Mỹ, Nga và “đại chiến lược” Trung Đông

Thứ Ba, 31/10/2017, 14:30
Việc nhiều thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại một số thành phố ở Iraq và Syria bị tiêu diệt vài tháng qua được đánh giá là thành công trong bối cảnh Washington đang ủng hộ các quốc gia Arập trong một vài khía cạnh của cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ hiện phải đối mặt với một thực tế là nước này chưa từng đề ra bất kỳ "đại chiến lược" rõ ràng nào cho những gì diễn ra tiếp theo.

Cán cân quyền lực Mỹ - Nga - Trung Quốc tại Trung Đông

Đã từ lâu, Mỹ luôn là nhân tố bên ngoài có tác động chi phối đối với Trung Đông tính từ thời điểm Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat trục xuất các cố vấn quân sự Liên Xô năm 1972 và quay sang nhận viện trợ quân sự, kinh tế từ Mỹ. Tuy nhiên, vai trò của Mỹ đang suy giảm.

Cán cân quyền lực giữa 3 cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc tại Trung Đông đang thay đổi. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là nước chi phối cục diện, từ hiện diện quân sự cho đến các nỗ lực ngoại giao và đây là điều không phải bàn cãi. Thế nhưng, chiến tranh Iraq năm 1991 là sự kiện bước ngoặt, khi nỗ lực biến đổi Trung Đông bằng vũ lực của Mỹ trở thành thảm họa, khiến các nhà nước và xã hội Arập bị tổn thương, mất lòng tin và thiện chí đối với Mỹ.

Mặc dù ghi nhận việc Mỹ đã có những đóng góp lớn trong cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria thời gian qua, song các chính trị gia và giới học giả Arập đang đau đầu không biết nên hy vọng Mỹ có tiếp tục can dự hay sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế? Giới lãnh đạo khu vực này cũng bị ám ảnh bởi tính chất bất ổn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và bắt đầu đa dạng hóa đối tác bên ngoài, nhằm thể hiện vai trò độc lập hơn.

Nga rõ ràng cũng đang chuyển mình, từ việc xây dựng chiến lược ở Syria cho tới hợp tác sâu sắc với Iran và mở rộng kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ. Có nhiều lý do lịch sử để e ngại Nga, nhưng hai cường quốc lớn ở khu vực này vẫn tìm thấy sứ mệnh chung với Moscow khi đối diện những bất ổn hiện thời ở khu vực cũng như tính bất tín của Washington.

Trong thế giới Arập, Ai Cập - với vai trò lãnh đạo chống Hồi giáo - có thể sẽ lại một lần nữa mở cửa với Moscow. Nhìn rộng ra, Nga ngày càng được nhiều nước trong khu vực để ý và tôn trọng so với những thập kỉ trước đây.

Khi quyết định can dự vào khu vực, các chuyên gia đối ngoại Nga khẳng định rằng Moscow không có tham vọng thay thế Mỹ bằng cách đưa ra các cam kết quân sự và trách nhiệm lớn hơn. Nga không có nguồn lực lẫn ham muốn trở thành nước bảo trợ an ninh cho khu vực. Nga cũng thích tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác với Mỹ, nhưng không phải là đứng về phía Mỹ, mà muốn chứng tỏ vai trò của một người trung gian công bằng giữa tất cả các bên trong nhiều cuộc xung đột ở Trung Đông.

Lính Mỹ tại Syria.

Mặt khác, Nga cũng xem khu vực này như một chiến trường thử nghiệm để kiểm chứng năng lực của mình trên trường quốc tế. Kế đến là Trung Quốc. Bắc Kinh chủ định tránh đối đầu hoặc cạnh tranh với Mỹ, nhưng sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ trống khi cần thiết và thúc đẩy các lợi ích kinh tế, chính trị cho riêng mình.

Giống như ở Nga, Trung Quốc từ lâu một mực khẳng định không theo đuổi chính sách đối ngoại nhằm thay thế Mỹ, rằng họ không có đủ nguồn lực để làm điều này, nhưng tình hình có thể đang thay đổi.

Trong nhiều thập niên, ngăn chặn một cường quốc đối thủ bên ngoài áp chế Trung Đông và đe dọa độc lập của các nước luôn là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Thế nhưng, liệu Washington có thích ứng được trước các chính sách ngày một quyết đoán của Nga cũng như vai trò chi phối của Trung Quốc?

Trên mặt trận an ninh, Mỹ vẫn là nhân tố chủ chốt ở Trung Đông. Với việc tăng cường năng lực cho Israel và các nước Arập qua cung cấp vũ khí và hợp tác an ninh, Mỹ vẫn đứng hàng số một. Tuy nhiên về mặt chính trị, vai trò này đã bị sứt mẻ sau cuộc chiến tranh Iraq, với việc dư luận nhiều nước Arập chủ chốt chỉ trích chính quyền đã quá phụ thuộc vào một siêu cường bên ngoài, cụ thể là Mỹ - cường quốc đã phạm phải sai lầm và thất bại trong việc giúp khu vực giải quyết xung đột và xây dựng các hệ thống chính trị cởi mở hơn.

"Đại chiến lược" cho Trung Đông

Không thể phủ nhận việc phá hủy các nhân tố then chốt cấu thành nên "Vương quốc Hồi giáo" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là thành công của Mỹ trong việc "xóa sổ" được một trung tâm quan trọng của chủ nghĩa khủng bố cũng như chủ nghĩa cực đoan, song Mỹ hiện phải đối mặt với một thực tế là nước này chưa từng đề ra bất kỳ "đại chiến lược" rõ ràng nào cho những gì diễn ra tiếp theo.

Chiến thắng của Mỹ trước IS đến quá muộn đến nỗi một số quốc gia có thể chứng minh rằng họ mới là những người chiến thắng thực sự. Rõ ràng, “những người giành chiến thắng” ban đầu trong việc kiểm soát và gây ảnh hưởng tại Syria chính là Bashar al-Assad (Tổng thống Syria), Iran, Nga và Hezbollah, trong khi lực lượng người Kurd được Mỹ ủng hộ đang bị cô lập và đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh liên minh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ ngày càng trở nên bất định. Iraq thì đang "lục đục" nghiêm trọng và đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến giữa người Arập và người Kurd.

Mỹ gần như bác bỏ mọi nỗ lực tái thiết tại thời điểm cả Syria lẫn Iraq đều rơi vào khủng hoảng thực sự và cả hai hầu như không làm được gì để chứng minh họ có thể giải quyết được các vấn đề nhân đạo cấp thiết nhất do các cuộc chiến trước đó để lại. Mỹ cũng chỉ đóng vai trò tượng trưng tại Libya và Yemen, chứng kiến Nga chìa tay ra với Saudi Arabia và các quốc gia Vùng Vịnh khác.

“Chiến thắng” của Mỹ trước IS xem ra không có nhiều ảnh hưởng đối với an ninh khu vực, hoặc cũng không đẩy lùi được mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan. Mỹ có thể đã đạt được một số thành công về mặt chiến thuật, song xét về mặt chiến lược và "đại chiến lược", các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ dường như đang "trắng tay".

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.