Mỹ Latin và Caribe trước cơn khủng hoảng

Thứ Năm, 23/04/2020, 11:00
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định không một quốc gia nào thoát khỏi những tác động mạnh mẽ của đại dịch toàn cầu COVID-19. Kinh tế Mỹ Latin và Caribe trong tháng 12-2019 và tháng 1-2020 tăng trưởng chậm, với việc nhiều nền kinh tế có tỷ lệ tăng trưởng rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài hình toàn cầu 2008-2009.

Mối quan ngại về đại dịch COVID-19 dần xuất hiện ở Mỹ Latin và Caribe sau khi đại dịch đã lan qua châu Âu và Bắc Mỹ. Sự ứng phó ban đầu của các nước khác nhau về tốc độ và phạm vi, từ việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và giảm thiểu nghiêm ngặt ngay từ đầu đến việc hoàn toàn xem nhẹ những hậu quả nghiêm trọng của đại dịch.

Các nhà phân tích đã đối chiếu các biện pháp trước đó của El Salvador nhằm hạn chế các chuyến bay vào ngày 25-1 trước khi có bất kỳ ca nhiễm nào được phát hiện ở nước này với hành động của các nhà lãnh đạo ở Nicaragua, Mexico và Brazil. Tại Nicaragua, Tổng thống Daniel Ortega kêu gọi người dân tuần hành chống lại dịch COVID-19.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tham gia cuộc tuần hành phản đối biện pháp đảm bảo an toàn và cách ly xã hội của các chính quyền tiểu bang.

Tại Mexico, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador vẫn tổ chức và tham dự các cuộc tụ họp nơi công cộng. Ở đó, ông vẫn ôm hôn những người tham dự, coi thường khuyến nghị của các chuyên gia y tế quốc tế. Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro công khai cho rằng đại dịch là một “trò lừa bịp’’, cho dù một nhân viên thân cận của ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đến giữa tháng 3, hầu hết các nước trong khu vực đã bắt đầu áp dụng các biện pháp được các chuyên gia y tế khuyến nghị, bao gồm việc cấm các chuyến bay từ các nước then chốt, cấm các cuộc tụ họp đông người nơi công cộng và tạm thời đóng cửa trường học. Không những không đưa ra được các chính sách và phản ứng đồng nhất mà các chính phủ trong khu vực còn thiếu sự hợp tác đáng kể trong việc giải quyết đại dịch, khiến gần 45.000 người mắc bệnh trong khu vực này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ còn tồi tệ hơn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và ở Mỹ Latin, Caribe, nơi 30% dân số sống dưới mức nghèo, gần 12% sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, tác động sẽ rất thảm khốc.

Trái ngược với nhiều quốc gia vùng Caribe, Cuba là quốc gia nâng cao ý thức chống đại dịch rất sớm. Trong ảnh là đoàn 114 nhân viên y tế Cuba đến Jamaica hỗ trợ cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cuộc khủng hoảng này sẽ đặt ra thách thức lớn nhất trong lĩnh vực y tế vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với những người dân nghèo ở nông thôn. Giống như những nơi khác, số giường bệnh và máy thở khó có thể đáp ứng nhu cầu trong đợt dịch bệnh này. Ở Venezuela, Haiti và Honduras, tỷ lệ giường bệnh/bệnh nhân còn chưa đến 1/1.000, nghĩa là cứ 1.000 người, chưa có nổi 1 giường bệnh.

Tỷ lệ này ở Colombia, Peru và Mexico là chưa đến 2/1.000. Ở Venezuela, cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện tại và tình trạng thiếu thốn dịch vụ y tế ngày một tồi tệ hơn - một phần chính do hậu quả cấm vận của Mỹ và đồng minh đem lại - tới mức chính quyền Tổng thống Maduro phải chấp nhận đưa ra lời đề nghị hợp tác với nhà lãnh đạo tự phong Juan Guaido để chống dịch.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela được dự báo là sẽ đặc biệt gay gắt vì kinh tế toàn cầu đang suy thoái, giá dầu giảm và nguồn lực của các nước láng giềng dành cho việc tiếp tục hỗ trợ và tiếp nhận những người nghèo nhất và những người đang tìm kiếm sự chăm sóc y tế vốn không đầy đủ ở Venezuela là có hạn.

Nền kinh tế của khu vực này không những phải chịu tác động sâu rộng và kéo dài của đại dịch mà có thể sẽ còn cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài khu vực để hồi phục. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ giảm ít nhất 1,8%. Xuất khẩu hàng hóa và du lịch, 2 trong số các nguồn thu nhập chính của Mỹ Latin và Caribe, sẽ phải trải qua những cú sốc đáng kể. Ngành công nghiệp du lịch, sản xuất và chế tạo sẽ bị gián đoạn. Giá cả hàng hóa và nhu cầu từ các nước như Trung Quốc, Saudi Arabia và Nga sẽ giảm và đồng tiền sẽ mất giá.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo về khả năng số người trong tình trạng nghèo đói cùng cực sẽ tăng từ 57,4 triệu người lên 90 triệu người. Với tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói đã đạt đến mức cao, tỷ lệ nợ GDP cao hơn so với năm 2008 và khả năng ứng phó theo chu kỳ bị hạn chế, sự không chắc chắn về thời gian đại dịch kéo dài và cú sốc nhu cầu trong khu vực sẽ đẩy Mỹ Latin và Caribe vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Khu vực này sẽ không thể phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng nhân đạo và khủng hoảng kinh tế nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.