Lật lại lịch sử phức tạp Nga – Thổ

Thứ Năm, 03/12/2015, 08:15
Vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga sẽ đi vào lịch sử quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là một vụ mà trong đó lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh lạnh, một thành viên NATO bắn hạ một máy bay quân sự của Nga. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khúc rẽ mới nhất sau hàng thế kỷ quan hệ thường xuyên căng thẳng, phức tạp giữa hai quốc gia mà vị trí địa lý, lịch sử và tôn giáo đã khiến hai bên trở thành đối thủ của nhau.

Thăng ít, trầm nhiều

Mối quan hệ kình địch đó hình thành cụ thể từ thế kỷ XVI với sự xuất hiện của hai đế chế hùng mạnh. Moscow coi bản thân là Đế chế Rome thứ ba, người bảo vệ của cộng đồng Cơ Đốc giáo ở phương Đông sau khi thành Constantinople (thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) thất thủ năm 1453 dưới tay Đế chế Ottoman của người Thổ. Đế chế Ottoman tiếp đó mở rộng lãnh thổ vào Trung Đông và vùng Balkans - khu vực sinh sống của người Slavơ theo Chính thống giáo được Nga bảo vệ.

Lợi ích mâu thuẫn không tránh khỏi tạo ra xung đột. Điển hình nhất là cuộc chiến Crimea từ năm 1853 đến 1856, trong đó liên minh gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Pháp chống lại Nga. Nguyên nhân một phần là do Nga hoàng yêu cầu thực hiện quyền bảo vệ người Chính thống giáo dưới ách thống trị của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc chiến kết thúc bằng một thương lượng hòa bình mà phần thiệt thòi thuộc về Nga. Tuy nhiên, đến cuộc chiến Nga - Thổ từ năm 1877 đến 1978, Nga giành chiến thắng rõ ràng.

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã dẫn tới sự diệt vong của cả hai đế chế. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về chế độ. Lúc đầu, quan hệ giữa một Liên Xô mới và Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện đáng kể. Liên Xô từ bỏ tuyên bố chủ quyền các phần lãnh thổ thuộc khu vực đông bắc của Thổ Nhĩ Kỳ và eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, quan hệ nhanh chóng xuống dốc khi Công ước Montreux ra đời năm 1936, trao trả toàn bộ quyền kiểm soát eo biển cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đến Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô "nai lưng" chống phát xít Đức, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ trung lập. Nước này đã chọc giận Moscow khi cho phép tàu chiến Đức sử dụng eo biển. Năm 1945, khi chiến thắng phát xít Đức, Liên Xô một lần nữa muốn chia sẻ quyền kiểm soát eo biển. Phương Tây từ chối và trong suốt 45 năm Chiến tranh lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga luôn ở hai phe đối lập.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ hai của liên minh quân sự này có chung biên giới với Liên Xô và là thành lũy cực đông chống Nga của NATO. Năm 1962, Thổ Nhĩ Kỳ là nhân tố chủ chốt trong giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba khi chính quyền Mỹ đồng ý rút tên lửa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ với Nga - Thổ Nhĩ Kỳ le lói chút ánh sáng và cải thiện liên tục. Hai bên ký một loạt thỏa thuận về lĩnh vực sản xuất và năng lượng. Thương mại song phương hàng năm ở mức 40 tỉ USD khiến Nga trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. 60% nhu cầu năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ được Nga cung ứng thông qua các hợp đồng bán khí đốt. Du khách Nga ồ ạt tới du lịch ở biển Aegean của Thổ Nhĩ Kỳ, công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư lớn trong xây cơ sở hạ tầng ở Nga.

Khủng hoảng Crimea

Thế nhưng, năm 2014, sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea và tham gia vào xung đột ở Đông Ukraine một lần nữa khiến quan hệ hai nước căng thẳng. Và một lần nữa, cái tên Crimea lại xuất hiện trong lịch sử xung đột Nga - Thổ. Lần đầu là trong cuộc chiến Crimea như đã nói ở trên. Crimea là nơi ở của 300.000 người Tatars, một dân tộc thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ vốn bị trục xuất hàng loạt thời Stalin trong những năm 1940. Người Tatars chiếm 12% dân số Crimea. Còn ở Thổ Nhĩ Kỳ, cộng đồng này có khoảng 5 triệu người. Họ luôn phản đối mạnh mẽ việc Crimea trở về Nga.

Trong lịch sử, Crimea là một phần của đế chế Ottoman trước khi thuộc về Nga theo điều khoản của Hiệp ước Kucuk Kaynarca ký sau khi Nga chiến thắng trong chiến tranh Nga - Thổ năm 1768 - 1774. Crimea là lãnh thổ của Nga cho đến năm 1954, khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tặng làm quà cho Cộng hòa Xôviết Ukraine thuộc Liên Xô. Khi Ukraine tuyên bố độc lập năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã tách ra cùng với cả Crimea.

Cũng giống như vai trò lịch sử của Nga là người bảo vệ người Slavơ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một lịch sử bảo vệ lợi ích của người Thổ là dân tộc thiểu số gốc Thổ ở Nga, Azerbaijan hay Turkmenistan. Vào tháng 8-2015, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố trong Hội nghị Thế giới của người Crimean Tatars ở Ankara là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ công nhận việc Nga sáp nhập Crimea.

Ngoài vấn đề người Tatars, còn có một nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ coi việc Nga sáp nhập Crimea là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với vị trí của mình ở khu vực Biển Đen. Đó là vụ sáp nhập làm tăng vị thế của Nga dẫn tới giảm tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Quan hệ căng thẳng về địa chính trị dẫn tới đe dọa mối quan hệ Nga-Thổ, nhất là về kinh tế.

Thế nhưng, sự kiện này khiến Thổ Nhĩ Kỳ "nhấp nhổm" không yên và coi đó là mối đe dọa nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại không muốn mạo hiểm đối đầu quân sự với Nga, ra mặt bênh vực Ukraine nên rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Hơn nữa, khủng hoảng Crimea xảy ra đúng lúc quan hệ kinh tế Nga - Thổ đang tốt đẹp. Do đó, ngay từ khi bắt đầu khủng hoảng Crimea, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đơn giản lặp đi lặp lại lập trường toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được tôn trọng.

Đối đầu ở Syria

Dù vẫn ôm "cục tức" ở Crimea nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đành phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Tháng 9-2015, Tổng thống Erdogan thăm chính thức Nga trong bối cảnh mâu thuẫn quanh cuộc nội chiến Syria giữa hai nước đang căng thẳng. Theo quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ, ngay từ đầu khi can dự vào Syria, Nga đã bước nhầm chân.

Chỉ không lâu sau chuyến thăm đó, Thổ Nhĩ Kỳ vừa bất ngờ vừa tức giận khi Nga đột ngột không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria ngày 30-9. Ông Erdogan bất ngờ vì Nga không mảy may tham vấn ông hay đả động gì đến chuyện không kích trong chuyến thăm Nga đầu tháng 9. Ông coi đó là hành động "vỗ mặt" và ngay lập tức có những lời lẽ cứng rắn về việc Nga can dự ở Syria.

Ông cũng như nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga không chống khủng bố mà nhằm vào lực lượng đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và cả cộng đồng người Turkmen ở biên giới hai nước vốn được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn để chống ông Assad. Trái lại, Nga khẳng định mình hành động hợp pháp ở Syria và chỉ không kích khủng bố, đồng thời cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ là những kẻ chống lưng cho khủng bố.

Hình ảnh tái hiện một trận chiến trong cuộc chiến Nga - Thổ (1877-1878).

Quan hệ quanh Syria cứ căng thẳng dần lên khi Nga hậu thuẫn ông Assad, còn Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng đòi lật đổ ông này. Bất chấp quan hệ thương mại phát triển, lãnh đạo hai nước không bao giờ nhìn chung hướng ở Syria. Ở Syria, cái gì Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm và làm đều bị Nga phản đối và ngược lại.

Cũng giống như ở Crimea, Thổ Nhĩ Kỳ dù phản đối Nga ra mặt ở Syria nhưng luôn có một nỗi sợ Nga, một nỗi sợ bắt nguồn từ lịch sử gần 20 cuộc chiến giữa hai nước. Thổ có cả chục nước láng giềng nếu tính cả các nước chung đường ranh giới trên biển ở Biển Đen và Địa Trung Hải. Tăng trưởng kinh tế cộng quyền lực chính trị gia tăng trong chục năm qua khiến Thổ Nhĩ Kỳ không kiêng dè ai, từ Syria, Iran cho đến Iraq.

Theo tờ The Atlantic, không một nước láng giềng nào có thể an toàn khi Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận, trừ Nga. Do lệ thuộc vào khí đốt của Nga nên Thổ Nhĩ Kỳ không thể đối đầu Nga ngay cả khi cho rằng lợi ích của mình bị Nga xâm phạm.

Đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria cũng là đối đầu giữa NATO và Nga trong khi NATO-Nga vốn chưa bao giờ có quan hệ tốt đẹp. Thế nên, khi bắn xong chiến đấu cơ của Nga ngày 23-11, Thổ Nhĩ Kỳ đã ngay lập tức quay sang Mỹ và NATO tìm tiếng nói bênh vực, khôn khéo đẩy một phần tình huống cho NATO và Nga tự giải quyết.

Mâu thuẫn Nga - NATO

Sự cố Su-24 mới nhất cũng chỉ là một trong nhiều sự kiện khiến NATO-Nga ở thế đối đầu. Hai bên dù cũng có một số nỗ lực tích cực hợp tác nhưng quan hệ có một lịch sử bất đồng khá dày. Điển hình như cuộc chiến Georgia và việc Nga công nhận Nam Ossetia và Abkhazia, cuộc khủng hoảng Ukraine và vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Ba vấn đề này liên quan đến lợi ích chiến lược của cả hai bên.

Sau cuộc chiến Georgia năm 2008, quan hệ NATO-Nga đã xuống mức thấp nhất trong cả chục năm, tạo ra một vực sâu ngăn cách giữa hai bên mà mãi đến năm 2010 mới cải thiện khi NATO mời Nga tới một hội nghị thượng đỉnh ở Lisbon.

NATO liên tục cam kết mở rộng khối là điều khiến Nga lo ngại. Việc Georgia và Ukraine đều nóng lòng muốn gia nhập NATO khiến Nga phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, khả năng này được xem là mờ nhạt. Georgia dù tích cực đóng góp cho Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) của NATO nhưng bị NATO cho là "không xứng" với tập hợp các thành viên hùng mạnh của NATO, trong đó Đức và Pháp phản đối mạnh nhất, coi việc Georgia gia nhập NATO là không thể chấp nhận.

Triển vọng Ukraine trở thành thành viên của NATO cũng không khả thi ít nhất là trong tương lai gần. Chính Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới tháng 9 vừa rồi cũng thừa nhận Ukraine chưa sẵn sàng gia nhập NATO.

Vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương Nga-NATO là quanh hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ đề xuất thiết lập ở một số nước thành viên và quanh biển Địa Trung Hải. Theo Nga, hệ thống này ở Ba Lan và Cộng hòa Séc có thể đe dọa phòng thủ của Nga.

Theo như một viên tướng Nga nhận định năm 2007: "Đường đạn của Iran hay tên lửa của Triều Tiên sẽ khó mà bay qua khu vực nào gần lãnh thổ Cộng hòa Séc, thay vào đó, các trạm radar của NATO sẽ kiểm soát việc Nga phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa từ lãnh thổ của Nga ở châu Âu hoặc mỗi lần Hạm đội Phương Bắc của Nga phóng tên lửa".

Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy dự án phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Séc sau khi Nga đe dọa phản ứng quân sự đồng thời cảnh báo Ba Lan rằng, nếu chấp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO, Ba Lan tự đặt mình trước rủi ro bị không kích hoặc tấn công hạt nhân từ Nga. Nga cũng phản đối di chuyển tên lửa phòng thủ tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Trở lại với sự kiện mới nhất Su-24, trong bối cảnh mới hiện nay, các nhà phân tích nhận định cả hai lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể chỉ khẩu chiến tức thời và thay đổi chính sách về mặt kinh tế, còn Nga và NATO cũng chỉ dừng lại ở những lời cáo buộc, chỉ trích qua lại, chứ khó có khả năng dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang hay một Chiến tranh thế giới thứ ba như dư luận lo ngại trong những ngày qua.

Nhật Minh (tổng hợp)
.
.