Một quyết định biểu tượng của IMF dành cho Trung Quốc

Thứ Tư, 02/12/2015, 16:05
Ngày 30-11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vào Rổ tiền tệ quốc tế, sánh ngang cùng các đồng tiền quốc tế khác như USD, euro, bảng Anh, yên Nhật. Đây là một quyết định được đưa ra trước thời hạn 10 tháng so với thông báo trước đây của IMF.

Trong thông báo được đưa ra hôm 30-11, Hội đồng Giám đốc của IMF - cơ quan đại diện cho 188 quốc gia thành viên - đã quyết định rằng, NDT đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của một đồng tiền "tự do sử dụng" và sẽ cùng với USD, euro, bảng Anh và yên Nhật cấu thành nên "Rổ tiền tệ quốc tế" - Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).

Ra đời năm 1969, SDR là loại tiền tệ quy ước của IMF, được dùng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên, hoặc giữa các nước với nhau. Khi giải ngân, phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ - USD, euro, yên, bảng Anh và nay là NDT - để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên.

Đây là lần đầu tiên các thành phần của SDR thay đổi kể từ năm 1999, khi euro thay thế mác Đức và frăng Pháp trong rổ này. Đây cũng là một bước ngoặt lớn đối với vị thế của đồng NDT trên thị trường tài chính quốc tế. "Thêm NDT vào SDR là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp cải cách" - bà Lagarde nói. Đây cũng được đánh giá là động thái giúp Trung Quốc hội nhập sâu hơn với hệ thống kinh tế toàn cầu vốn được thống trị bởi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ.

Quyết định này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-10-2016. NDT chiếm tỷ trọng 10,92%. Tỷ trọng của USD là 41,73%, euro là 30,98%, yên Nhật là 8,33% và bảng Anh là 8,09%. Tỷ lệ phân bổ này sẽ ảnh hưởng đến lãi suất mà các nước thành viên phải trả khi vay mượn các đồng tiền khác nhau từ IMF cũng như tác động đến dòng chảy vốn trên thế giới.

Quyết định của IMF hôm 30-11 được xem là khá bất ngờ vì trong cuộc họp trước đây ngày 19-8, IMF quyết định tự hạn định thêm 9 tháng nữa, cho đến tháng 9-2016, mới quyết định Rổ tiền tệ quốc tế có đồng tiền của Trung Quốc hay không. Theo giải thích của bà Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde, thì "thời hạn này sẽ giúp những người sử dụng SDR có đủ thời gian để chuẩn bị".

Đồng NDT của Trung Quốc sẽ có trong rổ tiền tệ quốc tế từ ngày 1-10-2016.

Trung Quốc chính thức xin đưa NDT vào Rổ tiền tệ quốc tế từ năm 2009. Một đồng tiền muốn lọt vào đây cần phải thỏa mãn hai điều kiện. Thứ nhất là phải được phát hành bởi một quốc gia có lượng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cao. Thứ hai là đồng tiền đó phải được "tự do lưu thông", có nghĩa là được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch quốc tế và thường xuyên được trao đổi trên các thị trường ngoại hối. Đồng NDT của Trung Quốc đã thỏa mãn điều kiện thứ nhất vào năm 2010 khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Theo nhận xét của Le Monde, việc đưa đồng NDT vào Rổ tiền tệ quốc tế sẽ không thay đổi diện mạo thị trường tài chính quốc tế vì đồng tiền của Trung Quốc hiện chỉ chiếm một vị trí thứ yếu: đồng NDT chỉ chiếm 2,5% các giao dịch quốc tế, trong khi yên Nhật chiếm 3%, euro chiếm 29% và USD là 43%. Và tờ báo Pháp cũng nói thẳng luôn rằng việc đồng NDT thành đồng tiền dự trữ toàn cầu thực sự không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của Trung Quốc hiện nay, nhưng nó lại có thể tạo ra những vấn đề khó khăn mới.

Theo Le Monde, trong 10 năm tới, vai trò toàn cầu của đồng NDT có thể sẽ chỉ lớn hơn một chút so với hiện nay. Đồng tiền này không thể thay thế USD làm đồng tiền dự trữ quốc tế, thậm chí nó còn không cạnh tranh được với đồng yên của Nhật Bản hay đồng bảng của Anh.

Để đồng NDT là một sự lựa chọn trong danh mục đầu tư trú ẩn an toàn, đồng tiền này cần phải có khả năng tiếp cận tự do, không giới hạn vào các thị trường nội địa có lợi nhuận cố định. Đó là điều mà đồng USD, đồng euro cũng như đồng yên và một số đồng tiền mạnh khác làm được, song đồng tiền của Trung Quốc lại không thể. Trung Quốc đang duy trì một cơ chế kế toán khép kín nhất trên thế giới.

Vấn đề lớn hơn là Trung Quốc không thể mở cửa cơ chế kế toán vốn đủ nhanh để tạo ra sự thay đổi. Trong hơn 20 năm qua, triết lý quản lý tiền tệ và phát triển tài chính của Trung Quốc đã dựa trên một hệ thống kinh tế khép kín: duy trì lãi suất thấp và ổn định mà không phải lo ngại về việc bên ngoài lợi dụng buôn bán, sẵn sàng thông qua các gói kích thích kinh tế khi cần thiết mà không phải lo về chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng, hỗ trợ các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao và kiểm soát chặt chẽ tỷ giá hối đoái. Tất cả các biện pháp này chỉ có tác dụng khi các quỹ đầu tư nước ngoài không thể ảnh hưởng đến giá cả tài sản…

Mặc dù GDP của Trung Quốc hiện lớn gấp 10 lần so với năm 1995, nhưng những biện phát kiểm soát vốn nước ngoài vẫn giống như trước đây. Các cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 và 2008-2009 đã làm chính quyền Trung Quốc cố gắng "chậm chạp" trong việc đưa ra những điều chỉnh. Bên cạnh đó, dù Trung Quốc có thể từ bỏ kiểm soát đối với bên ngoài thì nước này vẫn thiếu các thị trường nội địa lớn. Nói ngắn gọn là chẳng có gì để đầu tư. Trung Quốc không có thị trường trái phiếu nội địa. So về quy mô, Trung Quốc có một thị trường lợi nhuận cố định kém sung mãn hơn nhiều so với các nước đang phát triển lớn khác.

Một điểm nữa trong mô hình tài chính của Trung Quốc, đó là sự phổ biến của những người đi vay thuộc sở hữu nhà nước nhưng vô kỷ luật và việc tin dùng các biện pháp tín dụng vĩ mô định lượng. Điều này tạo ra tính cấp thiết phải giữ các dòng tài chính tập trung trong hệ thống ngân hàng. Cũng chính điều này giải thích tại sao thị trường trái phiếu không phát triển nhanh hơn so với GDP trong thập niên 2000.

Nhiều người cho rằng Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở cửa các thị trường vốn của mình và thực hiện các cải cách để chuẩn bị cho việc đồng NDT có khả năng chuyển đổi, nếu không nước này sẽ tiếp tục phải tích trữ hàng trăm tỉ USD dự trữ ngoại tệ mỗi năm. Tuy nhiên, lập luận này cũng không có ý nghĩa về mặt kinh tế. Khi nào tỷ lệ tiết kiệm nội địa của Trung Quốc vẫn cao hơn mức đầu tư nội địa, nói cách khác là khi nào Trung Quốc thặng dư tài khoản vãng lai với bên ngoài, thì nước này sẽ vẫn phải tích trữ các tài sản nước ngoài.

Đ.K. (tổng hợp)
.
.