anh, Pháp… là miền đất hứa. Mặc dù chúng tôi vẫn ngăn cản nhưng nếu họ ở lại, chính phủ sẽ phải lo lều trại, thức ăn và các dịch vụ vệ sinh, y tế nên giữa việc giữ họ và để họ ra đi vẫn còn là vấn đề nan giải".

Trở lại với chuyện chôn cất người tị nạn trên đảo Lesbos, trước mắt, một khu đất ở bờ Tây của đảo đã được dùng để làm nơi an nghỉ cuối cùng của những nạn nhân xấu số nhưng mai đây, khi nó đã được lấp đầy thì không biết số phận của những xác chết "đến sau" sẽ ra sao?

Ông Abu Abdullah, người Iraq, đã mất vợ và 2 đứa con trong chuyến vượt biển ngậm ngùi lúc đứng cạnh ba nấm đất thấp lè tè: "Giờ đây, cuộc sống đối với tôi chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Mới hôm nào, đứa con gái lớn của tôi vẫn còn hăm hở với viễn cảnh được đi học, được tự do vui chơi với bạn bè và chẳng bao giờ còn phải lo sợ bởi tiếng nổ của đạn pháo. Thế mà lúc này nó đã nằm sâu dưới đất. Nó đã được bình yên nhưng còn tôi, tôi sẽ phải sống suốt đời với nỗi dằn vặt đau đớn này…".

Thế nhưng, đó đây vẫn còn lóe lên những tia hy vọng. Sau hơn một tháng Không quân Nga tiến hành ném bom các cơ sở của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên lãnh thổ Syria, theo các nguồn tin tình báo thì lực lượng IS đã suy yếu một cách đáng kể. Dẫu vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định chiến dịch đã đi đến thắng lợi khi mà những ngày gần đây, các tay súng IS liên tục tung ra những cuộc phản công nhằm giành lại những phần đất đã bị quân chính phủ Syria đánh chiếm.

Trước thông tin trên, hiện có nhiều người tị nạn Syria đang lên kế hoạch trở về nhà. Tuy nhiên, điều mà UNHCR lo ngại là rất có thể họ sẽ lại trở thành nạn nhân của bọn tổ chức vượt biển bằng những chiếc xuống cao su mỏng manh hoặc những con thuyền gỗ cũ nát nếu như Mỹ và các quốc gia trong khối EU không sẵn lòng tổ chức phương tiện để đưa họ quay về….

Cao Trí (theo NBC News)
.
.