Mỹ sẽ tăng đặc nhiệm chống IS tại Syria
- Đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tại Syria
- Cuộc sống bí mật của thành viên đặc nhiệm Catturandi
- 9 lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới
- CIA phối hợp lực lượng đặc nhiệm tìm diệt các mục tiêu Al-Qaeda và IS
- Những đội đặc nhiệm không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS
Theo Washington Post, việc tăng cường đặc nhiệm sang Syria nằm trong kế hoạch chung tăng viện cho cả Iraq và Syria. Kế hoạch này đã được quyết định từ đầu tháng 4-2016, theo đó Mỹ sẽ tăng thêm 250 đặc nhiệm tại Syria và 200 tại Iraq.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, việc tăng cường đặc nhiệm sang Syria là nhằm mục tiêu góp phần giúp tăng cường năng lực chiến đấu cho mạng lưới các nhóm phiến quân Arập ở Trung Đông để chống IS, trong đó người Kurd đóng vai trò chủ đạo.
Theo kế hoạch, các đặc nhiệm Mỹ sang Syria lần này sẽ thực hiện nhiệm vụ làm cố vấn được triển khai tại các khu vực nằm ngoài vùng chiến sự và sẽ thường xuyên di chuyển ra vào Syria chứ không đóng quân cố định tại chỗ. Tại Iraq, ngoài việc tăng viện lính đặc nhiệm, Tổng thống Obama còn cho phép các chỉ huy quân đội Mỹ tại Iraq sử dụng máy bay trực thăng tấn công Apache và triển khai cố vấn đến tận các đơn vị cấp thấp để hỗ trợ binh sĩ địa phương trong các đợt tấn công sắp tới vào thành phố Mosul.
Theo giới chức quốc phòng Mỹ, mặc dù cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria gần đây đã gặt hái một số thành công nhưng vẫn còn một số mặt chưa đạt được như ý muốn của Lầu Năm Góc.
Theo giới phân tích, giới lãnh đạo ở Mỹ vẫn chưa hài lòng với năng lực chiến đấu còn hạn chế của các nhóm phiến quân, chưa kể việc phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng này cũng là một vấn đề. Tại Iraq, mặc dù lực lượng quân sự Iraq do Mỹ hậu thuẫn đã giành lại được thành phố quan trọng Ramadi vào đầu năm 2016, nhưng kế hoạch tiến vào Mosul đang bị trì trệ do chính quyền Baghdad đang bận rộn giải quyết những khó khăn về kinh tế và chính trị, trong khi việc phối hợp các lực lượng chiến đấu người Sunni, Shiite và Kurd lại với nhau đang phát sinh vấn đề.
Ngoài ra, quân đội Iraq cũng đang đối mặt với nhiều thử thách khác như tinh thần chiến đấu của binh sĩ xuống thấp, lãnh đạo lủng củng và hậu cần khó khăn. Tại Syria, lực lượng người Kurd với sự hỗ trợ của không quân Mỹ đã giành một số thắng lợi ở Bắc Syria trong năm vừa qua, nhưng kế hoạch tiến vào Raqqa lại đang gặp khó khăn.
Một số quan chức chính quyền Mỹ dẫn ra thực tế chiến dịch chống IS gần đây, điển hình là vụ việc lấy lại thành phố Shaddadi ở miền bắc Syria. Cuộc chiến tại thành phố này dự kiến diễn ra trong nhiều tuần lễ, nhưng thực tế chỉ kéo dài vài ngày đã giành thắng lợi. 60% lực lượng tham gia đánh vào Shaddadi là người Kurd, còn lại 40% là người Sunni và các lực lượng Arập khác, nhưng hầu như người Kurd làm tất cả. Vì thế trận chiến này được xem là đã thể hiện tính hiệu quả cao của người Kurd.
Đặc nhiệm Mỹ tại Syria sẽ tăng lên con số 300. |
Steve Warren, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ nói rằng, một nhóm khoảng 200 tay súng Arập đầu tiên sẽ tốt nghiệp khóa huấn luyện do Mỹ tổ chức và sẽ tham gia vào Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm “lắp ghép” gồm 30.000 tay súng người Arập, Kurd, Assyria và Thổ Nhĩ Kỳ. Những tay súng này được huấn luyện bởi các chỉ huy địa phương người Kurd. Đây là một dấu hiệu của việc Mỹ sẽ chuyển giao công tác huấn luyện cho các chỉ huy địa phương, vì chính họ mới hiểu rõ học viên của mình hơn người Mỹ.
Lầu Năm Góc cũng từng tổ chức chương trình huấn luyện 15.000 tay súng cho quân đội Arập trong ba năm qua nhưng đã kết thúc trong thất bại vào năm 2015, vì chỉ “sản xuất” được khoảng vài chục tay súng chiến đấu được. Từ đó Mỹ chuyển sang sử dụng người Kurd phối hợp với Liên minh Arập Syria (SAC) với 5.000 tay súng, hơn một nửa là người Arập Sunni, là một phần trong lực lượng SDF ở Syria.
Tổng thống Obama hy vọng, việc tăng cường đặc nhiệm sang Syria và Iraq làm cố vấn cho các lực lượng địa phương như vừa nêu sẽ giúp Mỹ sớm hoàn thành mục tiêu chống IS, có thể trước khi ông mãn nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ vào đầu năm tới.