Liệu Tổng thống Donald Trump có hàn gắn được nước Mỹ?

Thứ Hai, 05/02/2018, 13:34
Ngày 30-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đọc bản Thông điệp Liên bang hằng năm lần thứ nhất trong nhiệm kỳ của ông tại trụ sở Quốc hội.

Với chủ đề “Xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”, Thông điệp Liên bang của ông Trump kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết trong bối cảnh một nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về mọi mặt bởi những gì ông đã nói và làm trong năm qua cũng như những khó khăn sắp tới của chính quyền Donald Trump liên quan đến cuộc điều tra của tư pháp về những nghi vấn liên hệ với Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016.

Xét theo bối cảnh chia rẽ hiện nay tại quốc hội Mỹ và những phản ứng sau Thông điệp Liên Bang, liệu ước muốn hàn gắn nước Mỹ của ông có thành hiện thực?

Thông điệp Liên bang của ông D.Trump, với giọng điệu và ngôn từ có chừng mực hơn rất nhiều trước đây, được chia làm hai phần, đối nội và đối ngoại. Phần đối ngoại chỉ chiếm 1/3 thời lượng của thông điệp. Riêng vấn đề nhập cư chiếm tới một nửa thời lượng trong phần đối nội. Sở dĩ ông D.Trump tập trung nhiều công sức vào đây là vì chủ đề này đang được chính quyền của ông đề xuất với quốc hội để thông qua một chính sách nhập cư mới. Cho nên những gì ông nói về vấn đề nhập cư trong Thông điệp Liên bang không khác gì so với các đề xuất cải tổ Luật Di trú hiện nay của Nhà Trắng.

Đối với ông Trump, thành công của chính sách cải cách nhập cư phụ thuộc vào bốn trụ cột: tăng cường biên giới với Mexico bằng bức tường ngăn cách hai nước, hợp thức hóa giấy tờ cho những người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ, hạn chế đoàn tụ gia đình và ngừng cấp thẻ thường trú thông qua hệ thống rút thăm ưu tiên đa dạng văn hóa.

Trong những tuần tới, Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với gói cải cách nhập cư, sau khi chính quyền của ông trong nhiều tháng qua đã có các cuộc tiếp xúc với các nghị sĩ hai đảng để có thể thống nhất về một cách tiếp cận cân bằng đối với vấn đề này. Đây là vấn đề đang gây chia rẽ mạnh trong Quốc hội Mỹ.

Với một số nghị sĩ Dân chủ, Tổng thống Mỹ “cuối cùng cũng công nhận rằng những người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ (Dreamers) phải được phép ở lại đây và trở thành công dân”. Trước đó, Tổng thống D.Trump ra lệnh chấm dứt chương trình DACA (Hoãn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp khi còn nhỏ) và ra hạn cho Quốc hội tới đầu tháng 3-2017, phải có một giải pháp lâu dài để giải quyết trường hợp những người này.

Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Mỹ kêu gọi đoàn kết và sự hợp tác lưỡng đảng, để xin Quốc hội ủng hộ trong việc thi hành những chương trình lớn của đất nước như di dân. Theo Tổng thống D.Trump thì “để giải quyết chuyện này, Quốc hội phải gác chính trị sang một bên”. “Tối nay, tôi kêu gọi tất cả chúng ta gạt sang một bên những khác biệt của mình, tìm kiếm những điểm chung, và đạt được sự thống nhất mà chúng ta cần có để giữ lời hứa với những người mà chúng ta được bầu lên để phục vụ”, ông D.Trump nói.

Dù ông D.Trump kêu gọi sự hợp tác lưỡng đảng, bằng chứng về sự chia rẽ sâu sắc giữa các bên hiện rõ. Các nhà lập pháp Cộng hòa liên tục vỗ tay hoan hô nhiệt liệt trong khi phe Dân chủ thường ngồi im lặng. Tình trạng ấy ngược với thời Tổng thống Barack Obama khi những người Cộng hòa cũng ngồi yên lúc Dân chủ đứng dậy vỗ tay. Đoàn kết lưỡng đảng vẫn chỉ là một khẩu hiệu không thi hành được của chính trị nước Mỹ trong thời đại gần đây.

Tổng thống Donald Trump trình bày Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Mỹ ngày 30-1-2018.

Không rõ liệu ông D.Trump sẽ làm đúng như lời kêu gọi hòa hợp lưỡng đảng của mình hay không. Những nỗ lực trong quá khứ của ông D.Trump đưa ra một thông điệp thống nhất thường bị làm suy yếu bởi những dòng tweet và những phát biểu gây chia rẽ của ông khiến phe Dân chủ tức giận và thường làm các nhà lập pháp Cộng hòa bực mình.

Lời kêu gọi đoàn kết này sẽ được đưa vào thử thách trong nỗ lực của ông nhằm bảo vệ 1,8 triệu Dreamers và giờ đang đối mặt với hạn chót 5-3-2018 để biết họ liệu có bị trục xuất hay không.

Ông D.Trump nói ông đang “chìa cánh tay ra” cho một thỏa thuận di trú và rằng ông sẽ cho các Dreamers một con đường tiến tới việc trở thành công dân Mỹ trong vòng 10 đến 12 năm để đổi lấy kinh phí cho một bức tường biên giới với Mexico và những hạn chế về di trú hợp pháp. Ông D.Trump gọi kế hoạch của ông là “thỏa hiệp cân bằng”, nhưng một số nghị sĩ Dân chủ la ó phản đối khi ông nói rằng ông muốn kiềm chế “di cư dây chuyền”, việc những người nhập cư hợp pháp có thể để đưa một số lượng lớn người thân của mình vào Mỹ.

Phe Dân chủ chỉ trích chính sách di trú của ông D.Trump là “không có trái tim”. Trong phần cuối của kế hoạch di trú, ông D.Trump muốn hạn chế nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình, chỉ được bảo lãnh vợ, chồng và con vị thành niên mà thôi. Nghị sĩ Elizabeth Guzman, thuộc đảng Dân chủ, đại diện bang Virginia, bác bỏ quan điểm của ông D.Trump về vấn đề di trú, bà nói ông đe dọa đưa đất nước trở lại thời kỳ khi mà con người bị đánh giá dựa trên màu da và tôn giáo, thay vì tính cách của họ.

Nghị sĩ Guzman chỉ trích lệnh cấm của ông D.Trump đối với những người đến từ Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen, cũng như Triều Tiên và Venezuela, cho rằng đây là một “lệnh cấm dựa trên ác cảm, vô đạo đức”, đối với người Hồi giáo. Bà nói ông Trump đã “thay thế bình đẳng bằng sự bất khoan dung, sự tương kính bằng sự kỳ thị”. Chính quyền của ông D.Trump nói lệnh cấm là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và bác bỏ những

người nói rằng chính sách này và lệnh hạn chế người tị nạn nhập cảnh, là nhắm vào người Hồi giáo. Bà Guzman nói kế hoạch di trú của ông Trump, nếu được áp dụng, sẽ “thay đổi  nền tảng tính chất của quốc gia”, đi ngược lại các lý tưởng của những công thần lập quốc.

Phát biểu bên lề hội trường quốc hội Mỹ ngày 30-1, Nghị sĩ Dân chủ Raja Krishnamoorthi nói rằng Tổng thống Trump không đưa ra một đề xuất nào kết hợp và cân đối các ưu tiên của Đảng Cộng hòa và Ðảng Dân chủ về cải cách di dân. “Tôi không nghĩ rằng những phát biểu cứng rắn kết hợp với đề nghị cụ thể đó có thể lay chuyển được vấn đề”, nghị sĩ Krishnamoorthi nói. “Tôi nghĩ chúng ta phải ngồi vào bàn thương lượng và thực sự cùng làm việc với nhau để mang lại một thỏa hiệp”.

Nghị sĩ Dân chủ Eric Swalwell thì nói nếu Tổng thống Trump thực sự muốn tiếp cận với cả hai đảng về vấn đề di trú ông nên mời các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa vào Nhà Trắng ngay ngày mai để làm việc về những chính sách đó.

Với những chia rẽ giữa các đảng phái hiện nay, nhất là khi Đảng Dân chủ đang thể hiện rõ quyết tâm giành lại quyền kiểm soát quốc hội thông qua cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ trong năm 2018, thách thức lớn nhất mà Tổng thống Trump phải đối mặt là mở rộng thành phần ủng hộ để có thể lật ngược tình thế, nếu không muốn theo chân hai tổng thống tiền nhiệm là George W.Bush và Barack Obama, những người đều nhận thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nếu không lật ngược thế cờ, Tổng thống Trump và êkíp của ông sẽ gặp khó khăn hơn trong các quyết sách sau này.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.