Mỹ thất bại với “Liên minh tự do hàng hải”

Thứ Hai, 29/07/2019, 11:30
Ngày 24-7, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết quân đội nước này sẽ không cung cấp tàu hộ tống hàng hải cho tất cả các tàu thương mại khi đi vào Vùng Vịnh nhưng sẽ duy trì sự hiện diện quân sự ở đó để ngăn chặn mối đe dọa từ Iran.

“Chúng tôi sẽ chỉ hộ tống các tàu thương mại của Mỹ nếu thấy cần thiết”, ông Mark Esper nói với các phóng viên trong ngày đầu tiên làm lãnh đạo Lầu Năm Góc.

Tuyên bố trên cho thấy Mỹ dường như đã thất bại trong việc vận động các nước thành lập một liên minh nhằm bảo vệ tự do hàng hải ở Vùng Vịnh.

Kể từ sau khi xảy ra các vụ tấn công phá hoại và bắt giữ tàu chở dầu khi đi qua biển ở Vùng Vịnh, ngày 9-7, tướng Joseph Dunford, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã tiết lộ ý định thành lập một liên minh như trên. Ông Dunford xác nhận là đã liên lạc với một số quốc gia về phương án liên minh bảo vệ tự do hàng hải ở eo biển Hormuz và Bab al-Mandeb.

Quy mô chiến dịch sẽ tùy thuộc số lượng quốc gia ủng hộ. Trong tuần sau đó, ông Dunford đã sang Saudi Arabia để vận động thành lập liên minh này nhưng dường như không nhận được sự ủng hộ của Ryad. Eo biển Hormuz gần như là cửa ngõ duy nhất với dầu xuất khẩu của Saudi Arabia nên thật dễ hiểu là nước này không muốn làm tình hình thêm phức tạp.

Nếu như Mỹ gặp khó khăn vì có ít quốc gia Vùng Vịnh ủng hộ sáng kiến thành lập liên minh thì Anh, quốc gia đang trực tiếp có xung đột với Iran về việc bắt giữ các tàu chở dầu của nhau, đang lên tiếng kêu gọi các đồng minh châu Âu vào cuộc. Ngày 23-7, 3 nhà ngoại giao cao cấp của EU cho biết Pháp, Ý và Đan Mạch ủng hộ kế hoạch của Anh, nhằm thực hiện một sứ mệnh hải quân do châu Âu lãnh đạo để bảo đảm việc vận chuyển an toàn qua eo biển Hormuz.

Sự ủng hộ mới đây tại cuộc họp của các đặc phái viên EU ở Brussels trái ngược hoàn toàn với phản ứng hờ hững của các đồng minh châu Âu đối với lời kêu gọi tương tự của Mỹâ. Các nước EU lo ngại rằng một sự ủng hộ Mỹ có thể khiến căng thẳng Mỹ-Iran trở nên trầm trọng hơn. Một nhà ngoại giao cao cấp của EU cho biết yêu cầu của Anh, thay vì của Washington, đã giúp người châu Âu dễ dàng đoàn kết quanh vấn đề này. Quyền tự do hàng hải là rất cần thiết và việc này tách biệt với chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ đối với Iran.

Một thủy thủ Mỹ quan sát trên tàu USS John C. Stennis trong lúc đi qua eo biển Hormuz.

Theo Reuters, Anh thử nghiệm ý tưởng này với các nhà ngoại giao cao cấp của EU tại một cuộc họp ở Brussels, đồng thời tuyên bố kế hoạch của họ sẽ không liên quan trực tiếp đến Liên minh châu Âu, NATO hay Mỹ. Tuy nhiên, xét đến kế hoạch của London trong việc rời khỏi EU, sứ mệnh này sẽ trở thành một liên minh rời rạc hơn hơn so với sứ mệnh hải quân chống cướp biển Atalanta ngoài khơi Somalia.

Trong khi các nước phương Tây đang muốn đưa quân tới kiểm soát eo biển Hormuz, ngày 24-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố, bảo vệ eo biển Hormuz là trách nhiệm của Iran chứ không phải việc của các quốc gia khác. Ông Rouhani cho rằng, cộng đồng quốc tế nên cảm ơn Iran vì quốc gia này đã góp phần đảm bảo an ninh ở vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz, cũng như nhấn mạnh việc bắt giữ tàu Anh hoàn toàn dựa trên các cơ sở pháp lý.

Ông Rouhani tuyên bố “không mong muốn những căng thẳng về quân sự tại đây (Vùng Vịnh)” đồng thời khẳng định Iran sẽ không tranh cãi với Anh. Nếu Anh thả tàu chở dầu của Iran bị bắt giữ ở Gibraltar, thì London sẽ nhận được sự đối đãi tương xứng từ phía Tehran.

Báo Le Figaro của Pháp dẫn một nguồn tin thân cận chính quyền Tehran cho biết lực lượng IRGC đã có chiến lược gồm 3 giai đoạn. Hiện nay họ kiểm soát sở hữu chủ các tàu đi vào eo biển Hormuz, giai đoạn tiếp theo là đóng cửa eo biển với các địch thủ, chỉ cho các tàu nước bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản vào.

Cuối cùng, nếu bị tấn công, Iran sẽ đóng hẳn Hormuz và phản công từ vùng duyên hải. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia nhận định: “Iran tìm cách duy trì không khí bất ổn nhưng không vượt qua ngưỡng có thể làm cộng đồng quốc tế phải hành động”. Nhưng, điều tệ hại nhất có thể tránh được đến bao giờ?

Trong lúc chờ đợi, hiện các chủ tàu đang là những người phải chịu trận. Ngoài những thiệt hại về hàng hóa và tàu, họ còn phải trả chi phí bảo hiểm cao hơn để di chuyển trong khu vực hàng hải chiến lược này. Christian Zaninetti, chuyên gia về thân tàu thương mại thuộc Công ty Môi giới bảo hiểm Marsh France, cho biết, kể từ giữa tháng 5 đến nay, phí bảo hiểm cho một chuyến tàu có chở hàng khứ hồi trong 7 ngày ở các nước Vùng Vịnh đã tăng lên khoảng 30 lần.

Về mặt cơ học, một số chủ tàu chuyển giao mức tăng phí bảo hiểm cho khách hàng của họ. Công ty vận chuyển CMA CGM kể từ ngày 5-7 đã đưa ra mục phụ phí “rủi ro bổ sung ở Trung Đông” là 36 USD/TEU (đơn vị đo lường container) và phải được thanh toán cho tất cả hàng hóa được vận chuyển đến hoặc đi từ Oman, UAE, Saudi Arabia, Kuwait, Iraq, Qatar và Bahrain.

Nelly Grassin, Giám đốc môi trường và an toàn tại Armateurs de France (Liên đoàn Các hãng vận tải biển của Pháp) cho biết, sự gia tăng các mối đe dọa cũng có thể dẫn đến sự gia tăng tiền lương của những người đi biển vì họ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn. Chuyên gia Hervé Thomas, thuộc Armateurs de France, nhắc nhở các tàu thương mại không nên trang bị lính gác vũ trang trên tàu hoặc vũ khí hạng nặng như tàu chiến. Các tàu khi đi vào Vùng Vịnh được khuyên ưu tiên di chuyển vào ban ngày, không giảm tốc độ và tăng cường giám sát các mạn tàu.

Ông Thomas cho rằng ngay cả khi Mỹ hay châu Âu thành lập được liên minh hộ tống tàu thương mại ở Vùng Vịnh thì không chắc rủi ro cho các công ty bảo hiểm sẽ giảm vì họ sợ leo thang căng thẳng. “Hoạt động chống cướp biển ở Ấn Độ Dương đã mang lại một số thành quả đáng mừng nhưng ở đây chúng ta đang phải đối mặt với các sự kiện như rủi ro chiến tranh”, ông Thomas nói.

“Chúng ta không thể hộ tống tất cả các tàu và tổ chức giám sát hoàn hảo cho tất cả phương tiện giao thông hàng hải trong khu vực này vì điều đó sẽ tạo ra những chi phí rất cao cho các chủ tàu”, chuyên gia Thomas kết luận.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.