Liệu Trung Quốc có “nhịn” Tổng thống đắc cử Donald Trump?
- Mỹ - Trung Quốc: Lại đấu khẩu về tình hình Biển Đông1
- Mỹ - Trung Quốc: Trước nguy cơ đối đầu trên biển Đông1
Trong diễn biến mới nhất, khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Mỹ Fox News, ngày 11-12, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ra dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, đồng thời, ông cũng đặt dấu hỏi về việc liệu Mỹ có nên tiếp tục quan điểm bấy lâu nay về việc Đài Loan là một phần của chính sách “một Trung Quốc” hay không. Đây là lời biện luận cho việc ông Trump đã có cuộc điện đàm trước đó với người đứng đầu chính quyền Đài Loan, Thái Anh Văn.
Theo ông Trump, Trung Quốc đã không hợp tác một cách thỏa đáng với Mỹ, vậy tại sao Washington phải tôn trọng những yêu sách của Bắc Kinh. Ông nói: “Tôi rất hiểu chính sách một nước Trung Hoa, nhưng tôi không biết phải chăng chúng ta cảm thấy bị ràng buộc bởi chính sách này, trừ phi chúng ta có sự trao đổi với Trung Quốc trên các hồ sơ khác, ví dụ như thương mại. Trung Quốc đã gây khó khăn cho chúng ta như phá giá đồng tiền quốc gia, đánh thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc trong khi chúng ta lại không đánh thuế hàng hóa của Trung Quốc, xây dựng một pháo đài khổng lồ ở Biển Đông (mà lẽ ra họ không được làm như vậy).
Và nói thẳng ra, họ chẳng giúp gì chúng ta trong hồ sơ Triều Tiên. Chính quyền Bình Nhưỡng lại có vũ khí hạt nhân. Trung Quốc có thể giải quyết được vấn đề này, nhưng họ không hề giúp chúng ta. Do vậy, tôi không muốn Trung Quốc chỉ đạo các hành động của tôi”.
Ông Trump tuyên bố xem xét lại nguyên tắc một nhà nước Trung Hoa. |
Động thái mới của Tổng thống đắc cử Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh phật lòng. Ngay lập tức, hôm 12-12, Bắc Kinh đã lên tiếng “rất quan ngại” về tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Theo AFP, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cảnh báo, nếu Washington không tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung Hoa”, thì quan hệ Trung-Mỹ sẽ không thể phát triển lành mạnh, đều đặn, và không thể có hợp tác song phương trong những lĩnh vực quan trọng.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, “vấn đề Đài Loan liên quan chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Vấn đề này liên quan đến những lợi ích cơ bản của Trung Quốc. Việc tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Quốc là nền tảng của sự phát triển quan hệ Mỹ-Trung”.
Trước đây khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, hầu hết các nhà quan sát đều đánh giá rằng với thiên hướng dân túy, ông Trump sẽ chỉ chăm chăm cho nước Mỹ đúng như tuyên ngôn tranh cử “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Những tuyên bố sẽ xóa bỏ các hiệp định thương mại giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới như TPP hay NAFTA đã cho thấy điều đó.
Hôm 6-12, ông Trump đã trình bày chính sách quân sự mới của Washington. Ông tuyên bố Mỹ “sẽ ngưng tìm cách lật đổ các chế độ nước ngoài mà Mỹ không biết gì về họ cũng như không có liên can gì với họ”. Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào cuộc chiến tiêu diệt khủng bố IS.
Tổng thống đắc cử của Mỹ đề nghị hai ưu tiên cho chính sách quân sự mới của Washington: thay vì chi tiêu cho chiến tranh, chính phủ mới sẽ huy động đầu tư vào hạ tầng cơ sở (đường sá, cầu cống, phi trường). Thứ hai là gia tăng ngân sách cho quân đội đang bị thiếu hụt. Theo Donald Trump, ông không để cho khả năng tác chiến của quân đội Mỹ bị suy yếu vì phải “chiến đấu ở nhiều nơi” trên thế giới mà lẽ ra không cần tham chiến.
Cuối cùng, Donald Trump trấn an các quốc gia đồng minh rằng Mỹ sẽ củng cố quan hệ thân hữu truyền thống cùng lúc tìm thêm bạn mới. Theo ông, chính sách “can thiệp và gây xáo trộn” phải chấm dứt.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ từ bỏ chính sách can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, điều mà bao Chính phủ Mỹ đã làm trong suốt mấy thập kỉ qua.
Nhưng trong hai động thái tiếp sau đó, Trung Quốc đã hoàn toàn bị bất ngờ. Cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan ngày 2-12-2016, và sau đó là tin nhắn trên mạng Twitter của ông Trump cực lực đả kích Trung Quốc và nhất là đã nhắc đến việc Trung Quốc hoành hành tại Biển Đông. Theo báo Le Monde, chính việc ông Trump trong tin nhắn Twitter của mình ngày 4-12 lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc “xây một khu phức hợp quân sự lớn giữa Biển Đông”, là cú điểm huyệt đau nhất đối với Trung Quốc.
Ngày 2-12, ông Trump điện đàm với bà Thái Anh Văn suốt 3 tiếng đồng hồ. |
Trên tờ Global Times, một chuyên gia Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận xét: “Việc đề cập đến Biển Đông là một cú sốc”. Các nhà quan sát quan hệ Mỹ-Trung có thể nói rằng, ngoài vấn đề Đài Loan hiện nay, họ có thêm một mối quan tâm mới: tranh chấp Biển Đông. Khu phức hợp quân sự mà ông Trump nói đến chính là các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa trong khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến năm 2015.
Theo Le Monde, Bắc Kinh bắt đầu nhận ra rằng quả thực ông Trump rất bị ảnh hưởng của các học giả hay chính khách trong đảng Cộng hòa rất có ác cảm với sự vươn lên của Trung Quốc. Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là ông Peter Navarro, cố vấn cho ông Trump về các vấn đề thương mại trong chiến dịch vận động tranh cử. Nhân vật này là tác giả một quyển sách đả kích gay gắt chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc, xuất bản năm 2015 dưới tựa đề “Ngọa hổ: Chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc có ý nghĩa ra sao đối với thế giới”.
Trong một bài biên khảo trên chuyên san The National Interest tháng 7-2016 với tựa đề “Mỹ không thể bỏ rơi Đài Loan”, ông Navarro viết: “Trước các hành vi xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đã đến lúc Mỹ phải dấn thân mạnh hơn nữa vào việc hiện đại hóa khả năng phòng thủ của Đài Loan”.
Trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 6-12, Thời Ân Hoằng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh đã kêu gọi: “Hành động của ông Trump đã nhắc nhở giới truyền thông, giới nghiên cứu và người dân chúng ta là có lẽ chúng ta đã có cái nhìn quá tích cực về chính sách Trung Quốc trong tương lai của ông Trump”.
Như vậy với giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, điều khó khăn nhất là chưa thể tiên đoán Trump sẽ làm gì! Không biết là ông Trump có thực hiện việc trừng phạt hàng hóa Trung Quốc như lời hứa tranh cử hay sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ đồng minh ở châu Á. Cách hành xử tốt nhất của Bắc Kinh bây giờ là... nhẫn nhịn, ít nhất là cho tới sau ngày đại hội đảng thứ 19, năm 2018.
Hơn nữa, lãnh đạo Trung Quốc hy vọng ông Trump là một doanh nhân, tuy nói hùng hổ nhưng sẽ tính toán lợi hại. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang ràng buộc với nhau và với hàng trăm nước khác, không ai muốn “gây chiến” làm cho kinh tế cả thế giới sụp đổ.
Thực tế cho tới nay ông Trump vẫn thân thiện. Sau khi đắc cử, được lãnh đạo Tập Cận Bình điện thoại chúc mừng, ông Trump đã tuyên bố tin tưởng rằng hai người sẽ có “mối quan hệ chặt chẽ nhất” để hai nước cùng tiến lên. Tuần trước, ông Trump lại đưa ra một tín hiệu đẹp: sẽ bổ nhiệm một vị đại sứ mới ở Bắc Kinh, một người vốn được coi là một “bạn thân của Trung Quốc”.
Ông Terry Branstad từng làm thống đốc tiểu bang Iowa 6 nhiệm kỳ, đã đi thăm Trung Quốc 7 lần, lần gần đây nhất là sau khi ông Trump đắc cử. Nghe tin ông Branstad được đề nghị làm đại sứ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh nồng nhiệt. Nếu ông Trump có định “gây chiến” về thương mại, ông cựu Thống đốc Iowa có thể khuyên ông “giơ cao đánh khẽ”.
Bắc Kinh sẽ yên lòng vì biết ông đại sứ Branstad có thể nói chuyện trực tiếp với vị Tổng thống Mỹ tương lai mà không cần qua Bộ Ngoại giao. Nhưng nếu ông Trump nói và “làm quá” khi vào Nhà Trắng thì sao? Theo kinh nghiệm của giới ngoại giao, ông Trump có nói gì thì sẽ có ông phó tổng thống nói lại, không sao cả!
Nếu ông Trump làm gì thì sẽ có giới kinh doanh phản ứng và Quốc hội Mỹ sẽ can thiệp làm dịu bớt. Tức là khó xảy ra những biến cố lớn ngoài tầm kiểm soát.