Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ muốn hợp tác với Nga chống IS?

Chủ Nhật, 17/07/2016, 15:40
Một bản kế hoạch hợp tác đang được xem xét trong nội bộ chính quyền Mỹ, bên cạnh đó là những phát biểu trên truyền thông đại chúng của giới chức lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày đầu tuần tháng 7 là những tín hiệu được phát đi từ phía Mỹ và đồng minh hướng đến sự hợp tác với nước Nga trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Ở phía ngược lại, thông điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân ngày Quốc khánh nước Mỹ cũng cho thấy khả năng hợp tác là hoàn toàn có cơ sở.

Theo kế hoạch đề xuất, quân đội Mỹ và Không quân Nga sẽ phối hợp cùng tiến hành các hoạt động không kích nhằm vào các mục tiêu của nhóm Hồi giáo cực đoan Jabhat al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda. Đổi lại sự hợp tác này là Nga sẽ phải dừng các hoạt động không kích nhằm vào các nhóm Hồi giáo ôn hòa chống Chính phủ Syria mà Mỹ không xem là khủng bố và gián tiếp hậu thuẫn. Đồng thời, Nga cũng phải thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad dừng tấn công các nhóm này.

Một số quan chức cao cấp khác trong chính quyền Mỹ không tin rằng Moscow sẽ chịu hợp tác với các điều kiện mà phía Mỹ đặt ra. Kể từ khi đưa máy bay tham gia không kích chống khủng bố ở Syria, Nga luôn khẳng định hoạt động quân sự của mình là nhằm vào các mục tiêu IS và sau nữa là các nhóm Hồi giáo cực đoan như Jabhat al-Nusra có liên hệ với Al-Qaeda.

Vấn đề là các nhóm Hồi giáo ôn hòa do Mỹ hậu thuẫn lại hoạt động đan xen với nhóm al-Nusra nên máy bay Nga không thể phân biệt được mục tiêu tấn công. Ngay cả máy bay Mỹ cũng đã nhiều lần ném bom nhầm “đồng minh” do không thể phân biệt mục tiêu.

Theo báo Washington Post, kế hoạch hợp tác với Nga hình thành sau những cuộc tranh luận gay gắt giữa các cơ quan trong guồng máy an ninh của nước Mỹ, vì vậy thông tin về việc triển khai bản kế hoạch chưa rõ ràng, chưa nhất quán. Tờ Washington Post đưa tin bản kế hoạch đã được gửi sang Moscow để đối tác Nga nghiên cứu và cho ý kiến, nhưng hai quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ lại cho rằng mọi chuyện vẫn chưa được quyết định.

Về mặt chính thức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby đã thừa nhận hôm 30-6 rằng nước Mỹ thật sự có nỗ lực nhằm phối hợp chặt chẽ hơn với nước Nga.

Trong cuộc tranh luận về kế hoạch hợp tác với nước Nga, ở cấp độ cao nhất, hai Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao tỏ thái độ khác nhau. Ngoại trưởng John Kerry được cho là ủng hộ kế hoạch, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter thì không mặn mà lắm. Hôm 30-6, ông Carter đã có những phát biểu thiếu tích cực, gọi sự hiện diện của quân đội Nga tại Syria là “không có lợi”.

Ông Carter cho rằng sự hợp tác với nước Nga là có khả năng, nếu Moscow “chịu tăng cường chống IS”, đồng thời “tích cực thúc đẩy tiến trình chính trị” ở Syria để giúp giải quyết cuộc nội chiến tại đây. Ông Carter cho rằng đây là điều kiện quan trọng để hợp tác. Theo tính toán của người Mỹ, có thêm sự hợp tác của Nga sẽ rất có ích cho chiến dịch phối hợp của Mỹ với các lực lượng Kurd và Hồi giáo ôn hòa nhằm xóa sổ “thủ đô tự xưng” của IS ở thành phố Raqqa.

Giới chức Mỹ cho rằng hiệu quả ném bom của Nga đang rất cần thiết cho hoạt động phối hợp chống IS của Mỹ tại Syria hiện nay.

Trong khi đó, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đánh tiếng muốn hợp tác trở lại với Nga trong cuộc chiến chống IS. Đầu tiên là việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã phát biểu trên truyền thông về qua hệ với Nga. Ông Erdogan đã tỏ vẻ “hối tiếc” về việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga hồi cuối năm 2015. Sau sự cố đó, Nga đã cắt toàn bộ quan hệ kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ và cấm du khách Nga đi du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ, gây ra những thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế.

Tiếp sau phát biểu của Tổng thống Erdogan, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng phát biểu trên kênh truyền hình TRT Haber của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3-7 về việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể tái hợp tác với Nga để chống IS.

Trong phát biểu của mình, ông Cavusoglu đã “vô tình” để lộ hàm ý rằng “Ankara có thể mở cửa Căn cứ Không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ cho máy bay Nga sử dụng làm bàn đạp tấn công IS. Thông tin được truyền đi từ đài TRT Haber cũng khiến cho các đồng minh NATO đang có máy bay trú đóng trong căn cứ Incirlik băn khoăn lo ngại, vì sự hiện diện của không quân Nga tại căn cứ này sẽ gây khó xử cho họ.

Bởi thế, ngay sau khi phát biểu của mình được truyền đi theo hướng trên, ông Cavusoglu đã lên tiếng cải chính rằng “không có chuyện Ankara cho Moscow sử dụng Căn cứ Incirlik”, mọi chuyện là do truyền hình TRT Haber hiểu sai ý của ông.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ có mở căn cứ Incirlik cho Nga sử dụng hay không chẳng ảnh hưởng gì đến hoạt động chống IS của nước Nga, bởi nếu cần dùng không quân tấn công IS thì Nga hoàn toàn có thể sử dụng căn cứ của riêng mình tại tỉnh Latakia, Syria.

Một điều kiện thuận lợi là, việc Ankara đưa ra thông điệp tái hợp tác với nước Nga trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang hứng chịu liên tiếp nhiều vụ tấn công khủng bố do IS gây ra, có thể được Moskva chấp nhận, vì trong số nạn nhân vụ khủng bố ở Istanbul hôm 28-6 có một số nạn nhân là công dân Nga, và một số nghi phạm cũng là công dân Nga. Điều này cho thấy khủng bố IS đang trở thành mối bận tâm chung của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, và Điện Kremli cũng đã tuyên bố cần phải nối lại việc chia sẻ thông tin chống khủng bố IS với Ankara.

Kế hoạch hợp tác của Mỹ với Nga cũng có khả năng được Moscow chấp nhận, nếu bản kế hoạch đề xuất được chia sẻ và có thảo luận thấu đáo giữa hai phía Nga và Mỹ. Những điều kiện phía Mỹ đặt ra phải phù hợp với lợi ích chiến lược của Nga và được Nga đồng ý thì kế hoạch hợp tác mới thành công. Một thuận lợi cho việc thảo luận kế hoạch này, đó là Điện Kremli đang có thiện chí nối lại các mối quan hệ hợp tác với Mỹ, và điều này đã được Tổng thống Putin đưa ra trong thông điệp gửi Tổng thống Mỹ Obama vào ngày 4-7, nhân kỷ niệm 240 năm thành lập nước Mỹ.

An Châu (tổng hợp)
.
.